Lễ

tác giả Nancy Nguyễn - Kỳ Năng
316 xem

Tôi luôn ghét những ngày Lễ: Trung Thu, Giáng sinh, Valentine, Tết… và cả sinh nhật.

Hễ những ngày Lễ đến, tôi thường khiến cho mình thật bận rộn. Tôi nhận nhiều job hơn, tập luyện cật lực hơn, tôi bám vào bất cứ hoạt động nào để khi tĩnh tâm lại thì ngày lễ ấy đã kết thúc. Những năm qua của tôi đều đã trải qua như vậy, lặng lẽ, đơn côi, âm ỉ.

Tôi biết, mình sợ những ngày Lễ không hẳn vì bản thân đã già, cũng chẳng phải dị ứng với đám đông như cái cách tôi hồi đáp nếu ai đó hỏi. Tôi ghét, chỉ bởi tôi từng rất hạnh phúc, còn bây giờ thì không. Đã bao nhiêu năm trôi qua, những vết thương sâu hoắm ấy vẫn nằm yên, còn nguyên như ngày đầu.

Bạn có thật sự tin “Thời gian sẽ chữa lành tất cả” không? Tôi tin, rất tin. Hơn mười năm qua tôi đã luôn sống với niềm tin vô hình ấy. Cũng như mỗi lần bạn bè có chuyện đổ vỡ, tôi sẽ ôm họ vào lòng rồi nói đi nói lại cái câu lý thuyết sáo rỗng: “Thời gian sẽ chữa lành tất cả, thương”! Có người đặt trọn niềm tin vào Tôn giáo, vào phép màu, vào một ai đó, hay vào chính bản thân họ… tại sao chúng ta có xu hướng tin vào một điều gì đó dẫu thật mông lung? Bởi vì, ta cần một chỗ dựa, ta cần cầu nguyện khi không còn ai bên mình.

Mười mấy năm về trước vào ngày Trung thu, khi đang là học sinh cấp ba, khi đang sống trong một căn biệt thự lớn giữa trung tâm thành phố Đà Lạt, tôi nhận tin gia đình mình phá sản. Chiều hôm đó, ngồi trong phòng học của mình – căn phòng còn to hơn mấy chiếc phòng trọ dưới Sài Gòn cộng lại, tôi gõ gõ đầu bút bi xuống mặt bàn, và nhìn thật lâu vào bức tranh Bát Mã Truy Phong mạ vàng trước mặt. Ba tôi, người đàn ông giỏi giang một tay gây dựng nên cơ đồ, quỳ gục trong phòng khách và khóc tức tưởi như một đứa trẻ. “Mất hết rồi, con ơi”. “Ba xin lỗi”. Tại sao Ba phải xin lỗi? Khi người gây nên chuyện này là Mẹ? Chỉ vào một buổi chiều, nhà tôi mất tất cả. Căn biệt thự ấy, mấy mảnh đất khắp thành phố, một nông trại ở ngoại ô…Mẹ kiếp, thứ mà tôi mất đi vĩnh viễn: là gia đình. My home, not a fucking house.

Đêm Trung thu năm 19 tuổi, tôi đánh mất tất cả niềm tin mình từng trao gửi cho chị Hằng, vì đã chẳng rước tôi lên mặt trăng vĩnh viễn.

Giáng sinh, gia đình tôi chẳng cần đi du lịch mà không khí cơ hồ lạnh hơn cả Thụy Sĩ. Không ai nói với ai một lời.

Tết Nguyên Đán, tôi và hai chị bỏ đi Campuchia, không một cuộc điện thoại gọi về. Đúng là lũ mất dạy, bất hiếu. Ba đứa con gái bỏ Ba Mẹ lại thành phố đó một mình vào dịp Tết đoàn viên. Không biết, năm đó Ba Mẹ có nói với nhau lời nào, có cúng tất niên, có đưa ông Táo về trời, có mở cửa cho bà con lối xóm?

Lễ tình nhân, thôi nhắc chi chuyện nực cười. Tôi còn không yêu nổi mình, tâm sức đâu mà cưu mang thêm một linh hồn lạc lối.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in từng ngóc ngách của căn nhà cũ, những món đồ mà ba tôi đã trân quý giữ gìn. Ánh mắt của ông khi tỉ mẫn lau từng hạt bụi trên chiếc đồng hồ cổ, khi tưới tắm vườn cây dịp Tết đến, hay khi ông cúi gằm vì bị mẹ phát hiện… ngoại tình. Hai chị tôi sững sờ, tôi bình thản. Họ nghĩ tôi vô cảm ư? Không! Vì tôi đã biết cách đây nhiều năm rồi. Tôi có cái nhạy cảm của đàn bà lẫn một người viết, từ khi vừa là con gái.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in mình đóng mở cửa bao nhiêu lần để tiếp khách của Ba, để nhận hàng tá thứ quà cáp của cấp dưới gởi tặng. Tôi cứ cám ơn như một cái máy, mặc cho họ cố nhắc đi nhắc lại cái tên để mong tôi nhắn lại với Ba mình. Hiện vật, hiện kim chất đầy trên chiếc bàn gỗ sồi, cạnh một con chó đá lạnh lẽo, và tôi ngồi đó nhìn trân trối hết năm này qua năm khác.

Cứ thế, bao nhiêu năm trôi qua, lòng tôi nguội lạnh, vỡ nát. Những năm ở nước ngoài, tôi không bao giờ vào mạng xã hội những dịp Lễ tết. Tôi sợ phải nhìn thấy gia đình người ta hạnh phúc đoàn viên. Vừa sợ, vừa ganh ghét, vừa căm phẫn. Thật tồi tệ khi tôi luôn tỏ ra mình hạnh phúc yêu đời dường nào trên thế giới ảo, và tệ hơn nữa khi ai nấy cũng tin điều đó là thật. Họ ước được trải nghiệm bốn bể năm châu như tôi, họ ước làm việc trong một môi trường quốc tế chuyên nghiệp như tôi, họ ước có vòng tròn xã hội như tôi… mà đâu biết rằng tôi thèm thuồng cái cảm giác gia đình họ đang có. Hoặc chí ít, một cái Tết đoàn viên mà ai nấy đều mặc nhiên là nó phải vậy.

Rốt cuộc, chuyện này bao giờ rồi sẽ kết thúc? Bạn có nghĩ là tôi cần đi gặp bác sĩ Tâm lý không? Người yêu cũ từng khuyên tôi như vậy.

Thật ra, tôi lạ gì chuyện đặt lịch với bác sĩ Tâm lý, tôi làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe tinh thần mà. Tôi cũng từng dắt bạn bè đi gặp bác sĩ khi còn ở nước ngoài, chỉ là tôi không muốn đặt mình trong không gian đó. Thứ tôi cần có lẽ là thời gian, như cách nó tồn tại âm ỉ suốt mười mấy năm qua. Bạn nghĩ tôi đang nuôi một căn bệnh ung thư trong người không? Nhân tiện, bạn biết người ta có thể lựa chọn cách chết và thời gian chết cho mình một cách êm ái chứ? (đương nhiên, không thể gọi là tự tử). Bạn có thể consider cái chết của bác sĩ Tokai trong “Những người đàn ông không có đàn bà” của Murakami, quite good.

Sau tất cả, có lẽ đáng thương nhất là những người yêu đã từng của tôi. Họ cứ mãi thắc mắc và đau lòng vì sao tôi không đón nhận một ngày Lễ cho đàng hoàng, cho ra con người. Tại sao Trung thu không thể cùng nhau đi ăn tối, Giáng sinh không thể cùng nhau đi Châu Âu, Valentine không thể sánh bước giữa phố đông người… thật tội nghiệp cho họ, và đáng thương cho tôi xiết bao.

Giá mà tôi có thể trả lời, giá mà sự quạnh hiu của tôi sớm hết, giá mà mũi tên uất hận không có trong bản đồ ngày sinh 27/10/1992. Chẳng may, nó lại có, và luôn ở đó. Tôi biết phải làm sao?

Tôi đã từng có tất cả từ khi sinh ra. Tôi đã từng có một gia đình hạnh phúc.

Tôi có trách Ba Mẹ mình không? Đương nhiên là không rồi, một chút cũng không.

(Chuyện Nancy Kể)

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved