10
Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Nam Ðịnh. Từ năm 10 tuổi đã theo học đàn Mandoline đầu tiên. Năm 1954 ông theo gia đình di cư vào Nam.
Năm 1954 học tại trường tiểu học Ðỗ Hữu Phương, Saigon. 1955 học lớp Ðệ Thất trung học Hồ Ngọc Cẩn. 1956 lên Ðệ Lục được di chuyển cả lớp về Chu Văn An. Năm 1958 một lần nữa cả lớp lại chuyển về trường Trần Lục học lớp Ðệ Tứ, sau khi đậu Trung Học Ðệ Nhất Cấp, học hết lớp Ðệ Tam và một lần nữa cả lớp lại chuyển về trường Nguyễn Trãi năm 1960 học lớp Ðệ Nhị.
Kỳ thi Tú Tài 1 năm 1961 bị rớt về trường Hưng Ðạo học tiếp Ðệ Nhị, năm 1963 đậu Tú Tài Toàn Phần. Trong suốt thời gian trung học đều tham gia hoạt động văn nghệ trong lớp: ca hát, đóng kịch, làm bích báo. Sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959 bị thầy là Nhạc Sỹ Chung Quân chê. Trong thời gian học tại trung học Hưng Ðạo ông đã sáng tác nhạc của các bài Không Tên Số 2, Không Tên Số 6, Không Tên Số 8 mặc dù chưa ráp lời hoàn chỉnh.
Năm 1963 được Linh Mục Trần Ðức Huynh, Giám Ðốc trường Hưng Ðạo cho dạy lớp Ðệ Thất để có tiền tiếp tục học Ðại Học. Tiếp tục dạy học cho đến năm 1973 thì nghỉ vì quá bận rộn trong công tác Trưởng Cơ Sở Dân Vận Gia Ðịnh.
Cuối năm 1963 được nhận vào làm Phóng Viên Ðài Phát Thanh Saigon. Gặp Nhà Thơ Nguyễn Ðình Toàn, 1965 cùng với Nguyễn Ðình Toàn sáng tác Tình Khúc Thứ Nhất sau đó là Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi (1966), tham gia trong ban biên tập hổ trợ chương trình “Nhạc Chủ Ðề” do nhạc sỹ Nguyễn Ðình Toàn phụ trách.
Năm 1965 bị chấn động tinh thần mạnh vì cuộc tình gẫy đổ với một nữ nhân viên nhà đài, sáng tác bài “Không Tên Cuối Cùng”
Năm 1967 ông bị động viên nhập ngũ khóa 25 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Ðức.
Tri ân, tôn vinh nhạc sỹ tài hoa, một trong ngũ hổ tướng chuyên sáng tác dòng nhạc tình ca trước năm 1975 ở miền nam VN, nhạc sỹ VŨ THÀNH AN trong bài viết đầu tiên về tiểu sử nhạc sỹ lúc nhỏ cho đến khi nhạc sỹ tham gia quân ngũ .. cùng ca khúc giới thiệu đầu tiên sáng tác từ khi ông còn học trung học phổ thông trường Hưng Đạo nhưng hoàn chỉnh vào đầu năm 1969, một nhạc khúc con tim gắn tựa “BÀI KO TÊN SỐ 2”
Nhắc đến nhạc sỹ Vũ Thành An, có lẽ tất cả những ai yêu nhạc đều biết ông có đến khoảng 40 bài “Không tên”. Như nhạc sỹ tâm sự ở mỗi bài “Không Tên” lấp ló, ẩn khuất phía sau có xuất hiện bóng dáng của một người bạn gái cùng những kỉ niệm, câu chuyện ko vui gắn kết .. nhưng vì lý do riêng tư cũng như tôn trọng những người bạn gái ấy .. ông đã đặt tên cho những bài hát, những chuyện tình của mình là KHÔNG TÊN, tức muốn là “Giấu tên người tình”.
Vũ Thành An bảo “Làm sao có thể dễ dàng tìm vui khi trên đường đời ta đã đánh mất những mối tình ? như trong bài “Không tên số 2” được ông sáng tác năm 1960 (năm 17 tuổi) nhưng chỉ là giai điệu phác họa nhưng ko trọn vẹn và chưa có lời ca từ. Cho đến khi .. (Bài viết tổng hợp Kyphan)
“Đầu năm 1967, một ngày thật trống rỗng và ảm đạm, định mệnh đã cho anh được gặp em. Như một tia nắng ấm cuối Đông, em đã sưởi ấm tâm hồn anh ngay buổi đầu gặp mặt”
Nhạc sĩ Vũ Thành An đã viết như vậy trong những dòng đầu tiên nhắc về người tình trong “Bài Không Tên Số 2”. Đó là thời điểm ông vẫn còn làm việc chung với nhà văn Nguyễn Đình Toàn tại đài phát thanh và chuẩn bị vào thụ huấn ở trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức.
Vào một buổi chiều giáp Tết, Vũ Thành An đến nhà Nguyễn Đình Toàn chơi thì gặp 2 cô gái bạn của bà Nguyễn Đình Toàn cũng đến thăm, trong đó nhạc sĩ để ý đến một cô gái thật tươi trẻ trong tà áo dài màu xanh, là nữ sinh trường Trưng Vương vừa mới thi đậu Tú tài. Cảm thấy mình rung động ngay phút ban đầu nên ông có quyết định ngay là sẽ chinh phục người đẹp.
Không lâu sau, cô gái đồng ý đi chơi riêng, và trong lần đi chơi đầu tiên đó, nhạc sĩ Vũ Thành An cảm thấy ngỡ ngàng tột cùng khi thấy nàng lái một chiếc xe con sang trọng màu xanh hiệu Opel để đón ông đi chơi. Trong hồi ký, Vũ Thành An nói rằng nếu biết trước tình huống này, ông đã không chủ động làm quen, vì 2 cuộc tình trước đó đều tan vỡ với cùng lý do là khoảng cách giàu nghèo.
Nhưng đến lúc này thì chuyện đã rồi. Trong những ngày sau đó, dù yêu nhau nhưng họ chưa bao giờ nói đến chuyện tương lai.
Ngày tháng yêu đương mặn nồng chưa được bao lâu thì mùa hè năm 1967, ông được lệnh động viên tham gia quân ngũ, vào quân trường Thủ Đức với những ngày tháng huấn nhọc nhằng, lê thê.
Sau này qua lời kể của những người quen biết, nhạc sĩ mới biết rằng những lúc ông không được phép rời trại một thời gian dài, nàng đã lái chiếc Opel đi vòng qua các bãi tập của quân trường Thủ Đức chỉ với một hy vọng rất mong manh là có thể được nhìn thấy bóng dáng của người yêu ở trong đó, để cho vơi đi nỗi nhớ nhung. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để chứng minh đó không những chỉ là tình yêu thực sự, mà còn là rất đậm sâu.
Sau khi hết thời gian “huấn nhục” thì các khóa sinh mới được nghỉ cuối tuần để về thăm nhà. Dù yêu rất cuồng nhiệt và say đắm, nhưng nhạc sĩ cho biết họ vẫn giữ cho nhau trong vòng lễ giáo, một tình yêu thuần khiết không có đụng chạm về thể xác, cao nhất chỉ là những nụ hôn nhẹ nhàng.
Qua hơn một năm (1968), đến ngày nhạc sĩ Vũ Thành An tốt nghiệp trường Thủ Đức và có 4 ngày nghỉ phép, dự định là để dành trọn cho người yêu. Nhưng đúng lúc đó thì ông lại được lệnh hoãn nghỉ phép, phải đi Vũng Tàu trình diện để nhận quyết định đi học tiếp lớp sĩ quan chuyên nghiệp ở Vũng Tàu.
Trước khi ra đi vào sáng sớm hôm sau, họ đã có một buổi tối ngọt ngào bên nhau. Nhạc sĩ kể lại:
“Anh còn nhớ rõ hôm ấy em đã ôm anh rất đắm đuối và bảo anh đừng đi trình diện ngày mai, hãy ở lại với em. Anh không dám trái lệnh cấp trên và đã không thể ở lại với em. Thật không ngờ đó là lần cuối cùng chúng ta bên nhau. Chiếc ôm bá cổ ghì chặt anh vào mình của em sẽ là một kỷ niệm mãi mãi…”
Sáu tháng sau đó, khi đang thụ huấn ở Vũng Tàu, nhạc sĩ Vũ Thành An nhận được thư chia tay, không có lý do, không một lời giải thích. Đó là một điều bí ẩn và mãi mãi làm cho nhạc sĩ ray rứt, bởi vì suốt gần 2 năm yêu nhau họ chưa từng có cãi vã, không một lần xung đột, luôn yêu nhau mặn nồng. Lá thư đã làm cho ông chao đảo và thấy bầu trời như sụp đổ, nhưng cũng đành chấp nhận vì đã từng linh cảm được trước về một điều không hay sẽ đến.
Sau khi tốt nghiệp quân trường ở Vũng Tàu, lá thăm may mắn đã đưa nhạc sĩ Vũ Thành An quay về Sài Gòn để tiếp tục phụng sự cho quân đội, nhưng là ở trong lĩnh vực hành chính.
Vào một ngày tháng 12 năm 1968, ông ngồi uống cafe ở tiệm Brodard ở góc đường Tự Do nổi tiếng của Sài Gòn, trời đổ những giọt mưa lê thê vào cuối mùa làm cho nỗi nhớ người yêu càng thêm da diết, ông quyết định tìm đến nhà nàng ở Quận Tư để thăm bất ngờ.
Tới nhà gõ cửa, nhìn thoáng vào trông, nhạc sĩ thấy có một bữa tiệc nhỏ đã vừa tàn, bàn ăn vẫn chưa dọn dẹp xong. Người mở cửa chính là nàng, trong bộ y phục thật rực rỡ. Sau phút đầu chào nhau ngượng ngập, nàng quay vào trong và dẫn ra một người đàn ông để giới thiệu:
“Đây là hôn phu của em, và hôm nay cũng là lễ đính hôn của em”.
Câu chuyện đó như là trong một tiểu thuyết, nhưng chính là sự thật. Chàng nhạc sĩ si tình cảm thấy như tê điếng cả người, không biết nói gì thêm, chỉ lặng lẽ ra về trong bẽ bàng. Và trong nỗi buồn phiền bài hát “Bài Không Tên Số 2” với giai điệu thai nghén 9 năm trước ráp thêm ca từ ra đời ngay sau đó, cùng nỗi đau còn rất tươi mới ..
Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này vẫn còn đấy
Chiều về không buông nắng, cho mây âm thầm
Một mình trong chiều vắng, nhớ đôi môi mềm
Ngày nào ân cần trao thân ..
Bài hát diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của nhạc sĩ Vũ Thành An trong cái ngày quyết định đến thăm nhà người yêu. Đó là một chiều mưa nhẹ, những cơn gió cuốn trên con đường Tự Do và xoay xoay những cánh lá, như là xoáy vào tận sâu thẳm hồn người.
Tìm trong tháng ngày buồn
Đôi mắt nào khô
đường tim chơ vơ
Đếm cho nhau lời nói
Trên đời nào yêu người.
Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều,
Tình yêu đã hết, xót xa đã nhiều
Đời thôi sẽ còn mai sau.
Thôi em đừng xót thương
Rồi ngày tháng phai đi.
Thôi cuộc tình đó tan rồi
Không còn gì nữa, tiếc mà chi ..
Bài hát thể hiện nỗi đau xót xa, nuối tiếc về cuộc tình tha thiết đã chính thức chấm dứt một cách phũ phàng như vậy. Tuy đã mất nhau nhưng nhạc sĩ tin rằng nàng vẫn yêu mình, không bao giờ nghĩ rằng có ngày sẽ rời xa, và đoán rằng có vì một lý do bí ẩn nào đó dẫn đến quyết định như vậy. Cuộc tình đứt ngang khi vẫn đang rất thắm thiết.
Bài hát chỉ toàn là những lời buồn, và những câu hát sau đây là nổi tiếng nhất, có thể xem là nhân tố quan trọng nhất mang lại sự thành công cho Bài Không Tên Số 2, đó là ..
Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều,
Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo…
Chỉ 3 câu ngắn gọn những thể hiện được đầy đủ ý nghĩa về nhân duyên của một người con gái, xưa cũng như nay: Thời thiếu nữ mộng ước rất cao vời, nhưng trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng thì hành trang mang theo chỉ là một khối u tình, thường là không trọn vẹn.
“Bài Không Tên Số 2” chính thức ra mắt đầu năm 1969, được chính nhạc sĩ Vũ Thành An tự thể hiện ở Quán Gió của nhạc sĩ Nam Lộc, ngay lập tức được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Sau đó, bài hát được các danh ca nổi tiếng trình bày là Thanh Lan, Lệ Thu, và đặc biệt được yêu thích qua giọng hát Ngọc Lan sau năm 1975:
Sau năm 1975 ở hải ngoại, nhạc sĩ viết lời 2 cho các bài không tên, trong đó bài “Không Tên Số 2” cũng được khoác thêm lời mới, mang nhiều tính hoài niệm, nhưng ý nghĩa thì vẫn không khác xa so với lời cũ nhưng ko được các ca sỹ, công chúng đón nhận tích cực ..(Bài viết Đông Kha)
1. [Em] Lòng người như lá úa trong cơn mưa [B7] chiều
Nhiều cơn gió [Am] cuốn xoay xoay trong hồn
Và cơn đau [B7] này vẫn còn [Em] đây
[Em] Chiều về không buông nắng cho mây âm [B] thầm
Một mình trong chiều [Am] vắng nhớ đôi môi mềm
Ngày nào ân [B7] cần trao [Em] thân ..
ĐK:
[Em] Tìm trong tháng ngày buồn
Đôi mắt nào [D] khô đường tình chơ [G] vơ
[Am] Đến cho nhau lời nói trên [Em] đời nào yêu [B7] người
[Em] Kỷ niệm xưa đã chết trong cơn mê [B] chiều
Tình yêu đã [Am] hết xót xa đã nhiều
Đời thôi sẽ [B7] còn mai [Em] sau
[Em] Thôi em đừng xót [D] thương rồi ngày tháng phai [G] đi
[Am] Thôi cuộc tình đó tan [C] rồi
Không còn gì [B7] nữa tiếc mà [Em] chi ..
2. [Em] Đời một người con gái ước mơ đã [B7] nhiều
Trời cho không được [Am] mấy đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối [B7] tình mang [Em] theo
[Em] Xin một lần xiết tay [D] nhau
Một lần cuối cho [G] nhau
[Am] Xin một lần vẫy tay [C] chào
Thôi dòng đời [B7] đó cuốn người [Em] theo ..
Trên là toàn bộ ca từ nhạc khúc con tim buồn lắng, gắn điệu Boston “Bài Không Tên Số Hai” của tu nhạc sỹ Vũ Thành An sáng tác năm 1969. Mời các bạn vào đọc bài viết của tác giả Đông Kha về câu chuyện sáng tác và lượt trích tiểu sử của Kyphan, cùng nghe lại ca khúc quen thuộc, nổi tiếng của n/s qua các chất giọng hay bản thân chọn, giới thiệu để hoài nhớ về những kỷ niệm ngày cũ và nhạc sỹ tài hoa VTA ..