TRẦN MẠNH HẢO – NGƯỜI ĐÃ CHẾT VỚI TÂM HỒN BIA MỘ
phần 2
*Tổ quốc và tình yêu.
Mỗi thể loại văn học đều có đặc tính riêng. Và các văn nghệ sĩ cũng vậy, mỗi bác có cái tạng viết của mình. Cho nên, không phải cứ bác nào viết được truyện ngắn, thì có thể viết được tiểu thuyết, hoặc viết được tiểu thuyết, sẽ viết được tùy bút, tâm bút hay. Bằng chứng, tài văn như Nguyễn Huy Thiệp đang ngon lành với truyện ngắn, ấy vậy mà đảo bút sang tiểu thuyết là thất bại ngay. Thi ca cũng vậy. Không phải nhà thơ nào cũng viết được trường ca. Đây là một thể loại tương đối đỏng đảnh, khó nhằn. Nếu người viết không đủ tài, vốn liếng dài hơi, thiếu cái tôi trữ tình, câu thơ trở nên nhàn nhạt, như canh thiếu mắm muối, gia vị vậy. Cho nên, những năm gần đây có nhiều người viết trường ca, song không phải ai cũng thành công. Tôi đã tìm đọc khá nhiều trường ca. Tuy nhiên, cho đến lúc ngồi viết những dòng chữ này, với riêng tôi, thành công nhất ở thể loại này là hai trường ca: Mặt Trời Trong Lòng Đất và Đất Nước Hình Tia Chớp của Trần Mạnh Hảo. Và hai tác phẩm duy nhất này, tôi đều không phải đọc nhảy cóc.
Đem đến cho người đọc sự rung động, với cảm xúc luôn mới mẻ như vậy, bởi ngoài kiến thức, trường ca Trần Mạnh Hảo có nhân vật. Dù (nhân vật) mang tính ước lệ tượng trưng, song sự hóa thân vào nhân vật của cái tôi trữ tình (Trần Mạnh Hảo) thật đa dạng, phong phú. Cho nên, ta có thể thấy, trường ca Trần Mạnh Hảo giàu trí tưởng tượng với nghệ thuật nhân hóa, ví von gần gũi, dân dã, song tạo ra hình ảnh mới, gây bất ngờ cho người đọc: “Chắc mẹ rửa tay con bằng mồ hôi từ bé/ Mà bàn tay khoẻ tựa lưỡi cày“ (Đất nước hình tia chớp).
Nếu tiểu thuyết, hay trường ca tình tiết, tâm lý, hành động nhân vật luôn được mở ra, thì đọc trường ca Trần Mạnh Hảo cho tôi cảm giác dường như nhà thơ đang muốn cô lại. Do vậy, trường ca Trần Mạnh Hảo không chỉ từ ngữ, hình ảnh súc tích và cô đọng, mà ta còn thấy được sự hoán đổi ngữ nghĩa do từ hay cụm từ mới tạo ra. Từ mới, hay cụm từ này không có nghĩa tự sáng tạo ra, mà do tài năng sử dụng từ ngữ của nhà thơ. Nhiều từ, cụm rất cũ, nhưng Trần Mạnh Hảo đặt hoặc ghép trong câu đúng văn cảnh, gây bất ngờ cho người đọc, nó trở thành câu mới, nghĩa mới. Đất Nước Hình Tia Chớp tiêu biểu nhất cho đặc điểm này của trường ca Trần Mạnh Hảo. Và ông có nhiều hình ảnh, câu hoặc khổ thơ hay. Nhưng với tôi, khổ thơ dưới đây có thể nói, hay (toàn bích) nhất trong trường ca của Trần Mạnh Hảo: “Thương bàn chân mẹ, chân em/ Sánh phù sa có in lên chân trời/ Chỉ nhìn vào móng chân thôi/ Biết em đã lội qua thời trẻ trung“ (Chương 5- Đất nước hình tia chớp). Vâng, chỉ nhìn vào móng chân thôi, cái móng chân vàng màu váng đồng ấy, biết được cái gian nan đã trải qua của người mẹ, người em, những nông dân đặc quánh bùn đất. Lội là động từ chỉ hành động, song trong câu thơ trên lội đã hoán chuyển thành tính từ, lột tả sự nghèo khó, và lam lũ.
Và nếu Đất Nước Hình Tia Chớp dành cho những người mẹ, người em đất Bắc, thì Mặt Trời Trong Lòng Đất gói trọn cái gian nan, vất vả ấy của các má, các em đất trời phương Nam. Vẫn những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, Trần Mạnh Hảo như cho ta ngửi được hương đất, ngơ ngẩn trước dáng hình em, và chạm được vào bàn tay chai sạn, uống mồ hôi mặn chát của của má, của ba:
“Đồng bọc lấy làng như kén bọc
Má ra đồng bạc tóc vẫn chưa hay
Mồ hôi má chỉ luống cày đếm được
Khăn rằn như dòng kinh phơ phất sau nhà
Má cuốc đất như chèo thuyền trước bão
Đám mây nào bạc phếch áo bà ba“ (Mặt Trời Trong Lòng Đất)
Những câu thơ trích ở trong hai trường ca này, tôi đã viết, và nhắc nhiều lần trên các bài viết khác nhau gần đây. Bởi, ngoài nghệ thuật, thẩm mĩ, ta còn thấy giá trị hiện thực, và giá trị giáo dục. Nhất là đối với cuộc chiến chống giặc phương Bắc. Do vậy, mỗi lần đọc những câu thơ trên của Trần Mạnh Hảo, tôi lại nghĩ đến sách giáo khoa, nghĩ đến giá trị truyện ngắn Tôi Đi Học của Thanh Tịnh, thuở còn đến trường.
Có được cái nhìn sâu sắc, nhân bản, cảm thông như vậy, bởi Trần Mạnh Hảo sinh ra, và lớn lên trong chiến tranh. Tuổi thơ ông phải trải qua những đắng cay, gian khó, dưới một xã hội không bình thường. Với tài năng bẩm sinh, tâm hồn mẫn cảm, cùng sự học, nghiên cứu độc lập, nên Trần Mạnh Hảo có cái nhìn sự vật, con người cùng sự liên tưởng rất độc đáo, khác lạ. Thật vậy, sự hoài thai, sinh nở cùng nỗi đau của mẹ dưới màn đêm bão bùng ấy, được Trần Mạnh Hảo liên tưởng với những hình ảnh, từ ngữ rất gần gũi, mộc mạc. Song nó không chỉ toát lên hình tượng mẹ vĩ đại, mà còn gây cho người đọc sự xúc động trong nỗi ám ánh sâu sắc. Đêm mẹ sinh con là một trong những bài thơ điển hình như vậy. Đọc nó, ta thấy, dường như Trần Mạnh Hảo đang quyện con người vào với tổ quốc, với vũ trụ thiên nhiên, hồi sinh cho thế giới lụi tàn bởi chiến tranh:
“Mẹ xé đêm đen làm tã lót
Cột con vào vũ trụ cuống nhau thai
Mẹ cắt rốn cho con bằng tiếng khóc
Đau xé mình cho thế giới hình hài“ (Đêm mẹ sinh con)
Với Trần Mạnh Hảo, không chỉ mẹ lồng vào tổ quốc, mà từ vật dụng nhỏ nhoi, hay một làn gió bấc vẫn cong hình dáng mẹ tổ quốc, cùng cất lên tiếng gọi thiêng liêng. Và nếu Đêm mẹ sinh con, mới dừng ở: “Mẹ xé đêm đen làm tã lót“ thì đến thi phẩm Tổ quốc của tình yêu, vẫn mạch thơ ấy, song với phép hoán dụ, dường như Trần Mạnh Hảo đang muốn cuộn tròn đất nước, con người vào câu thơ của mình, trong cái đêm đen bão tố, chiến loạn chăng: “Bằng tiếng khóc chào đời như súng nổ/ Tôi gọi tên Tổ quốc lần đầu/ Lấy gió bấc làm tã lót/ Người cuốn cho tôi trong một đêm thâu“. Có thể nói, Tổ quốc của tình yêu, một bài thơ đầy ăm ắp hình ảnh gợi cảm, sinh động, sắc như cứa vào lòng người đọc. Nếu ngồi một mình, nghe Trần Mạnh Hảo rút ruột ra để đọc bài thơ này, lần nào người tôi cũng sởn sởn, gai gai, nước mắt như muốn trào ra:
“Tôi mở mắt đã thấy vầng trăng vỡ
Gấu đã ăn hết nửa mảnh trăng trời
Gió mùa đông đập cửa hoài xin núp
Thấy mẹ gội tóc bằng mồ hôi
Thấy ngọn lửa rét run trên củi ướt
Cháy lem nhem một dáng dấp con người“
Có một điều thú vị, gần đây nhất tôi có được đọc Tuyển Tập Thơ Phương Tấn, và Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo. Cả hai tuyển tập này đều có những bài thơ về mẹ rất hay và cảm động. Nếu bài thơ Thưa Mẹ của Phương Tấn có hình ảnh, cụm từ thật mới lạ: “Mẹ so đũa gắp lòng reo trong mắt/ Gắp một đời rót xuống chén cơm con” thì từ ngữ, hình ảnh mẹ trong thơ Trần Mạnh Hảo dân dã, mang mang hồn vía ca dao. Song cả hai vẫn toát lên cái gian khó, sự hy sinh thầm lặng, cùng tình yêu của mẹ: “Con đã ăn bầu vú mẹ canh trường/ Ngày đói khát mẹ ru bằng nước mắt/ Mẹ gánh con chạy vòng quanh đất nước/ Đất nước là chăn đụp mẹ trùm con“ (Hỡi mưa phùn quê mẹ bạc đầu con).
Rồi khi bóng hình mẹ đã chập chờn trong sương khói, thơ Phương Tấn nhẹ như một lời ru: “Mẹ cười bưng bát cơm thiu/ Ầu ơ, móm mém hắt hiu phận bèo/ Mặc lòng trời đất cheo leo/ Ầu ơ, con ẵm bóng theo tạ đời.“. Và thơ Trần Mạnh Hảo cất lên lời khẩn cầu da diết: “Hỡi mưa phùn quê mẹ bạc đầu con/ Nhớ mùi ổ rơm thơm lừng gió bấc/ Mẹ đang nằm ngoài trời xin cỏ đắp/ Đêm cơ hàn ngọn nến thắp mùa đông“. Có thể nói, cùng một cảm xúc, một tình yêu về mẹ, nhưng mỗi nhà thơ có bút pháp, cách thể hiện khác nhau. Từ phép so sánh này cho ta thấy, thơ Trần Mạnh Hảo thường đi vào đi vào sự vật, hiện tượng cụ thể, gần gũi nhất như: một cơn mưa phùn, hay nắm cỏ xanh… Từ đó, với tài năng của mình nhà thơ nhào nặn nên một nhân vật, một hình tượng văn học, rất độc đáo. Nó đi sâu vào lòng mọi tầng lớp người đọc. Được như vậy, bởi, thi ca Trần Mạnh Hảo đầy ăm ắp hình ảnh, cùng sự liên tưởng, với nhiều tầng ngữ nghĩa. Cho nên có thể nói, thơ ông, từ bác lao công, đến ông giáo sư đều có thể đọc, cảm nhận theo suy nghĩ của riêng mình.
Đi sâu vào văn học sử, ta có thể thấy, Trần Mạnh Hảo là một trong những nhà thơ viết nhiều, và viết hay nhất về quê hương đất nước của nền Văn học Việt. Không chỉ Nam Định quê hương, với sông Đào, sông Đáy, Ninh Cơ, mà Trần Mạnh Hảo viết hầu hết về sông núi, đất và người, những nơi ông đã từng đi qua. Tuy nhiên, với tôi: Sông Lam, và Gửi Lai Châu là hai bài thơ hay, và điển hình nhất về đề tài này của Trần Mạnh Hảo. Và cũng chính các tác phẩm này của Trần Mạnh Hảo đã phủ nhận những lập luận từ trước đến nay: Chỉ có các nhà thơ, nhà văn viết về chính quê hương của mình mới có những tác phẩm hay, và chân thực.
Thật vậy, Trần Mạnh Hảo có những bài viết về Nam Định như: Hỡi kẻ chôn chân xuống đất hóa quên nhà, Nhớ Nghĩa Hưng quê nhà, hoặc Nhớ con rạm sông Ninh Cơ… hay. Song với tôi, không bài nào vượt qua được Sông Lam và Gửi Lai Châu. Do vậy, có thể nói, nếu sinh ra, và lớn lên ở Nghệ Tĩnh, hoặc Lai Châu chưa chắc ông đã viết được Sông Lam, và Gửi Lai Châu hay, và rung động đến vậy.
Và xin nhắc lại trích đoạn trong bài “Lai Châu đó, để cả đời anh mắc nợ“ của tôi viết trong thời gian gần đây, nhằm sáng tỏ cho nhận định này, và chứng minh thêm tài năng của thi sĩ Trần Mạnh Hảo: Thật vậy, nếu không có sự tìm tòi, khám phá, để rồi hóa thân vào đó, thì chắc chắn Trần Mạnh Hảo không thể viết được những câu thơ có tính đặc trưng núi rừng Tây Bắc đến vậy. Sự quan sát tỉ mỉ ấy của thi sĩ, Lai Châu hiện lên sinh động, chân thực, song vô cùng kỳ bí, mờ ảo như một bức tranh chiều hoài cổ vậy. Bức tranh động trong tĩnh này, chợt làm tôi nhớ đến nghệ thuật lấy động tả cái tĩnh (trời thu) của cụ Nguyễn Khuyến:“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Vậy tiếng gõ ngựa kia, phải chăng đó là sự tĩnh lặng, cô liêu trong lòng nhà thơ, tĩnh lặng của núi rừng: ”Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch“. Và với khổ thơ dưới đây, có thể nói, phép liên tưởng của Trần Mạnh Hảo đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Khổ thơ này, nếu tách ra, nó hoàn toàn có thể trở thành một bài thơ bát ngôn (độc lập), với những hình ảnh, cùng lời thơ tuyệt đẹp, tuy dân dã, song cũng rất sang trọng:
“Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.”.
