PHAN ĐẮC LỮ- TUỔI XUÂN CHẾT ĐUỐI GIỮA DÒNG U MÊ

tác giả Đỗ Trường
88 xem

(Mục chân dung nhà văn- Đỗ Trường)
Tôi bị bệnh thực sự, sau một kỳ nghỉ ở Hy Lạp, dù đã tiêm chủng đủ bốn mùa. Đang nằm thở dốc, nghe tiếng chuông, tôi bò dậy, mở cửa. Vừa bước ra, người bưu điện đã ấn vào tay bao thư nặng, và dày cộm, miệng làu bàu: Gớm, sách vở quái gì mà dày thế, không thể đút lọt cửa hòm thư nhà ông. Chẳng kịp cảm ơn người bưu điện, và xem tên người gửi, tôi vất thư lên tủ đầu giường, cuốn chăn nằm tiếp. Lúc sau, nghĩ thế nào, tôi thò tay kéo và bóc bì thư. Thì ra, hai tập thơ liền của bác Phan Đắc Lữ từ Saigon gửi tặng. Cầm cuốn bìa cứng dày, và đẹp hơn, tôi vô tình mở, đọc đúng: “Tuổi xuân chết đuối giữa dòng u mê“. Một câu thơ như một lời than sám hối, hay tự trách, dằn vặt thân phận, làm tôi giật cả mình. Vậy là tôi lộn lại đọc từ đầu. Đọc xong, tập thơ vã hết cả mồ hôi hột, người tỉnh táo hẳn, bò phắt dậy viết những dòng chữ này. Quái quỷ thật, ai dám bảo, văn thơ không chữa được cảm cúm, bệnh tật nào?
Phan Đắc Lữ sinh năm 1937 tại Quảng Nam. Năm 1959, đang học hành ngon lành ở Saigon, chẳng hiểu dính bùa mê thuốc lú gì, ông đùng đùng vượt tuyến ra Hà Nội. Với sự lầm lạc dẫn đến bế tắc đó, ông phải trả giá mười năm lăn lộn trên những công trường xây dựng: “Một mảnh áo bông/ Không góp nổi tiền/ Gió lạnh đầu mùa đe dọa/ Vườn táo một lần nữa ra hoa“. (Hai lần xuân đến). Cũng như Tiêu Dao Bảo Cự, có thể nói, Phan Đắc Lữ tiêu biểu cho thế hệ lầm bước, với mất mát, đớn đau, ân hận, không thể bù đắp, dịu xoa: “Còn quê từ tuổi lên mười/ Mất quê từ buổi làm người giữ quê“ (Dã tràng). Tuy nhiên, với tâm hồn mở, đa cảm của người nghệ sĩ, Phan Đắc Lữ đã cô nỗi đau, cùng tình yêu đất nước và con người vào 6 thi tập: Buồn (2000) Hòn kem đá dừng (2021) Bốn mùa tôi (2008) Xem hát Bội (2011) và Tâm sự với dòng sông, cùng tuyển tập Dã Tràng in ấn trong năm 2022 này. Có thể nói, làm được như vậy, chắc chắc cần lắm lòng can đảm, nghị lực sống của người thi sĩ Phan Đắc Lữ.
Đi sâu vào đọc, ta có thể thấy từ ngữ trong thơ Phan Đắc Lữ mộc mạc dễ hiểu. Tự sự là một trong những thủ pháp nghệ thuật làm nên hồn vía thi ca Phan Đắc Lữ. Bởi, mỗi bài thơ như một câu chuyện đời của ông vậy.
*Năm tháng đầu với những bước chân lầm lạc.

Ngày đầu đến Hà Nội, với ba lần thi trượt vào Khoa văn, Đại học tổng hợp, có thể nói, nó làm vỡ tung bánh vẽ trên cái bong bóng trong tư tưởng cậu tú Saigon Phan Đắc Lữ. Nếu đó là cái buồn đau, chán chường (riêng) của Phan Đắc Lữ, thì đối với Văn học Việt là một sự may mắn. Bởi, nếu ông đỗ đại học, chưa chắc chúng ta đã có một nhà thơ tài hoa, chí khí Phan Đắc Lữ của ngày hôm nay. Cái sự hỏng thi (quá tam ba bận) ấy của Phan Đắc Lữ cũng dễ hiểu thôi, bởi không phải riêng ông. Vâng, nhắc đến nó, làm tôi nhớ đến câu chuyện vui xảy ra cách nay, có lẽ cũng đến gần chục năm:
Số là, trong một lần vui văn nghệ, vô tình tôi được ngồi cạnh bác Phó giáo sư, TS dạy Văn học hiện đại ở trường Đại học tổng hợp, hay Nhân văn, nhân veo gì đó. Bác nghỉ hưu sang ở với con gái. Biết tôi là người viết phê bình tập: Thơ Người Việt Ở Đức, và tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Lúc khật khừ bia rượu, bác đưa tôi đọc bài viết của bác cũng về tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh. Đọc xong, bác hỏi, thế nào? Tôi cười: Được nói thật chứ! Bác bảo, ông cứ nói hết suy nghĩ. Thế em nói nhé: Viết phê bình mà không dám viết hết, lựa viết để vừa lòng ai đó, chán hơn cơm nếp nát. Bác hơi buồn hỏi, trước đây, ông học hay nghiên cứu ở đâu? Thưa bác, cũng định làm học trò của bác, nhưng thi phát nào trượt phát ấy, rồi theo nghề úp mặt vào chảo ạ. Bác bảo, ông cứ đùa, cũng phải có thày chứ. Dạ, thày em là những thày Lễ, thày Thảo, thày Chiếm, Dương ạ… Thế các thày ấy, giảng sư ở những trường nào? Ối giời ơi! Thày em quê mùa, sáng dạy học, chiều xắn quần lên tới bẹn đi cày ngoài đồng ạ. Bác Phó giáo sư đứng dậy, lẩm bẩm, ông là chúa đùa dai…
Nhắc lại câu chuyện trên để ta thấy, bởi sao Phan Đắc Lữ đã chết đuối ngay trên (ao) giấy, khi đặt chân đến Hà Nội. Và nỗi đau, sự thất vọng ấy, để lại trong ông một vết thương không thể đóng thành sẹo. Do vậy, ông đã ủ nỗi buồn, cô đơn đó vào trong thơ. Và “Chuồn chuồn chết đuối ao vơi“ là một bài thơ ra đời trong tâm trạng như vậy của Phan Đắc Lữ, vào năm 1961. Đọc nó, tôi thoạt ngỡ thơ tình yêu lứa đôi, song không phải vậy. Với phép ẩn dụ, Phan Đắc Lữ đã mượn hình ảnh sự vật, thiên nhiên bộc lộ sự bất lực, chán chường trước sự mục nát của xã hội:
“Chân không đi
Sao bụi đường bám gót
Cũng chẳng ai nghe ai những lời đường mật
Sao chiều nay vá víu cuộc đời
Như con chuồn chuồn chết đuối ao vơi
Ai vớt đâu nào
Cọc cầu ao mục nát“.
Và công trường xây dựng là nơi buộc Phan Đắc Lữ phải đi đến. Sự đói khát và nhọc nhằn ấy, làm cho Phan Đắc Lữ nhìn đâu cũng thấy mịt mù tương lai:“Giữa tối giao thừa/ Ngồi quanh bếp lửa/ Uống trà suông/… Âm thầm đếm bốn mùa đi/ Trời đất cho tôi (nào) thấy những gì/ Mưa nắng mỗi ngày góp lại/ Chai rắn đôi bàn tay trắng/ Làm sao nắm bắt tương lai“ (Hai lần xuân đến). Đọc những bài thơ đậm một màu đen, tịt lối của Phan Đắc Lữ cứ làm cho tôi phân vân, tự hỏi. Và buộc tôi phải đi tìm nguyên nhân nào đã đẩy ông ra công trường suốt mười năm như vậy? Bởi, theo trí nhớ của tôi, thập niên sáu, bảy mươi của thế kỷ trước, thành phần tập kết như Phan Đắc Lữ được đãi ngộ, từ công việc, cho đến đời sống, hơn hẳn dân chúng miền Bắc lúc đó. Cùng học cấp một, cấp hai với tôi có rất nhiều con, em từ miền Nam tập kết ra Bắc. Không chỉ có bố mẹ được ưu đãi, mà học sinh miền Nam học hành dù kém một chút, nghịch ngợm phá phách vẫn được lên lớp, với bảng điểm đạo đức ngon lành. Nhất là mấy gã thương binh miền Nam ra Bắc, một số trở thành kiêu binh, đánh người, đốt phá hàng quán, song chính quyền vẫn nuông chiều, làm ngơ. Do vậy, hiện tượng đặc biệt Phan Đắc Lữ phải có ẩn tình, không thể viết thành văn chăng?
Vâng, và tôi chỉ có cách lý giải duy nhất cho riêng mình: Có lẽ từ hiện thực, đưa đến sự thất vọng đã làm biến đổi tư tưởng, không chỉ trong cuộc sống, mà còn ở cả thi ca Phan Đắc Lữ nữa chăng. Cho nên, mười năm dài cùng cực, đói khát, và chua chát ấy, Ban thống nhất TW (hay đấng ngồi trên nào đó) dành cho ông là điều khó tránh khỏi:
“Hạt cơm cõng mấy hạt ngô
Canh suông rau muống nửa sô lèo bều
Đậu phụ dăm miếng cong queo
Đũa chưa chạm tới bay vèo tận đâu
Nhanh chân được trước mất sau
Công bằng chia chác coi sao ngượng ngùng” (Bữa cơm đại táo)
Có thể nói, lỡ bước, lầm lạc khi vào đời thì nhiều lắm, với mọi tầng lớp, nhưng dám từ bỏ những sai lầm đó quả thực không nhiều, nhất là các văn nghệ sĩ. Cho nên, khi đọc Phan Đắc Lữ, tôi khoái cái tính chân thực, sự can đảm, dám nhận, và sửa đến tận cùng những lầm lẫn của mình trong cuộc sống, cũng như thơ văn. Và đây cũng chỉ là suy nghĩ chủ quan của tôi về Phan Đắc Lữ ở giai đoạn này có thể đúng, hoặc không chính xác. Tuy nhiên, đọc và viết về một nhà văn, nhà thơ, tôi vẫn phải đặt ra những giả thiết, như để chúng ta cùng suy nghĩ và cảm nhận vậy.
*Tình yêu và chia ly.
Ngày đầu đến với thi ca, dường như nhà thơ nào cũng vậy, đều thử bút qua đề tài tình yêu lứa đôi. Và Phan Đắc Lữ không nằm ngoài cái lẽ tự nhiên đó. Ngay ngày đầu cầm bút ông đã mở ra cho mình con đường, với bút pháp riêng biệt. Màu Hoa Cải, một bài thơ như vậy, được chiết ra từ tình yêu, sau hơn một năm Phan Đắc Lữ đặt chân đến Hà Nội. Lời thơ tự sự, về câu chuyện tình lỡ dở, Phan Đắc Lữ đặt viên gạch đầu cho sự nghiệp thi ca của mình. Tuy nằm trong nhóm những bài thơ đầu, nhưng có thể nói, Màu Hoa Cải là bài thơ hay, và điển hình nhất về bút pháp nghệ thuật, cũng như đề tài tình yêu của Phan Đắc Lữ. Xuất thân từ miền Nam, song dường như hồn ông đã được nhuộm vàng màu hoa cải, trong cái rét cuối đông xứ Bắc:“Vườn nhà em cuối đông/ Những luống cải lên ngồng/ Vàng tươi như sắc nắng/ Em nhìn tôi thẹn thùng”. Đọc Màu Hoa Cải, tôi chợt thấy cái mộc mạc hương đồng Nguyễn Bính, và gặp lại lối kể chuyện bằng thơ của Luân Hoán. Với lời thơ dân dã, cùng những khẩu ngữ thường nhật khắc sâu hình ảnh rách nát, nghèo đói càng cho ta thấy cái co tròn, tự ti của Phan Đắc Lữ trước tình yêu: “Cậu “công tử” Sài gòn áo vá vai/ Quần bảo hộ đệm mông đệm gối/ Đôi dép lê mòn vẹt rách tanh bành/ Tôi chẳng dám về gặp em lần cuối”. Vì vậy, mối tình cô gái làng Hoàng Mai ấy, đã trở thành hoài niệm đối với Phan Đắc Lữ:
“…Ba năm sau tôi về
Đường ngoại ô rắc đầy xác pháo
Vườn nhà em vắng lặng
Nắng không vàng màu hoa cải
Đàn bướm dạt bờ ao…
Mẹ bảo:
Cuối mùa thu năm trước
Em nó đi lấy chồng
Bên thôn Đoài xa lắc
Nay tay bế tay bồng
Vườn không người chăm sóc
Cỏ dại mọc um tùm…”
Và vẫn quần bảo hộ đệm gối vá mông, cùng dép lê mòn vẹt đế ấy, song thời gian dường như đã cho Phan Đắc Lữ can đảm, và tự tin hơn: “Anh đuổi theo em/ Như hình đuổi bóng/ Bóng chập chờn vào cõi mông lung“. Em ơi! Có lẽ – là một bài thơ tình đớn đau nhất của ông. Những câu thơ ngắn dài như lát cắt cảm xúc nghẹn ngào của thi nhân. Bài thơ được Phan Đắc Lữ viết vào tháng 5-1968, ngày bầu trời Hải Phòng rực đỏ. Và “Anh đi tìm em“ được lặp lại đến bốn lần, với hoàn cảnh, diễn biến khác nhau dưới bom rơi đạn nổ, nhưng cùng tâm trạng lo âu, thất vọng của nhà thơ. Điệp khúc ấy, như những mũi khoan xoáy vào lòng người đọc:
“Anh đi tìm em
Qua những xác người chết không toàn vẹn
Máu và lửa
Mồ hôi và nước mắt
Lẫn trong màu hoa phượng vĩ tháng năm!
Em ơi! Có lẽ
Trái đất tròn
Mà cuộc đời chúng ta thì méo
Nên chẳng bao giờ anh gặp lại em“.
Lưới tình ấy, dường như cả cuộc đời Phan Đắc Lữ mắc phải: “Ta tung hoành bốn chân mây/ Vẫn không thoát khỏi chân mày mắt em“. Vì vậy, không chỉ đi tìm, mà buộc Phan Đắc Lữ phải chôn chân đứng đợi. Thật vậy, Phan Đắc Lữ đã mượn Ngày biển động để gửi gắm cái tình cảm ấy của mình. Cho nên, đọc nó, ta cũng khó phân định, biển động, hay lòng thi nhân đang có bão:
“Ngày biển động, anh tìm em chẳng gặp
Mấy năm qua em lận đận những phương nào?
Thuyền theo lái, em theo chồng, đi không trở lại
Anh dong buồm đứng đợi hứng phong ba!” (Ngày biển động)
Có thể nói, tình yêu đôi lứa góp phần quan trọng làm nên sự nghiệp thi ca Phan Đắc Lữ. Tuy đau đớn và cách chia, song ta không thấy sự bi lụy ở trong đó. Sự trong sáng, hồn nhiên ấy, khác hẳn những trang thơ thế sự xã hội đầy lửa được ông viết trong những năm tháng gần đây.
*Sau 30-4-1975 với những nỗi đau, niềm uất hận.
Và chiến tranh kết thúc, Phan Đắc Lữ trở về quê hương, tìm lại cái thuở ban đầu đã bị đánh mất: “Quê hương biền biệt trời mây/ Ta về tìm lại những ngày ấu thơ“. Nhưng ông đã hoàn toàn thất vọng. Không chỉ những kỷ niệm tuổi thơ đã bị đánh cắp, mà ruộng vườn, gia tộc cũng bị trưng thu, chiếm đoạt. Lời khấn nguyện là lời xin thứ tha của người con trở về, hay tiếng khóc trong thơ của Phan Đắc Lữ. Có thể nói, Lời khấn nguyện là một bài thơ đau, xúc động, và hay nhất ở thể bát ngôn của Phan Đắc Lữ. Và mỗi khổ thơ như một bài bát ngôn tứ tuyệt vậy:
“Khu vườn cũ nhà ta không còn nữa
Gốc tích xưa còn lại nửa vuông sân
Đất cụ tổ mười ba đời khai phá
Nay đã thành sở hữu toàn dân.”
Một lần nữa người thi sĩ buộc phải ra đi, dù trái với qui luật của tự nhiên và cuộc sống con người. Vâng, đó là nỗi buồn đau tận cùng, không chỉ về mặt tâm lý: “Trăm lạy mẹ! Thêm một lần tha tội/ Con lại đi: sống thác gửi quê người/ Lá sẽ rụng, nhưng không bay về cội/ Xác làm tro hồn thả gió luân hồi”. (Lời khấn nguyện). Do vậy, đọc Phan Đắc Lữ tưởng chừng ông gửi nỗi đau ấy vào với Lưu Linh, vào những cơn say. Nhưng không phải vậy. Ông đã mượn điển tích, mượn men say giãi bày tâm sự, chia sớt nỗi đau, và nói lên cái tráng khí của mình. “Cơn say độc ẩm”, một bài thơ lục bát được viết ở hoàn cảnh, tâm trạng như vậy của Phan Đắc Lữ. Với tôi, đây là bài thơ hay, và toàn bích nhất trong hai thi tập Phan Đắc Lữ đã gửi tặng. Và có thể nói, sở trường của ông là thơ lục bát. Cũng như cố nhà thơ Phạm Ngọc Lư, thơ lục bát Phan Đắc Lữ sâu sắc, mang mang hồn cổ phong:
“…Chén này cụng với Lưu Linh
Cùng đau thế thái nhân tình cổ kim
Từ ta bảy nổi ba chìm
Tấm thân phiêu bạt cánh chim giang hồ.

Rượu còn hắt xuống sông Ngân
Trăng tà gió lộng mây lần khần trôi
Ngàn năm Non Nước lở bồi
Cơn say chợt tỉnh bồi hồi Nước Non.”
Cả cuộc đời Phan Đắc Lữ luôn ám ảnh, ân hận bởi u mê, lỡ bước của năm tháng đầu đời. Càng lớn tuổi dường như nỗi buồn ấy càng nhân lên trong ông. Tự châm biếm, giễu nhại (mình) là thủ pháp nghệ thuật Phan Đắc Lữ thường sử dụng ở những năm gần đây. Với thủ pháp này, ông đã mang đến cho người đọc những tiếng cười chua chát, xót xa. Và Dã Tràng là một trong những bài thơ điển hình như vậy của Phan Đắc Lữ. Nếu “Cơn say độc ẩm” là nỗi buồn đau, thì đến với “Dã tràng” ta thấy được sự tiếc nuối, uất hận trong lòng thi nhân. Vẫn mượn điển tích cổ, đoạn trích dưới đây không chỉ chứng minh điều đó, mà còn cho ta thấy tài năng sử dụng biện pháp tu từ, với hình ảnh so sánh, lời thơ mượt mà trong lục bát Phan Đắc Lữ:
“…Một đời làm kiếp mây trôi
Trôi cho hết kiếp luân hồi làm mưa
Mưa là nước mắt tiễn đưa
Khóc sông ra biển mà chưa về nguồn.

Dã tràng nắng chán mưa chê
Sông quê gột rửa u mê bạc đầu
Một đời như nước qua cầu
Xuân xanh đâu nữa mà đau Dã tràng.”
Thơ Phan Đắc Lữ bật ra từ nỗi đau, nỗi cô đơn, nghèo túng bất hạnh, không nhà cửa, hộ tịch hộ khẩu. Những cảm xúc chân thực ấy, cho người đọc sự cảm thông sâu sắc. Buồn đau là vậy, song đọc ông, ta vẫn cảm được cái lãng mạn, chứ không hề thấy sự yếu đuối, ủy mị. Và dường như, Phan Đắc Lữ đã bị ảnh hưởng khá sâu sắc từ thi ca tiền chiến.
*Hồn thơ thế sự.
Từ hiện thực xảo trá, lưu manh, dẫn đến biến đổi tư tưởng Phan Đắc Lữ một cách dứt khoát và nhất quán: “Nếu không có ngày 30 tháng 4/ Đất nước đã hóa RỒNG/ Đâu phải hóa một BẦY SÂU”. Vì vậy, ngòi bút Phan Đắc Lữ đã chọc thẳng vào cái ung nhọt đó. Sự mỉa mai, châm biếm bọn chức quyền, sâu mọt một cách độc đáo của ông làm cho người đọc bật ra tiếng cười sảng khoái: “Tuất khuyển danh gì cũng chó thôi/ Gặp may bàn độc tót lên ngồi”. Nhận ra trái tim ưng khuyển của những kẻ núp bóng nhân dân, ngòi bút Phan Đắc Lữ đã lột bỏ cái bộ mặt ghê tởm ấy: “Quân đội nhân dân/ Công an nhân dân/ Chính quyền nhân dân/ Sao chĩa súng vào ngực nhân dân/ Cướp đất đai cho bọn quan quyền tham nhũng”.(Tiếng kêu từ đất). Và sự cướp phá của bọn cường quyền dẫn đến bần cùng hóa người dân vô tội:”Nông dân tay trắng, quan giàu xổi lên”. Nếu thơ tình Phan Đắc Lữ mượt mà, giàu hình ảnh, thì đến với thế sự lời thơ ông mộc mạc, và thẳng thắn. Ngòi bút can đảm của ông đã cho ta thấy tận cùng của sự thật và nỗi đau. Tiếng kêu từ đất, là một trong những bài thơ điển hình mang tính thế sự nóng bỏng của Phan Đắc Lữ. Đọc nó, ta không chỉ nhận ra bộ mặt ghê tởm của đám kiêu binh, cường quyền, mà còn thấy, thân phận rẻ mạt, bần cùng của người dân thấp cổ bé họng: “Rồi mai đây người dân mất đất/ Người già nua bị gậy ăn xin/ Con gái đôi mươi bán trôn nuôi miệng/ Con trai thành những tên cướp của giết người” (Tiếng kêu từ đất).
Từ tình yêu quê hương, cho nên cái sự đảo lộn đạo đức, cũng như làng xóm làm cho Phan Đắc Lữ đớn đau. Không: “Mơ mùa trăng cũ/ Ruộng Vườn Tiếng chim“ khi “Chẳng còn đâu bóng tre xanh/ Quê nhà giờ đã trở thành cố hương” như nhà thơ Nguyễn Văn Gia, nhưng Phan Đắc Lữ đã vẽ ra bức tranh hiện thực nhức nhối, hỗn độn ở quê nhà:
“Làng xưa nay đã thành phường
Nhà beton lấn ruộng vườn xanh tươi
Nhà hàng, quán trọ như rươi
Dập dìu ong bướm khóc cười thâu đêm” (Làng xưa)
Càng lớn tuổi, ngòi bút lực Phan Đắc Lữ càng mạnh mẽ. Thơ ông đi sâu vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Dòng thế sự của ông luôn làm nóng, và đi sâu vào mọi tầng lớp, cùng tâm lý người đọc. Và, Nếu không có ngày 30 tháng 4 là một bài thơ xuyên dài qua mấy thập kỷ như vậy, nhưng tính thời vẫn sự nóng hổi, và sâu sắc. Đây là một bài thơ cho người đọc thấy rõ, hậu quả đớn đau của ngày 30-4, và nó gây cho tôi nhiều cảm xúc:
“…Để có ngày 30 tháng 4
Con cháu của Rồng Tiên
Rước voi về dày mả Tổ
Bên thắng
Bên thua
Nhân dân đại bại !
Tổ quốc lâm nguy !
Bản Giốc Cao Bằng – Nam Quan Ải Bắc
Hải đảo Hoàng Sa vào tay giặc cướp!…” (Nếu không có ngày 30 tháng 4)
Không dừng lại ở đó, ngòi bút Phan Đắc Lữ còn trần bộ mặt bán nước của những kẻ đang sống phè phỡn trên nỗi khổ đau của dân tộc. Để viết: Máu và thảm đỏ, có thể nói một sự can đảm của nhà thơ. Và chính những bài thơ này đã đóng đinh hồn vía, tư tưởng, nhân cách Phan Đắc Lữ vào lòng người đọc:
“…Máu của ngư dân hiền lành
Mưu sinh trên vùng biển của Tổ tiên
Vẫn đổ xuống hằng ngày dưới bàn tay Tàu tặc
Nay làm thảm đỏ đón giặc xâm lăng!
Ngày năm tháng mười một
Những tên mãi quốc cầu vinh
Trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình
Máu của người Hà Nội – Sài Gòn đã đổ…”
Đọc Phan Đắc Lữ, ta còn thấy tính dự báo trong thơ. Vâng, ông đã chỉ ra tương lai, số phận của những kẻ cơ hội, đang cỡi lên đầu lên cổ người dân lương thiện: “Sống không lợi ích châm mồi lửa/ Thành bụi thành tro sạch cõi bờ”.
Có thể nói, cuộc đời Phan Đắc Lữ là một bi kịch. Từ những nhận thức ban đầu, và khi chạm đến hiện thực nơi đất Bắc, đưa mâu thuẫn tư tưởng Phan Đắc Lữ lên đến đỉnh điểm. Khi đã nhận ra sự lầm lỡ ấy, ông hoàn toàn thay đổi ý thức, tư tưởng. Tuy thắt nút đã được mở, nhưng cuộc sống Phan Đắc Lữ đi vào bế tắc. Và cũng thật may mắn, sự bế tắc, gian nan, khổ đau ấy, ông đã đưa thẳng vào những trang thơ của mình. Tính hiện thực đó, không chỉ có giá trị văn học, mà còn giá trị lịch sử. (Đặc biệt về tư tưởng nhận thức sai lầm của không ít học sinh, sinh viên Saigon ở giai đoạn chiến tranh, cũng như số phận sau đó của họ). Và cũng chính từ cái đặc biệt về thân phận cũng như chí khí Phan Đắc Lữ cho tôi cảm hứng viết bài này. Tôi xin mượn bốn câu thơ hồn cổ phong, đầy chí khí (của chính ông) làm sáng tỏ thêm chân dung người nghệ sĩ Phan Đắc Lữ, để kết thúc bài viết này:
“Thế sự lại đầy hai chén rượu
Chén buồn hắt dậy song Trường giang
Chí lớn ngàn xưa nhen lại lửa
Câu thơ làm súng khoác lên đường.”
Leipzig ngày 19-10-2022
Đỗ Trường

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved