Hoài cảm về lịch sử mối tình Ngọc Hân – Nguyễn Huệ
Dẫu rằng non nước biển đời
Nguồn tình chắc chẳng chút vơi đâu là
(“Ai tư vãn” – Lê Ngọc Hân)
Tháng ngâu năm Bính Ngọ 1786, chỉ sau 10 ngày tung hoành chiến trận (từ 11.7.1786 đến 21.7.1786), Nguyễn Huệ đã vào Thăng Long, hoàn thành sứ mạng “phù Lê diệt Trịnh” thống nhất đất nước. Cũng chỉ hơn 10 ngày sau, Nguyễn Huệ đã trở thành con rể vua Lê Hiển Tông. Ai biết đâu giữa tháng Ngâu đầy nước mắt của huyền thoại Ngưu Lang – Chức nữ, tháng ám ảnh của những sự chia xa đôi lứa, tháng kiêng kỵ hợp hôn trai gái, năm Bính Ngọ ấy lại tưng bừng một lễ cưới giữa Nguyễn Huệ – vị tướng trẻ của phong trào nông dân phương Nam với Ngọc Hân công chúa cành vàng lá ngọc miền Kinh Bắc. Có lẽ vì thế mà ẩn sâu trong vô thức của sự kiện ấy là lời tiên tri đầy bi kịch cho cuộc tình duyên này.
Khởi nguồn của cuộc tình duyên giữa hai kỳ mưa ngâu ngày ấy chỉ là ý định làm vui lòng Nguyễn Huệ của vua Lê Hiển Tông. Tín hiệu từ ý đồ đó được phát ra và gặp ngay sự thích thú “cái lạ” trong năng lực ham muốn của Nguyễn Huệ: “…Ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà. Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Không biết trong tuần trăng mật trùng với tuần mưa ngâu thứ hai của tháng Ngâu ngày ấy, họ đã nói gì với nhau, đã trao gì cho nhau. Mà sau vẻn vẹn sáu năm có nhau trong đời, “Ai tư vãn” của Ngọc Hân công chúa sau ngày Nguyễn Huệ mất ít lâu đã trở thành một cứ liệu cho ta ngẫm nghĩ về một tình yêu giữa hai người. Khác với hôm nay yêu rồi mới cưới, tình yêu của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân công chúa đã đến sau đám cưới, sau những ngỡ ngàng dặt dìu của hoan lạc. Đấy là cuộc gắn liền sông núi Việt Nam sau hai thế kỷ phân tranh Trịnh Nguyễn. Đấy là cuộc hợp hôn giữa tinh thần thượng võ với vẻ đẹp văn chương. Đấy là âm nhạc sau cuộc gặp gỡ giữa tiết tấu phương Nam và giai điệu Kinh Bắc.
Tôi đã sống qua nhiều kỳ mưa buồn ở Huế. Đôi khi cứ thầm nghĩ đấy là mưa Ngâu định mệnh của cuộc tình duyên này rớt lại qua lịch sử. ý thức khéo bày đặt ra lễ cưới. Nhưng vô thức lại thắp sáng lên một tình yêu. Lại sắp xếp cho một chàng trai vùng Quy Nhơn đến gặp cô gái vùng Kinh Bắc ở Thăng Long, đưa họ về chung sống bên dòng sông Hương và núi Ngự Bình thì nếu nói theo danh từ hôm nay là do “hoàn cảnh công tác”. Song chắc là có gì dịch chuyển sâu lắm, linh thiêng lắm trong cõi con người mới làm nên được bất ngờ cho số phận tạo ra bi kịch cho cuộc sống. Người vợ ấy chỉ có thể yêu chồng mình đến như “Ai tư vãn”, vì đối với Ngọc Hân, Nguyễn Huệ là một thế giới đồ sộ, bề bộn của tinh thần thượng võ mà bà suốt đời kinh ngạc không sao hiểu hết, nhưng luôn luôn phát hiện ra mới mẻ.
