ĐÀ LẠT TRONG HOÀI NIỆM CỦA TÔI

tác giả Hùng Bi
61 xem

Chiều hôm nay là chiều gì vậy?
Đó là một buổi chiều của màu thu man mác, có mùi phấn thông vàng, mùi nhựa thông thơm thơm bay trong gió, có mùi hoa oải hương thoang thoảng vây quanh, có những vạt dã quỳ bắt đầu phô diễn nhan sắc hoang dại để chuẩn bị rợp một sắc vàng rực rỡ khắp các ngọn đồi vào cuối tháng 10, có những ngọn nắng xiên lấp ló qua những chùm lá thông trên cao còn đọng lại những giọt mưa nhỏ hồi trưa tạo thành những quả cầu nhỏ li ti với ánh sáng của bảy sắc cầu vồng, có màu hoa thạch thảo tím nhạt trên nền cỏ biếc, có cái màu nồng nàn của những đoá hồng nhung đỏ thẩm hay đỏ tươi như đôi môi con gái của những đoá hồng Brigitte xa xa trong vườn nhà ai…
Không gian hình như chùng xuống, một chút se lạnh làm nỗi nhớ về một vùng đất xưa tôi từng đặt chân đến vài lần lại thêm đậm đà.
Có lẽ tôi nên viết một chút về nó: Đà Lạt!

Bọn học trò trung học ở Banmêthuột chúng tôi là láng giềng của Đà Lạt, chỉ nghe tiếng thôi chớ làm gì có điều kiện mà bước tới vùng đất du lịch đó? Những bài hát có liên quan đến Đà Lạt thì nghe cũng đã nhiều càng làm tăng thêm sự háo hức được đặt chân lên vùng đất của thành phố hoa đẹp đến ngỡ ngàng ấy.
Và rồi tôi nghe nhiều và hiểu cặn kẽ hơn một chút về Đà Lạt qua lời kể lại tiểu thuyết Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng đăng từng kỳ trên tạp chí Bách Khoa của thầy dạy Pháp văn Đỗ Duy Nội.
Thầy khéo léo sắp xếp bài giảng để thừa ra khoảng 15 phút cuối giờ kể chuyện cho chúng tôi thư giãn đầu óc. Thầy có khiếu kể chuyện với giọng Bắc trầm bỗng thật lôi cuốn và đám học sinh đệ nhị cấp mới lớn chúng tôi lại có khiếu…thích nghe kể chuyện tình.
Tiểu thuyết Vòng tay học trò đã gây một tiếng vang lớn lúc đó trong giới học sinh, nhất là chúng tôi biết rõ nhân vật chính nam từng học trên mình hai lớp ở Trường Trung học Banmêthuột nên càng say sưa đón đợi diễn tiến câu chuyện.
Một mối tình lệch pha gay cấn nằm trên nền một khung cảnh đẹp qua văn chương quả thật quá hấp dẫn! Sự tưởng tượng phong phú của tuổi mới lớn càng thêu hoa dệt gấm cho một thành phố Đà Lạt thêm lung linh một cách huyền ảo.
Sau đó, tôi lại có dịp đọc được quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của nhà văn chuyên viết chuyện du đãng Nguyễn Thuỵ Long. Trong đó có đoạn Loan mắt nhung, một du đãng có học vì tránh sự truy lùng của cảnh sát Sài gòn phải tạm lánh lên Đà Lạt. Ở đó, khi một mình lang thang dạo chơi trong rừng, tình cờ Loan gặp được một cô hoạ sĩ trẻ đang đi ghi lại những phong cảnh đẹp của Đà Lạt trên khung vải.
Đứng xa xa ngắm nhìn, thấy cô hoạ sĩ trẻ lúng túng mãi vẫn không nắm được những sắc màu rực rỡ trên đôi cánh bướm đang chấp chới tìm mật trong những đoá hoa dại để thể hiện trên khung vải sắp hoàn thành, sẵn trên tay đang cầm một mẩu thuốc lá cháy dở, Loan điệu nghệ búng cái xoẹt trúng ngay con bướm rơi xuống đất. Loan bước tới cúi lượm con bướm lịch sự đưa cho cô hoạ sĩ. Bướm chỉ hết hồn mà…xỉu thôi chớ không chết.
Cô mỉm cười cầm lấy cám ơn và tự giới thiệu mình tên Trang rồi hai người bắt chuyện làm quen.
Với tài ăn nói duyên dáng và sự lịch lãm có được trong cuộc sống giang hồ, dần dần Loan đã chinh phục được tình cảm của Trang.
Nhưng khi tình vừa chớm, Loan suy nghĩ kỹ lại cuộc sống hiện tại của mình, cái quá khứ tội lỗi và tương lai mờ mịt, không muốn làm hoen ố cuộc đời người con gái vừa lớn nên đã chủ động rời xa.
“Anh đã biết, anh đã biết yêu em là tuyệt vọng
Mà vì sao, mà vì sao anh vẫn cứ yêu thương
Con giun con nằm uốn khúc giữa đêm trường
Rồi giun chết, chết tương tư vì sao sáng…
Anh vẫn biết, anh đã biết yêu em là tủi nhục
Mà dù sao, mà dù sao anh yêu mãi không thôi
Anh yêu em bằng nước mắt đứng lưng trời
Bằng tia máu ứa trong tim dầu khô héo…”
Chao ơi! Mấy bà bán thuốc lá lẻ lúc đó hơi ngạc nhiên khi doanh số bán hàng đột nhiên tăng vọt. Mấy con ngỗng con nhịn ăn sáng để dành tiền mua thuốc lá đốt lên rồi tập búng thuốc theo Loan mắt nhung. Nhưng hỡi ơi! Những cái búng ngón tay vụng về buổi đầu làm cái thì bay lên trời, cái thì rớt ngay trước mặt. Thi thoảng lại bay cái xoẹt ngang mặt người đi qua làm họ giật mình rồi bị ăn chửi. Nhưng vẫn không hề nản chí vì phàm ở đời không có việc gì dễ, cả cái chuyện muốn trở thành một tay chơi búng thuốc điệu nghệ để…cua đào.
Cuối năm Đệ Nhị 1967, chúng tôi lũ lượt kéo nhau về Hội đồng Khảo thí Nha Trang để thi Tú Tài 1.
Sau khi trả nợ áo cơm cho cha mẹ, đền đáp công ơn dạy dỗ của thầy cô, gánh nặng ngàn cân trên vai đã nhẹ, chúng tôi bốn thằng gồm Thành Ngọc Trào, Đặng Phó, Bùi Tiến Thoan và tôi rủ nhau làm một chuyến phiêu lưu vặt tìm đường tới chốn đào nguyên…cho biết với người ta.
Từ Nha Trang, chúng tôi đi xe lửa vô Phan Rang. Ngủ lại một đêm rồi đi xe đò lên Đà Lạt.
Thuở ấy, đường đèo Sông Pha nhỏ xíu, một bên vách núi một bên vực sâu trông thật hãi hùng. Tới ngã ba Đơn Dương quẹo phải, xe lướt xuống đèo Ngoạn Mục với phong cảnh hai bên đường…thật là ngoạn mục. Cuối cùng thì nhà thờ con gà và mặt hồ Xuân Hương lấp loáng dưới ánh mặt trời đã hiện ra trước mắt. Xe băng qua Cầu Ông Đạo dừng ở bến đỗ trước Chợ Hoà Bình chúng tôi mới thở ra nhẹ nhõm.
Có phải mùa thi cũng ở vào mùa thu không nhỉ?
Vâng! Chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên xuống thành phố sương mù vào giữa thu.
Lúc ấy tiết thu còn mát mẻ, không cần mặc áo ấm chúng tôi cũng dong chơi thoải mái trên phố. (Có sẵn đâu mà mặc?)
Thì cũng đi lăng nhăng vậy thôi! Sau khi đua nhau chạy lên những con hẻm dốc đứng, dừng chân trên mặt đường nhựa thở phì phò rồi chỉ trỏ những ngôi nhà có mặt tiền phố là tầng một lạ lùng, đi ngang cà phê Tùng cho biết nhưng không ghé vào vì cân nhắc số tiền ít ỏi còn lại trong túi. Lên thăm Viện Đại học Thụ Nhân do Linh mục Cao Văn Luận sáng lập. Lang thang xuống mặt Hồ Xuân Hương đi ngang qua quán Thuỷ Tạ rồi trở về mua cơm tay cầm ngồi trên những bậc cấp dẫn xuống chợ Hoà Bình vừa ăn vừa nhìn trời hiu quạnh.
Được nhìn ngắm những chùm hoa Mimosa trồng trên lối phố với những chiếc lá như dát bạc. Hoa không đẹp nhưng có tên thật đẹp!
“Mimosa từ đâu em tới?
Mimosa từ đâu em tới nơi nầy?…”
Lộ phí lều chõng cho các ông Tú tương lai cũng khá rộng rãi, nhưng chúng tôi không dự trù trước cho sự nổi hứng phiêu lưu bất tử nầy nên túi thằng nào cũng nhẹ hều.
Sau hai đêm ngủ lại Đà Lạt, xét tình hình thực tế chúng tôi đành thổi kèn lui binh.
Thú thực là tôi có chút thất vọng vì Đà Lạt không được như trong trí tưởng tượng của tôi, Đà Lạt không đẹp như trong tiểu thuyết. Mãi sau nầy ngẫm nghĩ lại tôi tự cười thầm cho sự khờ khạo của mình lúc đó.
Đẹp gì với những khu phố thấp cao nhỏ hẹp? Đẹp gì với những con hẻm dốc đứng?
Đà Lạt nổi tiếng là thành phố du lịch với không khí trong lành, với ngàn hoa khoe sắc, với khung cảnh thiên nhiên, với những biệt thự phong cách Châu Âu nằm ẩn hiện trong rừng thông, với những toà công ốc được xây cất từ thời Pháp thuộc, với những ngôi trường tư nội trú nổi tiếng dành cho con cháu giới giàu có, với những cô gái má đỏ môi hồng, với những chiếc áo len sắc màu sặc sỡ…mà chúng tôi chỉ có một ngày đi bộ loanh quanh mấy con phố thì làm sao chiêm ngưỡng được những cái đẹp ấy?
Ở nhà Ba rất sốt ruột khi các bạn cùng lớp đi thi đã lục tục về hết mà chưa thấy bóng dáng thằng con trai yêu quý xuất hiện.
Vừa ló mặt vô cửa bị Ba nạt lớn:
– Mầy mất mặt đâu mấy bữa nay vậy?
– Dạ! Con với mấy thằng bạn lên Đà Lạt chơi.
– Tiền đâu mà đi chơi?
– Dạ! Thì lên tới Đà Lạt thọt chân xuống đất một cái cho biết rồi rút chân lên theo xe đò quay về liền nên đâu có hao tốn bao nhiêu?
Ba phì cười với câu trả lời của tôi rồi…cho qua. Miễn còn đứng sờ sờ lành lặn trước mặt là được rồi.
Nửa tháng sau có tin báo về là đã “danh đề bảng hổ”. Ba biết thằng con muốn lên đó chơi lâu lâu mà không có tiền để ở lại. Tội Tèo!
Ba kêu lại:
– Giỏi! Thưởng cho một chuyến du lịch Đà Lạt đúng nghĩa!
Ngạc nhiên chưa?
Thật khó tả cảm giác của tôi khi nghe lão gia phán một câu như thế!
Ba nhắn Chú Tư Đực đang làm kế toán ở hãng cao su Terre Rouges dưới Sài gòn xin nghỉ phép một tuần lên Banmêthuột rồi cùng đi Đà Lạt chơi, nhân tiện cho Chú Tư thăm thằng con đang học nội trú bên đó.
Cả nhà đi máy bay qua Đà Lạt sáng thứ bảy để chủ nhật Chú Tư rước thằng con ra chơi.
Lần nầy có lão gia nên ngon lành nghe. Ngủ khách sạn, ăn nhà hàng đàng hoàng.
Buổi tối, hai anh em rủ nhau đi coi xi-nê ở rạp Ngọc Lan. Đua nhau chạy bứt lên dốc, tới lưng chừng dốc bèn ghé vô xe bán sữa đậu nành nóng ban đêm. Mỗi thằng quất một ly lớn với bánh pâté chaud nóng hổi thơm…rụng lông mày!
Đà Lạt không có xích lô để chở đi dạo phố mà chỉ có xe lô-ca-chân leo dốc muốn hụt hơi vì không quen.
May mà hôm sau, anh Phương con Cô Hai đang học trường Đại học Chính trị Kinh doanh cho mượn chiếc Lambrettus hai màu xanh trắng anh đang đi để làm phương tiện vi vu vo ve trong mấy ngày ở Đà Lạt.
Đó là kiểu xe ưa chuộng của các chàng pilot trẻ lúc bấy giờ. Chàng nào đi du học lái tàu bay ở Mỹ cũng dành dụm mà khuân một chiếc khi về nước. Mấy em chiều chiều được ngồi sau lưng chàng trên chiếc xe ấy mà lượn phố thì hãnh diện biết mấy!
Thật tuyệt vời!
Vậy là như rồng mọc thêm vây, hổ mọc thêm cánh.
Ba ghé thăm nhà Cô Mai đồng nghiệp đã từng đổi nhiệm sở qua Banmêthuột làm việc một thời gian.
Nhà Cô nằm dưới thung lũng ở phía hạ nguồn Hồ Xuân Hương. Chồng Cô là giáo viên, nhưng chất nghệ sĩ lãng mạn có đầy. Những ngày Chủ nhật, Ông thích lang thang trong rừng tìm những nhánh lá cỏ con con cắt về rồi dùng keo dán thành những bức tranh cây lá. Cô đem khoe một trong những cuốn album có những bức tranh nho nhỏ rất độc đáo đã hoàn thành. Tôi ngắm chúng chăm chú, rất yêu những chiếc lá dương xỉ nhỏ xíu uốn lượn trong tranh. Công nhận là rất nghệ thuật và khéo tay. Nhưng ông chỉ vẽ tranh cho thoả niềm đam mê của mình thôi chớ không phải để trưng bày hay để bán.
Buổi sáng ngồi trong quán cà phê trên bờ dốc nhìn xéo xuống Hồ Xuân Hương, trông thấy những chiếc xe nhà binh Dodge 4×4 của các đơn vị đồn trú quanh thành phố đi mua thực phẩm ở chợ Hoà Bình có dán những bông hoa Hippy thời thượng đầy trước xe trông rất vui mắt và thanh bình. Công nhận Quân cảnh của Quân vụ thị trấn Đà Lạt thoáng thật! Chẳng làm khó dễ cho những trò vớ vẩn đó.
Hai ông già rủ nhau đi nhậu thịt rừng, tôi xách xe một mình chạy lòng vòng chơi. Rời khỏi phố chợ, băng qua cầu Ông Đạo tôi chạy dọc theo bờ Hồ Xuân Hương rồi Hồ Than Thở. Ở phía đó, đường Đà Lạt vắng vẻ quá không có ai để hỏi thăm đường đi Trại Hầm, Trại Mát hay làng hoa Thái Phiên.
Cứ theo những con đường nhựa trước mặt mà vừa chạy vừa ngắm hoa lá nhà cửa hai bên, cứ cùng đường thì quay lui.
Chạy lăng quăng kiểu gì mà tôi lạc vào một con đường tuyệt đẹp, hai bên là rừng thông xanh ngát với cỏ biếc dưới chân. Tôi khoan khoái giảm ga cho xe chạy từ từ để phồng mũi hít đầy lồng ngực cái hương thu bát ngát của đất trời Đà Lạt.
Nhưng cái đẹp chưa dừng lại ở đó đâu.
Tai tôi bỗng nghe tiếng một bầy chim ríu rít, mắt tôi thấy một bầy-chim-con-gái mặc áo học trò váy ca-rô xanh đỏ đứng chia từng nhóm dưới gốc những cây thông hay phía bên kia dưới cổng trường chờ vào lớp. Chắc đi học hè.
Liếc bảng tên trường thấy hàng chữ Lycée Yersin. Trường Tây á?
Đúng là bọn con gái nhà giàu! Em nào cũng trắng dài tóc môi đỏ như son.
Mấy em nầy chắc học dưới tôi mấy lớp, hơn nữa tôi mới vừa thành một ông Tú nên cũng có chút kiêu hãnh ngầm mà vác mặt lên trời. Không! Dại gì mà vác mặt lên thì còn ngắm được ai?
Và một “chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt” ngồi trên chiếc xe Lambrettus hai màu chạy ngang để lại một làn khói nhạt phía sau thì đố khỏi có vài cặp mắt…liếc giai!
Tôi chạy quá lên một khoảng xa rồi giả vờ vòng lại hy vọng được ngắm các tiên nữ lần nữa cho…mãn nhãn. Nhưng tiếc thay! Cổng trường đã đóng kín và các con chim đẹp đã vào lồng…an toàn!
Buồn bã, tôi vòng xe lại chạy tiếp một khoảng khá xa, lạng quạng thế nào mà thấy cổng trường Võ Bị sừng sững trước mặt.
Hết hồn! Tôi quay về phố vòng qua Couvent des Oiseaux, Lycée d’Adran, Bùi Thị Xuân…ngó cổng trường chơi. Lòng vòng chán, tôi để xe ở khách sạn đi bộ băng qua ngắm tháp chuông nhà thờ con gà, rồi thơ thẩn đi một mình lên đồi Cù ngắm cảnh thiên nhiên khoáng đạt.
May mà lúc đó Nàng Thơ chưa ghé xuống vai tôi, không thì lại nảy sinh ra một bài thơ con cóc:
“Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi”
Sáng hôm sau, tôi cầm lái chở Ba và Chú Tư xuống thăm Thác Cam Ly. Trên đường đi nhác thấy có một quán ăn của người Chà bán cà ry dê, Ba biểu tôi ngừng lại ghé vào.
Gọi là quán thì cũng hơi thiệt thòi cho họ, mà gọi là nhà hàng thì chưa đủ tầm cỡ. Thôi gọi là nhà hàng mini cho dễ mường tượng.
Bước vào nhà hàng với phong cách bày biện kiểu Châu Âu nhìn khá sang trọng và ấm cúng với những ngọn đèn vàng quanh tường và rải rác vài chùm đèn trần hắt ánh sáng vàng ấm xuống những cái bàn được phủ khăn trắng muốt và những cái ghế tựa lưng cao nhìn rất phong nhã. Phòng ăn được thiết kế lộ cả ba phía vách lắp kính để khách có thể vừa ăn vừa ngắm cảnh thiên nhiên bên ngoài.
Sau khi gọi món, chủ nhà hàng bước ra xin lỗi khách chịu phiền chờ hơi lâu một chút. Ba hỏi vì sao thì nhận được câu trả lời là phải đánh đuổi mấy con dê cho chạy đổ mồ hôi ra thì thịt mới bớt nặng mùi.
Cũng ngạc nhiên khi biết được một điều mới lạ.
Ba gọi một chai rượu vang ra ngồi nhâm nhi trong khi chờ đợi cho ấm người.
Tôi thích thú nhìn qua lớp kính cảnh tượng con ông đang đánh đuổi bầy dê chạy lòng vòng trên bãi cỏ rộng sau nhà hàng. Xa xa là rừng thông xanh ngắt.
Chao ơi! Cảnh đẹp như một bức tranh phong cảnh Châu Âu và tôi mường tượng như mình đang ngồi trong một nhà hàng nhỏ vùng núi non Thuỵ Sĩ.
Rất cảm khái!
Một bữa ăn ngon miệng và tuyệt diệu để lại ấn tượng đẹp đẽ cho tôi tới tận bây giờ.
Sau khi thăm Thác Cam Ly, trở về phố Ba xuống vườn hồng để tìm mua ít gốc về trồng. Rất nhiều giống hoa hồng đang nở rộ khoe sắc dưới ánh mặt trời toả hương thơm ngan ngát.
Phân vân mãi Ba chọn hai gốc hồng nhung và một gốc hồng Brigitte bọc lại mang về.
Thấy tôi có vẻ khoái trá với phong cảnh Đà Lạt, Ba hỏi có thích ở đây không? Nếu thích Ba sẽ xin đổi qua đây làm việc.
Tôi lắc đầu ngay lập tức.
Ba đâu có biết tình tôi đã trải đầy khắp các nẻo đường nho nhỏ nhiều bụi đỏ và suối rừng của Banmêthuột đã níu chặt hồn tôi, nhất là vừa có một đoá hoa tình tinh khôi đầu đời vừa chớm nở trong trái tim tôi.
Thiên đường còn chưa đánh đổi được nữa là.
Ấy vậy mà sau nầy địa ngục chiến tranh đã bứt tôi ra một cách dễ dàng vô phương chống đỡ.
Lần nầy thì tôi cảm nhận Đà Lạt đẹp thật!
Tuy không bằng những miêu tả như trong tiểu thuyết, nhưng tôi cũng đủ khôn lớn mà hiểu rằng những nhà văn có một năng khiếu tô màu bằng chữ nghĩa trác tuyệt!
Trước khi bước vào cuộc binh đao khốc liệt đầy máu lửa và gian khổ, tôi trở lại Đà Lạt lần thứ ba cùng với Thành Ngọc Trào để từ giã người bạn gái cùng lớp trung học đang học ở Đại học Văn khoa của Viện Đại học Đà Lạt. Chuyến đi nầy tôi đã viết trong bài Áo lụa bay bay.
Bẵng đi mấy chục năm bằng cả một đời người, tôi không có dịp quay trở lại Đà Lạt vì có ai đón đợi tôi ở đó đâu? Mà cuộc tìm kiếm áo cơm cũng không dành cho tôi một khoảng trống thời gian nào để nghĩ nhớ về nó.
Hồi năm kia tôi có trở lại Đà Lạt nhưng không vào thành phố bởi tôi không thích nhìn ngắm cái nhan sắc diêm dúa tô điểm đậm màu của một bà cô đã quá tuổi xuân thì. Vẻ đẹp ngây thơ trong sáng tinh khôi của người con gái tôi biết ngày xưa đã không còn nữa. Chỉ dừng xe ở Xã Tà Nùng cách thành phố khoảng 8 cây số, chụp ít tấm ảnh những đoá Dã quỳ vàng và những luống oải hương tim tím làm kỷ niệm rồi quay về.
Tuỳ theo ý niệm về cái đẹp của mỗi người, nhưng sao trong tôi vẫn cứ thích những vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và hoang sơ một cách dại dột!

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved