CHUYỆN CÂY GÒN

tác giả Phạm Thu Thảo
20 xem


Vừa hôm đọc bài” Cây bông gòn” của chị Hoàng Lan tôi như đắm chìm vào miền ký ức tuổi thơ những ngày còn vô tư bên mái gia đình .
Ở nơi tôi ít ai gọi cây này là cây bông gòn mà chỉ gọi bằng hai từ đơn giản là cây gòn .
Hầu như vườn nào cũng có cây gòn ,khi thì nó mọc hoang ,khi thì người ta trồng . Thường nhất là cây gòn được trồng dựa mé rạch ,mé hiên sau nhà để nó không chiếm diện tích đất và che bóng mát cho cây ăn trái trong vườn.
Gòn mọc hoang bắt đầu bằng những hột khô khi trái bung bông gòn ra .Chúng theo gió phiêu bạc vô định rồi rớt đâu thì mọc cây con ngay đó .Một nhánh gòn được chặt ra từ thân cây rồi chôn vào đất đắp bùn non lên cũng sống và phát triển xanh tốt bình thường.
Cây gòn như đứa con nhà nghèo rất dễ nuôi và mau lớn .Gòn xanh tốt nhờ mưa. Kết trái nhờ nắng và gieo hạt nhờ gió. Cây gòn mau lớn nên gốc thường to lớn như cây sao trong vườn nhà nhưng thân sao rắn chắc là loại gỗ quý và đắc tiền .Thân gòn cũng to như thế nhưng khi rời khỏi mặt đất thì gỗ rất dở ,rất mau mục .Nó tựa như hàng hữu dõng vô mưu .Đây là câu ba tôi thường ví nó .Và sau câu này ông luôn bồi một hồi kinh dạy dỗ tiếp theo mà chị em tôi nằm lòng đó là ” Cho nên dụng nhơn như dụng mộc.Nhắm xài được cái gì thì tận dụng chứ không phải thấy miếng gỗ hà ăn rồi đem quăng cái cây.Người tốt thì mình học cái tốt . Người xấu thì mình học lấy kinh nghiệm tệ bạc của họ mà biết tránh né tiểu nhân”.( Tuy tôi thuộc nằm lòng câu ấy mà cũng không tránh khỏi bị tiểu nhân chơi độc.)
Tuy cây gòn không cho gỗ tốt nhưng nó giúp người dân miền quê rất thiết thực.Đó là dùng để làm cầu đường.
Ngày xưa đường làng có nhiều sông rạch .Thân gòn làm cầu là dễ đi nhất .Ít bị mục như cầu tre
Muốn lựa cây gòn làm cầu phải chọn cây suôn dài ,thân tròn trịa ,to ,đủ chịu lực khi một hai người đứng trên .
Người ta dùng thân gòn bắt qua con rạch rồi chôn xuống đất ,không quên móc sình trét ở hai đầu cho nó đủ ẩm mà bén rễ sống, chứ không cần tưới mỗi ngày .Gòn làm cầu có thể đi ngay sau khi bắt cầu vì nó bám vào đất rất nhanh luôn xanh và khoẻ . Cũng vì thế mà cây cầu bằng thân gòn càng ngày càng to . Thỉnh thoảng nhánh mọc ra từ 2 phía đầu cầu người ta vội chặt sạch sẽ cho dễ đi.
Vì sức sống mạnh mẽ nên người ta chặt ,cứ chặt ,tược gòn mọc ,vẫn cứ mọc, vẫn sống !Mặc người dẫm đạp, vô tư :không buồn ,không vui !
Cầu làm bằng cây gòn mùa nắng đi rất thích vì thân cây to dễ bước đi .Có thể chạy cái vèo qua không cần tay rượng ( là tay vịnh bắc song song với cây cầu cho người khó đi vịnh vào khỏi té). Thuận lợi là thế ,nhưng tới mùa mưa thì không cầm tay vịn khó có thể qua được cây cầu gòn vì nó trơn rất trơn.Chưa kể lúc tôi đi học thì tụi con trai đi qua cầu còn móc miếng sình trây lên cây cầu gòn cho trơn thêm và tụi nó đứng coi , hào hứng reo hò khi bọn nữ chúng tôi đi qua cầu trần thân .Cho dù đi khó nhưng chúng tôi chưa bao giờ té.Người dân quê mà! Chỉ té cầu khi nước ngập cầu bị sảy chân hoặc cây cầu bị mục mà thôi.
Cây gòn trồng rải rác ở miền quê hầu như nhà nào cũng có .Ngoài làm cầu đi thì trái gòn được lấy bông làm gối vô cùng êm ái .Gòn làm nệm nằm mùa đông ấm áp ,mùa hè mát dịu .
Nằm ngủ bằng gối gòn ,mùi thơm dịu nhẹ và êm ái như nằm trên tay mẹ vậy
Vì thế mà hình ảnh cây gòn vô cùng thân quen ở nông thôn miền tây.
Những ngày tôi còn đi học cấp 2 dọc theo mé quốc lộ cũng có vài cây gòn cao lớn .Tới mùa gòn khô ,trái gòn tự bung ra theo gió bay đầy đường.Lúc đó tôi toàn đi học bằng lội bộ nên mặc sức đùa nhau.
Mỗi chiều tan học tôi cùng vài đứa bạn đi cho thật nhanh phía trước cũng chỉ để gom lượm từng nắm bông gòn cho nhiều rồi thổi ra phía sau lưng mù mịt để bọn con trai tức tối chơi. Gòn bay tứ tung bám vô mặt ,vô tóc vô quần áo tụi nó .Thế là tụi con trai cố chạy trước để lụm gòn chơi lại .Cứ vậy mà chúng tôi rượt đuổi cười la vang trời.
Tuy nhiên khi tới đoạn đường phơi lá gòn thì chúng tôi dừng lại ngay .Bởi biết đó là nguyên liệu làm nhang nên không dám dẫm đạp.
Hồi ấy có một đoạn đường quốc lộ chuyên môn phơi lá gòn .Lá gòn tươi được người ta tuốt lấy từ những cây gòn .Họ trải nhánh để nuôi thân gòn khi lớn được suôn cây.

Lá gòn phơi vài nắng là đã khô queo.Họ mang lá gòn đi chế biến thành nhang thắp .Nhang gòn được làm thủ công có mùi thơm thảo mộc .
Mỗi khi tôi đi học bằng đường tắt ngang nhà làm nhang bằng lá gòn.Từ ngoài đầu ngõ đã nghe mùi nhang trầm dìu dịu thoang thoảng phản phất rất dễ chịu
Trong vườn nhà ,ba tôi hay dùng thân gòn làm cầu bắc qua các đầu liếp vườn nên ba hay trồng gòn cạnh các mé ranh đất ,và mé mương cạn hoặc sau hè nhà
Tôi còn nhớ phía sau hè có hai cây gòn lớn ,gốc rất to.
Khi trổ bông , nhìn cây gòn đẹp lắm .Bông gòn rất nhiều nở thành từng chùm,cánh dày trắng muốt.Một vẻ đẹp bình dị khoẻ khoắn như nét đẹp của cô thôn nữ.Hương gòn chỉ thoang thoảng dịu nhẹ không toả lan xa nên ong bướm ít ve vãn .
Khi hoa gòn kết thành trái nhìn cây gòn thích lắm .Quả gòn xanh xanh mắc đầy cành .Chúng lủng lẳng như những ổ bánh mì nhỏ treo tòng teng trên cao .lúc trái gòn già sẽ khô vỏ chuyển sang màu nâu nhạt tự tách vỏ ,tự bung bông nhởn nhơ theo gió bay khắp nơi .
Mỗi năm cây gòn chỉ cho trái một lần .Nếu bán trái thì đợi trái gòn già kêu lái tới .Họ sẽ tự giựt gòn , tự thu gom .Bán gòn thường bán sát nguyên cây chứ không có đơn vị đong đếm.Thật ra gòn đem bán chỉ vì nhiều quá bỏ uổng nên cứ như vừa bán vừa cho . Người mua gòn không bao giờ sợ lỗ .
Cây gòn ở gần nhà má tôi dùng để xài chỉ bán những cây gòn xa nhà mà thôi.
Tới mùa gòn khi trái gòn xanh bắt đầu sạm màu là lúc trái đã già .Má tôi mượn người làm giựt xuống phơi giáp cả khoảng sân .
Trái gòn được phơi độ chừng 1 tuần là nó giòn khô .Chiều chiêù bớt nắng má tôi ra sân đạp cho gòn nứt làm đôi,chuẩn bị gom vô nhà lấy bông gòn và chà hạt.Tôi thích nhất là cái khoảng này .Tôi lon ton theo má dùng đôi chân sáo nhún nhảy đạp lên trái gòn rôm rốp âm thanh rất vui tai .
Gòn khi đã thu bông má tôi sử dụng vào việc làm gối là chủ yếu.
Nội tôi có kiểu may gối ống vuông vức rất khéo . Nhìn cái gối ống bằng gòn do nội làm chỉ muốn nằm lên ngay .Vì là thợ may nên nội may gì cũng khéo .
Nội may nệm bằng gòn ai tới nhà tôi nhìn thấy cũng khen.Chị em tôi từ nhỏ tới lớn đều nằm ngủ bằng nệm gòn do nội may .Tấm nệm gòn êm ái nằm rất đã .
Để làm được một tấm nệm gòn 1,8×2 m phải huy động một số lượng gòn rất nhiều .
Muốn có số bông gòn nhiều thì má và nội phải bỏ công sức rất lâu gở bông gòn từ trái và chà hạt trong phòng kín mít hàng giờ đồng hồ . Phải dồn gòn sao cho dẻ dặt để nằm không bị xẹp đều tùy thuộc vào kinh nghiệm .
Bây giờ nhớ lại nhà có tới 5_6 tấm nệm gòn .lúc đó tôi nằm thoải mái mà đâu có biết mình nằm êm ái là do biết bao công sức của nội và má cực nhọc mới có .
Trái gòn khi đã lấy hết bông thì vỏ gòn dùng làm củi chụm .Vỏ gòn cháy rất dữ .Nội tôi thường hốt tro gòn ngâm trong một cái khạp .Rồi nội lắng nước tro gòn này gội đầu mà không cần tới xà bông.Nước tro gòn gội đầu bọt cũng không thua dầu gội ngày nay .Nội bảo gội êm cái đầu hơn là gội xà bông .
Hột gòn là phần còn lại cuối cùng.Đó là chiến lợi phẩm tôi giành bán để lấy tiền ăn bánh .
Trưa trưa dưới sông có chiếc ghe chèo có một chị rao êm ái ” Ai lông vịt ,hột gòn đổi vôi đổi cớm hơ…”.Tôi chỉ chờ có thế bưng thao hột gòn đen nhánh ra bán rồi chạy cái vù qua tiệm mua bánh ngay.lúc đó tiệm chỉ có vài loại bánh như bánh in nhân đậu xanh ,bánh đậu nướng ,bánh chao ,bánh vòng .Bánh không cầu kỳ gì nhưng thơm lừng và ngon đáo để.
Có lẽ với trẻ thơ ăn quà vặt bao giờ cũng hấp dẫn.
Ở miền thôn quê việc đầu tiên của cô dâu chuẩn bị về nhà chồng là may thêu cặp gối cưới .Dĩ nhiên ai có tiền thì cứ đi mua . Gối cưới thời đó toàn bằng gối gòn .Bao gối có thể tự may tự thêu tùy độ khéo tay từng người và cũng tùy hoàn cảnh.
Gòn ngoài dùng làm gối còn có việc dùng rất quan trọng đó là quấn giấy để chèn áo quan.Nên nhà nào có người già thường trữ sẳn vài bao gòn phòng lúc tang chế có gòn ngay để tẩn liệm chung với trà khỏi phải chạy đôn chạy đáo tìm mua gòn mà có khi không nhớ được chỗ nào bán .
Khi tôi về nhà chồng cũng tự tay may cặp gối cưới cho mình.Tự tay chà gòn để dồn và hối hận vì sao phải làm cho cực khổ vậy trời .Nhưng đã lỡ ngồi rồi bước ra bỏ ngang má sẽ la bảo là không nên.
Ngồi chà cho xong một cần xé bông gòn hơn 3 giờ đồng hồ trong căn phòng kín mít ,nóng nực không chút gió .Mới khâm phục má với nội làm sao.
Từ việc tách trái gở ra lấy bông gòn ,là sợi bông gòn đã bay đầy đầu ,đầy cổ .Nếu không vừng kín chỉ lọt xíu gió thôi là bông gòn bay tứ tung đụng đâu bám đó rất phiền.
Bước ra khỏi chỗ gở bông gòn thì bông gòn bám từ đầu xuống tới chân.chúng bám cả lên da thịt do ướt mồ hôi.Phủi cho người sạch sẽ cũng phải cần mức độ kiên nhẫn không nóng vội được.
Khi xã hội phát triển ,những cây cầu tre, cầu gòn được thay bằng con đường liền lạc thì cây gòn cũng biến mất chẳng khác bóng dáng cây tre.Và đám tang người ta tẩn liệm bằng trà nhiều hơn do khỏi phải tốn công quấn gòn và tìm gòn vì gòn đã trở thành khan hiếm.Cầu không còn nên cung cũng kém . Người ta mua gối bông nhân tạo ,gối cao su để dùng ,dần quên đi chiếc gối bông gòn của một thời ấu thơ ,lam lũ ,nghèo khó.
Từ đó ,cây gòn ở nhà tôi thằng em cũng đốn bỏ chỉ chừa có hai cây gòn to gần phía sau nhà .
Tới mùa gòn ,má tôi vẫn đều đặn chà gòn lấy bông may gối .Nào là gối ôm ,gối đầm ,gối ống.Các ngăn tủ má gối chất sấp lớp .Gối nhà má bao hết các cô con gái .Muốn lâý bao nhiêu cứ xin là có.
Vì tôi ở gần má nhất nên cũng là người tha gối về nhà nhiều nhất.Tôi thích ôm gối ôm nên rinh về đa số là gối ôm.lớp tôi ôm gối,lớp dùng gối gác chân rất thoải mái.
Rồi vì gối ôm để trên giường nhiều quá ,một bữa nọ chồng tôi bực bội quăng từng thằng xuống sàn miệng lầm bầm :” Không biết má em nghĩ sao mà gả con gái rồi cho một đống gối ôm vầy nè trời!!”.Tôi ngồi cười rũ rượi.
Từ đó tôi không xin gối nữa . Không phải vì lời anh nói mà là bỗng thấy gối đã quá nhiều.
Giờ đây đi giáp xóm cũng không còn thấy bóng dáng cây gòn .Nó gần như tuyệt chủng.Nên những đứa trẻ sau nầy như con tôi chắc gì biết cây gòn hình thù ra làm sao ,công dụng thế nào
Thỉnh thoảng trên đường đi bất chợt nhìn thấy cây gòn trong lòng tôi thấy thương thương làm sao bởi sự mai một của chúng . Thấy nhớ thương nhiều những năm tháng cây gòn đã phục vụ con người trong thời kham khổ.Rồi lại nhớ những trò đùa nghịch bông gòn của mình .Mới đó thôi mà thoắt đã mấy chục năm.Nhớ đôi tay má ,tay nội chà gòn bụi bay đầy đầu .Nội đã vào thiên thu còn đôi tay má nay già nua run rẫy đụng đâu cũng rớt bể.
Má tôi già rồi ,cây gòn cũng già theo và mục thân phải đốn bỏ.Nhưng trong nhà vẫn xài gối gòn muôn năm .
Gối má may vẫn luôn bên tôi từ lúc lấy chồng đến giờ.Tôi luôn thích nằm chúng .Gối gòn tuy cũ nhưng vẫn êm ái .Nằm gối gòn tôi vẫn thích hơn gối bán ngày nay
Lâu lâu nắng tốt, tôi tuôn hết bao gối các thứ mang ruột gối ra sân phơi cho bông gòn nóng lên tơi xốp trở lại .Khi nằm lại vẫn êm như mới.
Chợt thấy mình sao giống má hồi xưa ghê : lom khom mang gối ra sân phơi ,lui cui mang gối vào vô bao gối rồi mang để ngay ngắn lên từng giường .
.Má tôi bây giờ như nội tôi ngày xưa _ một mình với kinh kệ.Tôi như má thuở nào lặng lẽ vì con.
Vòng đời cứ thế mà đi.
Phạm Thu Thảo
Chợ lách ngày 15/4/2022
Ảnh lấy từ bài của chị Hoàng lan . Cảm ơn chị đã gợi cho em một mùa kỷ niệm

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved