TÂM HỒN TÔI VÀ DÂN TỘC TÔI

tác giả Bình Thanh Nguyễn
14 xem

Trong một tùy bút gần đây, tôi có viết: “Tâm hồn người Việt Nam, không ai hiểu thấu nổi!”  Quả có như vậy.  Nhất là sau khi qua Mỹ định cư, tôi có dịp sống cận kề người Việt hải ngoại hơn nữa.  Nhớ lại quãng thời gian làm biên tập viên cho một đài truyền hình nói tiếng Việt ở địa phương, tôi được đọc rất nhiều báo online…Chủ trương chính của mạng truyền thông bên này là chống Cộng Sản.  Có nhiều bài viết rất cực đoan, tuy cũng có bài phân tích sâu sắc và khoan hòa, nhưng nói chung hầu như không thể nào dung thứ cho người Việt Cộng Sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Người Việt ở Mỹ hiện có đọc hoặc có nghe đọc các bài báo ấy hay chăng?  Họ có thể có hay có thể không.  Qua bao nhiêu năm, mấy ai còn tha thiết nữa – Chuyện nước Việt Nam – Nước Mỹ đã cho họ cả một cuộc đời.  Sống trong luật pháp và văn hóa Mỹ, ai là người còn thời gian thư thả ngồi nhớ nhung dĩ vãng.  Nước Việt Nam Cộng Hòa thật đã mất rồi.  Tên gọi và đất nước hình chữ S giờ vẫn nằm trong sự hằn thù chia rẽ không ngừng.  Ngay cộng đồng Việt ở Mỹ cũng đã ngầm phân biệt kẻ qua trước người đi sau rõ ràng.  Người ta cho việc đó là lẽ đương nhiên.  Mặc dù người Quốc Gia trước nay còn ở trong nước cũng chưa bao giờ đồng hóa với Cộng Sản.  Dưới sự cai trị của giai cấp cán bộ đỏ, tất cả phải nhẫn nhịn, thế thôi.  Tuy chẳng ưa gì cái chủ nghĩa Cộng Sản nọ, cũng mong nó bị lật đổ, (dẫu thực tế hiển nhiên rằng lớp người cầm quyền đất nước hưởng quá nhiều lợi lộc từ chủ nghĩa ấy, bảo họ buông tay là chuyện không tưởng) nhưng người Việt chúng ta chắc hẳn cũng không bao giờ muốn nước mình trở lại thời chiến tranh điêu tàn ngày cũ.  Nên đành chịu vậy.

Ở hải ngoại, người ta mãi gieo rắc niềm uất hận (thông qua các phương tiện truyền thông…) thì trong nước, người ta cũng nuôi dưỡng thù hằn (có thể thấy rõ ở chương trình giáo dục căn bản…)  Không một ai cất lên tiếng nói đi ngược lại cộng đồng mình đang sống cùng.  “Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?” (“Truyện Thúy Kiều,” Nguyễn Du)  Về các bài báo trong nước hay hải ngoại, không khó để nhận ra người ngồi gõ phím có khi cũng thờ ơ với những ngón tay của họ.  Ở Việt Nam thì còn đổ cho cơ quan chính phủ kiểm duyệt, không thể nói theo ý muốn, e là mang tiếng “Phản Động!”  Ngược lại, ở Mỹ thì sao?  Không phải xứ tự do ư?  Thưa rằng người ta cũng sợ chứ!  Sợ bị chụp lên đầu hai chữ “Cộng Sản!”  Vì vậy, ai lỡ chửi là phải chửi tới cùng (Tôi phải dùng đến từ “Chửi” là đủ hiểu)  Nếu không, hãy giữ im lặng tới cùng.  Tôi đã sống ở nước Việt Nam Cộng Sản khoảng 40 năm.  Đã nếm trải mọi đắng cay.  Vậy mà đứng trước cái nhìn của đồng bào ở Mỹ đây, tự lòng tôi cũng phát sinh một ý niệm đối kháng – dẫu chỉ thoáng qua giai đoạn đầu mới tới – Ví như với một lớp người khác, không được tu dưỡng từ một nền giáo dục tương đối hoàn chỉnh ở Sài Gòn trước năm 1975, liệu có thể hòa hợp được không?  Hay rồi ai nói mặc ai, “Anh kỳ thị tôi thì tôi cũng chẳng cần anh!”  Cứ vậy mà sống thôi.  Còn tôi, tôi trông giống như một kẻ lâm vào cảnh “Lỡ làng nước đục bụi trong” (“Truyện Thúy Kiều,” Nguyễn Du) Hơn 40 năm ở Việt Nam, tôi phải im lặng, sau qua Mỹ rồi, tôi cũng thấy cần phải im lặng nốt.

Riêng chuyện mạt sát lẫn nhau thì người Việt chưa lúc nào ngừng nghỉ, nhẹ nhất cũng phải chê bai nếp sinh hoạt của nhau.  So sánh với thực trạng xảy ra, có vẻ mâu thuẫn một cách lạ lùng.  Chúng ta không tự hỏi sao Việt kiều căm ghét chế độ Cộng Sản là thế mà cứ muốn về thăm, rồi truyền tai nhau khen ngợi rằng bây giờ ở Việt Nam sống sướng lắm (???)  Còn người dân trong nước luôn ca tụng chủ nghĩa xã hội Việt Nam là tốt đẹp, sao hễ có cơ hội là qua Mỹ định cư ngay (???)  Nguyên ủy của việc này có lẽ do ở tư tưởng muốn được hưởng thụ của con người Việt Nam.  Thành ngữ mình có câu “Đất Lành Chim Đậu!”  Bởi thế cho nên, có tiền thì phải tìm nơi mà an hưởng.  Việt kiều còn ăn còn đi chơi được, thì thích về lại quê nhà để ăn chơi dễ dàng.  Những ai trong nước chưa yên tâm vì sở hữu tài sản bất minh, qua nước tư bản là một lối thoát an toàn.  Nghĩ cho cùng, chẳng có gì mâu thuẫn nhau trong cung cách sống của họ.  Chỉ là mở miệng phải chửi mắng nhau, cho thỏa cái tâm lý bất phục tùng muôn năm của người Việt Nam mà thôi.

Mảnh đất lành kia, Việt Nam hay Mỹ, không chút gắn bó với tâm hồn. Yêu giòng sông ngọn núi đến đâu cũng cần có hạt lúa nuôi thân.  No nê rồi mới thấy nhớ ánh trăng trôi trên sông, sóng mây vờn quanh núi.  Bay đi bay về là một lựa chọn thích hợp trong thời đại này, như loài chim di thê vậy.

Vả chăng, vận nước đổi thay khiến cho người Việt ly hương giờ đã nhận biết giá trị của hai chữ  “Tự Do,” so với lòng cuồng nhiệt chống ngoại bang từ thuở xa xưa.  Hiện nay, họ nhiệt thành bảo vệ nền dân chủ nước sở tại và về thăm quê nhà với một vẻ cao ngạo của người thắng thế.  Thoạt đầu, đồng tiền kiếm được ở xứ người như tượng trưng cho sự đắc thắng…Về sau này, sự kiện dân tư bản Đỏ trong nước tìm cách chạy sang các quốc gia họ luôn miệng gọi là “kẻ thù của nhân dân” mà sinh sống, để tiêu xài đồng tiền họ có được trong mấy mươi năm qua, khiến cho niềm tự hào của người xa xứ dần trở thành vô nghĩa (nếu chỉ so sánh về mức độ sở hữu.)  Điều này càng làm cho sự khinh rẻ, ghét bỏ trong lòng dân Việt dành cho nhau gia tăng, nhưng rốt lại cũng có một điểm dễ dàng nhận ra:  Ấy là sự bay đi bay về thoi đưa giữa hai bờ đại dương, của cả hai phía, khiến những lời lẽ hùng hồn kia, thông qua giới truyền thông, dần dà đều hạ giọng xuống.  Hòa hoãn hơn, một bên chờ đợi ngày những tâm hồn thương tổn xưa kia về với đất hết cả; một bên mong mỏi đến ngày cái chủ thuyết không tưởng nọ tàn lụi đi.

Người ta già rồi sẽ chết, hẳn nhiên như vậy.  Nhưng cái chủ thuyết Cộng Sản ai cũng cho là không hiện thực, ắt sẽ bị diệt mất, thì suy nghĩ đó quá thơ ngây.  Nó không thực hiện được, nhưng đâu có nghĩa nó không hái ra tiền cho người dùng nó làm bình phong?  Cốt yếu ở đây là nó giúp cho nhà cầm quyền Cộng Sản có tiền có uy danh, mà không phải vất vả cạnh tranh như ở xã hội tư bản.  Tôi đã may mắn sống trong lòng một nước tự do, đã từng nuôi một vọng tưởng về đồng hương của mình chung quanh, sẽ cùng giúp đồng bào thoát nạn Cộng Sản …Ngay sau đó không lâu, tôi nhận ra sự ấu trĩ của niềm vọng tưởng ngờ nghệch ấy.  Tôi ngừng làm việc biên tập tin tức – Hai năm, đủ để tự suy xét mình và người – Tâm hồn tôi lành lặn dần, nguôi ngoai những nỗi bi thương.  Tôi nhìn dân tộc tôi bằng một niềm cảm thông khác trước.  Vận mệnh một quốc gia, không chỉ một vài cá nhân nói cho sướng miệng là được.

Dù sao, tôi biết mình đang ở đâu cũng là một điều không tệ.  Còn việc gõ phím ghi lại những gì tôi muốn bày tỏ, chỉ cho riêng tôi đọc hay có thể đưa ra để nhiều người đọc, chính là một quyền tự do quý báu mà nước Mỹ đã tặng cho các công dân Mỹ.  Hơn 30 năm trước, người Việt Nam muốn có nó phải đánh cược bản thân với sự sống chết trên biển.  Ngày nay, dùng nó như thế nào, cũng là tự do của mọi người.  Tôi phải tôn trọng bằng cách im lặng.  “Trăm năm để một tấm lòng từ đây!” (“Truyện Thúy Kiều,” Nguyễn Du)

San Jose, 08/13/2024

Bình Thanh Nguyễn

 

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved