“Những đổi thay chóng mặt” câu nói của vài người từ nước ngoài trở về sau nhiều năm xa cách. Có lẽ chóng mặt vì không ở trong nó, có lẽ sự chuyển biến vùn vụt chỉ được thấy khi người ta đứng bên ngoài nhìn vào. Chắc chắn một điều, có nhiều vệt màu không hài hòa trong bức tranh lập thể Việt Nam.
Nhà hàng máy lạnh, quán cà phê, nơi tẩm quất, tất cả đều khang trang bề thế, sừng sững ngạo nghễ những cao ốc nhiều tầng, đá hoa đã được thay bằng đá hoa cương, đá granite, những tảng đá hoa vân thật đep. Nhà cửa ngày càng được xây cao hơn, cao hơn nữa, tranh nhau ngoi lên hứng ánh sáng mặt trời.
Căn nhà bốn mét chiều ngang, dài mười tám thước, ngoài mặt tiền đường Hùng Vương, đã được thông báo theo qui hoạch phải cắt vào hơn một phần ba, nhường phần cho đường phố, mặc dù chỉ vừa sáu năm trước đã bị cắt vào bốn mét, tính từ tim đường. Cứ thế mà diện tích nhà ở ngày một bé đi nên bắt buộc phải có nhiều tầng.
Vào thăm căn nhà đã được xây lại với tổn phí khoảng năm mươi triệu đồng Việt Nam – tương đương với hơn ba mươi ngàn My~ kim, cao năm tầng, tầng trệt cho thuê làm cửa hàng buôn bán điện thoại di động, giá hơn ba trăm My~ kim một tháng, tầng thứ hai là nhà bếp, có trang trí đẹp hơn nhà bếp của Shapell, giàn tủ gỗ cẩm lai, bếp ga mặt nằm, hai tầng tiếp theo là phòng ngủ, phòng cao nhất là nơi để máy giặt, sân phơi ngay ngoài lan can nên không cần máy sấy. Điều “sung sướng” nhất là chủ nhà không cần đi làm vất vả, chỉ đi ngủ, đi chợ và đi chơi. Lý do tại sao bây giờ Sài Gòn thức khuya hơn, ngủ dậy trễ hơn và . . . . các thầy cô giáo bị xem thường hơn, khi được xếp vào danh sách “nghèo khó.”
Trong khu quận nhất, nơi các cao ốc thương mai được xây dựng chóng măt. Dân chúng sống trong khu vực bị giải tỏa được “bồi thường” chút đỉnh. Nếu định rằng một căn nhà ổ chuột, được bồi thường một ngàn đồng Việt Nam một thước vuông, thì ngay sau khi đó, “họ” bán lại cho các công ty xây dựng nước ngoài với giá vài triệu theo tỉ giá US đồng dù theo qui định chính thức là giá khác hẳn.
Theo qui định trên giấy tờ của thành phố, đường Lê Lợi quận một giá một mét vuông đất là 43.000 đồng Việt-Nam, nhưng dân chúng sống trong đó không biết, nên khi thương lượng họ trả đồng giá với hương lộ Hóc Môn cũng có tên đường Lê Lợi giá chỉ khoảng hơn một ngàn đồng. Tình trạng giá cả này bùng nổ sau năm 2005 . Nghèo đi liền với dốt, ai lên được mạng mà đọc giá đất như tôi đang đọc, nên nhiều gia đình được nhận một số tiền “to” theo cách nhìn của họ đã hăng hái gia nhập vào đội quân “vô gia cư” ngay cả tìm một khoảnh đất ở đâu đó ngoài ngoại thành, ngay cả bên mồ mả người đã chết để sống “vô tư.”
Phòng nhà đất xếp hàng dài rồng rắn, các căn “hộ” được thay đổi giấy tờ từ xanh sang hồng xang đỏ, mỗi lần thay sổ là dân chúng một lần phải đối mặt với lạnh lùng xa lạ, với gằn giọng ra oai và với giấy tờ chữ nghĩa, từ phường lên quận, lên thành phố, chưa kể phải liên hệ với đại sứ quán tại các nước người Việt đã được định cư để làm giấy tờ ủy quyền, giấy tờ từ chối tài sản thừa kế cho người thân còn ở lại Việt Nam.
Qui định không thống nhất, giấy tờ ngập mặt, một tờ là có vài chữ ký, từ lúc bắt đầu với thuốc lá Sông Cầu Samit, đến vàng và bây giờ là “đô” được thỏa thuận bằng miệng bên bàn cà phê, trước khi chính thức nói chuyện bên bàn làm việc trong cơ quan chủ quản.
Đất chỉ có thế không tăng trưởng, người tăng lên, con cháu đầy nhà. Nên đường phố cần nới rộng hơn. Xe du lịch không đủ cung cấp cho các chuyến du li.ch ngày một nhiều hơn từ Nam ra Bắc, giá vé máy bay còn xa lạ với người dân vì giá một vé gần bằng tiền mua một chiếc xe gắn máy loại trung.
Xe buýt giúp dân chúng di chuyển trong thành phố, tất cả hòa lẫn vào nhau tạo thành nạn kẹt xe mãn tính, chữa trị được căn bịnh mãn tính này chắc cần phải có thuốc tiên. Nếu may mắn (tôi tha thiết chờ mong sự may mắn) nhờ sự ý thức, nhờ chất xám được ký gởi đúng mức may ra có phương cách giải quyết ổn thỏa căn bệnh kẹt xe bên trong “hòn ngọc viễn đông” một thời đã xa lăng lắc.
Nạn ô nhiễm đã trầm trọng hơn khi các xe tải chở thiết bị xây cất cho các khách sạn, nhà hàng mỗi đêm thải ra từng đám mây đen bụi khói ngột ngạt, các xe du lịch mang nhãn hiệu Mecerdez nhưng ống khói phả ra màu đen cùng mùi dầu cháy, bắt gặp một vài xe “con” đời mới nhất chen lẫn trong dòng đường đi du ngoạn Vũng Tàu, lằn đường ngăn ranh giới xe hai chiều từ Biên Hòa hình như không có tác dụng, khi người dân thoải mái leo qua tim đường, thoải mái đập một đoạn nhỏ để lái xe qua lại, lý do giải thích tại sao phải có tiếng kèn xe, cũng như con số ba mươi người chết mỗi ngày vì tai nạn xe cộ.
Nhìn các công trình đang xây dựng, ngay cả công trình dây cáp treo từ đỉnh núi xuống bãi biển Vũng Tàu để vui chơi, ước ao nếu họ đang xây dựng vài con đường treo, cho dân chúng đi lại nhỉ?
Vũng Tàu, đèn như đom đóm ban đêm, sóng vỗ “biển nhớ tên em gọi về,” vài chiếc bao ny lông trôi trôi, bãi trước bãi ô quắn bãi dâu bãi dứa, bãi sau triền dốc phủ đầy quán cà phê, nhà hàng nhà khách. Bên bờ biển các cánh cổng gỗ gõ, chạm hình thọ hỉ, bề thế, trang trí đèn hoa thay cho các quầy bán lưu niệm, quán bia rượu có các anh lính Mỹ ngầy ngật ngày xưa. Cảm giác đất đá, cây cảnh con người đều nghèn nghẹn, như gốc bàng lá xanh lá đỏ, chẳng ai buồn nói gì, sống như đu dây.
Khách du lịch vì tò mò! Khách du lịch vì muốn nhìn lại, tìm lại! Khách du lịch vì muốn hưởng thụ! Khách du lịch . . . Tỉ giá hối đoái 1/16.000 cũng thêm vào lý do tại sao Việt Kiều hăng hái về thăm quê hương nhiều hơn, bên cạnh lý do gia đình vướng víu . Khẩu hiệu “tất cả dành cho khách du lịch vì khách du lịch” không treo hẳn lên tường nhưng ai cũng thấy, tự hỏi bao giờ thì cho dân Việt Nam?
Ngơ ngác tôi ơi! Biển gọi về, có lẽ trong tương lai các con các cháu tôi sẽ trả lời, phần tôi tiếng sóng như òa òa khóc thay tôi.