Tôi đã tìm tòi, đọc thơ tình yêu đôi lứa ở trong cũng như ngoài Tuyển tập, song chắc chắn mới được một phần nào đó ở mảng đề tài này của Trần Mạnh Hảo. Có một điều đặc biệt, ở mảng quê hương đất nước, Trần Mạnh Hảo thường đi vào cái cụ thể, hay hình ảnh giản dị nhất như: thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, thì ở mảng tình yêu đôi lứa ông đưa người đọc đến gần hơn với triết lý và mang tính trừu tượng hơn: “Thức đêm mới biết đêm thật ngắn/ Chỉ có em thôi mới thật dài/ Hôn em từ gót hôn lên trán/ Hôn đến nửa chừng đã sớm mai” (Thức đêm). Thật vậy, đọc thơ tình Du Tử Lê, hay Nguyễn Tất Nhiên, ta có thể thấy, các tên gọi Thụy, Duyên, Thủy với những mối tình cuồng si cụ thể: “hãy cho anh được ôm/ em, ngang bằng sự chết/ tình yêu như ngọn dao/ anh đâm mình, lút cán/ thuỵ ơi và thuỵ ơi” (Khúc thụy du). Ở Trần Mạnh Hảo tình yêu ấy, dường như được ủ rấm ở đâu đó. Không cuồng si, ngang bằng sự chết như Du Tử Lê, nhưng sự ủ rấm đó bất chợt bùng cháy: “Lửa dẫu tắt tình than còn nghi ngút” để (mắt) em ấm lại giữa giá lạnh mùa đông chăng? Nhưng dường như không phải vậy. Trần Mạnh Hảo vẫn chưa thể cời lên được ngọn lửa ủ trong tro (trấu) đó. Do vậy, sự cô đơn lạnh lẽo hay sắc cầu vồng vẫn để lại mãi trong lòng thi nhân:
“Ai cất mắt em vào trong đống rấm
Lửa vùi vào tro trấu trốn mùa đông
Anh đã khoác mưa phùn làm áo ấm
Đi tìm thương sao chỉ gặp cầu vồng.” (Anh cất giấu một khoảng trời miền Bắc)
Không điên cuồng như Đinh Hùng: “Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy/ Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu” hay mãnh liệt, ám ảnh như Đinh Thị Thu Vân: “những câu thơ em viết mất linh hồn”, nhưng yêu đến độ không còn gì nữa, tận cùng của tận cùng, thì quả thật, sự liên tưởng, ví von độc đáo đó chỉ có trong thơ Trần Mạnh Hảo: “Yêu như đào huyệt để chôn nhau”. Và Nghi ngút là một bài thơ lửa tình như vậy của Trần Mạnh Hảo. Bài thơ này Trần Mạnh Hảo viết vào nửa đêm ngày 26-1-2018 tức cách nay tròn 5 năm, cũng rất ngẫu nhiên thôi, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này cũng nửa đêm 26-1-2023. Trần Mạnh Hảo viết bài thơ Nghi Ngút, khi ông đã ngoài bảy mươi tuổi. Tuy không đề viết tặng ai, và cảm xúc đến từ đâu, nhưng tôi nghĩ bài thơ có tính trải nghiệm sâu sắc này, có lẽ thi sĩ viết cho vợ mình. Tôi cho rằng, cùng với Anh cất giấu một khoảng trời miền Bắc, đây bài thơ tình yêu đôi lứa hay nhất ở Tuyển tập này:
“Yêu đến độ hai ta cùng mất hút
Gió cuốn đi không còn chút áo quần
Như sao trời quên để lại dấu chân
Ta cứ thế xoay vần theo nhật nguyệt” (Nghi ngút)
Có thể nói, tổ quốc và tình yêu là mảng viết quan trọng, độc đáo nhất trong sự nghiệp sáng tạo của thi sĩ Trần Mạnh Hảo. Sự độc đáo ấy, ta không chỉ thấy ở giá trị nghệ thuật, mà còn thấy được cái giá trị nội dung, tư tưởng của nhà thơ. Những yếu tố này, đã làm nên chân dung thật vạm vỡ, và tài hoa Trần Mạnh Hảo. Và chính nó là nền tảng cũng như điểm tựa cho ông chí khí, sự can đảm đến với hồn thơ thế sự, xã hội một cách sâu sắc, và thẳng thắn.
*Trần Mạnh Hảo với hồn thơ thế sự, xã hội.
Hết phần 2.
Phần 1
Phần 3