Còn người chồng ấy đã yêu vợ đến tận cùng dịu dàng, một ứng xử thật khó đòi hỏi ở một võ tướng, vì đối với Nguyễn Huệ, Ngọc Hân là một thế giới huyền diệu của nền văn hoá Kinh Bắc mà ông thực lòng ngưỡng mộ bằng một trí tuệ rũ sạch mọi mặc cảm.
Ở Huế, cứ đi với trời xanh, núi non và sông nước, có lúc thấy thấm ướt một cái gì không rõ rệt. Cứ thế tự nhiên mà đồng cảm với nhịp song thất lục bát. Cái thần nhịp ấy đã sắp xếp vào bài thơ tưởng nhớ người đã khuất bao cảnh trí của Huế đã được khóac một nỗi buồn của tình yêu. Nào là mái đông, lá buồm xuôi ngược mênh mang những nước cùng mây. Nào là nhạn sa lác đác, ngàn bạc mầu sương. Bất chợt lại thấy từ xa xăm điệu “Năm Bằng”, “Nam Ai” rỉ ra những giọt nước mắt. Thiên nhiên đầy lên một niềm cô quạnh. Nếu không có tình yêu, làm sao có nổi “Ai tư vãn”. Và với Nguyễn Huệ, chắc tình yêu ấy cũng thắp sáng hơn trí tuệ của người anh hùng. Ông không bao giờ được nghe bài thơ ấy nhưng chính tình yêu của ông đã giúp cho bà làm nên tác phẩm này.
Tình yêu của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân đã rực lên rồi vụt tắt. Sáu năm có nhau kết thúc lại là một thiếu phụ hai mươi hai tuổi. Tình yêu ấy bi kịch đến tận cùng. Cũng vì quá yêu thương mà Ngọc Hân cũng không sống nổi qua tuổi ba mươi. “Kiếp này chưa trọn chữ duyên. Ước xin kiếp khác vẹn tuyền lửa hương”. Tình yêu ấy bi kịch đến tuyệt tự. Hai đứa con, tác phẩm của sáu năm lửa hương cũng ra đi sau cái chết của bố mẹ “Nào hay sông cạn, bể vùi. Lòng người giáo giở vận người biệt ly”. Tình yêu này cũng như nhiều chuyện tình thời ấy… đã làm nứt rạn lễ giáo phong kiến cổ hủ, mọc lên những mầu xanh của tinh thần dân chủ.
Năm nay kỷ niệm chiến thắng Đống Đa của Nguyễn Huệ. Nhưng cũng trong khoảnh khắc mùa xuân này của hai trăm mười năm trước, giữa tiếng súng reo hò thắng trận, vị vua mới của nước Việt – Quang Trung hoàng đế – đã ngay lập tức chọn một cành đào Nhật Tân gửi về miền xa bức thư kỳ lạ cho người vợ yêu. Và khi ngựa thiên lý đã lên đường, vẫn có ai băn khoăn không biết trên dặm dài nắng gió miền Trung, cành đào có héo mất sự tươi thắm không? Có ai nghĩ tới ở miền Phú Xuân xa, một người vợ ngồi hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo, nghe gió lùa trước thềm lan đến héo hon? Dù mùa xuân đã đến thì trong tình yêu của bà vẫn rỉ rắc cơn mưa Ngâu định mệnh. Và sau sáu năm có nhau ngắn ngủi, cơn mưa ấy rơi triền miên trong cuộc đời goá bụa của bà thêm bảy năm nữa. Sau đó, nó còn theo bà vào cõi vô cùng. Cơn mưa ấy, bà gửi lại đời đời trong “Ai tư vãn”.
Mùa xuân thật không muốn nói buồn. Nhưng tình sử đầy bi kịch của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân không có gì vui hơn được. Có điều vui chăng là, tình yêu đầy bi kịch ấy đã tạo ra cho tuổi xuân của hai người trở thành bất tử. Nó mãi mãi là một tình sử đáng ghi nhớ trong đời sống của cộng đồng người Việt cách đây hai thế kỷ. Nó còn ấm trong tình yêu của chúng ta hôm nay. Và mãi mãi…