Nghiêm Phụ

tác giả Như Hoa Ấu Tím
56 xem

“ Con không cha như nhà không nóc” câu tục ngữ bao lâu nay nhắc nhở đến Cha như thế, Cha là cái mái nhà che chở cho con tít trên cao, nên đôi khi các con không thấy, nhất là trong giai đoạn chỉ mình cha đi làm đem tiền từng tháng về đưa cho mẹ “tay hòm thìa khóa”. Các con đâu hay nếu tiền không đủ chi dụng cha ray rứt khốn khổ đến thế nào? Nhất là các ông cha mang nghiệp chiến chinh xa nhà, mỗi lần về phép con đã cao thêm được vài tấc. Chỉ cách đây không lâu, cha là nhân vật xa xăm thế đấy, nên con cái muốn gì thường phải “thông qua” Mẹ. Mẹ gần gũi hơn, dễ năn nỉ, dễ xin, dễ động lòng, bản tính của mẹ là đàn bà, “nhìn gần trông cạn,” không như cha “nhìn xa trông rộng,” các con chỉ muốn được việc mình mà quên đi nỗi lo đau đáu của cha. Ai không từng nhờ mẹ xin cha, cho mình được phép đi chơi xa cùng bạn lần đầu xa nhà? Ai không từng nhờ mẹ xin cha cho thêm tiền để mua . . . . xe, mua áo, mua quà cho bạn gái? Trong lớp tuổi thanh niên?

Nhập đề lung khởi để viết về Cha như thế, vì ngày Nghiêm Phụ sắp đến cùng với ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng sáu. Người cha Mỹ thế nào tôi không biết, nhưng người cha Việt Nam của tôi đáng được ca tụng tôn vinh, yêu quí biết bao?

Tôi đọc bài của anh bạn hải quân đi tu nghiệp vào thời điểm 1975, mãi sau vợ anh cùng con gái, mới vượt biển sang được. Anh viết cho con mà tôi không cầm được nước mắt:

“Ngày bố xa nhà con còn nằm trong bụng mẹ. Lần đâu tiên bố gặp con trong Camp Pendleton, lúc đó con đã gần hai tuổi. Bố ôm con nước mắt lưng tròng, con tròn mắt nhìn người đàn ông xa lạ nhưng con không khóc, chỉ e-dè gọi ‘Mẹ’ vì con chưa biết gọi ‘Bố’ ra sao.
Bố nhủ lòng là từ đây bố sẽ yêu thương chăm sóc con, đền bù cho con những ngày bố không có mặt khi con ra đời. Những ngày thơ dại đó bố con mình đã sống với nhau khăng khít. Bố ngồi nhà loay hoay viết cho xong luận án ra truờng, trông con để mẹ con tạm thời đi bán Mc. Donald, nuôi hai bố con mình. Con ngồi trên ghế cao, xem cartoon nhưng mặt buồn buồn. Bố bồng con lên xoa mớ tóc mềm: “Con muốn gì bố lấy cho.” Con vòng tay ôm cổ bố, nép đầu trên vai, nói nhỏ đủ để bố vừa nghe: “Mẹ!” Bố nghe lòng xót xa: “Mẹ đi làm. Để bố đưa con tới gặp mẹ nhé.” Con mở lớn đôi mắt nhìn bố, chỉ gật đầu, không nói một câu.
Buổi chiều Mc. Donald vắng khách, mẹ con đứng trong bếp, đưa tay vẫy khi thấy bố bồng con vào. Bố đặt con ngồi trên counter, mua cho con gói khoai chiên, nhưng con chỉ cầm lấy mà không ăn. Bố dỗ dành: “Con ăn đi. Muốn gì nữa bố mua cho.” Con tần ngần ngước nhìn bố rất lâu, nói nhỏ như cầu xin: “Mẹ.” Bố bồng con lên, bùi ngùi: “Mẹ kia kìa, con vẫy tay chào mẹ đi. Bố đưa con ra công viên chơi, tối mẹ về nấu cơm cho con ăn, nghe chưa.”
Chiều thu nhạt nắng, bố mang con ra công viên, đặt con ngồi trên chiếc đu, đong đưa nhè nhẹ, nhìn con vừa ăn những miếng khoai chiên nho nhỏ vừa vẫy tay gọi những con bồ câu quanh quẩn gần kề.
Thoáng đó mà đã hơn 30 năm rồi đấy con. Buổi sáng mùa thu năm ngoái con mặc chiếc aó dài mầu hồng lần đầu tiên trong đời, cúi lạy trước bàn thờ gia-tiên, nghe bố khấn nho nhỏ, cầu xin cho con hạnh phúc suốt đời. Buổi chiều con thay áo trắng, khoác tay bố, đi giữa hai hàng quan khách ngoài vuờn hoa khách sạn Estancia, khách sạn sang trọng hàng đầu trên thế giới, vì bố đã hứa với con khi con còn thơ dại là bố sẽ đền bù cho con những ngày bố không có mặt.
Rồi con sẽ có con. Bố mong rằng con của con sẽ gọi ‘Mẹ’, như con lúc xưa, và như bố bây giờ. Tháng rồi bố phải vào bệnh viên vì những cơn đau quặn ruột. Bà nội của con vào thăm bố, bàn tay già nua xoa trên bụng bố nhẹ nhàng: “Con cố lên cho mau khỏi, đừng lo nữa, có mẹ đây”. Bố tưởng chừng như mình nhỏ lại, bé bỏng như xưa, mỗi lần đau được mẹ bồng. Nước mắt bố ứa ra, và bố gọi thầm: “Mẹ.”
Con không cần đợi đến ngày ‘Mother Day’ để gọi mẹ. Mẹ con lúc nào cũng đợi con. Bố bây giờ khỏe lại rồi. Chắc là bố không còn dịp nào đưa con ra công viên, để con ngồi trên chiếc đu cho bố đong đưa nhè nhẹ, thế nhưng bố vẫn đợi ngày con dẫn con của con về, bố sẽ lại dẫn cháu ra công viên, ngồi trên ghế đá, nhìn cháu chơi với những con bồ-câu quanh quẩn bên mình.
Muà thu năm nay đã về. Những cây phong trước nhà lá đã đổi mầu. Mùa thu thay áo, nhưng tình mẹ thì không bao giờ như lá thu phai, con biết không?”
Trần Quang Thiệu

Đọc được lời người cha viết như thế chắc chắn lòng con tan chảy, vì rất hiếm khi cha nói nên lời hay tỏ lộ tâm tình cho con biết, nhất là đối với con gái. Còn bao nhiêu người cha khác vì tù đầy học tập, khi gặp con, con không nhận ra?

Người cha trong lòng tôi là một điều quan trọng vô biên. Mẹ tôi mất sớm, ông đã trang bị cho các con đủ hành trang vào đời khi còn niên thiếu, tôi nhớ sau khi me tôi mất tôi vào độ tuổi trăng tròn, khỏang tuổi thay đổi từ con nít, thành thiếu nữ, tâm sinh lý xáo trộn, cha tôi đã khéo léo bên cạnh tôi cùng bốn cô em gái, cách tuổi năm một, một cậu út cách cô con gái út hơn sáu năm, thay mẹ tôi.

“Dậy con đèn sách – em là phụ thân” trong “Chinh Phụ Ngâm” có lẽ dễ hơn tình cảnh gà trống nuôi con của thân phụ tôi lúc ấy. Nhắc đến ông, tôi luôn kể đến một việc mà mãi đến bây giờ tôi mãi ân hận là tôi ghen thay mẹ, tôi khó khăn với ông, ông không thể nào có bạn gái hay . . . . người phụ nữ nào khác thay me tôi được, thế mà ông chăm lo cho chị em chúng tôi không thiếu một thứ gì từ manh quần tấm áo đến tinh thần. Ông cho chúng tôi học nữ công gia chánh, học âm nhạc, gia nhập mọi sinh hoạt từ Hướng Đạo đến Nghĩa Sinh, điều này khiến cho tôi “biết đủ thứ” dù không giỏi nhưng đời sống của tôi “giàu có” dường nào. Nỗi nhớ lòng thương kính phục của tôi, đến cha tôi ngày mỗi tăng lên, khi tôi có gia đình, nhìn anh chăm sóc con, từ những muỗng bột, muỗng cháo, những cây nhang đuổi muỗi phải thắp mỗi đêm đến khi kèm cho con học. Con lên đại học lại giúp con phải chọn môn nào? Xe của con hư, hai cha con nói chuyện điện thoại phải sửa cái gì? Viết để ca tụng người “Cha” tôi sẽ viết được “thiên chương vạn quyển” mỗi người cha là một câu chuyện, chuyện buồn chuyện vui, chuyện thương chuyện ghét. Núi Thái Sơn bây giờ có thể thấp hơn, nhưng tình cha bây giờ cao hơn núi, khi các ông bố thời nay đã biết thay tã, biết cho con bú bình, biết cho con ăn khi vợ bận đi làm. Nhìn đâu cũng thấy các ông Cha “tay xách nách mang” ngay cả địu con giúp vợ, tình cha ngày nay tôi nghĩ phải ví: “Công cha như núi (Hy Mã) Lạp Sơn.”

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved