Nhập học, lại nhắc đến đoản văn của nhà văn Thanh Tịnh:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.”
Đoản văn ngắn thế thôi, đã thuộc lòng, đã trải bao tuế nguyệt phong sương, nghĩ đến lại nao nao tấc dạ.
Kể ra bảo là khoe, nhà văn Thanh Tịnh là cậu ruột của bạn tôi, người bạn nhỏ nhẹ giọng Huế. Thời khốn khó hàn vi, tìm một tờ giấy trắng để đề thơ không ra, chúng tôi rất khắn khít. Căn nhà nhỏ ấm cúng, trong bếp có bể chứa nước, bạn dạy tôi làm bánh nậm bánh bột lọc, làm mứt dứa mứt dừa dẻo, tinh là những món cầu kỳ xứ Huế. Sắp mâm cơm, dù phải mua từng trăm gram thịt, trên bàn cũng có hơn mười đĩa thức ăn, mỗi đĩa được chưng dọn thật đẹp, vừa ăn mẹ của bạn vừa nhắc đến cậu: “Hắn viết chữ đẹp nhứt thôn đó nợ, bác làm thơ nhờ hắn ghi lại, bác giữ tập thơ kỹ lắm, rứa mờ chịu mất khi chạy giặc vào nam.” Bài văn “Tôi Đi Học” chỉ là một trong muôn vàn bài văn hay khác, ông viết trong vở, anh chị em trong nhà được đọc. Nhìn hình nhà văn Thanh Tịnh, đôi mắt có đuôi dài, dấu ấn của cả dòng tộc, có hồn thi sĩ, chỉ vì đất nước chia đôi, chỉ vì dòng sông hai nhánh, bên đục bên trong mà gia đình chia cắt, 1975 tưởng gặp được nhau mà hóa ngại ngần, hoang mang nên hay chẳng. Cậu thì có tuổi đảng trong khi chú với chức vụ đại tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo.
Thuở tôi chuẩn bị đi học rộn rã lắm, được mua cho cái cặp da là cả một gia tài, mùi da bò thuộc thơm thơm, cái quai vừa tay nắm, cái khóa mạ kềm sáng choang. Những quyển vở học trò kẻ ô vuông sọc nhuyễn màu xanh, nhạt thật nhạt, nhà có tiền mua giấy trắng láng, khi viết mực không lem sang trang kế, nhà trung bình mua vở rẻ hơn một chút, giấy có màu ngà, loại vở tệ nhất giấy vàng như giấy bản, thấm mực giống như giấy thấm (chậm). Để bao vở, con nhà giàu có tiền mua giấy hoa, hay giấy màu, thêm một cái bao ny-lông trong bọc bên ngoài, con nhà nghèo dùng giấy báo, giấy của các trang tuần báo, có hình nghệ sĩ in bằng màu nhòe nhoẹt.
Nhớ cái dụng cụ thấm mực, nửa vòng cung, có núm cầm lăn lên xuống sau khi viết, màu mực in lên nó ngày một nhiều, theo tuổi của học trò. Tiểu học chưa biết gì, mẹ cho mực nào dùng mực ấy, trung học đệ nhất cấp tự mình pha mực lấy, trung học đệ nhị cấp dùng viết bi viết paker. Nam sinh lo học để mưu cầu công danh – sự nghiệp. Nữ sinh chểnh mảng thích thơ phú, truyện tình lãng mạn, “Hồn Bướm Mơ Tiên” Tự Lực Văn Đoàn, “Mắt Nâu” Lệ Hằng, “Thố Ti Hoa” Quỳnh Dao, trong lúc thổi cơm trong góc bếp, mơ màng người hùng xuất hiện, rước về hầu hạ người ta. Cái thuở “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” ấy là thuở “lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.”
Bây giờ tôi hoang mang nghĩ ngợi về ngày tựu trường.
Buổi sáng hôm nay, ngày đầu nhập học, là một buổi sáng đầy sương mù và gió lạnh, những chiếc xe hơi đủ màu sắc, lũ lượt theo nhau ghé cổng trường. Tìm được chỗ đậu xe xong, người mẹ vội vã nắm tay con dẫn vào lớp học, các cháu như chim ríu rít theo cô giáo, quên cả nhìn mẹ tất tả trở lại xe, nhập vào dòng thác trên xa lộ, để kịp giờ đến sở làm.
Vào niên học mới, xe cộ đông hơn vào giờ học trò đến lớp, trường học có hẳn một nơi để phụ huynh lái xe vào, ngừng lại mở cửa xe cho con bước xuống, cô giáo đón ngay bậc thềm. Các ngã tư, ngã ba đường là các nhân viên mặc áo màu cam, có cầm bảng Stop, để ngăn xe cho các cháu băng ngang. Tiền lương của các nhân viên này rất ít, nhưng họ lại rất yêu công việc , phần đông họ là các ông bà đã về hưu. Mỗi sáng với nụ cười trên môi, các nhân viên này gặp các phụ huynh đưa con đi học, chào hỏi lẫn nhau mà thành thân thuộc, ngay cả các cư dân sống gần đấy, mỗi lần đi ngang đều giơ tay chào, ba tháng hè trụ đèn giao thông thiếu bóng áo cam, bỗng nhớ.
So sánh hai thời đại, hai quốc gia, con đường làng dài và hẹp cậu bé nhút nhát núp sau tà áo mẹ với con đường tráng nhựa thật đẹp, cô cậu học trò vui vẻ hân hoan vào lớp không chút sợ hãi, đủ nói lên được tính chất của bao thế hệ mới trong tương lai.
Câu hát Học Sinh Hành Khúc của Lê Thương: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau, học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao . . .” Công lao cha mẹ, công lao thầy cô, đổ bao nhiêu nhọc nhằn để xây đắp, ngày nay trên đất nước Việt Nam, công lao cha mẹ phải nặng nề hơn khi vừa đến tuổi vào mẫu giáo, các cháu đã phải đối diện ngay với việc đút lót, gởi tay. Nhiệm vụ của thầy cô càng khổ sở hơn, khi giáo chức bị sắp xếp vào mức nghèo đói, thầy cô phải dậy thêm, ngay cả tìm đủ mọi cách để sống còn, để truyền dạy kiến thức cho con cho cháu. Vừa nghe tin một giảng viên của trường “Nông Lâm Súc” tại Việt Nam, vừa bị học trò tạt acid, vì đã không chấm điểm đậu cho anh ta ra trường.
Tùy theo mỗi thời, mà con cháu được hưởng ngày đầu nhập học thế nào! Tôi ngắm hình ảnh các cháu vui vẻ đi học ngày đầu tại Mỹ, vẫy tay chào nhân viên dẫn đường, nhớ đến đoản văn thời tiền chiến của đất nước tôi, nghĩ đến các ông thời xưa ấy, núp sau áo mẹ sợ sệt hoang mang trên con đường làng hẹp lúng túng đến trường, nay đang là các đảng viên kỳ cựu trong guồng máy chính quyền Việt Nam. Các cháu bé bỏng, bước đầu vào mẫu giáo đã thấy cha mẹ phải đút lót, phải nhờ uy quyền thế lực thì trong tương lai, các cháu thoải mái đút lót, nhờ vả có gì là ngạc nhiên.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, thôi thì đoản văn trong quá khứ ấy chỉ còn là bức tranh treo tường, lâu lâu ngắm lại. Khung cảnh đời thường nơi quốc gia này, các cháu cùng cha mẹ, tung tăng trong các tiệm bán quần áo đồng phục đi học, hân hoan chọn lựa giấy bút cặp sách, chất thành từng đống ê hề trong các khu thương mại, dù cả thế giới đang lo sợ bệnh dịch H1N1, dù kinh tế chưa hồi phục như mong muốn, các cháu vẫn hồn nhiên sống trong sự bảo bọc an lành, ánh mắt trẻ thơ vẫn trong veo không vướng sầu lo.
Hôm nay, ngày đầu con cháu tôi nhập học.
Tháng Chín 12, 2009
Như Hoa Ấu Tím