“Vầng trăng xanh – blue moon,” tháng này đang có, một tháng hai lần trăng tròn, vầng trăng tròn cuối tháng có cái tên dễ thương đến thế. Hai năm bảy tháng, chàng đất gặp nàng trăng hai lần một tháng mà có “Vầng Trăng Xanh” đấy chăng.
Đất trời tuy xa mà gần, thì đường bay hai ba ngàn cây số có chi xa?
Lòng tôi lại quay về đêm xuống.
Đêm xuống, đêm ở Sài Gòn làm cho khói bụi lắng xuống một chút, tóc tôi kẹp ngược lên, không cho gió nghịch. Bất ngờ khi đi ngang qua cầu Thị Nghè, tôi kêu lên: “Cát đằng trồng đầy đường thế này mà hỏi không ai biết” người bạn chở tôi trên chiếc xe “a còng” hỏi: “Cát đằng đó sao?” “Ừ cát đằng đó!”
Cát đằng của một thuở làm thơ của một thuở mê đọc thơ– là dây cát, dây đằng – em mọc ở cội tùng – là phượng hoàng – em tìm cành ngô mà đậu – tìm không ra cành ngô, hãy bật lời thảm tử – chẳng thấy cội tùng – hãy tự héo khô đi! (thơ Hoàng Lộc)
Bây giờ tôi không làm thơ nữa, không dám đọc thơ nữa, vì mơ mộng đã cạn theo dấu nhăn khóe mắt.
Gặp lại cát đằng, tôi chợt muốn hát nghêu ngao: “Khi bước chân ta về đêm khuya nhìn đường phố, thành phố hoang vu” như thuở xưa, trên chiếc xe đạp đòn giông, đạp về nhà sau buổi học tối hay hát cho mình nghe . . . mà giọng bị mất khan .
Thôi thì cũng là một chút kỷ niệm vấn vương, một lần về lại, khi bước chân ta về đêm khuya nhìn… bụi phủ đóa hoa xưa, lòng mềm như lệ nến.
Và lại nhớ, mười sáu năm trước phi trường Tân Sơn Nhất hoàn toàn khác với bây giờ, nhiều người nói – kể về nó, những con đường vành đai sân bay đã mất, khuôn viên trại Hoàng Hoa Thám đã được nhà cửa phủ kín là điều tôi có thể nhìn thấy từ trên cao. Máy bay hạ cánh tôi sợ lắm, nhưng lần này nỗi lòng tôi tràn cảm xúc, tôi muốn nhìn, muốn thấy, muốn ôm chầm, muốn chạy ù đến muốn, muốn . . . và sự mong muốn của tôi có thể ví von như người tình chung đã hứa hẹn đợi chờ, nay trở lại, tôi khao khát thấy, tôi bồi hồi nhìn những thay đổi. Nóc nhà màu đỏ, những tầng cao cao, đẹp hơn hình ảnh khi máy bay đáp xuống Đài Loan. Dĩ nhiên thế vì “dân tộc tính” trong tôi vẫn cuồn cuộn, vì tính “thiên vị” trong tôi vẫn thấy đúng như thế, nhà tôi luôn đẹp hơn nhà họ, cho dù có thế nào có ra sao.
Nhân viên hải quan chưa học xong bài học về cười, dù trong sách vở các cụ đã khẳng định: “Người Việt ta gì cũng cười” làm sai cũng cười, làm đúng cũng cười, bẽn lẽn cũng cười, không biết cũng cười, buồn cũng cười nhưng từ ngày chính thể tự do bị mất, chính quyền khiển thế nào mà nhân viên, bỗng không còn biết cười, họ buồn và nghiêm là chính, dù các tà áo dài lăng xăng màu xanh và màu nâu đồng nhỏ nhắn xinh xinh lôi cuốn, cũng không che được việc thiếu hẳn nụ cười, hay tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt người đối diện mà tìm ra điều ấy? Thủ tục nhập cảnh nhanh, họ hỏi tôi hai câu, tên – và nơi sanh trưởng. Giấy tờ của tôi vẫn họ tên mẹ cha đã đặt, tôi vẫn có quê quán là Hà Đông – Thái Bình, thì có gì mà khó để trả lời!
Hành lý lấy ra cũng nhanh, tôi chẳng mang theo gì ngoài kẹo, bánh bút viết làm quà cho vui, cái chính là tôi mang tôi về, mang tâm hồn tôi về, mang lòng dạ nhớ nhung tha thiết của tôi về – tháng năm làm tôi sứt mẻ bớt đi những lấp biển vá trời, bào mòn bớt đi những hão huyền không thật, cuộc đời cho tôi biết từng phút trong đời là một hạnh phúc khi gặp lại, khi thấy nhau. Mừng nhau đang vươn đến cái đẹp ở độ nghiêng vừa phải, hạnh phúc khi biết chắt lọc điều hay để học, điều xấu để sửa dần, dù đôi khi không tránh khỏi điều đau lòng khi phải đập vỡ kỷ niệm cũ để xây dựng điều mới hơn.
Trong đầu tôi chất chứa hình ảnh của mười sáu năm xưa, tôi gặp lại nó vội vã ghi vào ống kính, những hình ảnh đối với tôi là đẹp là quí, đối với người khác nhìn vào lại nghĩ tôi đang lẩm cẩm, giòng sông uốn quanh một thời tôi thả thuyền giấy, một thời tôi ngắm nó cuồn cuộn khi trú mưa, rồi khi mưa tạnh nó lại biến mất như không có thật, con dốc cầu cao vợ chồng giúp nhau lên dốc, những bãi sông bồi rồi cạn. Mười sáu năm tôi thấy nhà chọc trời, cao ốc mỗi ngày, thì hình ảnh ấy tôi gặp lại tại Sài Gòn làm sao lôi cuốn được tôi.
Tôi không vào các siêu thị, mà thích đi vào chợ chồm hổm, tôi không thích vào các trung tâm thương mại có cầu thang cuốn có cửa kính máy lạnh, tôi thích nắng nóng, thích bụi, thích che mặt ra đường thích đeo găng tay cao, thích sống thích hòa vào với bạn bè tôi, anh chị em tôi và Việt Nam tôi. Tôi sợ nhất là người ta quên mất mình từ đâu ra đi, để khi về thăm nhà cũ chê bai … sao nó không sạch, sao nó không sang. Tôi thích ấm ớ, tôi chỉ buồn một điều tôi đã không được ngồi xà vào hàng ốc Nguyễn Tri Phương mà kêu một thau nghêu ăn cho thỏa nhớ, thân xác tôi sau mười sáu năm đã không như ngày xưa.
Hình ảnh của mười sáu năm trong kỷ niệm với tôi là kỷ niệm, chẳng lẽ tôi cầu mong đất nước tôi mãi có những giòng sông uốn quanh sau cơn mưa tầm tã, chẳng lẽ dân tôi mãi còn xe đạp để vợ phụ chồng đẩy xe lên dốc cầu? Những tấm bảng “khu phố văn hóa” làm tôi có cảm giác “thiếu văn hóa,” nơi nào không có mới cần khẩu hiệu kêu gào, ngày bước lên máy bay bỏ nước ra đi, tôi còn thấy tấm bảng “không có gì quí hơn độc lập tự do” tôi cay đắng nói với anh tôi: “Vì thế mà mình phải bỏ đi anh nhỉ.”
Gặp lại các bạn cũ, vài bạn đã thoải mái hơn, giàu có hơn, tốt đẹp hơn, vì biết buôn bán, biết dành cô-ta may hàng xuất khẩu, câu cô bạn thương gia nói với tôi: “Mày vô tư đi nha, tao biết bên đó mày cực khổ hơn tao, đừng nghĩ là Việt Kiều mà lo thanh toán.”
Tôi hỏi nó: “Việt kiều là gì? Là người Việt? Chẳng lẽ mày không là người Việt à!” Nó cười ha ha và nói: “Mày vẫn thích bắt bẻ hả ‘con’!” (ngày đi học chúng tôi gọi nhau, đùa nhau như thế.) Phần đông các bạn khác của tôi vẫn chật vật, sống vì còn thở thế thôi.
Hơn tám mươi triệu dân Việt-Nam bị cai trị bởi hai triệu đảng viên cộng sản, nếu tôi còn ở lại, tôi cũng bị nén như họ, nén dưới những tầng không khí nặng nề u uất. Tin tức người dân không hề được biết, hỏi đến anh Lý Tống thả truyền đơn, những phiên tòa, không một ai biết, từ anh tài xế – chị bán hàng rong – chị bán tiệm vàng, chị làm cho công ty ngoại quốc, đến các em đi dậy học – sinh viên kiến trúc, tôi trò chuyện với mọi người, dĩ nhiên không được tiếp xúc cùng khối “hai triệu” ở trên.
Có vài đoạn đường, người dân rõ mười mươi bên trong là tre thay cho thép, không biết nó sẽ “bở” khi nào? Có vài đoạn cầu họ thay xi măng bằng cát, những lời ta thán chưởi rủa “sau lưng” đầy dẫy, nhưng hình ảnh cha “Lý” bị bịt miệng là hình ảnh của hơn tám mươi triệu dân bây giờ. Có lẽ đó là lý do làm cho không khí Việt Nam bị nén nặng nề đến thế, tôi nghĩ khí nén chỉ cách đầu dân khoảng một gang tay là cùng.
Vầng trăng xanh đang mơ màng, bỗng buồn thiu úa chảy cùng tôi.