Những Con Sâu Gạo Và Nỗi Nhớ Mẹ.

tác giả Hoàng Ngọc-Trâm
67 xem


Chúng mình ăn gạo nâu của Úc đã mười mấy năm nay, khi nhà còn đông người, gạo tiêu thụ mau, bây giờ chỉ còn hai đứa mình, bao gạo 5kg thật lâu mới hết. Gạo nâu của Úc để lâu thì có sâu. Nhặt những con sâu gạo mình nhớ lại lần đầu tiên mình biết con sâu gạo và những tháng ngày mình đã cùng mẹ lo cho từng bữa ăn của gia đình.
Tháng 4 năm 1975 mình vừa tròn 13 tuổi, hai anh lớn và mình không được đi học nữa mà ở nhà phụ với ba mẹ. Hai anh lớn theo ba vào Cam Ranh chặt cây đốt than, rồi sau đó theo ba lên sống ở vùng kinh tế mới Phú Nhơn, mình thì ở lại nhà với mẹ, mẹ làm gì mình phụ với mẹ chuyện đó.
Thời gian đó bữa ăn thường là khoai lang, khoai mì, bắp hầm , bo bo, có được một bữa cơm độn là quý lắm. Thực phẩm, gạo, vải vóc … đều phải dùng tem phiếu để mua, mỗi gia đình có tiêu chuẩn nhất định cho mỗi mặt hàng, thứ gì cũng khan hiếm và quý. Một ngày kia mẹ mang về một bao gạo nho nhỏ, mình mừng rỡ mở bao gạo ra, loại gạo tròn, bay mùi ẩm mốc và sâu lúc nhúc nhiều không kể! Mình sợ hãi hét lên và chạy xa khỏi bao gạo, mẹ mỉm cười trấn an:
– “Có gạo để ăn quý lắm con, má sẽ đi tìm mua cái sàng và cái nia về làm sạch gạo”.

Hôm sau má mang về một bộ sàng và nia, gọi mình lại phụ má. Mình là con nhỏ sợ sâu, má gọi thì lại ngồi kề xem má làm. Sâu nhiều vô kể, sâu gạo nhúc nhích vậy mà bò nhanh không tưởng, mình lại hét lên chạy đi lấy cái chổi quét và hốt những con sâu bò ra nền nhà. Má cười nói:
– “Con đừng sợ, nhìn nó ghê vậy nhưng nó không cắn mình, con xem má nè, má cầm cả đống sâu trên tay đâu có sao. Con phụ má làm cho nhanh để má còn phải làm bao nhiêu việc khác nữa”.
Mình lấy hết can đảm, nhắm mắt mà đưa tay vào rổ gạo sau khi má đã sàng sạch gạo bể và trứng sâu, rồi bắt đầu nhón tay bắt những con sâu bé xíu màu trắng bỏ vào một túi nhựa. Rồi từ đó mình hết sợ những con sâu, cả sâu trong các loại rau.
**
Mẹ mình được đi học nên ngày xưa bà làm thư ký ở quận Vĩnh Xương, rồi khi các con lần lượt ra đời, mẹ quyết định nghỉ việc để nuôi dạy các con cho chu đáo, mẹ chẳng biết buôn bán hoặc làm việc gì ngoài công việc với giấy viết, vậy mà khi gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mẹ bương chải làm bao nhiêu việc khác nhau.
Việc đầu tiên là mẹ đổ bánh bèo rồi gánh đi bán. Thời đó ai cũng nghèo, món ăn này thuộc loại thức ăn của “quý tộc”, mẹ bán suốt ngày mới hết hai rổ bánh nên chỉ bán một ngày rồi ngưng, mẹ đổi sang bán đậu xanh, đậu đen ở chợ Đầm.
Ba đi xe Honda vào Phan Rang, mua từng bao đậu về cho mẹ bán lẻ. Mẹ bưng hai thúng đậu để chỗ nào cũng bị những người bán hàng lâu năm đuổi mẹ đi chỗ khác, họ sợ mất mối hàng. Mẹ dời hai thúng đậu đi miết đến khi mẹ đến trước sạp bán hàng đồ khô của dì Lan, thì dì Lan vui vẻ để mẹ ngồi trước sạp của dì, mặc dù dì cũng bán các loại đậu. Rồi hai người trò chuyện, dì Lan biết hoàn cảnh của mẹ nên thương và giúp mẹ mình, mời bà lên ngồi cùng sạp và nhường cho mẹ bán đậu. Mẹ bán hết những bao đậu ba đã mua về rồi thôi, đổi sang làm bao bì bằng giấy đem ra chợ bán.
Những cuốn sách giáo khoa của chế độ Việt Nam Cộng Hoà thải bỏ, mẹ mua về rất nhiều. Mình phụ trách việc xé bỏ bìa sách dày bên ngoài, tháo bỏ phần keo và những kim bấm giấy, lấy ra 2 tờ giấy trắng phía đầu và cuối cuốn sách để dành làm vở cho các em đi học, còn lại thì gỡ từng xấp giấy ra, không làm rách để dán lại làm bao bì. Bao bì có nhiều kích cỡ khác nhau, loại lớn nhất phải nối nhiều tờ giấy, những mối nối phải kéo hồ thật thẳng và gọn để mép nối thẳng mà không giây hồ ra ngoài để các bao không dính vào nhau. Bao cùng cỡ xếp lại với nhau 20 cái, lấy dây buộc lại và để từng chồng ngay ngắn. Mỗi ngày mẹ mang bao bì ra các chợ bán cho các hàng tạp hoá. Làm được một thời gian thì hết sách, mẹ chuyển sang làm kẹo kéo và bánh chiên giòn.
Mẹ kể với mình là hồi xưa mẹ có thấy một ông làm kẹo kéo, để mẹ làm thử. Mẹ đóng một cây đinh thật to vào một nẹp gỗ trên vách tường. Mẹ thắng đường xong, vắt vào một chút chanh, để cho đường nguội xuống, mẹ cuốn đường lại và bắt đầu “đập và kéo” đường vào cây đinh to kia. Mẹ bảo làm vậy để đường nổi đúng mức rồi mới bỏ đậu phộng vào làm nhân. Mẹ “đập và kéo” đường được một chút thì cái đinh kia dính vào cục đường của mẹ, hai mẹ con bò lăn ra mà cười. “Làm sao bây giờ”, mẹ lẩm bẩm, “ông bán kẹo kéo kia có cái đòn bằng gỗ, mình không có, để má tìm cách kéo cho đường thành màu trắng đục như sữa và cứng lại”. Rồi mẹ cũng làm được món kẹo kéo và bánh chiên giòn đem bán cho lũ trẻ gần một trường học. Công việc cần sức nhiều mà không kiếm được tiền đủ sống, mẹ lại chuyển sang bán bánh mì.
Mẹ tìm một cái bàn nhỏ, đặt ở góc đường gần một trường tiểu học, cách nhà một đoạn đường không xa lắm. Sáng sớm hai mẹ con bưng bàn ra đó, đến trưa bưng bàn về. Mỗi ngày hai mẹ con mình dậy từ 4:30 sáng, mẹ đi bộ ra lò bánh mì mua về một bao bánh mì, mình ở nhà nhen một lò than, sắp xếp mọi thứ sẵn sàng. Mẹ về đến nhà thì hai mẹ con cùng bưng mọi thứ ra góc đường đó cho mẹ. Mình thường phụ mẹ lúc đông học sinh bu đến mua bánh mì. Có những đứa bé thèm ăn bánh mì mà không đủ tiền để mua nửa ổ bánh mì chan nước xíu mại, mẹ bán cho tụi nó 1/4 ổ bánh mì, chan nước xíu mại, chỉ nhận tiền giá 1/4 ổ bánh mì không. Mẹ nói:
– “Tội nghiệp tụi nhỏ, đứa nào cũng thèm chút thịt con à, con cắt sẵn một mớ bánh mì chia làm 2 và 1/4 nghe con”.
Rồi mẹ thấy bán bánh mì cũng không đủ sống cho 10 miệng ăn, mẹ chuyển sang làm thuốc lá.Có người bạn nào đó bày mẹ mua thuốc lá đã xắt sợi, tẩm thuốc, sao thuốc.
Khi mẹ mướn người về quấn thuốc, mình bắt đầu học quấn thuốc bằng cái hộc gỗ, mỗi lần được 2 điếu thuốc. Học khuấy hồ sao cho không lỏng mà cũng không đặc. Học xoè giấy quấn thuốc sao cho đều, mỗi thiên giấy là 1000 tờ giấy rất mỏng, dùng tay ấn và xếp sao cho giấy rời ra khỏi xấp mà mỗi tờ cách nhau nhỏ hơn 1 milimét, quét lên chỗ giấy vừa xếp đều đó một lớp hồ thật mỏng không làm loang hồ ra giấy. Để nguyên xấp giấy trên thành khuôn quấn thuốc, lấy 2 tờ giấy đặt vào khuôn gỗ, bỏ một nhúm thuốc lên hai từ giấy rồi quấn lại thành 2 điếu thuốc. Chỉ một thời gian ngắn thì mình làm thành thạo nên mẹ không phải mướn thợ nữa, mình phụ trách việc quấn thuốc, mẹ cắt hai đầu điếu thuốc, các em nhỏ bỏ 20 điếu thuốc và nhãn vào bịch, mẹ dùng một cái lược bằng sắt để bên dưới bịch nylon rồi hơ lên lửa, đường hàn bịch thuốc thật đẹp. Ban đầu mẹ mang những bịch thuốc lá ra chợ bán sỉ, sau đó có người đến nhà mình lấy các bịch thuốc đó để đem đi bán ở các thành phố khác. Rồi mẹ bày cho một người bạn của mẹ, cả hai gia đình có được việc làm, một thời gian mẹ có đủ tiền để chi tiêu cho gia đình. Rồi người bạn kia của mẹ bày cách làm thuốc cho người đến nhà mình lấy thuốc đem bán, thế là từ đó họ không lấy thuốc của mẹ và bạn mẹ nữa, cả hai đành chuyển sang làm việc khác. Mẹ ra chợ trời buôn bán quần áo cũ một thời gian rồi theo bạn đi buôn.
Mẹ mình và mẹ bạn rủ nhau đi buôn đường, rồi buôn gà, rồi buôn heo, rồi buôn cà phê, mỗi thời điểm ai dắt mẹ đi mua rồi bán món gì được chút lời thì mẹ đi theo ngay. Thời gian mẹ đi buôn xa nhà, mình trở thành một bà-mẹ-trẻ chăm sóc 4 đứa em nhỏ. Sáng sớm mẹ rời nhà, đêm đó mẹ ngủ ngoài đường, hoặc trên xe lửa, hôm sau mẹ mang hàng hóa về nhà, nghỉ một chút rồi mang ra chợ bán, đêm đó được ngủ ở nhà với các con, rồi sáng sớm hôm sau lại rời nhà. Có những lần mẹ mang những con heo con hồng hào thật dễ thương về nhà, thả cho chúng chạy ra chạy vô trong nhà bếp và góc vườn bé xíu. Những chuyến buôn gà và heo người mẹ hôi hám, quần áo dính đầy phân của chúng. Mẹ kể là phải giấu thuế vụ nên phải ngồi dưới sàn tàu chợ, ôm và che những con gà và heo đó nên chúng có ị trên người cũng phải chịu thôi. Rồi mẹ buôn cà phê, có chuyến bị thuế vụ bắt mất sạch vốn. Mẹ thôi không đi buôn nữa mà tham gia vào hợp tác xã làm mây tre, làm mì sợi, rồi làm chăn bông và chỉ sợi để dệt mền.
Chỉ trong vòng 5 năm mà mẹ mình làm hàng chục việc khác nhau, và có lẽ thời gian đó, hầu hết tất cả những bà mẹ trong miền Nam đã vất vả như thế. Mình ngưỡng mộ những người phụ nữ có nghị lực, hy sinh, bương chải và cùng chồng gánh vác công việc để lo cho gia đình.
**
Những ngày cuối Tháng Tư làm mình nhớ những kỷ niệm cách đây 48 năm.
Hoàng Ngọc-Trâm (Ngoc-Tram Hoang)
Sydney, 04.2023

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved