“Người Mỹ dùng xăng và điện nhiều nên họ không biết than”. Nghe nói vậy đó trong phòng tập thể dục. Ai sao không biết, chứ tôi nghe thấy câu nói quen quen. Không than thở, không ta thán không là người Việt tị nạn. Viết thế này có hơi quá phải không ạ, xin các bạn đang đọc tha cho tội dám vơ đũa cả nắm, dám gom hoa cả cụm, dám đầu năm đầu tháng đã thở đã than. Nhưng không than không thở làm sao mà sống vui sống mạnh, trên các đài phát thanh, những vị bác sĩ cộng đồng luôn khuyên nhủ là phải giữ cho cân bằng trí óc, không được căng thẳng lo toan, không được giận hờn yêu thương thái quá mà thành cao huyết áp, mà thành nghẽn van tim, mà thành lung tung lửng tửng.
Mọi thứ bệnh hoạn tai ác đều từ uất ức phiền muộn mà ra, không tin các bạn thử vào rừng sống xem có thọ như tiên không thì biết. Hình như thuở xa xưa các ông bà tiên không có xe hơi nhà lầu, không có máy vi tính điện thư, email address, cell phone tự động blue tooth vành tai nên họ bay được trên không trung thì phải. Tuần này đã bước vào tuần cuối của tháng hai dương lịch, nghe tiếng ai lảnh lót than thở chuyện ông chồng đùng đùng đi sắm cái xe đợt giảm giá ngày lễ tổng thống mà quên mua cho bà chiếc nhẫn kim cương ngày Tình Nhân vĩ đại, chiếc xe ngoài bãi đậu làm sao thích thú cho bằng ánh chiếu lấp lánh trên ngón thứ tư, vừa lãng mạn vừa tôn giá trị bà lên biết bao.
Ừ nghĩ cũng tức thật cơ chứ, ngàn vàng vì ai mà hao mòn theo năm theo tháng, ngày còn con gái ai cần chi cái lấp lánh ngón thứ tư. Chỉ khi nằm lửa vài phen, khóe cười thôi lúng liếng mới là lúc cần bồi đắp thêm cho cái ngàn vàng bằng trang sức phải chăng? Thêm giọng trầm trầm chuyện ‘ông ấy’ khó ăn, nấu gì cho ăn cũng chê, có mỡ thì đay: “mong chồng mau chết” cho chút bột ngọt thì nghiến: “mong chồng bại liệt”, mua thịt bò thì bảo quên bệnh cao máu của ngài, mua cá biển ông kêu toàn là độc chất, cho ăn chay ông kêu thèm thịt.
Muốn góp chuyện: “Ông ấy đang than để không bị căng thẳng đầu óc đấy thôi, ông cứ nói thế nhưng vẫn cơm nhà quà vợ cơ mà, đâu có ra ngoài ăn phở đâu mà chị lo”.
Chỉ nửa tiếng đồng hồ nghe được hai câu chuyện chồng con. Theo đúng sách vở thì đàn ông ít tỏ lộ can tràng, dấu kín mọi điều suy nghĩ. Nhưng nay, theo lời khuyên của bác sĩ, các ông cũng đã cởi mở hơn, thích than thở hơn, thích chạm vào điều ngày xưa các ông cho là mất đi thể diện khi héo lánh vào, đó là chốn dầu sôi lửa bỏng.
Ngồi im trong góc, tôi học được món dưa giá ông dậy theo công thức của ‘má tui’: “Lấy đường dấm nấu cho nóng đừng sôi, đổ vô keo giá sống có cà rốt bào chỉ, mai ăn với đồ kho không ngán”. Cậu mới có vợ góp chuyện: “nó không biết nấu, tui nấu cho nó ăn luôn, ba cái nấu nướng đâu có khó, tại mình không thèm làm thôi chớ”.
Nghĩ cũng đúng, thời dùng cái cà ràng nấu bếp, ông lò nấu cơm, nào than nào củi, chỉ người “bị” mới phải làm, chứ ai mà thèm cơ chứ, lại nhớ thuở đổ nước nhồi than, nắm thành hình quả bàng phơi cho khô queo khô quắt, mới nhóm được lửa thì có ai mà thèm thật. Bây giờ quay nút vặn high – medium – low mà không thèm thì thèm gì nhỉ. “Vừa bước vào nhà đã nghe vợ em than chị ơi – đi làm về mệt muốn chết”.
Lại phải trả lời! Phương tiện nhiều, vật chất nhiều vợ em cũng phải đi làm, con thì còn nhỏ, đón đón đưa đưa, tắm cho con, lo quần lo áo, bài đọc bài viết trong trường, học võ, học bơi, học đàn, đi hướng đạo, đi thiếu nhi vợ em có mọc thêm ba đôi tay may ra mới đủ sức mà xoay trở, chịu khó nghe vợ than tí nha em, muốn cô ấy bớt than em chỉ việc ôm cô vào lòng siết nhẹ, nói nhỏ vào tai: “Anh biết em mệt” là đủ.
Than thở đôi khi là một cách tỏ lộ tình cảm từ phụ nữ mà các ông quên đi mất, gặp người lạ chả quen biết chi hết, các bà các cô đã kể lể tâm tình đủ thứ với nhau, thì trong gia đình khi gặp chồng cũng tình thật kể lể phân bua. Sách vở cùng các nhà tâm lý học, tha hồ in, tha hồ khuyên, tha hồ viết cách bảo vệ hạnh phúc gia đình; điều quan trọng nhất là không càm ràm khi thấy người phối ngẫu mệt mỏi, phải luôn tươi tỉnh nở nụ cười vân vân và vân vân.
Tôi đọc ngàn bài dậy, bài khuyên như thế, nhưng hỡi ơi mang thân phận con người hỉ hả thì ít, sân si thèm muốn thì nhiều, có mai năm cánh muốn ép uổng sao cho thành sáu bảy tám chín mười cánh, được như điều ước rồi lại thấy mai ít cánh thanh mảnh đẹp hơn, nên vừa thấy dáng chàng bước vào cửa là kể, nào là vòi nước rỉ, nào là cái bồn rửa chén (sink) bị nghẹt, kể vì mừng thấy chồng đi làm về đấy thôi, có hàm ý gì đâu, có bắt sửa chữa gì đâu? Hàm ý chăng là: “Anh đi làm, em được nghỉ ở nhà, đứng trong bếp mới hay vòi nước rỉ, mới biết cái sink nghẹt. Em mà đi shopping thì làm sao biết sự việc nước rỉ sink không thông kia chứ”.
Chẳng biết còn ai dùng chiêu thức than thở trên cánh tay chàng sau ngày cưới hay không, nhất là sau hai mươi ba mươi năm trong cái phần “trăm năm hạnh phúc” của bạn bè chúc tụng ngày mắt biếc môi thơm về với nhau. Chuyện than thở này đôi khi cũng làm tô chén lục cục lắm khi.
Dĩ nhiên khi viết thế này, người viết hoàn toàn nhìn ở góc độ phụ nữ, nếu có bất kỳ ý kiến gì từ góc độ quí ông, xin gởi điện thư đến người viết autim@autim.net .