15
Hùng Bi
Đầu thập niên 80, Việt Nam khởi động công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Trị An trên sông Đồng Nai đoạn đi qua huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai do Liên Xô hỗ trợ tài chánh và công nghệ.
Không giống như xưa kia ở Banmêthuột, khi đắp đập làm hồ chứa nước cho Trung Tâm Thực Nghiệm Nông Lâm Súc, người ta cứ để nguyên cây rừng dưới lòng hồ. Đến khi ngập nước cây bị chết trở thành những cây khô cành nhánh chớn chở trở thành những cái bẫy ngầm dưới nước rất nguy hiểm.
Khi bắt đầu công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Trị An, người ta lên kế hoạch chi tiết từng giai đoạn và làm một cách khoa học hơn.
Bộ phận đào móng làm đập chứa nước và nhà máy thuỷ điện làm việc của họ, phía trên sẽ phải khai thác trắng cây cối sạch sẽ khu vực lòng hồ để tránh rủi ro sau nầy có những cành nhánh cây khô theo dòng nước chảy về làm hư hỏng cánh quạt tuộc-bin và trở ngại các tổ máy phát điện.
Đập chính và đập phụ tạo thành hồ chứa nước diện tích rộng 323 km2. Với diện tích lớn như thế thì không đủ lực lượng công nhân trong biên chế phụ trách, buộc lòng phải kêu gọi tư nhân bên ngoài hợp tác.
Nhà nước không phải bỏ vốn ra đồng nào, các sản phẩm lâm nghiệp khai thác sẽ được chia bảy ba, giao nộp ngân sách 30%. Dĩ nhiên ai cũng phải hiểu đó là phần chia cứng, còn phần mềm tuỳ theo từng khu vực sẽ có một con số linh hoạt riêng để “cúng” cho chủ đầu tư và cán bộ phụ trách giám sát.
Diện tích lớn sẽ được chia nhỏ ra nhiều gói thầu khai thác trắng và đơn vị chúng tôi trúng được một gói thầu 50 km2. Từ đó lại chẻ nhỏ ra làm đôi giao cho hai đơn vị phụ trách.
Ai cũng hiểu là bước khởi đầu rất gian nan và có nhiều vấn đề phải giải quyết, trước mắt là mở đường vào từng khu vực để sau nầy vận chuyển gỗ ra. Xây dựng lán trại tạm trú và xưởng cưa chế biến gỗ tại chỗ để trên danh nghĩa là tận thu cây nhỏ và cành nhánh chớ không được phép vận chuyển gỗ nguyên khối ra khỏi rừng.
Lách luật ấy mà!
Theo tiếng gọi của rừng thẳm âm u, tôi háo hức khoác ba lô lên đường.
Tôi vốn rất yêu những buổi sáng được đi trong rừng dưới những tán cây cổ thụ che trên đầu. Nếu hôm nào đi sớm khi mặt trời chưa thức giấc, khu rừng vẫn còn vương vấn hơi sương mờ ảo khiến ta có cảm giác mình đang bước vào thế giới của những câu chuyện thần thoại. Những giọt sương đêm còn đọng lại trên cành lá đêm qua theo những cơn gió thoảng sẽ rơi xuống mặt hoặc quẹt ngang má làm giật mình vì cái mát lạnh trong trẻo. Những con chim rừng siêng năng dậy sớm cất tiếng hót líu lo gọi bạn tình trong chòm lá, vài con bướm lẻ loi với những đôi cánh đủ màu sắc vờn bay trên những đoá hoa rừng tạo nên một sắc màu sinh động trên nền lá xanh thẩm. Gió khẽ khàng lay nhẹ lá cành, tạo nên một âm thanh rì rào nho nhỏ đâu ở nơi xa xa.
Rồi mặt trời lên, bóng nắng xuyên qua tán lá rọi xuống lưng áo người đi trước những hình thù luôn thay đổi, chấp chới theo từng bước đi.
Cái không gian thanh bình vây quanh ấy như tiếp cho ta một sinh lực dồi dào khiến cho máu như cuồn cuộn chảy dạt dào trong châu thân để bắt đầu một ngày làm việc đầy hiệu quả và hứng khởi.
Kỹ thuật đi trong rừng để tránh bị lạc lối, mỗi lần đổi hướng phải bẻ một cành cây sát lối đi. Khi mặt trời vừa lên hay đã về chiều thì còn dựa vào mặt trời để định hướng, nếu giữa trưa mặt trời đứng bóng ở trên đầu thì khó mà định hướng nếu không căn cứ vào những cành cây bẻ gãy để tìm lối trở ra. Chính nhờ vào kỹ năng đó mà khi còn trong trại cải tạo, những buổi sáng chủ nhật sau khi vác về cho bếp lớn một cây lớn cỡ bằng bắp chân để làm chất đốt trong tuần, tôi luồn rừng vào trong sâu để xắn những mụt măng đựng đầy bao cát để cải thiện những bữa ăn còi cọc. Trong khi những tay khác không dám đi sâu vì sợ lạc đường thì còn đâu cái miếng ăn của mẹ rừng vì cả đám mấy trăm con người luôn sục sạo chà xát, thậm chí những cái nanh măng nhỏ xíu đầy xơ cũng không còn.
Nhưng trong chiến tranh, những chuyến luồn rừng không có được những cái thong dong như thế. Đã có bản đồ và địa bàn giúp định hướng chính xác rồi, chúng tôi chỉ giữ yên lặng đi nối đuôi nhau thành hàng một với sự cảnh giác cao độ. Một tiếng lá khô xào xạc hay một cành cây khô bị giẫm gãy cũng phải lóng tai căng mắt đề phòng. Những hầm chông, lựu đạn cài, bãi mìn hay những họng súng đen ngòm phục kích chực chờ nhả đạn luôn luôn có sẵn làm thót tim.
Qua đó, tôi cũng hiểu được phần nào cái tập quán của người dân tộc. Họ sống trong rừng núi và cách đi cũng tương tự như chúng tôi. Đi hàng một, luôn im lặng để nghe ngóng và tay lúc nào cũng đặt lên cán những chiếc xà-gạt trên vai để sẵn sàng chống trả vì trên đường rừng, đâu phải lúc nào cũng tình cờ gặp được con nai, con thỏ mà còn những con thú dữ khác như cọp beo rắn rết. Tiếng động có thể gây sự chú ý cho những hiểm nguy lúc nào cũng vây quanh. Họ đem cả cái cách đi ấy vào trong phố nên đã làm nhiều người thắc mắc và giải thích theo cách riêng của họ.
Khởi đầu, nhóm ba người chúng tôi gồm anh Nghiệp, tôi và Lộc em vợ của anh Nghiệp phụ trách chẻ rừng chọn địa điểm rồi san phẳng và xây dựng một trại cưa CD và hai cái bàn cưa mâm tại chỗ.
Ba lô lên vai, chúng tôi đi xe đò chạy than tuyến Sài gòn-Bảo Lộc mang theo lương thực và một số dụng cụ cần thiết ban đầu.
Qua khỏi Dầu Giây, Dốc Mơ, Gia Kiệm rồi Phú Cường…Cách chợ Phú Cường khoảng mười cây số chúng tôi xuống xe ở đầu một con đường đất đỏ bên trái quốc lộ đâm sâu vào khu vực tả ngạn sông La Ngà để chờ xe máy cày hoặc xe cải tiến đi nhờ vào trong sâu thuộc địa phận Vĩnh An.
Đó là con đường xương sống, vào sâu phía trong sẽ chẻ ra nhiều hướng dẫn đến từng khu vực khác nhau.
Đi được khoảng hơn 5 cây số, đến đầu một con đường mòn bên trái, chúng tôi xuống xe và bắt đầu cuốc bộ thêm khoảng 3 cây số nữa thì gặp một lán trại vách tre lợp tranh của anh em thợ rừng đến trước xin ở nhờ.
Ở đó, mỗi buổi tối ngồi bên đống lửa hồng, chúng tôi đã kể những đoạn đời giang hồ gió bụi mình đã trải qua cho nhau nghe bên những ly rượu đế cùng uống xây tua với mồi nhấm là những con khô nướng hay những buổi uống trà với kẹo đậu phộng. Những cơn gió đêm thổi qua làm lắt lay ánh lửa như một bè trầm cho những câu chuyện đầy thú vị đáng học hỏi ấy.
Chuyện đời chất chứa trong lòng những gã sống cuộc đời lăn lóc phong trần đã giúp làm dầy thêm mớ kinh nghiệm sống của tôi. Một đoạn đời trải qua tuy không dài lắm, nhưng nó vẫn sống mãi trong ký ức vì những quý báu mình đã gom nhặt được. Có lẽ bản chất con người tôi thích hợp với lớp người đó hơn nên dễ hoà nhập với cuộc sống của họ.
Giả dụ như có một lần nhà bị cháy vì những tàn lửa đốt rẫy gần đó bay theo gió đáp xuống mái tranh. Trong lúc quýnh quáng, tôi quơ một cây tre dài đập lung tung để dập lửa, nhưng một anh lớn tuổi đã ngăn lại:
– Chú đừng làm như vậy, những tàn lửa văng ra chỉ làm cho đám cháy lan rộng thêm. Cứ bình tĩnh lăn cây tre qua lại tự nhiên lửa sẽ tắt thôi.
Quả nhiên, theo cách chữa cháy nhà tranh của anh rất hiệu quả.
Thiệt hú hồn!
Ở đó, tôi lại gặp tay thợ phụ nhỏ tuổi nhất chuyên giữ nhiệm vụ đi mua rượu cách xa hơn một cây số và can rượu gạo 5 lít nào khi mở nắp nó cũng nhúng ngón tay út vào nếm thử và lúc nào cũng khen rượu nầy uống đước đa!
Ở đó, tôi đã từng uống một bữa trà quạu khiến cả đêm cứ phải mở cặp mắt thao láo nhìn bóng đêm vây quanh không sao ngủ được gần tới sáng nhớ suốt đời.
Lán cất bằng cây, tre lợp tranh cách bờ sông La Ngà khoảng hơn 50 mét để lấy nước sinh hoạt. Bến nước là một bến phà cũ của quân đội đã bỏ hoang. Nhìn qua con sông La Ngà khá rộng, nước đang chảy cuồn cuộn là bến tắm của Trường Phục hồi nhân phẩm số 3 của các cô gái giang hồ và xì-ke ma tuý. Đó cũng là rạp chiếu phim mà tôi sẽ kể ở phần sau.
Bấy giờ là bắt đầu mùa khô. Đó là một thuật ngữ chiến tranh dành cho vùng rừng núi chớ không gọi là mùa nắng như ở vùng phố thị hay nông thôn.
Trong chiến tranh, mùa khô là mùa bắt đầu những cơn bão lửa dữ dội của những chiến dịch quân sự càn quét ở những mặt trận lớn có tính cách quyết định cục diện chiến tranh. Lửa sẽ cháy nhiều hơn, bom rơi đạn nổ nhiều hơn, máu và những cái chết sẽ nhiều hơn, rừng rú sẽ tan hoang nhiều hơn và nỗi thống khổ đau thương đoạ đày sẽ nhiều hơn.
Nhiệm vụ của toán thợ rừng là hạ những cây cổ thụ bằng cưa xích cầm tay, đồng thời dọn đường để những chiếc xe chữ A có thể vào tận nơi câu những đoạn cây đã cắt thành từng đoạn ra chỗ trại cưa để xẻ ra.
Mỗi sáng, họ chia thành từng nhóm nhỏ tung vào rừng làm việc.
Họ để những chiếc cưa xích chạy xăng nhãn hiệu Culloch hay Lombar vào một chiếc gùi kiểu của người dân tộc S’tiêng với can xăng 10 lít và đồ nghề kèm với thực phẩm khô dùng trong ngày mang trên lưng. Đó là những chiếc cưa đã dày dạn phong trần cũ kỹ. Và mỗi anh thợ cưa xích là một anh thợ sửa xe gắn máy. Giữa rừng sâu một mình, anh phải biết rõ cỗ máy anh đang cầm trên tay. Anh phải biết tự sửa chữa khi bị trục trặc, phải biết canh xăng canh gió, phải biết canh vít lửa thành thạo…
Hồi đó hiếm có những cây cưa xích nhãn hiệu Stihl của Đức chất lượng cao sử dụng ngon lành.
Tiếng cưa xích chạy xăng phun khói mù mịt ngày ngày làm dấy động không gian rừng rú vốn đã im lìm bao năm qua.
Một sự sống bắt đầu cho một sự chết, sau đó lại bắt đầu cho một sự sống dưới hình thái khác. Câu nói có vẻ triết lý nhỉ?
Về phần ba anh em chúng tôi, vai vác rựa mở đường tìm cây làm giàn cột kèo một xưởng cưa CD và cưa mâm khá lớn dài khoảng 40 mét. Tất cả đều dựa vào kinh nghiệm đi rừng, làm nhà bằng gỗ tròn và xây dựng một trại cưa của tôi nhờ vào những kết quả thu hoạch được khi đi học tập và trong cuộc mưu sinh sau khi tốt nghiệp Đại học cải tạo.
Hạ cây xong, ba chúng tôi sẽ khiêng về điểm định làm trại cưa đặt nơi cao ráo đã dọn dẹp bằng phẳng gần đường đi, róc vỏ sạch sẽ chờ cho khô tương đối. Sau đó sẽ tiến hành xẻ mộng khoan lỗ lắp ráp từng vì kèo rồi đào lỗ chôn xuống đất.
Công việc hoàn toàn thủ công đã chiếm mất thời gian của chúng tôi gần hai tháng mới hoàn thành phần sườn nhà gồm khu đặt máy CD dài khoảng 15 mét có mái che chồm hẳn ra ngoài, khu đặt hai bàn cưa mâm, khu chứa gỗ thành phẩm, một khu nhỏ đặt bàn giấy phía trên có gác lửng làm chỗ ngủ kèm theo một chỗ nấu ăn phía sau.
Những buổi sáng chủ nhật thảnh thơi được nghỉ làm việc, tôi lại ra bờ con sông La Ngà đang cuồn cuộn nước chảy, ngồi lặng nhìn lớp khói sóng trên sông hoà cùng lớp sương mai chưa tan hẳn, mơ màng trong tiếng chim hót mà nghĩ ngợi xa xôi. Lúc ấy nàng thơ và anh chàng văn chương chưa biết đến tên tôi nên không nghe lời réo gọi nào cả.
Giá mà…giá mà…
Được một chốc, tôi nghe tiếng mái chèo chiếc xuồng con của hai ông cháu đi giở những chiếc đăng cá bằng mồi đặt dọc bờ sông. Thủa ấy, sông La Ngà có rất nhiều cá lăng lớn bằng hay hơn con cá trê dưới đồng bằng. Cá lăng có thuộc tính ăn mồi tương tự như cá trê, chúng rất thích những mồi tanh thúi. Thường người ta chỉ câu cắm cá trê. Tôi cũng biết được một bài thuốc làm mồi câu cá trê ăn chắc như bắp học được ở chốn giang hồ. Thịt bò mua về xắt ra từng viên lớn bằng đầu ngón tay út, ướp với a quỳ, a dao mua ở nhà thuốc bắc. Ướp một ngày một đêm, những cục thịt bò sẽ bị hoại tử bốc mùi. Với loại mồi đó, thích câu hết đám cá trê ở một đám ruộng lớn ư?
Cứ giở lên con đầu tiên ta ngắt đuôi nó làm dấu rồi thả xuống ruộng, đến khi nó dính câu lại lần thứ hai có nghĩa là đám ruộng đó đã bị dính sạch không còn một con cá trê nào.
Tương tự, có một loại mồi câu cá trê khác cũng lợi hại không kém. Đó là những con mối đất lớn cỡ thua đầu đũa ăn cơm chỉ có ở đất Trảng Bàng Tây Ninh. Người ta đào ổ mối dưới đất bắt chúng làm mồi câu cá trê. Chính cái mùi tanh tanh trong mình con mối giúp người đi câu hốt sạch sòng không còn một mống luôn.
Riêng cái đăng gần chỗ tôi đang ngồi thơ thẩn, họ đã giở được gần 30 kg. Giá cá lăng tại chợ Phú Cường thời điểm đó thu mua là 3.000₫/kg mà giá gạo tổ ở dưới Sài gòn chỉ bán 1.000₫/kg. Vậy là họ kiếm ăn cũng tốt đấy chứ?
Thỉnh thoảng, tôi chia lại của họ đôi ký để ăn trong vài ngày đỡ khỏi phải ăn toàn khô mắm.
Trở lại cái rạp chiếu phim bên kia bờ sông La Ngà cách bến phà chúng tôi khoảng 50 mét. Với cự ly đó, mọi vật nhìn thấy không rõ ràng đã làm hơi hơi bực mình. Có lẽ đáy sông nơi đó tương đối cạn và bằng phẳng nên các trại viên đã dùng nó làm bến tắm cho mình.
Thỉnh thoảng buổi trưa hay chiều, sau khi xong việc tôi ra bến tắm giặt đồng thời coi phim luôn. Bờ sông bên kia là một con dốc đứng, các trại viên nữ cởi áo từ lưng chừng dốc rồi đi lần xuống mặt sông. Những quả đào tiên tuy không còn tròn lẵn săn chắc, nhưng vẫn trắng nõn đong đưa trong nắng. Là những người đã từng sống cuộc đời sương gió nên họ đã đánh mất cái thẹn thùng vốn có của phụ nữ. Họ cứ đứng chỗ nước ngang lưng quần tắm rửa kỳ cọ, té nước đùa giỡn nhau một cách thoải mái vì họ đâu có ngờ bên kia sông chỗ cái bến phà quân đội bỏ hoang từ lâu có một cặp mắt đang mê man nhìn ngắm họ.
Chỉ khi nào có tiếng ca-nô của trại đi tuần dọc bờ sông họ mới hụp người hẳn xuống mặt nước. Ca-nô qua rồi họ lại đứng lên tiếp tục đùa giỡn. Tiếng cười khoái trá bay qua mặt sông nghe văng vẳng chen lẫn trong tiếng nước sông chảy rì rào làm không gian sáng vui hẳn lên. Bầu trời trên đầu như cao hơn và những đám mây trắng như dịu dàng hơn bay ngang che cho những mảnh đời lầm lỡ.
Tắm xong, họ lên bờ thoát y để thay quần áo sạch. Ái chà! Đây là phút cao trào của buổi chiếu phim nghen!
Một lần, nghe giang hồ đồn rằng ở bên đó có quán cà phê và họ đã từng gặp vài đoá hoa vẫn còn tràn đầy hương sắc, tôi với anh Nghiệp quyết định đến tận sào huyệt của họ để coi mặt mũi thế nào? Hai anh em mặc quần đùi, bóp tiền cột chặt trên trán bằng cái khăn rằn, mỗi người ôm một cây tre gai lớn làm phao bơi qua sông để…qua uống cà phê, vì con sông rộng và nước chảy rất xiết. Đi lên thượng nguồn cách khoảng 30 mét, chúng tôi vừa thả xuôi theo con nước vừa đạp chân bơi qua con sông rộng. Canh xa vậy mà cũng còn bị trôi lố đường lên trại.
Lên bờ thì thấy cũng có cái chòi hình bát giác lợp tranh không vách cất cách xa đường xuống bến tắm được ngăn bởi một hàng cây thưa thớt cũng khá đẹp và nên thơ. Trong chòi là một quầy bán nước giải khát với bộ bàn ghế làm bằng tre, nhưng lại do một chàng thanh niên cán bộ trại đứng bán, chắc là để phục vụ cho nhóm thợ rừng hoạt động phía bên bờ hữu ngạn. Lán trại của trường được cất khuất sau hàng cây. Đang giờ lao động nên không thấy bóng dáng cô nường nào.
Gọi hai ly cà phê đen, uống xong cắp đít lội về mà không thu được kết quả khả quan nào. Lần trở về lội qua sông bị nước đẩy xa phải lội bộ gần một trăm mét mới về được tới lán tạm trú.
Thiệt là…xôi hỏng bỏng không!
Í! Mà cũng có chút kết quả chớ!
Kết quả là hai lỗ tai tôi ngập nước con sông La Ngà bị thúi luôn. Hai tuần sau phải về bệnh viện Nguyễn Tri Phương để nhờ đến bác sĩ tai mũi họng chăm sóc giùm.
Hì…hì…Nhớ lại cũng vui!
Sau khi sườn nhà trại cưa đã dựng lên hoàn tất, chúng tôi về Sài gòn đến xưởng chế tạo giàn cưa máy CD Phan Thanh Tòng ở đường Nguyễn Văn Luông Quận 6 đặt giàn máy cưa CD kéo bằng một cái máy xe Jeep cũ. Trước mắt là như vậy, còn biết bao nhiêu là công việc nhiêu khê đang chờ ở phía trước. Còn mấy cái bàn cưa mâm, rồi máy dầu phát điện cho moteur, còn lo liên lạc tìm thợ cưa nữa chớ!
Lần nầy trở lên, chúng tôi vác theo chiếc La Dalat ở nhà để chở lá chằm mua ngoài chợ Phú Cường về lợp mái trại cưa. Cũng phải chạy ra chạy vào gần chục chuyến mới lợp xong mái. Chúng tôi đã từ giã nhóm anh em thợ rừng và chuyển về nhà mới.
Chỉ có ba anh em sống trong rừng, lúc rảnh hết chuyện ngồi ngó nhau như ba con khỉ nên thật là hiu quạnh!
Sau khi những khâu chuẩn bị xong xuôi đâu ra đó, bỗng xảy ra một trở ngại to lớn về thủ tục hành chánh, về phương thức khai thác và phân chia quyền lợi.
Không đáp ứng thoả đáng những yêu cầu về phía mình, chúng tôi đành phải bỏ ngang kế hoạch và gánh chịu những thiệt hại về tiền bạc và công sức rất lớn.
Khi nhà máy thuỷ điện Trị An bắt đầu vận hành thử nghiệm tổ máy phát điện số 1, tôi đọc được tin trên báo Tuổi Trẻ rồi ngồi ngậm ngùi.
Trong cái lòng hồ chứa nước rộng mênh mông đó, có cái trại cưa tôi đã dựng lên bằng công sức và mồ hôi của mình đã bị nhấn chìm trong làn nước bạc như một con giao long ẩn mình rồi chết luôn!
Tôi có một sự xác tín và hằng tin rằng số phận của mỗi con người đều đã được sắp xếp sẵn ở đâu đó trên cao.
Có người được một cuộc sống êm ả, giàu có với nhung lụa, xe hơi nhà lầu, tiền bạc thừa thãi và người ta hưởng thụ cuộc sống trên cái nền sung túc đó.
Có người phải sống bằng sự chật vật, bươn chải, lều tranh vách đất. Chén cơm họ kiếm được hàng ngày phải lăn lộn trong cuộc mưu sinh đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Có ai muốn chọn cho mình một cuộc sống vất vả đâu?
“Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”
Đó là kết luận trong truyện Kiều của Nguyễn Du nói lên cái nhân sinh quan của ông viết ở câu 3243 và 3244.
Nhưng tôi không phải là Nguyễn Du nên suy nghĩ có hơi khác.
Trong cuộc sống phong trần, nếu ta không bị chìm ngập trong cái tầm thường vốn có của nó mà cố giữ được phần nào sự thanh cao thì cuộc sống ấy thú vị biết chừng nào!