Khúc Nhạc Đồng Quê

tác giả Trần Thị Phương Lan
128 xem

Lâu lâu tổng vệ sinh nhà cửa, người viết lôi ra được từ dưới đáy tủ cả chục cuốn nhạc xưa viết tay có (trước đây), đánh máy có (sau này). Để ý thấy trong những tập nhạc đó của mình, phân nửa tôi đã chép nhạc xuân và nhạc vui (mà tôi thường gọi là nhạc giựt, hay giựt gân), còn phân nửa kia đều dành cho những ca khúc viết về đồng quê. Băn khoăn muốn biết lý do tại sao tôi lại mê đắm những khúc hát đồng quê đến như vậy, trong khi hầu hết cuộc đời tôi đều phải sống nơi phố thị, thì chỉ có một cách là PHÂN TÍCH:

PHONG CẢNH THIÊN NHIÊN TƯƠI ĐẸP:

Trái với thành phố có cuộc sống tiện nghi hiện đại, máy móc công nghệ tối tân, thôn quê sở hữu khung cảnh thiên nhiên không bị bàn tay con người can thiệp, với những quang cảnh lãng mạn, đẹp mê hồn. Quê ai nấy yêu, nấy ca tụng; nhưng cũng có những trường hợp người nhạc sĩ trên bước đường phiêu lãng tìm nguồn cảm hứng, ghé lại đây đó rồi tức cảnh sinh tình, hoặc đem lòng cảm mến một bóng hồng nơi ấy, mà sáng tác nên những khúc hát đồng quê tuyệt vời kia.
Đứng đầu trong các tác phẩm âm nhạc ngợi ca vẻ đẹp địa phương, phải kể đến nhạc phẩm Em Gái Hà Tiên của nhạc sĩ Y Vân, lời ca thật thơ mộng và phần nhạc nghe thật dìu dặt, du dương khiến người nghe cứ tưởng mình đang được đi du lịch qua một vùng đất thần tiên:

Hà Tiên ơi Đất đẹp ngàn nơi Sớm chiều và cuộc đời sống yên vui Về quê em xóm làng dịu hiền Bóng dừa đẹp một miền Đất Hà Tiên Một chiều tôi đến nơi Ngập ngừng em đón tôi Ngại ngùng tia nắng chưa chìm khuất sau chân đồi Đừng nhìn nhau quá lâu Sợ rồi thương mến nhau Chỉ cần quen biết thôi tình chớ nên tìm sâu Dù xa em cách biệt ngàn trùng Vẫn còn lại một niềm nhớ Hà Tiên.

Về Miền Tây, Y Vân và Văn Thế Bảo, gợi nhớ miền Lục tỉnh đáng yêu:

Về miền Tây Có ai về miền Tây Lúa mùa thơm thơm mát Dừa xanh nghiêng chênh chếch Cá ngược dòng sông này Về miền Tây Có ai về miền Tây Lối mòn trơ vách đá Ðường Long Xuyên Châu Ðốc Ai hát lời thơ ngây…

Khúc Tình Ca Xứ Huế, tác giả Trần Đình Quân, với đoạn điệp khúc dồn dập, rộn ràng, chắc hẳn đã làm se thắt nhiều con tim sầu viễn xứ:

Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương Trường Tiền qua mấy nhịp mờ trong sương Ngỡ ngàng khách thấy hồn sầu mênh mang Đêm nao, nghe khúc Nam Bình buồn trên dòng đời xuôi ngược Đành lãng quên bao nhớ thương Đêm nay, dư âm đang vọng về bên lòng thuyền nghe não nùng Mơ hồ tiếng hát Giang Châu Ai ra đi đành quên ngày xưa đẹp sao Bên ven sông còn nguyên màu hoa chiều nào Trăm năm vẫn vẹn thề nối lại vạn nhịp cầu Xa nhau lòng thương nhớ mãi về đẹp lòng nhau…

Ca khúc Nhớ Về Đà Lạt của tác giả Hoàng Trọng lại đưa hồn người về thăm lại xứ lạnh cùng những địa danh đẹp như tranh vẽ:

Đà Lạt ơi, khi vui đường đi dìu chân tới thác Cam Ly ngắm đôi lòng ước trao thề Khi buồn mơ, Xuân Hương hồ thu là nơi đón ánh trăng tơ xóa tan phong trần phai mờ Nhớ có Hồ Than Thở, Suối Vàng, Rừng Ái Ân lắng như nơi thiên tiên đang trầm mơ Có nước vờn khe đá thác ngàn xao xuyến như lá thông reo ví veo, chim hòa theo… Đà Lạt ơi, bao nhiêu lời ca nào ca hết ý nên thơ hết khung trời đã tôn thờ! Nay dù xa bao nhiêu ngày qua Hồn ta vẫn luyến nơi xưa mỗi khi xuân về khai mùa…

Nhớ Nha Trang, nhạc khúc đồng sáng tác của hai nhạc sĩ Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương, nghe dìu dặt êm ái như những con sóng vỗ về bờ cát, đem lại cảm giác thư thái cho tâm hồn:

Nha Thành mến yêu một ngày trời sang mùa mới Gió từ biển khơi lộng về mừng khách ngàn nơi Ôi nguồn vui sống nắng nhuộm vành môi nàng má hồng Nắng say lướt nhanh qua lòng người trai đùa sóng… Nha Thành đón tôi gặp đời bình yên vừa tới Cát vàng nước xanh đẹp màu đôi bóng thùy dương Câu thề câu nói kết thành ngàn khúc nhạc ấm lời Gió ơi gió ơi, ngân hoà thêm tiếng lòng tôi!

Cũng không thể không nhắc tới nhạc sĩ Văn Phụng qua ca khúc trữ tình viết về quê nhà của ông, nhạc phẩm Trở Về Huế:

Giòng sông Hương vẫn mơ Thời gian trôi chưa xóa màu xanh mơ hồ Buồm ai theo gió đưa Thuyền đi xa nhưng vẫn còn vang câu hò Về nơi đây ấm êm Nhìn muôn tà áo tím trên cầu Tràng Tiền Kìa làn tóc mây u huyền Vờn đôi mắt bao dịu hiền Làn môi thắm đang cười tươi khoe bao nét duyên… Về đây bao thiết tha Nhìn Nam Giao sau khóm dừa xanh la đà Đường về Thôn Vỹ xa Lòng lâng lâng xao xuyến tình quê chan hòa Giờ đây sau chiến chinh Miền Thần Kinh non nước Hương Bình tràn tình Về xa lánh nơi đô thành Và xây đắp bao duyên tình Cùng chung sống bên giòng sông Hương bao mến thương…

Hình như Huế là một địa danh được rất nhiều nghệ sĩ yêu mến, đồng thời cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của họ, trong đó có Minh Kỳ với ca khúc Thương Về Xứ Huế, lời của Hoài Linh:

Mây vương khói chiều, xứ Huế đẹp yêu kiều
Ngơ ngẩn lòng du khách những chiều xuống
Hương Giang lững lờ, trăng nước vờn đôi bờ
Câu hò vọng xa đưa khúc buồn mơ
Tôi thương nhớ nhiều khi nắng chiều êm dịu
Trên đường về thôn Vỹ vắng đìu hiu
Thông reo Núi Ngự man mác sầu Thiên Mụ
Ai về gửi thương nhớ chốn ngàn thơ.

KHÔNG GIAN RỘNG RÃI KHOÁNG ĐÃNG:

Đồng quê không tù túng, gò bó, chật hẹp, bụi bặm, ồn ào như thành phố. Đất ruộng cò bay thẳng cánh, còn không khí thì trong lành, tươi mát, khiến nông dân lỡ có dịp ra phố thị đi công chuyện đã cảm thấy ngột ngạt khó thở nên chỉ vài ngày, họ đã lại đòi quay về cố xứ!

Ca khúc Ánh Sáng Đồng Quê, của Nhật Bằng, được dùng làm nhạc hiệu cho chương trình Người Cày Có Ruộng trên TV thuở nào, một bài hát miêu tả cảnh thôn quê cứ gọi là “quê trớt, lúa không lòi ra nổi một hột gạo”, nhưng lại vô cùng thân thương với nước Việt chúng ta, có dân số lên tới 90% làm nghề nông:

Chim non ca vang tưng bừng đùa vui trong ánh dương Muôn hoa xinh tươi mơ màng cùng phô sắc hương Sông xanh bao la êm đềm cuộn trôi như thiết tha Trên đê reo vang bao lớp người cùng hòa ca Thôn quê hân hoan tưng bừng đùa vui trong nắng mai Mong cho tương lai dân Việt được no ấm luôn Bao cô thôn quê yêu kiều cùng vun bông lúa thơm Hương quê bao la vang khúc nhạc lòng yêu đời.

Gió Hiền, tác phẩm của Y Vân và Xuân Tiên, phác họa bức tranh thôn quê êm đềm và đẹp mơ màng :

Chiều về nghiêng mình trên quê hương tôi Chơi vơi tiếng tiêu buông trên không bồi hồi Kìa bầu trời! Kìa vầng mây! Mong chờ gió xa vời Ơi! Gió uốn lên cung đàn Gió mát trong tâm hồn Người ơi! Gió mang tình thương Cùng những ai trên đường Chiều về soi mình trên con sông sâu Nơi đây sóng tô lên trên đê rì rào Từ ngoài đồng Cùng vườn dâu Mong chờ gió lên màu Ơi! Gió mến yêu thôn làng Gió mát trên non ngàn Về đây gió tươi làn môi và vương trên tóc mây.

Nhạt Nắng, của Xuân Lôi và Y Vân:
Tôi thương miền quê nhớ hoàng hôn trên đất xưa Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè Tôi yêu người xưa áo nâu hương duyên thật thà Đời mặn nồng hồng lên đôi má Nhưng thôi giờ đây nắng tàn phai trên khóm tre Bao áng mây bên trời mịt mờ Thương ai nhạt môi Mắt sâu lắng như đêm dài Đời cần lao khoác lên mình trai Hoàng hôn phai nắng Chân trời xa vắng Còn đâu tiếng tiêu buông Chiều tà mênh mang Thoáng bên đồi nương Có tiếng ai thở than.

Gió Chiều, của nhạc sĩ Văn Phụng:

Gió chiều từ xa đến nhẹ lay mấy cành hoa Nghiêng ngả trên cành la đà Gió chiều đưa câu hát lả lơi ấm làn môi Có bầy trẻ thơ vang tiếng cười Gió chiều thương đôi mái đầu xanh dưới lều tranh Êm đềm sống đời yên lành Gió chiều thương ai đã vì ai sánh nhịp vai Vất vả cùng xây đắp ngày mai Gió đưa thuyền xuôi về đâu Nhớ xuôi về nơi yêu dấu…

Tiếng Vang Trên Đồi cũng được sáng tác bởi nhạc sĩ Văn Phụng, là ca khúc tôi được nghe lại vào đúng ngày 30/4/1975 trên radio, và đã thầm nghĩ rằng có lẽ đây là lần cuối cùng mình được thưởng thức:

Khi đến chân đồi phai nắng hoàng hôn rơi dịu êm như giấc mơ Có tiếng sáo ai đang say-sưa êm-đềm Thoáng có mái lều nhẹ buông khói lam trong sương chiều rơi Nghe thoáng trên đồi ai hát lời tha-thiết hoà theo tiếng đàn vang Tính tính tính tang, tang tính tính tính tình Cất tiếng hát vang ta ca hoà với tiếng vang trên đồi A… ta nhịp bước bên nhau hát trên đường xa, Đàn vang nhạc khúc hòa theo gió lơi ban chiều Đâu có chi bằng bên nhau nhìn trăng lên mà ca trên đồi vắng Tính tính tính tang, tang tính tính tính tình Nhớ mãi khúc ca vang trên đồi vắng lắng trong sương chiều.

ĐỜI SỐNG YÊN BÌNH:

Đời sống nơi ruộng đồng không bon chen, xô bồ, ồn ào, nên cũng ít xảy ra tai nạn xe cộ!
Thanh Bình Ca, Nguyễn Hiền:

Về nơi đây chung xây đắp quê hương Và nơi nơi, vui câu hát yêu thương Lúa reo mừng, mùa về ngát thôn làng Đời vui tươi như muôn sóng trùng dương Từng bàn tay bao đôi mắt long lanh Miền đồng hoang vươn lên bóng tre xanh Đất quê nghèo bừng nguồn sống no lành Và muôn phương say sưa reo bình minh Ôi! mừng sao khi sông núi thanh bình Lau nước mắt xóa tan mùa chiến chinh Bóng trăng vàng đùa cùng mái tranh hiền Lời hẹn hò nhịp cầu gieo thương mến…

Đa số những bài hát đề cập tới đồng quê đều được viết theo điệu nhạc vui tươi rộn rã, như bước chân lữ thứ nóng lòng trở lại làng xưa, như ca khúc Chiều Về Thôn Xưa của Hoàng Trọng sau đây:

Bóng chiều đương xuống dần đường về thôn quá xa Mênh mông đồng quê lúa ngả nghiêng bóng la đà Nơi chân trời xa thẳm từng đàn cò trắng bay Tô sắc huy hoàng bao cảnh rừng hoa lá Bóng chiều sương xuống dần đường xa xa lắc lơ Không gian gần như đắm trong muôn ánh sao mờ Nhịp cầu nằm qua sông buồn im trong giấc mơ In bóng cô đơn bên mấy lều tiêu sơ Ồ ô, Ồ ô, Khúc ca đồng quê bên thềm, ngóng chờ trăng lên Ồ ô, Ồ Ô, Tiếng ru trẻ thơ êm đềm lắng tan về đêm Thẩn thơ ta bước về làng xưa bao nhớ thương Chim kêu về đêm nhớ nhung ai xé canh trường Bao nhiêu ngày vui xưa tàn theo trong gió sương Riêng nhắc cho lòng ta kiếp người tha phương.

Hoặc Ta Vui Ca Vang,
sáng tác bởi nhạc sĩ Văn Phụng:
Nhạc ngày xanh reo vang nơi nơi Miền đồng quê bao la xanh tươi Trong ánh nắng mai tràn hương mới Có tiếng ríu rít đôi chim xinh xinh Tắm ánh nắng mới mừng ngày hòa bình Ðời đẹp như bông lúa thắm xinh Từ thành đô ra đi muôn phương Hòa niềm vui trong bao yêu thương Reo rắc khắp nơi nguồn vui sống Cánh gió lướt sóng mênh mông mênh mông Dốc núi thác đá chập chùng chập chùng Ðời tự do say trong phong sương…

Hay Nguồn Sống Bao La của Xuân Tiên:

Đi lớp lớp đi lớp lớp người đi Theo tiếng gió đưa tiếng hát gần xa Đoàn người ra đi hôm mai trong hoa nắng Nỗi vui mang theo qua đêm vắng Nỗi buồn chìm vào ngày tháng không còn vương Xa thấp thoáng xa thấp thoáng chiều mơ Chân bước bước đi cuốn những lời ca Lời ca đưa chân ta đi trên muôn lối Vút cao bay lên theo mây khói Lắng trầm vào lòng rừng núi hay muôn loài Kìa ngàn bóng mây Kìa muôn khóm cây Nào là sớm mai Nào chiều nắng phai Kìa đêm trăng sáng soi lối Qua những năm tháng đi tới Lòng ta say với câu ca yêu đời tràn đi khắp nơi Ta cất tiếng ca cất tiếng hòa ca Trông lá với hoa thắm khắp đường xa Gửi tình thương yêu khi đi qua thôn xóm Những câu vui tươi trong sương sớm Những lời ngọt ngào sưởi ấm bao tâm hồn.

Hương Quê, Nhật Bằng và Huỳnh Hiếu:
Chiều nay nắng êm đềm sau lũy tre Trên trời xanh bầy chim bay trở về Tiếng tiêu mục đồng hát trên đê Sáo vi vu chìm lắng đê mê Xa xa xa đoàn nông phu vác cuốc cùng đàn trâu đi trên đường về đâu Bên kia sông mái tranh in bên cầu Ai đang trông ngóng chờ mong Lùa theo gió êm đềm bao tiêng tiêu Chuông chùa ngân chìm lắng trong sân chiều Khói lam bên đồi phất phơ bay…
Bình Minh Ca Khúc, Võ Đức Thu:
Bình minh tươi sáng đây đó khắp nơi Trời xanh thắm tươi bao vật đều vui cười Ðàn chim líu lo như đón chào bình minh Nhởn nhơ bay liệng trên cành Ngàn hạt sương mai long lanh khắp nơi Muôn ánh sáng tươi trên những cành hoa xa vời Làn mây thướt tha đang êm đềm trôi qua Gió đưa cành trúc la đà.

CON NGƯỜI MỘC MẠC CHẤT PHÁC

Người dân quê bán anh em xa mua láng giềng gần, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhiều mối tình đã nẩy nở giữa chàng phiêu lãng và cô thôn nữ vẻ ngoài duyên dáng mặn mòi, còn bản tính thì giản dị, chân tình, hồn hậu, như trong nhạc khúc tuyệt bút vô cùng đáng yêu của nhạc sĩ Trúc Phương, một trong những ca khúc viết về đồng quê tôi yêu mến nhất: bài hát Chiều Làng Em:

Quê em nắng vàng nhạt cô thôn Vài mây trắng dật dờ về cuối trời Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng Khói lam buồn như muốn ngừng thời gian Một chiều anh mới đến bóng dừa nghiêng gió ru thềm Tìm về đôi cánh mầu mắt em nhìn nói ngàn câu Nhớ mãi mấy tình của mẹ quê nâu sồng của người em mơ mộng Và chiều vàng ngát mênh mông là chiều ấy sang sông em chờ trông Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa Để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa Xa xôi bước người anh lữ thứ Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em.
Bóng Người Cùng Thôn, tác giả Y Vân:
Nhớ mãi câu ca chiều ấy Êm ái như trong chiều nay Có tiếng ai kia thầm nói Vững tin nơi bàn tay Đắp xây cõi đời Nếu nhớ nhau ta tìm đến Dăm miếng cau nên tình duyên Có lúa nâng niu đời sống Có trăng soi tình thương Bóng ai cùng thôn Thẹn thùng vì khi ta gặp nhau trên đường vắng Trao nhau đôi câu ấm lòng Ghi nên bao tin yêu để duyên ta càng sâu Mong cho thôn xóm tươi màu Vì đời còn tin yêu thì thương nhau còn mãi Như khi trăng soi giữa đời Câu ca đang chơi vơi còn ghi trong lòng tôi Trăng ơi trăng sáng ngàn nơi….

Đường Tơ Chưa Dứt, của Mạnh Phát và Hoài Linh, mô tả tình yêu của nàng thôn nữ kín đáo nhưng vô cùng đáng yêu:
Khi màn đêm lắng buông nơi nơi, hoang vắng lan trong lòng tôi, mây trắng tan đi vào tối Cung đàn sầu luyến lưu chơi vơi, man mác thương ai phương trời, ngược xuôi theo tháng năm dài Em còn nhớ bến xưa chia ly, anh nói em ơi về đi, thôi tiến đưa nhau mà chi Khi tình anh đã dâng quê hương, hai mảnh trăng soi đôi đường, hẹn nhau khúc ca hồi hương Cung đàn chưa xóa tan dư âm, muôn sắc hoa tươi vào xuân, em thấy chim xây tổ ấm Anh về mùa đã thôi mưa ngâu, ô thước đưa sang nhịp cầu, thẹn thùng nói chuyện trầu cau.

Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, một bản tình ca bất hủ:
Qua bến nước xưa lá hoa về chiều Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa Khi đến cuối thôn chân bước không hồn Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương… Anh nhớ xót xa dưới tre La Ngà Gợn buồn nhìn anh em nói em nói: “Mến anh!” Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…

Đồng quê, và cả quê hương nữa, với bao nhiêu ưu điểm như thế, hèn chi ai xa quê viễn xứ đều muốn quay trở lại quê xưa, như nỗi lòng khắc khoải được diễn tả trong nhạc phẩm Nhớ Người Viễn Xứ, của Lâm Tuyền và Nguyễn Văn Đông:

Dựa đồi thông riêng ai một bóng Nhìn tàu đi xa khơi mờ sóng Người ra đi hẹn sẽ quay về, hẹn nối giấc mơ câu thề, dù cho ngăn cách sơn khê Bồi hồi trông hoa rơi ngập lối Từng đàn chim bay nhanh vào tối Thuyền ai neo đậu bến giang đầu, gợi nhớ ánh trăng phai mầu, mà nhớ cho người nhớ ta Dừng lại đây cho ta còn thấy Màu khăn tay đưa nhau ngày ấy Người ra đi hẹn với tang bồng, một sớm nắng mai hương nồng, về chung xây đắp non sông Đường trăng xưa ra khơi lộng gió Mầu xinh tươi quê hương còn đó Người quên ta còn nhớ chăng là, hình bóng cố nhân quê nhà, còn nhớ thương người chốn xa.

Hoặc Thuyền Xưa Bến Cũ của Văn Phụng:

Thuyền về bến xưa Thuyền ơi nhớ tìm ta bên bờ Dù làn gió đưa Thuyền ơi đừng quên bến năm xưa Nhẹ nhàng gió đưa Thuyền theo sóng nhẹ dâng vô bờ Lòng tràn ước mơ Hoà lên muôn ca khúc tình thơ Thời gian êm trôi Thuyền đi nay đã mấy thu rồi Đàn thầm tiếc nhớ Còn vương vấn bên mấy cung tơ Thuyền về chốn đây Lặng nghe khúc nhạc xưa êm đềm Thỏa lòng ước mơ Thuyền về đây vui với bến xưa.

Tôi tin rằng các nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc nước nhà sẽ vẫn tiếp tục lấy miền quê yêu dấu làm đề tài sáng tác, còn về phần tôi thì tôi sẽ vẫn tiếp tục yêu và yêu hoài những khúc hát đồng quê tuyệt vời.
Người viết xin được tạm dừng nơi đây với điệu Pasodoble rộn ràng trong ca khúc Ngày Về Quê Cũ của Khánh Băng:

Ngày nào năm xưa lòng ta ước mơ Ngoài nơi biên cương ngày đêm hững hờ Vời trông quê cũ lắng trong sương mờ Nhớ thương ai đêm ngày ngóng trông âm thầm một bóng Rồi ngày hôm nay từ nơi chốn xa Trở về quê xưa tìm lại mái nhà Đường xưa lối cũ nay đã xóa nhòa Vết chiến chinh điêu tàn tả tơi vương sầu khắp nơị Người ơi! Hát vang khúc thái hòa Đàn ơi! Cất cao lên thiết tha Khắp thôn làng rộn ràng Sống trong tâm tình một nhà Nắm tay nô đùa nhịp nhàng trong tiếng đàn vui Miền Nam ánh dương lên tưng bừng Ngàn hoa thắm tươi như đón mừng Nắng xuân về tràn trề Ý xuân ngạt ngào lời thề Chúa Xuân huy hoàng người người sống vui thanh bình.
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved