(Bài viết về Tuyển tập thơ cũng như chân dung thi sĩ Trần Mạnh Hảo gồm 3 phần. Có lẽ, tương đối dài, nên tôi viết và post từng phần)
Có lẽ, đã nhiều lần tôi viết về thơ văn cũng như chân dung thi sĩ Trần Mạnh Hảo. Và lần nào cũng vậy, viết xong đều cho tôi một cảm giác, như mới chỉ làm được cái công việc gãi ngứa vào khối kiến thức, với những tác phẩm thật sâu sắc, đa tầng ở mọi thể loại của Trần Mạnh Hảo mà thôi. Cho nên, vài tuần trước Trần Mạnh Hảo gửi tặng Tuyển tập thơ, tôi đọc ngay, đọc một cách chậm rãi, ngâm nga. Vâng, một món ăn khoái khẩu. Một Tuyển tập thơ đồ sộ cho tôi nhiều cảm xúc khi đọc.
Khi đi sâu vào đọc, và nghiên cứu Trần Mạnh Hảo, có thể thấy, không chỉ ở trong thơ, mà ở văn xuôi, hay phê bình vẫn hiển hiện lên những trăn trở, đớn đau của ông, của tha nhân. Với tài năng phát tiết cả ba mảng: thơ, văn và phê bình làm tôi chợt nghĩ, bác Trần Mạnh Hảo hiện lên giữa sóng gió cuộc đời, sóng gió văn học cứ như thể kiềng ba chân vậy.
Trần Mạnh Hảo họ Phạm, sinh năm 1947 tại Nam Định. Năm 1968, tốt nghiệp trung học (cấp 3), nhưng ông không thể vào đại học. Bởi, cái lý lịch nhọ như đít chảo (của gia đình), dù Trần Mạnh Hảo vừa thi học sinh giỏi văn và đạt giải nhất miền Bắc ở thời điểm đó. Bi đát và chán chường, ông hối lộ để được đi lính. Và đi vào chiến trường, nghĩa là đã cầm sẵn giấy báo tử trên tay. Song với Trần Mạnh Hảo ra trận, tôi tin đó là một sự giải thoát. Giải thoát bế tắc cuộc sống, và buộc phải chôn vùi mối tình đầu văn học: “Nàng thơ hỡi của mối tình đầu văn học/ Phủ vàng thu lên mắt biếc ban đầu“ (Vàng xưa ơi). Buộc phải lấy chiến tranh thay cho cuộc tình ấy. Chẳng vậy, mà cho đến nay ở cái tuổi thất thập, ông vẫn còn đau đớn thốt lên: “Em bỏ lại tuổi xuân anh chùa Hưng Lộc/ Gió lên trời mây đại học em sâu/ Không còn em tuổi mưa ngâu trúng độc/ Lấy chiến tranh làm cuộc tình đầu.“ (Ai đền anh tuổi hai mươi đã mất).
Có thể nói, Trần Mạnh Hảo đã thành công và ghim vào lòng nhiều tầng lớp người đọc ở cả ba lĩnh vực: thi ca, văn xuôi và phê bình văn học. Với sáu mươi năm cầm bút, và trên (dưới) ba chục tác phẩm đã in ấn, phát hành chứng minh bút lực, tài năng, cũng như tình yêu đất nước, con người của Trần Mạnh Hảo: “Ôi đất nước, anh yêu em đến băng hoại cả đời“. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào khía cạnh thơ ca. Và đây cũng là mảng chính làm nên tên tuổi, chân dung thi sĩ tài hoa Trần Mạnh Hảo.
Cũng như các thi sĩ cũng thời ở hai bên chiến tuyến, thơ ca Trần Mạnh Hảo đi sâu thân phận người lính, cùng nỗi buồn chiến tranh. Song mảng đề tài về tình yêu quê hương, đất nước con người sâu sắc và quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp sáng tạo của ông. Những năm gần đây thơ thế sự, xã hội đã góp phần không nhỏ làm nên khí phách, hồn thơ Trần Mạnh Hảo.
Gần đây, trong lúc khật khừ, có vài bác sâu rượu hỏi: Đỗ Trường khoái đọc nhà thơ đương đại nào nhất? Một câu hỏi thật khó trả lời. Bởi, nhà thơ tài năng từ trong nước ra đến hải ngoại, khoái và yêu thì nhiều lắm. Song nhà thơ nào cũng vậy, đã có hay chắc chắn phải có dở. Gu của mỗi người đọc cũng như thưởng thức món ăn. Ngon với người này, chưa hẳn đã hợp khẩu vị của người khác. Tuy nhiên, nếu buộc phải đưa ra một nhận định, sau hồn thơ Huy Cận tôi nghĩ ngay đến Trần Mạnh Hảo.
Có được như vậy, có lẽ bởi tài năng (đặc biệt) sử dụng biện pháp tu từ trong thơ ca của Trần Mạnh Hảo. Với hình ảnh, trí tưởng tượng phong phú, và sự liên tưởng độc đáo, cùng từ ngữ giản dị, hoán đổi ngữ nghĩa, do vậy thơ ông sắc, nhọn, hồn khí ấy đi thẳng vào lòng người. Và đó cũng là nghệ thuật chính làm nên thi ca Trần Mạnh Hảo.
*Lấy chiến tranh làm cuộc tình đầu.
Chủ nghĩa lý lịch đã bịt kín tương lai, cuộc sống Trần Mạnh Hảo. Do vậy, ngay từ thuở hoa niên cho đến khi bước vào đời, nhất là những năm tháng khói lửa nơi chiến trường đã giết chết tâm hồn ông. Sự bi quan, chán chường ấy, được Trần Mạnh Hảo khái quát bằng câu thơ với hình ảnh hay đến rợn cả người: “ Tôi đã chết với tâm hồn bia mộ“. (Gió thổi tôi đi). Và tôi xin mượn nó để làm lời tựa cho bài viết này.
Vịn vào thi ca để đứng dậy và bước đi ngay từ năm tháng đói khát, khổ đau đầu đời Trần Mạnh Hảo. Do vậy, với ông văn học ví như (mối) tình đầu vậy. Và chính mối tình đầu (văn học) ấy đã khước từ tuổi xuân, an táng linh hồn Trần Mạnh Hảo ngay nơi chùa Hưng Lộc quê hương, để hình hài ông lao vào: “Anh khói lửa phóng mình yêu viên đạn/ Máu xanh rơi khổ nạn chết trong rừng?“. Có thể nói, “Ai đền anh tuổi hai mươi đã mất“ là bài thơ mang tâm trạng đầu như vậy, và nó cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo. Đọc bài thơ này, tôi bị ám ảnh. Sự ám ảnh ấy không hẳn vì chiến tranh chết chóc, mà bởi cái rung động, ước mơ hẹn hò thi ca ấy đã được hình tượng hóa, so sánh trong biện pháp tu từ một cách lạnh tanh, rờn rợn: “Anh hẹn hò cùng lưỡi lê đại bác/ Rung động đầu đời ôm xác bạn bè chôn“. Để rồi linh hồn người lính Trần Mạnh Hảo dường như: “Ta đã chết ở hai đầu trận chiến“. Và vẫn là em (một hình tượng thi ca) từ một phép nhân hóa đã cứu rỗi linh hồn người lính trận: “Em chợt lẻn vào giấc mơ giải thoát/ Mắt em sâu chết khát cả tâm hồn“. Vẫn biết, tình yêu và lối đi đầu đời ấy mịt mùng, tối tăm, song Trần Mạnh Hảo buộc phải bước. Thật vậy, đọc “Ai đền anh tuổi hai mươi đã mất“ làm cho tôi không thể phân biệt được tiếng khóc của thi sĩ Trần Mạnh Hảo hay nỗi đau Lê Lựu với Giang Minh Sài, sống và yêu buộc phải theo suy nghĩ sắp đặt của kẻ khác. Và trích đọan dưới đây sẽ cho ta thấy rõ nỗi đau, sự bất lực ấy của người lính Trần Mạnh Hảo:
“Anh phải yêu một bóng hình man rợ
Không chân dung xin món nợ tử hình
Ai đã ước cưới cơn mơ làm vợ
Em xa mờ xin nấm mộ cầu kinh“.
Và con đường ấy, không chỉ riêng Trần Mạnh Hảo, mà cả thế hệ ông buộc đi vào nơi cửa tử: “Những con đường của thế hệ tôi/ Lao thẳng vào cái chết“. Lời thơ tự sự, với những câu hỏi tu từ “Một mình tôi một đường“ là bài thơ điển hình như vậy. Đọc nó, không hề thấy kẻ thù, cùng bom rơi đạn nổ, song ta vẫn thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Bởi, tài năng, trí tưởng tượng với những hình ảnh mang tính ẩn dụ sâu sắc, độc đáo của Trần Mạnh Hảo: “Chôn sống tôi hỡi cánh rừng khốc liệt/ Đất nhú bàn tay bia mộ lỡ thì?“. Và con đường nào, chủ thuyết nào đã đưa con người, đất nước xuống vực sâu, ngõ cụt. Đứng trước sự sống và cái chết đó, mà dường như Trần Mạnh Hảo vẫn còn bâng khuâng tự hỏi: “Đất nước tôi cháy nhà/ Dù nghìn lần bị giết/ Biết lối nào tôi đi“. Nhẹ nhàng, nhưng đau như những ngọn roi quất vào lòng người vậy. Có thể nói, đây là những câu thơ bất hủ được viết trong nỗi xúc động tột cùng của Trần Mạnh Hảo. Và có lẽ, lịch sử văn học nước nhà, không có nhiều câu thơ với những hình ảnh so sánh hay đến vậy: “Những con đường như những lằn roi/ Lịch sử quất lên mình đất nước/ Những nẻo đường trên xứ sở tôi/ Như nước mắt của người yêu chảy suốt“.
Giữa sống và chết nơi khói lửa chiến tranh, lời thơ của người lính Trần Mạnh Hảo vẫn nhẹ nhàng. Nếu đặt trang thơ này, bên cạnh những tiểu luận phê bình mạnh mẽ, quyết liệt đến tận cùng của Trần Mạnh Hảo, thì có lẽ không ai nghĩ, nó được viết ra từ cùng một tác giả. Với tôi, “Khi chưa có mùa thu“ là một bài thơ điển hình nhất của Trần Mạnh Hảo viết ở nơi chiến trường. Và nó cũng là một trong những bài hay nhất ở thể ngũ ngôn của Văn học Việt. Cùng viết về sự tàn khốc, cũng như cái chết của người lính, song không gian, hình ảnh, lời thơ Trần Mạnh Hảo rất đẹp, và nhẹ nhàng: “Chưa ai yêu mùa thu/ Như bạn mình mơ mộng/Ai xui tiếng chim gù/ Kéo trời lên xanh thẳm“. Sợ bạn mình đau chăng? Nên tuyệt nhiên, người đọc không thấy từ ngữ chết chóc nặng nề kia. Và nhà thơ đã mượn cảnh vật, thiên nhiên bộc lộ tâm trạng, diễn tả sự ra đi của bạn mình: “Khi chưa có mùa thu/ Hoa phượng còn dang dở/ Bạn nằm xuống lưng đồi/ Mùa thu dừng lại đó“. Tuy vậy, nỗi đau, tình thương yêu bạn bè ấy của thi nhân làm tôi phải ứa nước mắt khi ngồi viết lại những câu thơ làm dẫn chứng này: “Có ai ngờ đêm ấy/ Bạn không về liên hoan/ Vắt cơm nhòa nước suối/ Viếng bạn mình không ăn“.
Và chiến tranh kết thúc, người lính Trần Mạnh Hảo may mắn còn sống sót trở về, nhưng linh hồn dường như đã chết. Đất nước liền một dải, núi xương chồng chất, lòng người ly tan, với Trần Mạnh Hảo đó là cuộc chiến vô nghĩa. Gió thổi tôi đi, tuy không phải là bài thơ hay nhất trong Tuyển tập của Trần Mạnh Hảo, nhưng nó như một lời tổng kết thân phận của cả dân tộc trong thế kỷ khổ đau vậy. Đọc nó, những người thế hệ tôi trở lên, có lẽ ai cũng phải nghẹn ngào, và tìm thấy mình ở trong đó:
“Thế kỷ hai mươi núi xương oan khổ
Người với người chém giết để thành ma
Tôi đã chết với tâm hồn bia mộ
Cuộc chiến tang thương thống nhất sơn hà“
Do vậy, đứng giữa Saigon Trần Mạnh Hảo vẫn cảm thấy bơ vơ, lời thơ ông nghẹn đắng: “Tôi sẽ về thành phố/ Ai nói với tôi lời trăn trối cuối cùng/ Chiến tranh xóa tên làng, tên đất“ (Tôi sẽ về). Và không chỉ những ngày đầu về thành phố, mà nửa thế kỷ sau nỗi ám ảnh, khổ đau, hiu quạnh đó vẫn giày vò Trần Mạnh Hảo. Nỗi buồn đó, đưa ông trở lại Long Bình tìm về những hoài niệm xưa. Song mảnh đất không thể hồi sinh, và cái chết chực chờ trong hành trình khép lại, càng cho ông bi quan, chán nản hơn: “Năm mươi năm gặp lại/ Bạn bè thành cỏ cây/ Trên đầu mình phơi muối/ Sống chết ồ đâu đây“.
Viết về hậu phương, về những người vợ, người mẹ của người lính, thì rất ít người viết sâu sắc được như hai thi sĩ ở hai đầu chiến tuyến Tô Thùy Yên, và Trần Mạnh Hảo. Nếu ta đã đọc những câu thơ về người Góa Phụ trong bài thơ cùng tên của Tô Thùy Yên: “Ngọn đèn hư ảo chong linh vị/ Thắp trắng thời gian mái tóc em.” thì mới thấy hết được cái bi kịch thân phận người vợ trong thi phẩm Làm Dâu của Trần Mạnh Hảo. Và ở đó, ta cũng thấy được tính nhân bản, sự cảm thông của người thi sĩ: “Mỗi khi chim lợn kêu dồn/ Khói hương khấn gió Trường Sơn tìm mồ/ Đêm về đội lén khăn xô/ Thương người nằm khoác ba lô mối đùn…/ Gọi thầm nấm đất bằng anh/ Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng”.
Trần Mạnh Hảo đến với thi ca rất sớm. Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên bảy mươi (thế kỷ trước) thơ ông mới đạt đến độ chín. Giai đoạn 1968-1975 như trụ móng đã xây, từ đó để Trần Mạnh Hảo viết nên những trường ca, thi phẩm về Tổ quốc và tình yêu đầy cảm xúc và trí tuệ.
*Tổ quốc và tình yêu.
(HẾT PHẦN 1 ) Xem tiếp Phần 2