Dịu Êm Niềm Nhớ

tác giả Như Hoa Ấu Tím
69 xem

Mùa Thu là mùa mưa, những cơn mưa sầm sập không báo trước, mây kéo vù tới, chùng thấp rồi mưa, dòng nước mưa cuộn chảy xuống cống, đối với con nít là dòng sông đẹp nhất. Mưa vừa tạnh những con thuyền xếp bằng giấy được nhẹ nhàng thả xuống, đứa nào dùng giấy láng, thuyền không bị thấm nước theo dòng trôi thật đẹp, đứa nào dùng giấy bản nước thấm nhanh thuyền chìm hậm hực muốn khóc.
Mùa mưa có những trò chơi mùa mưa, con trai thích tắm mưa dưới máng xối đá banh ngoài mưa nữa, nhiều đứa sợ mẹ biết cởi hết áo quần giấu trong mái hiên, nhờ lũ con gái giữ hộ. Con gái phần đông chơi đồ hàng trong sân vì mẹ cấm không cho nghịch mưa sợ ốm, vài đứa phá lệ cứ ra mưa cho ướt hết cả người. Tôi không dám có lẽ đó là lý do tại sao khi lên trung học tôi mê dầm mưa đến thế.

Đồ hàng là những cái nồi cái chén cái chảo đủ mọi đồ lề cho người nội trợ thật trong tương lai, những tiếng xưng hô mày tao chi tớ cũng được đổi như người lớn “bà với tui, chị với tui”. Những chiếc lá, những đoá hoa hái vội trong chậu kiểng thành rau thành cơm, con búp bê được truyền nhau nâng niu, con con má má. Những loại cây kiểng hồi ấy thường là cây ngâu, cây mai chiếu thuỷ, cây bông giấy, cây bông nhài (lài), tôi còn nhớ cây ngâu với những chùm hoa li ti màu vàng thơm dìu dịu, trái nhỏ bằng đầu ngón tay út, khi chín có màu cam đỏ rất đẹp, ăn ngòn ngọt. Cây mai chiếu thuỷ từng chùm hoa màu trắng cúi gục đầu xuống không sao ngửng lên được, mùi thơm thật nhẹ, tôi cứ dí mũi sát vào hít lấy hít để, không như hoa nhài chỉ vừa đến gần đã thơm thật thơm. Cây bông giấy không thơm nhưng tha hồ hái lá làm rau, nhặt hoa làm bánh, ngâm nước cho ra màu sơn móng tay, không hề bị người lớn la như khi đụng vào những cây kia.
Khi mưa vừa tạnh, lũ con trai vừa thay áo quần xong lại rủ nhau đi, đi vòng vòng sang xóm khác tìm xem những nhà có trồng cây mận, cây ổi, cây táo, cây khế, cây tầm ruột có trái nào vì mưa rụng xuống hay không? Con nít sống ở thành phố buồn hơn con nít dưới quê, không có vườn cây, nên không được leo trèo, thấy được một cây ăn quả mừng rỡ như bắt được vàng, cây ổi ruột đỏ trước tiệm giặt ủi Hồng Nhạn ngay con hẻm số ba mươi, sau tiệm phở gì tôi quên mất tên, cây ổi này hình như chưa bao giờ có trái chín vì chị Nhạn hiền quá chẳng la ai bao giờ.
Trên đường Phan Đình Phùng, từ ngã tư Lê Văn Duyệt đổ xuống là hai hàng cây điệp vàng (còn có tên văn hoa hơn là : cườm thảo vàng), sau cơn mưa hoa đầy gốc, mùi mưa quyện với mùi hoa làm tuổi thơ của tôi ướp đầy mật ngọt. Cầu vồng bảy sắc sau mưa luôn làm tụi nhỏ chúng tôi mộng mơ, huyễn hoặc, đứa thì bảo đó là cầu bắc cho tiên đi, đứa thì khẳng định Chúa đang đứng ngay giữa cầu, đứa thì bảo ông Bụt đang cười với nó, còn tôi khẳng định sẽ tìm được nơi bắt đầu của cầu vồng, sẽ có cầu thang đi lên càng lúc càng cao. Cả lũ tin theo tôi lang thang đi đến dinh Độc Lập không hay, lần ấy không tìm ra nơi xuất xứ của cầu vồng, tụi tôi khám phá ra bên trong hàng rào cao ngất ấy là những cây nhãn lồng ngọt lịm, vì mưa một nhánh cây gãy, vượt ra khỏi rào làm quà cho lũ con nít đi tìm cầu vồng sau mưa.
Giáng Sinh, đối với gia đình có đạo là một ngày lễ lớn lắm, trong xóm tôi ở chỉ có khoảng năm gia đình thôi, nhà nào trước cửa cũng treo một ông sao thật lớn. Con nít tụi tôi không chia rẽ tôn giáo, hễ có rằm có ngày Đản Sinh đức Phật thế tôn người lớn làm lễ cúng tụi tôi cũng cúng, đến Giáng Sinh người lớn làm ngôi sao, hang đá tụi tôi cũng làm ngôi sao hang đá.
Một lần tụi tôi may mắn lấy được một cục đất sét khi người ta đào giếng gần mùa Giáng Sinh, thế là tha hồ nắn tượng, theo tôi những nhà điêu khắc tí hon luôn có những ý tưởng thật độc đáo, từng hình người đơn giản được dựng lên, có đầu mình tay chân hẳn hoi, mấy hình giống con vật có bốn chân cho đúng với chuyện tôi được nghe từ các dì phước dậy giáo lý, những đứa ngoại đạo cứ há hốc mồm nghe tôi kể và tin tôi răm rắp. Có đứa còn khóc vì thương em bé Giesu bị lạnh nữa, tôi kể về những con cừu phà hơi cho em bé Giêsu ấm, tụi nó hỏi con cừu (trừu) giống con gì, tôi trả lời giống con chó, nghĩ lại buồn cười quá.

Cái hang đá được hình thành với bao công trình tim óc, rơm lấy từ bà bán trứng ngoài chợ, vỏ bao xi măng rình mò mãi mới lấy được một cái ở trường Bàn Cờ đang xây thêm phòng học, chỉ có thế mà những bức tượng sau khi phơi nắng có chỗ trưng bầy.
Đi lễ tối Giáng Sinh mới thích làm sao, được mặc áo đẹp mới may, đi giầy có gót, mấy đứa bạn tôi xin đi theo, nhưng Ba tôi sợ lạc không dám dắt theo.
Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa đúng một đêm thôi, nhưng thời gian sửa soạn đợi chờ là tuyệt vời nhất,.
Bạn có nhớ như tôi đã hơn nửa thế kỷ rồi đó sau ngày tôi biết điệu đi giầy mới đến nhà nguyện Mai Khôi ở đường Tú Xương dự lễ đêm, màu áo đầm vàng anh tôi mặc, chiếc cổ áo màu trắng không phải kiểu lá sen mà bắt chước trong quyển báo ngoại quốc có góc nhọn điệu đà, chị thợ may tôi nhớ mãi nhà đối diện với nhà thờ Vườn Chuối trong ngõ hẻm, ngày ấy cha Ngộ làm chánh xứ! Chị bảo may cổ áo này khó có góc đẹp sợ vải bị vênh – nhưng chị nghĩ ra cách dùng vải cứng hơn may đệm vào trong cho đẹp, tôi nhớ nhiều quá phải không.

Thân chúc các bạn đọc, những ngày trước lễ Giáng Sinh an lành.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved