Tiếng Thời Gian – Lâm Tuyền – Dạ Chung

tác giả Kỳ Phan
22 xem

 Bôi xóa, hằn lên nỗi buồn kiếp cô lữ ôm nỗi đau buổi chiều tàn ..
Tiếp tục giới thiệu một bài nhạc trữ tình tiền chiến xuất sắc của n/s họ Lâm, bài hợp tác thứ tư với đạo diễn họ Hoàng (Hoàng Vĩnh Lộc) bút danh Dạ Chung khi thời trẻ hai ông còn ở quê nhà Huế, bài boston buồn lắng có tên “Tiếng Thời Gian” sáng tác năm 1952 sau Trở về dĩ vãng, Hình ảnh một buổi chiều, Lặng lẽ.
Hãy vào đọc bài viết viết của nữ danh ca, nhà phê bình âm nhạc Quỳnh Giao viết bài cảm nhận về ca khúc ..
“ .. Trong tất cả tác phẩm của Lâm Tuyền, mà chúng ta đếm không quá mười ngón tay, thì “Tiếng Thời Gian” có nhạc thuật cao nhất. Lời ca rất đẹp cũng do Dạ Chung viết càng làm tăng giá trị của ca khúc. Bài hát có đoạn mở đầu dìu dặt nhịp Boston trong cung sol trưởng, tả cảnh đêm mưa hiu hắt Mùa Ðông, có sương mờ buông nhẹ cùng tiếng chuông buồn ngân. Nhân vật trong ca khúc là người lữ khách dừng chân bên sông, chờ người mà không thấy đến, và nhớ lại cuộc đời đầm ấm cũ đã phai theo thời gian…
Ông tài tình chuyển đoạn qua nhịp 4/4, với câu nhạc ngắn gọn, nhịp nhàng và có nhiều syncopes (nhịp chỏi). Lời ca diễn tả nỗi tê tái khi nhìn cây lá rơi rụng mà chạnh nhớ tới những ngày Xuân đã phôi pha. Ðứng từ dưới nhìn lên lầu nguy nga, bèn than cho phận mình đã bao nhiêu Mùa Xuân qua trống vắng tình yêu… Câu nhạc chơi vơi để trở về nhạc đề chính nhịp Í, chấm dứt ở chủ đề “cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian”.
Quỳnh Giao nghe bài hát này lần đầu qua giọng ca của cô đào cải lương miền Bắc là Kim Chung. Chắc nhiều độc giả có thể ngạc nhiên vì chi tiết này ! Chẳng là trong nhà có người dì (chị họ của mẹ) mê xem cải lương. Cứ vài đêm thì bà lại đi đến rạp Aristo xem Kim Chung và Bích Hợp ca diễn. Bà thường đi cyclo, thong dong thư thả, vì đêm Sài Gòn mát mẻ, chiến tranh chưa lan rộng, chưa có giới nghiêm. Một ngày nọ, đang học lớp ba thì người viết được bảng danh dự cuối tháng. Vui đáo để, vì hiếm khi được! Chạy về khoe mẹ, khoe dì. Hỏi muốn thưởng cái gì, con bé bèn tâu: cho con đi coi cải lương !
Thế là ngay tối Thứ Bảy hôm sau được đi xem hát. Cho đến bây giờ Quỳnh Giao còn nhớ vở tuồng “Sóng Nhạc Hương Tình” của đoàn Kim Chung. Còn nhớ bộ quần áo kiểu “hương xa” như áo dạ hội mà cô mặc hôm ấy. Những người đóng vai hiền thì bôi má hồng thật đậm, còn vai gian ác mặt trắng bệch !
Nhớ nhất đoạn Kim Chung hát bài “Tiếng Thời Gian”, giọng cô cao nhưng hơi chua, và khi cô lên nốt “mi” cao của câu “cuộc đời đầm ấm, đã theo thời gian” thật não nuột và chua xót, khiến trẻ con mà cũng thấy mắt mình rưng rưng…
Bài này nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm thật độc đáo. Ông dùng cả dàn giây lẫn kèn và cũng chính ông thổi clarinette đoạn intro. Kim Tước và Châu Hà hát bản này tuyệt như nhau.
Quỳnh Giao chỉ tiếc là thời phong độ của nữ danh ca Minh Trang, thân mẫu của mình hát bài này như thế nào, mình bé quá không được thưởng thức. Chỉ nghe nhạc sĩ Vũ Thành lúc sinh tiền thường tấm tắc khen mỗi khi nghe ai hát cùng ca khúc: “Bài này bà Minh Trang hát vô địch, rất là tân kỳ”.
Khi Lâm Tuyền viết “Trở Về Dĩ Vãng” thì người viết còn bé lắm, nhưng được cô Mộc Lan kể lại cho biết ông viết để tặng cho cô. Có lẽ vì mình bé nên cô mới kể, chứ không kể cho người lớn! Câu hát “Anh thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên” ám chỉ cô, vì tên gọi chơi (nick name) của cô là Nhung, dù tên thật là Nga. Người viết suy đoán là ông dựa vào ý thơ của “Người Em Sầu Mộng”của Lưu Trọng Lư, vì những câu như
“Tình em như tuyết giăng đầu núi, tình anh như sóng đưa ngoài khơi”…
Ca khúc trữ tình này còn ai hát hay hơn chính Mộc Lan !
Ngoài ra những người yêu nhạc và sành sỏi thì không thể không biết đến ca khúc “Lặng Lẽ” của Lâm Tuyền, một ca khúc có lời từ đẹp nhất của Dạ Chung, cho các thanh niên thiếu nữ tỏ tình. Nghe loại nhạc ngày nay, không còn thấy cách tỏ tình e ấp ấy nữa vì xã hội đã đổi khác.
Nàng từ đâu tới đây, gieo sầu Mùa Thu.
Lặng nhìn ta dưới hoa, nhìn thôi chẳng nói, cớ sao nhìn ta.
Rồi lòng ta từ đó đắm say mơ màng, chìm trong đôi mắt.
Ôi đôi mắt nhung huyền, nhìn ta không nói, chiều thu êm ái…
Có đúng là lời tỏ tình tha thiết mà thầm lặng không ? Nhạc phẩm này Sĩ Phú trình bày thành công nhất. Giọng ông nhẹ, thủ thỉ tâm tình.
Còn một bài của Lâm Tuyền mà người viết không biết và chưa bao giờ nghe là bài “Nhắn Người Viễn Xứ”.
Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa “phôi thai”, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.
Các nhạc trưởng có tài năng như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông.
Giờ đây ngẫm lại thì qua lời ca, Lâm Tuyền và Dạ Chung cùng nhiều nghệ sĩ khác của thời đại ấy đều mang một ước vọng phiêu lưu. Họ mơ được sống ở những chân trời xa cho thỏa mộng sông hồ, mà ít ai nghĩ rằng mình sẽ còn có ngày ra biển, thật sự ly hương. Và ra đi là không trở về nữa.
Chẳng biết đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đã có bao giờ xuất ngoại chưa, nhưng Lâm Tuyền thì chưa hề đi khỏi Việt Nam. Năm 1975, một số đông nghệ sĩ thoát ra hải ngoại, riêng ông vẫn kẹt lại. Sau nhiều năm tù đày, Hoàng Vĩnh Lộc mất trước. Lâm Tuyền sống lây lất đến 1997 thì qua đời tại Sài Gòn. Ngày nghe tin ông mất, Quỳnh Giao và anh Lê Ðình Ðiểu (cũng đã mất) đang thu thanh chương trình “Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật” cho đài VNCR. Hai người vội loan tin buồn tới thính giả, và cho phát thanh ca khúc bất hủ “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”…
Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà
Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời…
Cả Lâm Tuyền và Dạ Chung đều chỉ mơ như thế mà thôi.
( January 2009 Quỳnh Giao)
Vẫn biết thời gian là nghiệt ngã gội xóa đi những hình ảnh buồn vui, vinh quang hay cay đắng của một kiếp người nhưng với những gì nhạc sĩ Lâm Tuyền đã đóng góp cho âm nhạc tiền chiến qua những bản tình ca bất hủ, ngón đàn điệu luyện khi ông độc tấu trên các đài truyền hình trước năm 1975 so với hình ảnh mà tác giả Trần Áng Sơn gặp lại sau năm 1975, anh kể ..
“ .. Sau 1975, tôi gặp lại nhạc sĩ Lâm Tuyền mấy lần – ông già đi là lẽ dĩ nhiên – nhưng nhìn cảnh ông già mù ngồi trên chiếc xe lăn cùng nỗi buồn ẩn hiện nét khắc khổ trên gương mặt, khiến tôi nao lòng! Đây là hình ảnh của người n/s đã cống hiến hàng loạt bài nhạc tiền chiến nổi tiếng đâu thập niên 50 đây sao ? người từng truyền cho tôi và một số học trò n/s nổi tiếng khác như Bảo Thu, Hà Phương .. những kỹ thuật solo guitar điêu luyện đây sao ? làm sao tôi có thể ko đau lòng với những gì bất công người ta đối xử ông lúc cuối đời ..” (lượt trích Trần Áng Sơn)
Ngắm nghé nhạc phẩm Tiếng Thời Gian này từ khá lâu nhưng nay mới có dịp thực hiện. Phần lớn là vì tôi nửa thích, nửa không với bài này. Tôi rất thích đoạn đầu 3/4 của nhạc phẩm này. Vừa êm đềm, vừa thấm thía. Nhưng phần đoạn giữa thì lại không được như vậy khi đổi qua 4/4. Nhạc sĩ Lâm Tuyền đã thay đổi cách chấm câu trong bài ở đoạn giữa khiến cho tiết tấu thành khá lê thê. Lần nào chơi bài này đến đoạn giữa tôi cũng chợt cảm thấy ngần ngại không muốn tiếp tục khi bài chuyển từ 3/4 qua 4/4.
Bẵng đi khá lâu cho đến một hôm Châu Hạnh đề nghị hát bài này. Tôi chợt có ý nghĩ hay là chuyển cả bài qua cùng một nhịp phách. Cùng 3/4 hoặc cùng 4/4 ? Qua nhiều lần thử thì tôi quyết định chuyển toàn bài qua 4/4. Cách này cho phép tôi chơi Tiếng Thời Gian theo tiết tấu jazz ballad và làm cho bài trở nên trơn tru, hấp dẫn hơn, ít nhất là theo nhận định riêng của tôi. Không biết làm đúng hay sai, nhưng ít nhất, với tôi, nhạc phẩm Tiếng Thời Gian này đã trở thành hứng khởi cho tôi khi nó được Jazz hóa .. (Lê Vũ music)
TIẾNG THỜI GIAN
Sáng tác: nhạc Lâm Tuyền, thơ Dạ Chung | Nhạc trữ tình | Điệu: Boston | 1952
[G] Mưa rơi hiu hắt, [Em] ai sầu mùa [Bm] đông
Không gian u [Am] ám [Bm] sương mờ, mờ [Em] buông
Xa trong đêm [Am] vắng chuông buồn, buồn [D7] ngân
[G] Mùa đông xưa rét [Bm] mướt, bến [Em] sông, ngừng [Am] chân
[D7] Chờ ai trong tê [G] tái, lắng [Em] nghe, chuông [G] than
Thời gian trôi tan [Bm] tác, mang [Em] theo, ngày [Am] xuân
[D7] Mưa [C] đêm nay khóc [G] thầm
Cuộc đời đầm [Em] ấm [Am] đã theo thời [G] gian
[C] Ngoài kia gió [G] sương [Em] mờ
[C] Lìa cây lá [E] giang [Am] hồ
[G] Về đâu! Về [Em] đâu! [C] Ngày xuân thoắt [G] đi [Em] dần
[D7] Lòng ta tái [Bm] tê [Em] sầu
[D7] Người cười nhưng [A7] ta vẫn khóc [D7] thầm
[G] Ðời chim bạt [Em] gió
[C] Kìa ai thoáng [G] mơ [Em] hồ
[D7] Ngừng chân dưới [Bm] mưa [Em] dầm
[D7] Nhìn lầu nguy [Am] nga ước mơ thầm
[D7] Bao nhiêu xuân qua, lòng không tình [G] yêu ..
Tri ân, tôn vinh nhạc sĩ tiền chiến tài hoa Lâm Tuyền trong bài viết thứ năm cùng hai bài viết của danh ca Quỳnh Giao, học trò Trần Áng Sơn, n/s phối âm Lê Vũ .. viết về ca khúc “Tiếng thời gian” sáng tác năm 1952 của cặp đôi n/s gốc Huế Lâm Tuyền – Dạ Chung
Mời các bạn vào đọc bài viết cùng nghe “Tiếng Thời Gian” một trong những bài nhạc cổ điển tiền chiến lãng mạn, buồn lắng viết về nỗi niềm của lữ khách cô đơn nhìn thời gian trôi qua chỉ gặm nhắm thêm nỗi buồn kiếp người ..

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved