Ô SIN

tác giả Tạ Thị Thanh Hải
138 xem

Theo lời mách của một bà chị họ xa, cô đồng ý lên Hà Nội làm ô sin. Ở cái làng quê heo hút này, nghèo thì nghèo thật, nhưng người ta lại thừa tự trọng, coi ô sin là cái nghề mạt hạng, vì họ nghĩ có khi cả đời chả bao giờ vắt cho cha mẹ được cái khăn mặt thì không thể đành lòng đi hầu hạ cái đứa con nít của người dưng.

Hoàn cảnh cực chẳng đã mà cô phải khăn gói quả mướp rời quê đi làm nghề ấy. Bà mẹ cô mới qua một cơn tai biến. Anh trai cô phải bán đi hai phần mảnh vườn để chữa trị cho mẹ mà vẫn vay nợ tứ tung. Hai vợ chồng anh đi làm phu hồ, mỗi tháng được vài triệu tiền công. Cô thì cắm mặt vào bốn sào ruộng bạc phếch. Bữa nay lo bữa mai. Khổ nỗi, hai vợ chồng ông anh chưa đầy bốn mươi tuổi mà có tới bốn đứa con gái , đứa lớn mười bốn, còn đứa bé mới lên ba.

Từ ngày bà mẹ nằm liệt giường, không khí gia đình lúc nào cũng u ám, xám xịt. Bà chị dâu vốn hiền lành là thế, giờ cũng biết nói cạnh nói khóe về cái gánh nặng mà chị đang phải mang. Cũng chưa đến độ hỗn láo mà dám đả động đến bà mẹ chồng gần bảy mươi tuổi, nhưng với cô em chồng quá lứa thì chị coi như thùng nước gạo để trút mọi nỗi vất vả bực dọc…

Bà mẹ thương cô lắm, cứ khóc ròng, nói ú ớ không thành tiếng, ý chừng bảo cô ở nhà , đừng đi. Cô nắm bàn tay nhăn nheo xương xẩu của mẹ, cười gượng: “Mẹ để con đi nhé, biết đâu con lại lấy được chồng thành phố…” Trên chuyến xe khách lọc cọc, suốt cả hành trình gần bốn tiếng đồng hồ, cô chỉ kéo sụp cái mũ vải xuống, thi thoảng chấm nước mắt. Cô chẳng mơ gì viễn cảnh đổi đời, chỉ mong mỗi tháng kiếm được vài triệu dành dụm gửi về cho anh trai thêm vào trả nợ, thế là mừng lắm rồi.

Cô không đẹp, thậm chí có thể nói là xấu. Bàn chân to bè, cái dáng người cục mịch, mái tóc vàng quạch và xơ xác như rễ tre. Cô lại không hoạt bát tinh khôn, chỉ được cái chăm chỉ, cần mẫn, hiền lành. Học xong cấp 2 , cô ở nhà làm ruộng cùng mẹ. Năm hai mươi tuổi,cũng có đám đánh tiếng hỏi cô, nhưng đó là một gã trai mới ở tù về vì tội cố ý gây thương tích. Bà mẹ nghĩ thương con, mong con có tấm chồng, ổn thỏa thì ở với nhau, mà không thì coi như kiếm đứa con. Nhưng anh trai cô nhất định không đồng ý. Anh bảo: “Lấy cái loại vũ phu như vậy, mỗi lần nó không vừa ý, nó lại đánh như đánh chó con, vừa khổ vừa nhục thế thì ở vậy cho xong.” Mẹ ngấm nguýt: “Anh giữ nó ở lại để hầu hạ vợ con anh chứ gì.!” Mẹ con cứ như mặt trăng mặt trời, cô ở giữa, chả biết nghe ai cho phải. Cứ ậm ờ như vậy, cô chưa kịp trả lời thì đã nghe chuyện anh ta sắp làm đám hỏi với một cô xã dưới.

Bẵng đi vài năm, lại có một đám khác nhờ người mai mối đánh tiếng. Lần này thì mẹ cô lại kịch liệt phản đối, vì ông ta hơn bốn mươi tuổi, đã có hai đời vợ, mà cả hai đều chết trẻ. Cô vợ cả thì bị băng huyết khi đẻ sinh đôi hai đứa con đầu lòng. Cô thứ hai chưa kịp có con thì bị tai nạn lao động, sống thực vật mấy tháng rồi qua đời. Mẹ cô bảo đàn ông có số sát thê ấy đừng có tơ tưởng đến. Nếu muốn thì kiếm một đứa con nuôi sau này làm chỗ dựa tuổi già, mà không thì chăm lũ cháu cho chu đáo, mai này già chả lẽ nó nỡ lòng bỏ mặc mình. Thế là tuổi xuân của cô qua đi trong những tiếng thở dài của mẹ, tiếng khóc inh ỏi của lũ cháu và sự cộc cằn của người anh trai…

***

Tháng thứ nhất:

Bà chị họ dẫn cô đến một ngôi nhà nhỏ trong một ngõ sâu hun hút. Căn nhà chỉ có một phòng ngủ dành cho hai vợ chồng với đứa con nhỏ. Đứa con lớn thì vừa ngủ vừa học trên cái gác xép to bằng hai cái chiếu. Cô sẽ trải cái đệm mỏng ngủ ở phòng khách, ngay trên lối đi vào nhà vệ sinh. Hai vợ chồng nhà ấy quê ở tận Tuyên Quang, học cùng nhau từ thời phổ thông, quyết chí bám trụ lại Hà Nội. Người vợ trạc tuổi cô, là công chức nhà nước, mới sinh con thứ hai được sáu tháng, giờ đến lúc phải đi làm. Anh chồng là nhà báo, đi sớm tối thất thường, cũng có khi ở nhà cả mấy ngày để viết bài.

Anh chồng thì mồm miệng bẻo lẻo, chị vợ lại ít nói. Anh chồng làm hợp đồng, thỏa thuận các điều khoản rõ ràng nhưng riêng khoản thù lao của cô thì anh nói khéo: “Vợ chồng tôi đều là công chức, lương ba cọc ba đồng, cũng vì hoàn cảnh ngặt nghèo hai bà đều yếu đau không giúp đỡ được nên phải dè sẻn thuê ô sin. Nên ngoài tiền lương ra, chúng tôi không thể hỗ trợ thêm cô khoản nào cả. Cùng là người nhà quê lên phố mưu sinh, rất mong cô thông cảm. Cô chăm sóc bọn trẻ tốt, ắt chúng có tình cảm gắn bó. Biết đâu chúng coi cô như mẹ, mai này lớn, học hành tử tế, cuộc sống sung túc, lại tìm về cô để trả ơn…”.

Cô hiểu và cũng không có ý đòi hỏi gì cả. Nhiệm vụ của cô là đưa đón thằng con lớn đi học vì trường nó không tiện đường đi làm của bố mẹ, rồi về chăm sóc đứa con nhỏ, giặt giũ, lau chùi dọn dẹp. Bữa trưa chỉ mình cô ăn cơm nên không nấu, cô tự ra đầu ngõ mua cơm hộp hoặc ăn gì tùy ý. Tất nhiên bữa trưa cô phải tự túc. Cô thì được cái ăn uống dễ tính, gói mì tôm hay củ khoai, thế nào cũng xong . Buổi chiều chị vợ đi làm về, mua đồ ăn tối và cho cả bữa sáng hôm sau.

Công việc nhà nói chung nhẹ nhàng hơn việc làm ruộng nhiều, chỉ việc chăm sóc hai đứa trẻ là cô thấy khó khăn nhất. Một tay cô từng chăm bẵm bốn đứa cháu, nhưng người nhà quê, nuôi dễ như thả bèo. Hai đứa con nhà này thì như bố nó nói “con nhà lính, tính nhà quan”. Thằng con lớn lớp 2, tính lầm lì giống mẹ, động tí là dỗi không ăn cơm, không chịu tắm, dọa sẽ mách bố nếu cô không làm theo ý nó. Đứa con gái nhỏ thì từ sáng đến chiều mới được bú mẹ, khóc ngằn ngặt như xé vải, một ngày nôn trớ không biết bao nhiêu lần.

Cô chăm chúng ban đầu theo bản năng, và tất nhiên luôn nghe được những lời ca cẩm phàn nàn của chị vợ. Chị ta quẳng cho cô một mớ sách về nuôi dạy trẻ, bảo khi nào con bé ngủ thì tranh thủ mà đọc. Khổ nỗi, lúc con bé ngủ, cô lại xoay ra giặt giũ, lau nhà, làm gì có thời gian mà đọc. Nên cái sự chăm sóc bọn trẻ của cô chưa tiến bộ được là bao.

Theo hợp đồng là cứ cuối tháng âm lịch thì anh chị chủ sẽ thanh toán tiền công cho cô một lần. Cuối tháng âm lịch đầu tiên ấy, nếu tính từ ngày cô đến làm thì là một tháng tám ngày, cô ngập ngừng xin tiền lương để kịp gửi về quê, thì chị vợ nhấm nhẳng: “Tôi chưa đến ngày lĩnh lương, để tối anh ấy về, xem anh ấy có tiền thì tạm ứng cho chị một ít vậy.”

Buổi tối, người chồng về, say mèm, nôn một đống tướng ở chân giường, cô lại lụi cụi lau dọn. Chị vợ mặt nặng như chì, cầm cái khăn lau mặt cho chồng mà như cọ bàn bếp. Sáng hôm sau, lúc cả nhà ngồi ăn sáng, cô toan mở lời thì chị vợ gắt: “Mới sáng ra, cô đã vòi vĩnh, hãm tài quá”. Cô im bặt.

Suốt mấy ngày cô không dám nghe điện của anh trai gọi lên. Vợ chồng họ cũng tảng lờ như vờ quên. Mấy ngày sau, anh chồng mới bảo: “Cơm không ăn thì gạo còn đó, hay là sáu tháng tôi gửi cô một lần, cô lại chả để dành được một món to ấy chứ.”Cô đành ngậm ngùi đồng ý và chờ đợi.

***

Tháng thứ hai:

Chị vợ sai cô sắp xếp lại tủ quần áo, cho cô mấy bộ đã cũ mà chị ấy không mặc vừa nữa. Thôi thì cũ người mới ta, cô nhận tất. Chị vợ bảo cô đi cắt tóc cho gọn, để khi bế vác con bé trên vai, tóc cô không dính vào miệng nó. Mái tóc vàng quạch xơ xác giờ cắt ngắn đi, tự nhiên nhìn lại hợp mốt. Mới ăn nước máy một thời gian mà cô trông sáng sủa ra, sạch sẽ gọn gàng hẳn. Đấy là theo lời nhận xét của anh chồng, chứ cô thì biết mình chả bao giờ gột được cái vẻ nhà quê cả.

Hai đứa trẻ bắt đầu quen với sự chăm sóc tận tâm của cô. Cô thấy công việc của mình thảnh thơi nhẹ nhàng hơn một chút. Mỗi lần đưa đón thằng lớn đi học, đám xe ôm đầu ngõ buông lời tán tỉnh, cô đỏ bừng mặt. Chị vợ cảnh báo: “Cô đừng tin mấy gã bờm xơm đó. Để tôi tìm cho một đám tử tế, hiền lành”. Cô chả mơ ước có diễm phúc ấy. Nhưng trái tim người đàn bà quê mùa ngoài ba mươi tuổi chưa một lần biết yêu như mảnh đất cằn cỗi, giờ bất chợt len lỏi, mơn man những ý nghĩ mới mẻ với rung cảm nhẹ nhàng.

Anh chồng lẻo mép mỗi sáng trước khi đi làm thường cố tình quên một thứ gì đó, đứng dạng chân trên xe kêu cô vợ mang ra rồi hôn đánh chụt lên má vợ một cái. Cái cảnh ấy ban đầu cô cũng chẳng để ý, vì cô nghĩ người thành phố, họ văn minh nên bày tỏ tình cảm công khai như vậy cũng là chuyện thường. Nhưng gần đây, chả hiểu sao, cô lại hay lén nhìn cảnh vợ chồng họ âu yếm, đùa giỡn tình cảm. Và cô thở dài…

***

Tháng thứ ba:

Mỗi khi anh chồng ở nhà viết bài là chị vợ lại dặn cô cho con bé con ra công viên gần nhà chơi cho thay đổi không khí, chứ cứ um úm trong nhà khéo nó cớm nắng, và nhất là để có không gian yên tĩnh cho bố nó tập trung làm việc. Và buổi trưa hôm ấy, thế nào chị vợ cũng mua mấy hộp cơm về cả nhà ăn.

Một hôm, hai cô cháu đang chơi ở công viên thì trời trở cơn mưa. Cô bế con bé về, cố chạy thật nhanh để tránh mưa nhưng về đến đầu ngõ thì mưa bất chợt ào xuống. Trưa hôm ấy, con bé lên cơn sốt mà chị vợ thì báo không về vì mưa ngập đường . Cô và anh chồng loay hoay với con bé. Anh nhúng cái khăn mặt vào chậu nước ấm đưa cô lau người, chườm trán cho con; anh lắc lắc bình sữa rồi đứng làm trò cho cô dỗ con bé ăn; anh pha thuốc theo sự chỉ dẫn của cô.

Cô có cảm giác như họ đang diễn cảnh một gia đình đầm ấm quấn quýt vậy. Những động chạm vô tình của anh chồng khiến cô chợt nóng bừng người, tim đập thình thịch, hồi hộp như một đứa trẻ đang ăn vụng sợ bị bắt gặp. Khi con bé đã thiu thiu ngủ, anh chồng bảo: “Cô Luyến có tài dỗ trẻ đấy. Cô mà làm mẹ thì chắc chăm con khéo lắm!”. Tự nhiên cô thoáng đỏ mặt.

Đâu phải cô không muốn và chưa từng nghĩ đến điều đó. Nhưng một người vừa xấu, vừa nghèo lại nhiều tuổi như cô, ở quê đã bị coi là gái ế. Cô biết rằng chẳng có gì sánh được với tình mẹ con. Bốn đứa cháu một tay cô chăm bẵm, nhưng cô biết tình cảm chúng dành cho cô làm sao bằng dành cho mẹ chúng. Cô cũng từng nghĩ sẽ chăm sóc mấy đứa cháu, coi nó như con, chả lẽ lúc mình già cả, chúng nỡ bỏ mặc? Nhưng mấy đứa cháu gái ấy, rồi biết đâu chúng đi lấy chồng xa hết, hoặc giả như chúng gặp phải thằng chồng ích kỉ gia trưởng, thì mong hóng gì. Thế nên cô vẫn cứ nhen nhóm cái tâm nguyện được làm mẹ.

Nhưng ở cái miền quê hẻo lánh còn nặng tư tưởng phong kiến ấy, việc một cô gái không có chồng mà lại có con sẽ trở thành đề tài đàm tiếu đến hết đời người đàn bà. Ừ thì thôi họ nói kệ họ, có ai sống được hộ mình đâu, lúc già cả ốm đau thiên hạ nào đến chăm mình. Nhưng ngặt nỗi, muốn kiếm một đứa con cũng đâu phải dễ như múc thùng nước, cắt đám rau từ ruộng nhà khác về ruộng mình. Cánh thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng hầu như đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn những gã quanh năm say mèm hay những ông già râu dài hơn tóc. Giờ lên thành phố, lạ nước lạ cái, biết ai xấu ai tốt, ai khỏe ai bệnh mà dám làm liều. Những lời nói và cử chỉ của anh chồng khiến cô bỗng nhiên bối rối. Cái suy nghĩ bấy lâu cô cố chôn vùi, giờ tự nhiên được khơi ra, lại âm ỉ len lỏi vào cả những giấc mơ hừng hực mà bẽ bàng…

***

Tháng thứ sáu:

Anh trai cô gọi điện lên báo tháng này đến hạn trả món nợ Ngân hàng, cuối tháng lại giỗ bố, bảo cô sắp xếp kịp về. Trong bữa ăn tối, cô xin phép vợ chồng chủ nhà cuối tháng cho nghỉ ba ngày, và cũng ngập ngừng nói về khoản thù lao “bấy lâu anh chị giữ hộ”. Anh chồng bảo cô yên tâm, còn hứa sẽ đưa cô ra tận chỗ bắt xe khách tiện nhất mà giá vé rẻ hơn trong bến. Chị vợ chỉ dặn cô phải thu xếp lên đúng ngày vì chị không xin nghỉ được.

Cả nửa năm không được về thăm nhà thăm mẹ, cô lại háo hức suốt đến mức đêm không ngủ được. Cô hay soi gương và cười tủm tỉm. Nhìn thấy cô đổi khác như thế này, chắc mẹ cô vui lắm. Rồi cả chị dâu nữa, thế nào cũng khen cô trẻ và xinh ra, và lại nhắc chuyện chồng con của cô.

Nhưng rồi gần đến ngày về, thì một sự cố bất ngờ xảy ra: anh trai của chị chủ bị tai nạn lao động khá nặng, bị thương ở đầu, giập nát cả bàn tay trái, phải đưa xuống Bệnh viện 108 để nối khớp. Nghe anh chồng kể thì khổ nỗi, nhà ấy cũng neo người, ông bà thì già yếu, mấy đứa con lít nhít, cô vợ bị bệnh tim, hễ căng thẳng suy nghĩ lại ngất lả đi. Có ông anh đồng hao đưa xuống viện thì hôm trước hôm sau cũng về luôn.Thành thử nhờ được mỗi vợ chồng cô em gái ở Hà Nội.

Chị vợ chạy đi chạy lại, có đêm còn ở lại bệnh viện. Anh chồng phải xin nghỉ ở nhà viết bài để tranh thủ vào thay ca cho vợ. Cô tất bật với công việc nhà cửa, còn phải đi chợ nấu cơm mang vào viện nữa. Ruột gan cô nóng như lửa đốt , chả biết rồi anh chị chủ có thu xếp cho cô về đúng ngày được không. Mọi việc cứ rối tinh rối mù lên. Chị vợ hễ về đến nhà là cáu gắt. Anh chồng vốn bẻo lẻo nói cười thế mà giờ cũng thở dài sườn sượt. Rồi họ vặc nhau, tiếng bấc tiếng chì, loáng thoáng cả chuyện tiền nong gì đó. Cô cứ lúi húi quanh quẩn trong gian bếp, lấm lét nhìn họ rồi lại nhìn lên tờ lịch treo tường đếm ngày.

Buổi tối hôm đó, chị vợ lại tất tả vào bệnh viện. Anh chồng cũng phóng xe đi. Gần nửa đêm, anh chồng về, say lảo đảo, mãi mới đẩy nổi cái xe máy lên hè, vào nhà nằm kềnh ngay xuống cái đệm mỏng ở phòng khách mà cô mới trải ra để chuẩn bị đi ngủ. Cô pha cốc nước chanh muối ấm, đập lát gừng tươi, nâng đầu anh ta dậy cho uống. Anh ta uống một hơi hết sạch rồi lại nằm vật ra. Anh ta từng bảo không uống được rượu, bần cùng lắm mới phải uống.Từ ngày cô đến ở thì đây là lần thứ hai thấy anh ta say. Lần trước anh ta bị chị vợ cằn nhằn chì chiết mãi… Cô kéo chân anh ta đặt ngay ngắn lên đệm, lấy chiếc màn chụp lên, rồi đành bế con bé con vào phòng trong ngả lưng.

Gần sáng, cô loáng thoáng nghe thấy tiếng nôn ọe , rồi tiếng xối nước trong nhà vệ sinh. Cô lơ mơ nghĩ : Ừ, nôn ra được chắc sẽ nhẹ người và tỉnh hơn. Cô yên tâm ngủ tiếp. Bỗng cô cảm thấy có hơi thở nóng hầm hập sau gáy, thoảng mùi hồng xiêm chín. Rồi một bàn tay mềm và ấm vuốt ve tấm lưng tròn lẳn của cô. Trong trạng thái mơ màng, cô thấy những giấc mơ ám ảnh bấy lâu hừng hực dội về. Và khi bàn tay ấy chạm mơn man vào khuôn ngực phốp pháp của cô, thì cô giật mình choàng tỉnh. Cô ngồi bật dậy. Nhưng vòng tay của người đàn ông lẻo mép ấy kéo ghì cô xuống. Bên cạnh, con bé con vẫn ngủ say. Căn phòng kín bưng. Bóng tối thỏa hiệp, đồng lõa… Nỗi khát khao bức bách như đống rơm khô nỏ, chỉ một que diêm là bùng cháy dữ dội. Cô không nghĩ được gì nữa, thả mình xuống trong phập phồng, tan chảy, mê man …

Cửa bật mở. Chị vợ đứng sững vài giây trước cửa phòng. Và sau đó một trận cuồng phong dữ dội tất yếu xảy ra. Anh chồng lắp bắp thanh minh. Cô cúi gằm chịu trận. Cái túi bạc phếch và mấy bộ quần áo cũ rích của cô bị ném vèo ra cửa. Chị vợ nghiến răng: “ Bấy lâu tao đã có ý đề phòng, mà giờ mới sểnh ra một chút, mày đã giở trò mèo mả gà đồng. Cút đi, đồ mạt hạng, trơ trẽn, đừng để tao thấy mày thêm một phút nào nữa…”

Lý gian và tình cũng gian nốt. Cô làm sao có quyền dám lên tiếng thanh minh hay đòi hỏi bất cứ điều gì nữa. Cô thất thểu xách túi quần áo đi bộ ra bến xe. Cũng may trong túi còn mấy trăm ngàn anh chồng mới đưa tiền chợ, đủ để cô mua vé về quê. Lại lóc cóc trên hành trình gần bốn tiếng, nhưng cô không khóc được nữa. Cô chỉ canh cánh nghĩ một điều: phải nói làm sao với anh trai về tiền công đi làm nửa năm nay của mình đây?

Cả tháng trời, cô lầm lũi như một tên tội đồ. Bà mẹ nhìn cô, nước mắt rỉ ra từ khóe mắt nhăn nheo. Ông anh trai hằm hằm, gầm gừ cả ngày, tối đến lại mang chai rượu ra hè ngồi uống. Bà chị dâu ra ngấm vào nguýt, nói móc máy như đâm vào tim gan cô. Tất cả chỉ biết cô bị quỵt tiền công vì dại. Không một ai hiểu được cảm giác hạnh phúc hiếm hoi cô từng nếm trải và đến giờ vẫn râm ran trong cô. Những lúc ra đồng làm một mình hay khi cặm cụi giặt một chậu quần áo to tướng của cả nhà, cô lại đỏ mặt cười thầm.

Những cơn mơ đến bất chợt hàng đêm. Lăn cuốn, xối xả, hừng hực, mê man….Cô mơ hồ về một mầm sống đang nhú lên trong mình. Bản năng đàn bà với khát khao được làm mẹ trỗi dậy. Cảm xúc ấy giúp cô tạm quên đi ánh mắt lo âu vời vợi của mẹ, lãng đi giọng chì chiết nặng trịch của bà chị dâu. Suốt mấy tuần, giấc mơ ấy cứ trở đi trở lại. Tỉnh dậy, mồ hôi cô vã ra như tắm, khuôn ngực đầy vết xước đỏ.

Nhưng rồi một buổi sớm thức dậy, cô thấy bụng dưới khẽ quặn đau. Cô đến tháng. Vậy là chấm hết những giấc mơ. Cuộc giao hoan vội vã không để lại dấu vết. Chỉ còn nỗi ê chề cứ đeo đẳng người đàn bà tội nghiệp…

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved