CÚNG CHẠY NGỰA!

tác giả Như Hoa Ấu Tím
32 xem

Hồi đó, cũng hơn nửa thế kỷ rồi, ở các làng quê xứ tôi có cái tục là cúng ngựa, hay còn gọi là cúng chạy ngựa, hay là cúng ‘5 trò, 5 ngựa, 5 roi’, có nơi nói khác đi là ‘ 5 tàu, 5 ngựa, 5 roi’. Dân gian cúng cái gì đây? Có trò, có ngựa, có roi?
Tui cũng đã từng tham gia việc cúng này, nhưng hồi đó đâu có hiểu, đâu có biết là cúng cho ai? Để làm gì?
Sau này lớn lên một chút, tui hay để ý việc nọ kia, nhớ dai, nhớ lại, tìm hiểu, suy luận về sự tích cúng Ngựa. Cúng ngựa không phải là cúng cho con ngựa, cũng không phải cúng bằng con ngựa, như cúng bò, cúng heo,… Mà là cúng bằng hình thức cỡi con ngựa chạy, chạy đi xa, càng xa càng tốt, rồi bỏ con ngựa nằm vất vơ đó, rồi quay về. Con ngựa này là ngựa giả, ngựa tưởng tượng, thay thế cho con ngựa thật, nó được làm bằng tàu lá chuối, như thế này, nhà người cúng đi ra vườn chuối cắt 5 tàu lá chuối loại tốt, mới già, còn nguyên lá, dùng dao bén cắt ngang gốc cuống lá, xẻ mỏng hai bên hông cuống một đoạn chừng hơn ngón tay, rồi bẻ quặt phần giữa xuống, rồi dùng đoạn chân nhang hay tăm xỉa răng găm giữ cho không bật ngược lên lại, phần xẻ mỏng hai bên thành hai tai ngựa, phần giữa gập xuống thành cái mặt ngựa. Tiếp theo là rọc bỏ hai bên tàu lá chuối, để lại một đoạn cuối tàu lá, đó là đuôi ngựa, thế là đã sản xuất ra 5 con ngựa trong chớp nhoáng!
Năm con ngựa này phải sắm cho 5 cái roi kèm theo để khiển nó, hồi đó hàng rào bằng cây giẹp, tức cây keo giậu, tức cây bình linh, có sẵn khắp làng, nhà này cách nhà kia là hàng rào này, cây giẹp non thân thẳng, giòn dễ bẻ gãy, tướt hết lá, thành 5 cây roi.
Vật phẩm cúng rất đơn giản, gọn nhẹ, tốn có mấy đồng bạc cắc, ra quán mua 5 cái bánh tráng nướng, 5 thẻ đường tán, thêm 5 cây nhang để vái cúng.

Tất cả các thứ xếp thành 5 bộ chia đều quanh cái nia, con ngựa kèm cái roi, gác đầu con ngựa lên cái bánh tráng nướng, thẻ đường để trên cái bánh tráng nướng.
Điều bắt buộc là phải đem cái nia bày lễ cúng này ra giữa ngã ba đường cái giữa làng cúng mới linh, mới hiệu nghiệm!
Vậy thì cúng thần linh nào mà kiểu cách gọn nhẹ như vậy? Hồi đó, dân gian còn tin tưởng, sợ sệt,… vào nhiều thứ linh thiêng ở trong môi trường, thiên nhiên, núi rừng, sông nước, cô hồn các đẳng,… nên thường cúng bái xin nọ cầu kia tùm lum, trong đó có việc cúng ngựa. Cúng ngựa là cúng cho ngài Đạo Lộ Đồng Tử, Đạo Lộ là đường đi, đường sá, Đồng Tử là trẻ con lứa tuổi nhi đồng, Đạo Lộ Đồng Tử là những vong hồn con nít vất vơ vất vưởng theo đường theo sá, không nơi cúng kính nương tựa, thành ma đói, lang thang kiếm ăn,… lu bù lu tướng ở ngoài đường, nhất là chạng vạng mới lên đèn, đêm hôm khua khoắc.
Tại sao phải cúng Đạo Lộ Đồng Tử? Bởi vì chiều hôm nọ, nhà kia có đứa lớn bồng đứa nhỏ đi chơi quá đà, về nhà lỡ tối,… rồi mai đứa nhỏ bị nóng hầm hầm, nó bị Đại Lộ Đồng Tử quở, quở để kiếm ăn qua bữa… Vậy thì người nhà phải gấp gấp cúng ngài để gỡ lời quở xui xẻo này ngay… Cứ thế mà thành lệ chung cả làng.
Tại sao lễ cúng chỉ có 5 phần ngựa bánh như nhau? Bởi vì Đạo Lộ Đồng Tử có 5 chàng, 5 vị, dân gian thường gọi là ‘Chàng Năm, Ngũ Vị’ nên sắm sửa chỉ cần đủ 5 phần là được, là công bằng, hợp lý…
Trẻ nít hồi đó cũng ưa việc này, chỉ cần nghe thông báo, thông tin là rủ nhau tới nơi cúng lễ chờ sẵn, rồi được gia chủ chỉ định cho 5 đứa, sau khi lễ vái cúng xong, cắm 5 cây nhang lên đầu 5 con ngựa, 5 đứa được cỡi ngựa chạy đi bỏ thật xa, thường là ra bãi sông bìa làng, cách nơi cúng chừng vài trăm thước, coi như đã tiễn 5 chàng Đại Lộ Đồng Tử đi chỗ khác, không lảng vảng, quở quấy con nít ở chòm này nữa! Rồi 5 kỵ mã con nít quay về nhận công, lĩnh thưởng 5 phần bánh tráng, tán đường để ăn kèm. Những đứa con nít khác không là kỵ mã, cũng được cho ăn ké, cả bọn con nít ngồi chia ăn, nói cười, la giỡn rần beng trong bữa tiệc cúng ngựa…
Rồi đứa nhỏ bị ấm đầu, xổ mũi có hết bịnh hay không thì tui không biết rõ! Hi hi. Hình như sau 1975 cũng hết môn cúng ngựa này!

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved