Chiến tranh, hòa bình và tư duy Dân chủ

tác giả HT Lãng Tử
88 xem

Chiến tranh, hòa bình và tư duy Dân chủ

Phần 1: Ký ức tuổi thơ về chiến tranh và thời bao cấp

Đám trẻ con phố mình lớn lên trong thời kỳ Việt nam vừa thống nhất xong lại đánh Campuchia, chống quân Tàu bành trướng rồi đến thời bao cấp đói khổ. Tối ngày nghe nhạc đỏ và tuyên truyền chiến thắng nhàm tai quá nên mấy đứa lại nghêu ngao hát nhạc chế đại loại như “Giải phóng hồ ao bộ đội ta bắt cua về xào …” cho quên cái đói và rét của những mùa thu và đông Hà nội quần áo phong phanh ko giày không tất. Khó khăn thiếu thốn đủ thứ mà mấy đứa vẫn thừa năng lượng nên thích ăn rau húng tối ngày tụ tập đánh nhau phân chia thứ bậc cao thấp. Chỉ cần một mâu thuẫn xô xát nhỏ, va chạm trong bóng đá, cãi nhau vì “cờ ngoài bài trong” là có cớ để lập xới đánh nhau giữa phố hay về gọi hội để đánh nhau với trẻ con phố khác ngay.

Hồi đầu cấp hai chẳng nhớ vì một mâu thuẫn lãng xẹt nào đó với hai đứa cùng lứa mà chúng nó lại kích bọn mình đánh nhau. Thằng Thắng kém mình vài tháng, còn thằng Hùng nhỏ hơn mình một hay hai tuổi gì đó. Hai đứa đều cậy có anh lớn nên luôn tỏ ra “đầu gấu”, kết bè với nhau bắt nạt mình và những đứa bạn hiền lành khác. Mình tuy thấp bé nhẹ cân nhưng vẫn nhỉnh hơn chúng nó nên chơi “quân tử” chấp cả hai thằng đấu vật một lúc. Khi hai đứa cùng xông vào có một chú sơ hở liền bị mình ngáng chân rồi đẩy lăn quay ra nền đường gạch khiến cu cậu ôm tay kêu trời. Lúc đầu cứ nghĩ nó đùa lăn ra ăn vạ nhưng sau mới biết chú ta bị sái hay gãy tay gì đó phải bó bột mất mấy tuần. Cũng may đầu nó ko bị va vào nền gạch, thật hú vía. Chuyện đến tai mẹ mình, bà chỉ trách nhẹ rồi cũng sang nhà thằng Thắng thăm hỏi và xin lỗi mấy câu để giữ hòa khí.

Từ đấy bọn trẻ con cũng nể mình “nhỏ mà có võ”, ko dám bắt nạt nữa. Mình tuy bé nhưng thông minh bẩm sinh hơn khối anh lãnh đạo bây giờ nên ko ngạo nghễ trước mặt hai thằng kia về trận thắng đấy. Chứ ko chúng nó tự ái lại gọi mấy ông anh ra cà khịa thì chắc mình chẳng dám ló mặt ra phố nữa, còn khổ gấp mấy lần Việt nam bị Mỹ cấm vận ấy chứ.

Ơn trời trong trận đấu ko cân sức nọ mình may mắn ko bị xây sát gì. Chẳng như bộ đội ta bị Tàu cộng và Liên xô xúi đểu đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng rồi “quân địch chết ba, quân ta chết bảy”. Cảnh thương binh tranh nhau xếp hàng ưu tiên mua gạo, mua dầu và thực phẩm thời bao cấp là nỗi ám ảnh của những người phải dậy sớm nhưng phải xếp hàng sau cùng. Sau lưng các chú thương binh bọn trẻ còn trêu đùa nhau tập trận giả: “Báo cáo thủ trưởng đơn vị tôi có bảy đồng chí, què đi công tác, lác lái máy bay, cụt tay đào hầm … anh bố láo làm chỉ huy”.

Càng ngẫm lại càng cay thằng Tàu thâm độc và thương cho dân mình bị nó lừa theo kiểu “xui trẻ con ăn cứt gà sáp”. Tàu cộng và Liên xô viện trợ cho mình đủ thứ từ kem đánh răng đến tên lửa đại bác và xe tăng để đánh Mỹ nhưng đến bây giờ Tàu cộng chẳng dám ho he xua quân động đến Đài loan. Mao là kẻ độc tài đồ tể tàn sát và đàn áp hàng chục triệu người Tàu trong cuộc chiến Quốc – Cộng và trong CM Văn hóa ko gớm tay. Đặng Tiểu Bình xua quân xâm lược Việt nam năm 1979, sẵn sàng thí mạng hàng chục vạn lính Tàu cộng để tỏ lòng trung thành với Mỹ hay tàn sát hàng chục nghìn người vô tội trong vụ Thiên An môn. Rồi biết bao đời bạo chúa Tàu cộng khác như Giang Trạch Dân và nay là Tập Cận Bình tuy hung hăng nhưng cũng tỉnh táo ko dám xua quân xâm lược Đài loan. Đông Đức và Liên xô thời đỉnh cao về kinh tế và quân sự cũng chẳng ngu gì mà tấn công “giải phóng” Tây Đức khỏi ách bóc lột Tư bản.

Bố mẹ mình đều là giáo viên, so với đám cùng trang lứa mình là đứa ít tăng động chỉ ham đọc sách, nhất là sách văn học cổ và lịch sử trước năm 1954. Lịch sử sau năm 1954 chủ yếu nghe đài báo tuyên truyền và sách vở nhà trường nên cũng thần tượng ông bác râu dài lắm. Âu cũng nhờ có lòng yêu nước thương dân của ông cụ qua mấy bài thơ ca trữ tình mà cái máu hung hăng hiếu chiến trẻ con trong người mình cũng dịu đi phần nào.

Mùa thu năm 1989 mình vừa chân ướt chân ráo sang CHDC Đức học tình cờ được chứng kiến sự sụp đổ của bức tường thành Berlin. Đông Đức hồi đó dưới con mắt của cậu sinh viên vừa qua thời bao cấp đã là thiên đường rồi mà xứ “giãy chết” bên kia bức tường còn sung túc gấp hàng chục lần. Việc nước Đức thống nhất trong hòa bình đã tạo cho mình một cú sốc lớn. Đặc biệt lạ hơn khi thấy ông thủ tướng Helmut Kohl – người có công lớn trong việc thống nhất nước Đức – bất lực giơ hai tay che đỡ và tránh làn mưa trứng và cà chua bay ra từ vài người trong đám đông (thay cho pháo hoa và những bản nhạc ngợi ca lãnh tụ anh minh sáng suốt) trong chuyến viếng thăm phần lãnh thổ mới sáp nhập.

Có những dịp sang Tây Đức gặp mấy chú bác từng là sĩ quan VNCH, được nghe kể về sự đàn áp tẩy não trong các trại cải tạo và thảm cảnh khi vượt biên mình mới cảm nhận được mặt trái phũ phàng của cuộc chiến. Nhưng khi họ vừa tỏ ý coi thường ông bác râu dài là mình liền đỏ mặt tía tai đem hết tài hùng biện ra để bảo vệ thần tượng. Sau này có thêm thông tin trên mạng mới biết ông cụ đã mất trinh từ lâu, chẳng phải thánh sống thánh chín gì cả. Nghe đâu có cô Nông Thị Xuân và mấy cô khác nữa. Đến khi cả nước xôn xao về vụ anh gánh củi người dân tộc nào đó chẳng có công đánh Pháp đuổi Mỹ, cũng chẳng có bằng cấp ghê gớm hay tài kinh bang tế thế gì mà nghễu nghện leo lên ngai vàng mới té ngửa ra tin đồn của bọn “phản động” về vụ “người không con mà có triệu con” là thật. Hóa ra giai thoại về lãnh tụ cứ thực thực hư hư chẳng biết thế nào mà lần “dân thì bảo có, đảng thì bảo không, khoa học chưa chứng minh được”.

Càng tìm hiểu thông tin đa chiều lại càng thấy “bọn phản động” có lý mới buồn chứ. Tuy sống ở xứ dân chủ đã lâu nhưng thần tượng của mình chỉ sụp đổ cho đến khi tận mắt nhìn thấy những ảnh chụp bài báo “Địa chủ ác ghê” của ông bác C.B. đấu tố bà Nguyễn Thị Năm nhan nhản trên Facebook. Theo nhà báo Trần Đĩnh trong cuốn “Đèn cù” thì ông tiên hiền từ mắt sáng râu dài trong thơ ca đã đeo kính râm và bịt râu để tận mắt đi xem đấu tố.

Đến bây giờ mình mới hiểu tại sao ngày xưa bố mẹ mỗi khi nói chuyện về ông Hồ và CCRĐ lại phải hạ giọng thì thầm và nhìn trước ngó sau ra chiều lo sợ. Hồi đó chỉ biết sơ qua ông nội là địa chủ và thày lang thuốc Bắc có công nuôi dưỡng nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt minh nhưng phải bỏ quê tản cư ra Thái bình rồi di cư vào Nam năm 1954. Gia đình bên ngoại là Tư sản ở Hà nội vừa tự nguyện hiến vừa bị tịch thu nhiều nhà cửa và vàng bạc cho nhà nước nhưng mẹ mình vẫn thần tượng ông Hồ lắm. Mỗi khi nhắc đến CCRĐ bà vẫn không tin hoặc cho rằng đàn em của ông ấy làm bậy thôi.

Hệ lụy của việc tuyên truyền nhồi sọ quá khủng khiếp và chiến tranh thật tàn khốc. Bọn mình hồi bé ngây thơ ngoan ngoãn là thế mà suốt ngày bị tiêm nhiễm nhạc đỏ ca ngợi chiến thắng, nghe kể chuyện cảnh giác hay xem phim màu chiến đấu nhiều tập của Liên xô. Sau đấy cũng bắt chước làm kiếm cung, súng ống rồi chia phe đánh nhau như phường tuồng. Nhiều lúc húng lên cũng choảng nhau tới bến. Đám con gái yểu điệu thục nữ cũng chẳng kém cạnh, lâu lâu lại thấy vài cô xông vào túm tóc cào cấu và xé quần áo của nhau.

Trẻ con chơi với nhau hàng ngày còn đánh nhau chí tử thế, huống chi hàng triệu con người xa lạ ở cả hai phía bị nhồi sọ vì lòng thù hận nhân danh lý tưởng này nọ lao vào bắn giết lẫn nhau để hơn thua sống mái sẽ tạo nên sức mạnh hủy diệt không gì cản nổi. Cũng may đối thủ của Bắc Việt lúc đó là một nước Mỹ dân chủ hùng cường văn minh và lính miền Nam ko bị lòng thù hận giai cấp làm mờ lý trí. Khi thấy ko thể dùng vũ lực để thay đổi cục diện chính trị ở miền Nam người Mỹ đã đi nước cờ cao hơn và rất nhân văn, chấp nhận rút quân để thu phục Tàu cộng là tên chủ mưu đứng sau lưng xúi giục Bắc Việt. Lính miền Nam cũng chấp nhận buông súng dễ dàng để tránh cảnh huynh đệ tương tàn.

Cuộc chiến đã kết thúc 48 năm nhưng việc tuyên truyền nhồi sọ ấu trĩ và lố bịch về lòng thù hận và chiến thắng đế quốc Mỹ qua sách vở phim ảnh, ca nhạc và truyền thông đã hằn sâu vào tư duy của người Việt qua nhiều thế hệ tạo nên sự méo mó về nhân cách và xu hướng dùng bạo lực, mạnh sống mống chết. Hệ quả của nó là bạo lực tràn lan xảy ra ở mọi nơi mọi lúc, trong các gia đình, trường học nơi làm việc và chốn công cộng. Tư duy bạo lực và ngạo nghễ địch ta sống mái khiến cho con người trở nên ích kỷ, bảo thủ, kiêu ngạo, nghi kỵ lẫn nhau và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân. Văn hóa độc tài này gây chia rẽ, cản trở sự hợp tác trong công việc, nghiên cứu và kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân tại sao người Việt hay khôn lỏi, mánh mung nhưng khó hợp tác làm ăn lớn và lâu dài. Nó cũng là nguồn gốc của sự tha hóa về đạo đức gây bất công và bất ổn trong xã hội.

Karlsruhe 06.05.2023

HT Lãng Tử

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved