Hoa Lạ – Quỳnh Hương

tác giả Triệu Thần
65 xem

Nghe đâu, thời Tùy Vương Dương Quảng, ông hôn quân một đêm bỗng mộng thấy
một cây trổ hoa lạ . Lạ hơn là cùng thời điểm, tại ngôi chùa Dương Ly cổ
kính ở Lạc Dương thành, trong đêm khuya bỗng có kỳ tích xuất hiện . Giữa
canh ba, sân chùa bỗng rực sáng, hương thơm lan tỏa nơi nơi, khiến dân chúng
trong vùng nô nức theo nhau đến xem . Thì ra có một cây bông lạ bên giếng
nước đến kỳ nở hoa, một đóa hoa lạ màu ngũ sắc với mười tám cánh lớn ở trên
và 24 cánh nhỏ ở phía dưới, hương thơm sực nức lan ra đến ngàn dặm .

Dương Quảng nghe tin liền yết bảng trong dân gian ai vẽ được hoa đẹp sẽ được
trọng thưởng . Các nhà họa sĩ thi nhau vẽ, và có một người vẽ được bức họa
vừa ý vua . Cầm trong tay bức họa, nhà vua nghĩ bụng "tranh vẽ đã đẹp nhường
này, ở ngoài hoa chắc còn đẹp vạn lần hơn" nên quyết định hạ Dương Châu để
ngắm hoa .

Thế là, Dương Quảng sai khai kênh Vạn Hà đến Dương Châu, huy động lực lượng
tô tức đến hàng vạn người làm ngày làm đêm cho đoàn thuyền của vua tuần du
Dương Châu . Kênh đào xong, một đại lễ được cử hành . Triều đình, bá quan
văn võ, và cả hàng ngàn cung nữ theo hầu vua làm thành một đoàn thuyền rình
rang, vô cùng xa xỉ . Trong đoàn quan quân hộ giá có cha con Thái Nguyên hầu
Lý Uyên . Thuyền vừa cập bến, con của Lý Uyên là Lý Thế Dân đã cùng bạn bè
đến thưởng hoa . Thế Dân là kẻ có chân mạng thiên tử (về sau lên ngôi lấy
hiệu là Đường Thái Tông), nên hoa nhún mình lên xuống ba lần nghinh đón,
khoe cánh trắng, nhụy vàng và làn hương ngào ngạt không gian . Dưới trăng
vằng vặc, hoa càng đẹp tuyệt vời . Thế Dân ngắm hoa xong, một cơn mưa to đi
qua, và hoa rụng hết …

Sáng hôm sau, Dương Quảng cùng triều thần xa giá đến xem hoa, chỉ còn trơ
cội . Tùy Vương tức giận sai nhổ hết và vứt bỏ . Từ đó, loài hoa lạ này chỉ
nở về đêm, và chỉ nở cho những người có lòng yêu .

Đó là truyền thuyết hoa Quỳnh ! Lão đọc được điều này lấy làm thích thú . Vì
có lần xem phim "Hoàng Hà Đại Phong Vân" (còn có tên là "Thuyết Đường") đã
sẵn lòng ghét Dương Quảng . Cái huyền thoại càng làm cho loại hoa đặc biệt
này thêm phần cao quý . Thế nhưng, bao nhiêu lần xem hoa nở, bao nhiêu lần
tiếc hoa tàn, lão chưa được thực sự cảm thấy cái hương "ngào ngạt" của Quỳnh
(quỳnh hương ?) như vẫn nghe kể lại . Không lẽ giống quỳnh mà lão gặp đều
chẳng phải giống quý . Mà rồi cũng chẳng quan trọng mấy, lão thích vì nhiều
cái khác nữa, không vì mùi hương không sực nức mà lòng yêu có giảm suy .

Thế còn cành giao ? Cành mà không có lá . Nghe đâu, trồng một nhánh giao bên
cạnh gốc quỳnh, quỳnh sẽ nở nhanh và nhiều hơn, như thể vì niềm vui, vì tri
kỷ mà dâng tặng cho nhau vậy đó . Nhiều người cũng bàn, "quỳnh" và "giao",
biết bên nào là quân tử, và bên nào là giai nhân đây ? Mà quả khó thiệt!
Quỳnh vốn hoa, vốn tương xứng với giai nhân . Giao thuộc nhánh (nhành), ai
lại đi so sánh với người quân tử ? Kết hợp chúng với nhau, có vẻ cao quý lẫn
kênh kiệu, lại có nét gân guốc mà mềm mại, không phân biệt, hóa chẳng phải
là một sự tương liên thú vị, cầm sắt hài hòa !

Lão chưa bao giờ được trồng hoa quỳnh cạnh một nhánh giao, nên không biết có
thực không! Nhưng nếu được vì tri kỷ để nở ngát hương, vẫn đáng lắm hoa ơi,
dù chỉ một lần, dù chỉ để rồi tàn . Huống chi … Và cái khoảnh khắc thăng
hoa đó, vốn không thể đánh đổi .

Lão giờ luống tuổi, mà mỗi lần ngắm quỳnh lên, vẫn còn thấy lâng lâng khó
tả. Như cô ND tâm sự, cái cảm giác dường như ngạt thở . Không chỉ vì hương
hoa, mà còn vì chẳng dám thở mạnh, sợ hoa chóng tàn, như sợ hạnh phúc chớm
thành hình vụt biến . Kiểu như Xuân Diệu nói "không gian như có dây tơ –
bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ chia". Chữ sẽ ở đây dùng đắc quá, không phải là
sẽ của thời gian, mà là sẽ của sự vật, khe khẽ, khe khẽ, lung linh, lung
linh !

Và để kết, lão xin tặng cho những kẻ hữu duyên một một đôi câu của Hoàng
Thừa Ngạn đời Tam Quốc, cùng một âm hưởng của Xuân Diệu trong "Chiều", trân
trọng, nâng niu …
" … Cưỡi lừa qua cầu nhỏ
Thương tiếc khóm mai gầy … "

Biết đâu đấy, trong đời vẫn còn có những người biết trân trọng, nâng niu …

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved