CẬU ÚT

tác giả Bùi Trung
94 xem

Mẹ tôi sinh tôi ra lúc gần 4 giờ sáng ngày 3/3/1958 (nhằm 14 tháng giêng âm lịch). Nằm sanh chung với mẹ có dì Ba Nguyên và dì Bảy hủ tíu, hai dì cũng sinh con trai sau mẹ khoảng một tiếng đồng hồ.
Mấy dì hỏi mẹ đặt tên đứa nhỏ là gì?
Mẹ khoe :
– Ba đứa lớn là Văn, Minh, Kiên… vậy nên thằng nhỏ ba nó đặt tên Trung.
Vậy là dì Ba và dì Bảy cũng đặt tên của con trai của mình tên là Trung.
Tôi được sinh ra trong vòng tay của mẹ. Từ nhỏ tôi đã có nước da trắng, gương mặt sáng, miệng lúc nào cũng mỉm cười. Ai nựng cũng cười toe toét, ai cũng nói :
– Sanh thằng nhỏ này chị Năm không giàu mới lạ.

Có lẽ vậy mà tôi được cả nhà thương yêu, các người anh đi đâu về cũng có quà cho Út cưng. Cả xóm đều thay nhau ẳm bồng tôi, những bước chân chập chửng của tôi là niềm vui của cả xóm.
Năm tôi một tuổi, mẹ tổ chức thôi nôi cho tôi mà không có Ba (vì Ba ở Sài Gòn) tôi bắt được cây viết và cuốn tập làm cả xóm ai cũng vỗ tay mừng. Sau buổi tiệc chị Út Rở con dì Tư Hưởn (Dì tư vai chị mẹ tôi) và mấy người nữa bồng tôi qua tiệm chụp hình Kim Quang chụp hình gởi lên cho Ba tôi xem.
Ngồi trên cái ghế mây mặc bộ đồ pyjama màu kem có viền sợi chỉ đỏ trông tôi thật dễ thương. Nhưng khi ông chủ tiệm chun vô miếng vải đen đưa tay ra ngoài bóp cái gì đó là tôi sợ nên nhắm đôi mắt lại. Ai nói gì tôi cũng không dám mở mắt ra.Vậy mà ông chủ tiệm chun ra là tôi mở mắt ra cười.
Chú Quang chủ tiệm nhanh tay đưa con vịt bằng nhựa có tay cầm, bên trong có cái lục lạc, tôi cầm lấy vừa lắc con vịt vừa cười hớn hở, ông chủ chun vô tấm vải chụp luôn mấy kiểu hình. Khi chụp xong chị Út kêu tôi trả con vịt nhưng chú Quang bẹo má tôi rồi nói :
– Con dễ thương quá, chú tặng luôn cho con đó.
Sau đó tấm hình của tôi được chú Kim Quang chủ tiệm chụp hình rửa lớn ra trưng trong cái tủ kính trước cửa tiệm suốt mấy năm liền.
Hình gởi lên cho Ba xem, ba đánh điện tín về cho mẹ kêu mẹ bồng tôi lên cho Ba đi khoe với lối xóm. Vậy là mới một tuổi tôi đã được mẹ bồng lên Sài gòn thăm Ba rồi.
Lần đầu lên Sài Gòn ba vui lắm, ba kêu mẹ bồng tôi đi khắp nơi để khoe bà con hàng xóm biết mặt đứa con trai út của ông, đến khi tôi biết đi lẩm đẩm đi đâu ba cũng dẫn tôi theo. Cứ cách ngày là ba từ Sài Gòn đi ta xi màu xanh dương trắng đến đường Phùng hưng Q5, ghé vô tiệm thuốc bắc Thiên địa Nhân để Ba hốt thuốc Bắc uống trị bệnh đau bao tử của ba. Rồi được theo ba ghé thăm các người bạn đồng hương từ Trung Quốc qua cùng thời đang sinh sống ở khu Chợ lớn. Ba dẫn tôi đi mua những bộ quần áo đắt tiền, những đôi giày trẻ em bóng lộn được trưng bày trong tủ kính ở đường Tổng đốc Phương. Có đồ mới Ba và mẹ dẫn tôi đến tiệm chụp hình Thái Bình Dương trên đường Cô giang, tiệm ngang Đình Nhơn Hòa ở chợ Cầu muối gần rạp hát Lạc Hồng chuyên chiếu phim Ấn Độ để chụp ảnh cho tôi. Vì đã quen với cái máy chụp hình có trùm cái tấm vải đen nên tôi vui vẻ tạo dáng chụp hình. Tấm hình mặc nguyên bộ đồ tây áo bỏ trong quần mang đôi giày da bóng lộn một tay chống nạnh miệng nở nụ cười thật tươi, tấm hình đó được ông chủ tiệm phóng to ra để vô khung kính và treo trước cửa tiệm suốt mấy năm liền. Sau này mỗi lần lên Sài gòn là tôi kêu mẹ dẫn ra tiệm chụp hình Thái Bình Dương để xem ảnh của mình. Vậy là hai lần chụp hình, người mẫu nam nhí một tuổi là tôi được hai tiệm chụp ảnh rửa hình trưng bày trước cửa tiệm.
Dưới bến sông nhà tôi là nhà của bà Hai. Mẹ tôi đi đâu là gởi tôi ở đó, nhà Bà hai có hai người con Dì tư Hên và cậu Sáu Ua. Hôm nào có tôi ở nhà Bà hai cũng làm bánh cho tôi ăn. Mùi vị của bánh lá mít, bánh ít trần, chè trôi nước… ở nhà Bà hai vẫn theo tôi đến tận bây giờ. Dì tư Hên những ngày lễ, ngày rằm dì hay qua trụ sở giáo hội PGHH gần nghĩa trang để nấu những món chay, khi lớn được một chút tôi hay qua đó xem dì Tư làm những món chay nhìn rất giống các món mặn.
Nhà mẹ rộng rãi, ba người anh thì đến tuổi đi lính nên chỉ có tôi và mẹ ở nhà. Căn nhà ngói ba gian vách lợp ván dầu với chiều dài 19 mét nên có vẻ quá rộng với một đứa con nít như tôi. Bên kia cầu Rạch vồn ở đất thầy Bảy Lợi (thầy thuốc) có mở lớp học như lớp tình thương bây giờ. Có hai phòng cất bằng cây lợp lá, nền lót gạch tàu. Cô giáo tên Chương quê ở Sóc Trăng tìm chỗ ở trọ, vậy là mẹ cho cô giáo ở nhờ ở nhà sau. Mỗi buổi sáng cô Chương mặc áo dài, quần trắng ôm cặp đi dạy học. chiều tối phòng cô đốt đèn dầu sáng trưng làm tôi bớt sợ ma, bởi vì sát vách nhà tôi là công xi heo, tới khuya là tiếng đâm họng làm cho mấy con heo kêu la eng éc giãy chết, tôi chỉ biết trùm mền mà run vì sợ.
Năm tôi lên 4 tuổi, một lần mẹ đi tiệc cưới nên gởi tôi xuống nhà Bà hai. Tôi thì muốn theo mẹ nhưng mẹ không cho nên tôi ngồi buồn hiu. Cô giáo Chương thấy vậy cô rủ tôi theo cô đi học. Ham vui nên tôi nắm tay cho cô đắt đi đến lớp học của cô, tôi không chịu ở ngoài chơi mà ngồi trong lớp xem cô giảng bài. Tối về tôi trả bài cho cô nghe làm cô trố mắt lên ngạc nhiên? Vì cô không ngờ đứa trẻ lên 4 tuổi như tôi chỉ xem cô dạy thôi mà đã thuộc bài. Hôm sau cô lại dẫn tôi đi theo, chỉ vài hôm là tôi đã biết ráp vần, biết đọc báo và được bốn phép tính cộng trừ nhân chia. Bà hai là người phát hiện ra tôi biết đọc báo, Dì Tư Hên kêu cả xóm lại xem tôi đọc báo. Mẹ tôi nghe nói vậy bà không tin lắm, nhưng khi tôi cầm tờ báo đọc cho bà nghe thì bà vui lắm và đánh điện tín lên Sài gòn báo tin cho ba tôi biết.
Vậy là từ hôm đó cô Chương nhận nhiệm vụ mỗi sáng dẫn tôi đến trường học của cô, tôi được mẹ cho 5 cắc bạc mua được cuốn tập hàng đôi, một cây viết chấm mực tím, một cây thước, một cây bút chì và một cục gôm.
Tin một đứa con nít 4 tuổi đã biết làm toán, biết đọc sách báo nên cả xóm ai cũng tìm đến xem tôi đọc báo cho họ nghe và họ ra đề toán trong 4 phép tính để thử thách tôi. Mà tôi cũng hay lắm, mới đi học mấy ngày là tôi thuộc lòng hết bảng cửu chương từ 1 đến 9 rồi. Tôi tự suy nghĩ ra cách học nên học rất mau.
Ba tôi nghe vậy ông vui lắm, vậy là mẹ theo lời ba dẫn tôi lên Sài gòn.
Ba tôi dẫn tôi đi ra các tiệm lớn để đặt những đôi giày đắt tiền, những bộ com lê chỉn chu từng đường kim mũi chỉ, chưa tới 5 tuổi tôi trở thành một “cậu ấm” muốn gì được nấy.
Ngày 1/11/1963 tôi và ba đi taxi vô chợ lớn thì bỗng nghe tiếng súng nổ, ngoài đường người ta hốt hoảng chạy tản loạn. Các ngã tư, ngã ba đều bị kẹt xe vì từng đoàn xe nhà binh, xe tăng, xe thiết giáp… chở đầy những người lính lăm lăm tay súng, chú tài xế taxi nói với ba:
– Chết rồi hia ơi, nghe nói đảo chánh không biết mình có tới Tổng đốc Phương được không nữa. (nay là Châu văn Liêm)
Ba tôi tỉnh bơ nói :
– Nị bằng mọi cách phải đưa ngộ tới Phùng hưng. Ngộ tới cữ đi hốt thuốc uống.
Chiếc xe len lách mãi rồi cũng đến nhà thuốc Bắc Thiên Địa Nhân lúc đang hé cửa. Ông chủ gặp ba dẫn tôi theo, ổng vui vẻ lấy kẹo trần bì cho tôi ăn, ông ấy sau khi bắt mạch hốt thuốc cho ba xong hai ông ngồi uống trà vì các nẻo đường vẫn còn đang kẹt xe. Nhìn bên kia đường một tiệm bán đồ chơi cao cấp có chưng hình chiếc xe tăng đang chớp chớp đèn giống y như chiếc xe tăng lúc nảy đang đậu ở góc đường Nguyễn Tri Phương làm cậu út mê tít.
Thấy tôi nhìn chiếc xe tăng lúc đi về Ba dẫn tôi qua bên kia đường Ba hỏi mua chiếc xe tăng đó. Chiếc xe sử dụng bằng 4 cục pin lớn, trên nòng súng có tia lửa chớp và trên xe sáng rực đủ thứ đèn. Bật công tắc lên chiếc xe tự chạy và khi gặp chướng ngại vật nó tự xoay mình chạy ngược sang hướng khác. Tôi không nhớ chiếc xe đó bao nhiêu tiền nhưng thời đó chiếc xe như vậy rất mắc và mấy đứa bạn đồng trang lứa ở chợ Cái Vồn không có đứa nào có chiếc xe tăng như vậy.
Hôm sau, Ba dẫn tôi ra Cô bắc mua cho tôi chiếc xe đạp nhỏ, loại xe Baby Bây giờ có hai cái bánh xe nhỏ hai bên nhưng tôi chỉ chạy một lần là tháo hai bánh xe nhỏ bỏ ra rồi.
Các nẻo đường vẫn còn lính gác và tôi và mẹ tiếp tục bị kẹt ở lại Sài Gòn.
Ba nói với mẹ xin cho tôi ở lại để Ba cho tôi đi học ở trường Hoa kiều nhưng mẹ không chịu xa thằng út và mẹ cũng không chịu lên Sài gòn ở với Ba. Mẹ nói mẹ thích sự yên tỉnh ở quê hơn.
Lần đó về quê tôi mang về đủ thứ đồ chơi, chiếc xe tăng mỗi tối trước sân nhà tôi gom hết đám con nít trong xóm tới xem. Chiếc xe đạp nhỏ cũng là hàng hiếm thời đó.
Người anh thứ hai sau khi cưới vợ cũng xin đổi về làm việc ở phòng truyền tin Quận Bình minh. Anh làm khai sinh cho tôi tên Trần hớn Trung nhưng mẹ tôi nói với anh:
– Con nhắn cậu Chín về làm khai sanh cho nó để nó mang họ Bùi sau này nó lo hương hỏa cho ổng.
Tôi hỏi mẹ:
– Cậu Chín là ai vậy mẹ ?
Bị mẹ nạt :
– Con nít hỏi làm chi?
Một hôm nhân vật Cậu Chín ghé nhà. Ông dáng người dong dỏng cao, mái tóc chảy xước từ trước ra phía sau, mặc bộ đồ lính bạc màu, đầu đội cái nón vải đầy vẻ phong trần. Ông nhìn tôi cười thân thiện, lúc đó mẹ mới nói với ông :
– Nó tên Trung, khi ông đi 8 tháng sau tôi sinh ra nó. Nó là con ông chứ không phải con ông Chệt. Tôi nhắn ông về đây làm khai sinh cho nó mang họ của ông.
– Tôi biết nó là con tôi mà, tôi chỉ sợ bà không cho nó nhìn tôi.
– Sao ông biết?
– Tôi về nhậu với anh Tư Thơ hoài mà chuyện gì không biết. Muốn kêu nó là con nhưng tôi không muốn làm cho nó sợ.
Từ hôm đó mẹ dạy gặp cậu Chín phải kêu bằng Ba?
Tôi hỏi mẹ :
– Sao con có tới hai Ba vậy mẹ?
Mẹ tôi nạt :
– Nói sao hay vậy đi. Lớn lên con sẽ biết.
Một hôm Ba Chín ghé nói với mẹ muốn dẫn tôi về Phù ly chơi một ngày, nghe nói được đi chơi tôi thích lắm vì được mặc quần áo mới, được mang giày và được bỏ áo trong thùng. Xuống đò ở bến sông chợ, đò chạy khoảng 20 phút là đò ghé ở vàm Phù ly. Tới nhà mẹ của Ba Chín ba kêu tôi gọi bà là bà nội. Ba Chín dẫn tôi đi chào hỏi hết người này tới người khác, gặp ai ông cũng khoe đây là con trai tôi đó. Một người mà tôi gọi là Bác Hai có giọng cười sang sảng nói lớn :
– Nó là con thằng Chệt, con mày hồi nào mà mày khoe?
Câu nói chơi của Bác Hai làm Ba Chín giận. Ông nắm tay dẫn tôi đi xuống mé sông trước nhà Nội, chỉ cây me và cây điều dưới bến sông, ông khoe :
– Ngày mẹ sanh ra con ba trồng cây me và cây điều này đây. Nó là em của con, có đi đâu nhớ về thăm tụi nó.
Đò Trà Ôn vừa chạy tới Ba Chín đưa tay ngoắc, chiếc đò ghé lại, ông bồng tôi xuống đò bỏ luôn tiệc nhậu ở nhà Bà nội.
Mỗi năm Ba Chín dẫn tôi về Phù ly không nhiều lắm, tết thì ngay ngày mùng 3, một lần nữa là ngày giỗ ông nội. Thật tình là tôi thích về quê chơi lắm, nhưng mỗi lần gặp Bác Hai là bác trêu :
– Thằng Chệt con nó về kìa tụi bây ơi…
Thật tình tôi không thích bị gọi như vậy, nhưng mình là con nít nên đâu dám nói gì. Trong xóm thì tôi chơi thân với thằng Mừng, mẹ nó là Dì Tư Thơ bạn lối xóm của mẹ tôi. Còn dượng Tư thì là bạn nhậu của Ba Chín. Tôi hỏi Dì tư tại sao con có tới hai người Ba trong khi mấy bạn trong xóm chỉ có một Ba?
Dì Tư ngần ngừ rồi hỏi tôi :
– Sao con không hỏi Chị Năm?
Tôi lắc đầu :
– Con có hỏi nhưng lần nào cũng bị nạt.
Dì tư nhỏ hơn mẹ tôi một tuổi, ở cách nhà tôi 5 căn nhà, mẹ tôi và dì cũng thân nhau lắm. Tôi và thằng Mừng con của dì cũng thân nhau, có bánh trái gì ngon hai đứa cũng chia nhau ăn, có món đồ chơi nào mới mua về hai đứa cũng cùng nhau chơi chung.
Dì tư kể :
– Mẹ con lúc 17 tuổi thì bà ngoại gả cho anh Chệt (Ba Chệt) được vài năm thì có hai đứa con trai và chị Năm mang bầu thằng Tỷ thì bị ngoại con đuổi ra khỏi nhà. Anh chệt bỏ đi đâu không ai biết, sau đó vài năm thì mẹ con gặp anh Chín và hai người chấp nối với nhau ở 13 năm mà không có đứa con nào. Anh Chệt lên Sài gòn lập nghiệp sau khi giàu có rồi mới trở về quê lo cho mấy thằng anh của con lên Sài gòn học nghề, cho tiền mẹ con mua đất cất nhà. Anh Chín thấy vậy mới trả vợ lại cho ông Chệt, nào ngờ ở với nhau mười mấy năm không có con khi trả vợ lại thì mẹ con có bầu con mà anh Chín không biết. Khi sanh con ra ai cũng tưởng là con của ông Chệt nhưng mẹ con bả nói bả có bầu với ba con trước khi trở lại với anh Chệt. Anh Chín ảnh là con trai chưa vợ mà ở với đàn bà có ba con nên Bà nội và mấy bác con giận. Không ngờ khi chia tay với mẹ con mới biết mình có thằng có thằng con trai mà để cho anh Chệt nuôi, nên khi gặp con là bác hai con chọc là thằng Chệt con là như vậy.
Nghe dì nói vậy tôi buồn lắm vì tại sao Ba Chệt tôi lại không phải là ba ruột của tôi? Muốn hỏi mẹ nhưng sao tôi dám hỏi chuyện người lớn?
Rồi 6 tuổi tôi vô học Tiểu học nên cũng ít được đi Sài gòn với mẹ. Những ngày mẹ đi lên Sài Gòn thăm ba Chệt tôi phải ở nhà một mình, tôi được mẹ gởi ăn cơm ké nhà lối xóm nhưng tôi không thích. Tôi kêu mẹ chỉ cách cho tôi nấu cơm, cách làm những món ăn đơn giản, vậy mà từ từ món gì cũng biết làm. Nghỉ hè mới được lên Sài gòn, được ba chệt dẫn đi mua sắm quần áo giày dép mới, được mua những cây viết mắc tiền. Được ba dạy cho những điều nhân nghĩa, cách sống trung thực không được lừa thầy phản bạn.
So với đám con nít cùng trang lứa thì tôi đúng là “cậu ấm” thứ thiệt. Từ quần áo, giày dép, đồ chơi… Đều được mua từ trong tiệm giá mắc hơn hàng bán ngoài chợ. Ba Chín thì thỉnh thoảng ghé nhà nhậu với dượng Tư Thơ, mỗi lần ba Chín ghé ông nhờ thằng Mừng đến kêu tôi đến cho ông hỏi thăm chuyện học hành, ông dạy cho tôi cách cuộc dây đôi giày Ba chệt mới mua cho tôi, ông chỉ cho tôi cách chải đầu sướt ra phía sau cho gọn (tới giờ tôi vẫn chải đầu như vậy và cột dây đôi giày như ba chỉ).
Đến cuối năm 1967, ngày 25 tháng chạp Ba Chín đến xin mẹ cho dẫn tôi về thăm bà nội. Ông nói tết nay cấm trại 100% nên có lẽ ông không về được. Buổi chiều hôm đó sau khi đưa tôi về nhà trả cho mẹ là tôi không còn gặp Ba Chín nữa.
Sáng mùng năm tết năm 1968 anh hai cho mẹ biết :
– “Cậu” trúng đạn hôm qua rồi. Sáng nay xác đem về để trước nhà lồng chợ Ba càng.
Tới sáng mùng 10 vẫn còn để ở đó vì đôi bên còn đang đánh nhau. Anh hai có quen với người bạn cố vấn Mỹ nhờ bạn giúp đỡ, anh ta ok và xin cho 2 chiếc trực thăng quần trên bầu trời vòng vòng chợ Ba Càng. Bên dưới một trung đội nghĩa quân đem Ba Chín ra ngã ba đầu lộ 16 chôn vội xuống bên lề đường. Sau năm ngày đêm nằm bờ bụi Ba Chín đã tạm gọi là an cư.

Vậy là tình thương về người cha tôi dồn hết cho người cha dượng của mình. Ông cũng thương tôi nhiều hơn trước, nhưng đến năm 1972 ba Chệt lại mất đi, mẹ tôi như người mất hồn vì trước đó vài tháng người anh thứ ba của tôi cũng vừa mất sau một trận đánh tại núi Bà Đen.
Sau khi ổn định lại cuộc sống mẹ quyết định bán căn nhà của Ba trên Sài Gòn vì đâu ai ở. Mẹ và anh Tư lên Sài gòn bán căn nhà ở lô D chung cư Cô Giang được 900 ngàn đồng. Tất cả những vật dụng trong nhà anh Tư bán hết (Dĩ nhiên là không đưa tiền cho Mẹ rồi)

Về Bình minh thay vì đi mua đất mẹ tôi đã sai lầm khi nghe theo lời anh Tư dỡ bỏ căn nhà ngói và cất lại căn nhà tường đổ lăng xê cho bà yên tâm khỏi sợ pháo kích? Vừa cất xong ngôi nhà thì số tiền bán nhà trên Sài Gòn cũng hết. Lúc đó mẹ tôi cũng phát căn bệnh đau bao tử, thời đó cũng chưa có thuốc nào uống cho dứt bệnh. Số vàng dành dụm cho thằng Út sau này cưới vợ mỗi ngày một vơi đi…
Mùa hè năm 1976 sau khi tôi vừa học xong lớp 12 thì mẹ tôi gầy teo tóp chỉ da và xương, trong mình của mẹ không còn một phân vàng nào ngoài cái mặt vòng tròn bằng đá cẩm thạch.
Mẹ đưa lại cho người chị dâu thứ tư, bà nói :
– Má chỉ còn món này con giữ chừng nào thằng út có vợ con đưa cho vợ nó giùm má.
Nhưng sau đó đến giờ tôi không thấy kỷ vật của mẹ tôi và tôi cũng không hề nhắc đến nó…

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, gia đình tôi mất người anh Thứ Ba, một trụ cột của gia đình ngả xuống tại đỉnh Núi Bà đen. Anh Ba chết khi có hai đứa con trai và chị Ba đang có bầu đứa con gái… Mẹ chưa kịp tỉnh hồn thì vài tháng sau Ba Chệt lại mất…
Một năm mà gia đình chịu hai cái tang quả là một điều bất hạnh cho Mẹ tôi. Khi Ba Chệt mất, sau đó căn nhà của Ba trên Sài gòn cũng bán vội đi, vậy là Mẹ tôi hết có dịp lên Sài gòn xem cải lương. Một thói quen mà bao nhiêu năm Mẹ tôi vẫn tự hào so với chị em bạn cùng thời thủa đó. Số tiền bán căn nhà trên sài gòn gom hết gần 1 triệu đồng tiền lúc đó tương đương với tiền lãnh giải độc đắc, căn nhà cây lợp ngói được dỡ bỏ xây mới bằng căn nhà đổ lăng xê ngang 5 mét dài 19 mét nền lót gạch bông.
Cất căn nhà mới vừa xong thì Mẹ lại phát bệnh nên số tiền dành dụm lo cưới vợ cho thằng út từ từ cũng ra đi theo từng tháng ngày nhọc nhằn của Mẹ tôi vì cơn bệnh đau bao tử quái ác.
Ngày Anh Ba mất, anh được những đồng đội đưa từ Tây ninh về Bình minh, những người lính BĐQ đầy sân nhà mẹ tôi. Các anh tổ chức đám tang theo nghi thức của một sỹ quan quân đội rất trang nghiêm và đúng tác phong của người chiến sỹ. Mười mấy người lính rằn ri xuất hiện trong nhà, sự có mặt của các anh chắc cũng làm cho Mẹ tôi vơi bớt nỗi buồn mất người con thân yêu.

Còn ngày đám tang của Ba Chệt thì buồn hơn, vì Ba không có nhiều người thân, chỉ có một số bạn bè Hoa kiều khu chợ đến viếng khi đưa Ba về bằng chiếc xe đò nhỏ thuê từ Sài gòn. Tụng kinh thì rước ông Thầy Tảo nhà ngoài lộ 71, ông thầy tụng rất vui tính và rất thích… đánh bài.(Thầy Tảo là thầy tụng đám ma, không ăn chay và có vợ con)
Một đêm, ngay buổi tụng kinh tối. Hai người anh của tôi thì ông nào cũng sỉn nên giao hết chuyện quỳ đội sớ cho thằng út là tôi mới 14 tuổi, mà tôi thì có biết gì đâu chuyện đội sớ hay dâng hương?
Ông Thầy vui vẻ vỗ vai tôi rồi nói:
– Dễ mà Út… con nhớ nhứt bái là một lạy, nhị bái là hai lạy, tam bái là ba lạy, tứ bái là bốn lạy, mà khi nào chú tụng tới tứ bái là hết rồi. Ngoài ra trà châm là rót nước trà, tửu châm là rót rượu… hiểu chưa ?
Nghe vậy thấy cũng dễ tôi khẽ gật đầu.
Vậy là buổi tụng kinh bắt đầu, kế bên Anh hai tôi tuy sỉn nhưng vẫn còn gật gù binh bài xập xám….
Đang ngồi tụng kinh nhưng ông thầy rút lẹ tờ 50 đồng đưa cho Anh hai, ông vừa tụng kinh theo nhịp mõ vừa đọc nhanh :
– A di đà phật cho ké 50 chục, cho ké 50(cốc cốc cốc… )
Tôi bất ngờ không biết là ông Thầy ổng tụng cái gì ? Chẳng lẽ lạy 50 cái?
Ông thầy lắc đầu tụng tiếp:
– A di đà phật Không cần lạy không cần lạy…
Anh hai lúc đó cũng “hết thấy đường gắp mồi” nên khi binh bài chi thùng để lên trên còn chi sảnh thì để ở dưới, vừa tụng kinh vừa liếc ngang hốt hoảng vì sợ thua nên thầy tụng:
– A di đà phật, a di đà phật, coi chừng lũng, coi chừng lũng, (cốc cốc cốc… )
Thay vì cây dùi gõ vô mõ thầy lấy chọt vô ba sườn của Anh hai.
Nhờ vậy mà bàn đó thầy ăn, tiền ăn có vốn lẫn lời, Anh hai vừa tính đưa cho thầy thì thầy phất tay:
– A di đà phật Để luôn, để luôn, để luôn… trà châm, tửu châm, lễ tứ bái… lạy bốn lạy rót nước, rót rượu một lượt rồi ngủ luôn út ơi.
Thế là thầy nhảy vô sòng luôn… còn tôi thì ngơ ngác không hiểu sao bài kinh gì mà thầy tụng lẹ như vậy?
Mùa hè năm 1976, là tới ngày Mẹ bỏ tôi đi xa lúc tôi vừa tới tuổi trưởng thành. Lần này thì thầy Tụng là huynh Thành, ông có cái giọng tụng kinh sao mà nó mùi rệu… khi ông tụng bài kinh Vu lan ai nghe cũng rơi nước mắt:
– Nuôi con lớn mười phần cực nhọc, chín tháng trời mang nặng đẻ đau…
Lúc đó hình như tôi cũng linh cảm được mình sẽ còn mất nhiều thứ khác nữa và thật là như vậy, sau vài năm thì người anh kế bán luôn cái nhà, tôi bị đẩy ra đường và chẳng còn thứ gì trong tay khi mới chập chửng bước vào đời, đúng là một nỗi đau trong đời làm ta phải nhớ mãi. Một Cậu Út lịch sự sang trọng muốn gì được nấy được hai người Ba và một người mẹ cưng chiều hết mực bỗng trở thành một kẻ vô gia cư lang thang đói khát…
Đến giữa năm 1982, Cậu Út ôm gói hành trang làm thân ly xứ… nỗi đau đó vẫn âm ỉ trong tôi đến tận bây giờ.
Nhưng đó là một câu chuyện khác các bạn ạ.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved