CÂY ĐÀN GUITAR TRONG TRẠI CẢI TẠO.

tác giả Hùng Bi
118 xem


Tôi xin xé một trang vở đời có ghi câu chuyện ngắn nầy kể hầu các bạn. Chỉ là một câu chuyện kể nhân thấy một người thừa tiền mới học đàn đã bỏ ra một số tiền nhiều đến không ngờ sắm cho mình một cây đàn tốt nên ngẫm nghĩ mà chua xót cho một đoạn đời đã qua.
Đằng sau sự phản bội mang tầm vóc lịch sử, cả một thế hệ thanh niên chúng tôi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Không phải là người đề xướng và cổ suý, nhưng đã đi chung chuyến xe lịch sử ấy với vai trò đồng phạm thì phải lãnh phần những hệ quả. Có người sợ hãi trốn chạy từ sớm, nhưng cũng có người thản nhiên chấp nhận số phận với một chút lo âu. Bản thân tôi thấy mình chẳng có gì phải hổ thẹn vì đã làm tròn bổn phận sự mà tổ quốc gia giao phó thác cho tới giây phút cuối cùng, tuy thừa điều kiện để thoát thân. Đó là một canh bạc đời nên kẻ thua dù gì vẫn ôm một mối hận trong lòng.
Chẳng phải là một bầy cừu non ngoan ngoãn, nhưng không thể bước chệch ra ngoài dòng chảy lịch sử, chúng tôi phải đành lòng chấp nhận cuộc chơi theo hướng mà những người thắng trận muốn.

Năm đầu tiên với bao nhiêu trăn trở trong tình huống mới đầy lao đao, chúng tôi dần dần ổn định tinh thần mà chấp nhận số phận của mình dù quá phũ phàng !
Với khoảng thời gian tương đối đủ để người ta sàng lọc, làm các động tác giả, chuyển trại … đám sĩ quan cấp thấp chúng tôi một phần được dồn về căn cứ Trảng Lớn Tây Ninh. Đó là bản doanh của Sư Đoàn 25 Bộ Binh tiếp nhận từ quân đội Mỹ sau hiệp định Paris 1973. Các dãy nhà tôle tiền chế nằm rải rác trong một căn cứ rộng lớn gần thị xã Tây Ninh với sân bay quân sự thuộc loại lớn mà máy bay C.130 Hercules có thể lên xuống. Chính tại đây, năm 1973 tôi nằm trong phái đoàn trao trả tù binh đã ra trại giam tù binh cộng sản An Thới của đảo Phú Quốc nhận các tốp tù binh đưa về đất liền bằng C.130, đáp xuống phi trường Trảng Lớn rồi trung chuyển bằng Chinook đưa vào mật khu Thiện Ngôn nằm sâu trong rừng giáp giới giữa Việt Nam và Cam-bốt trao trả cho phía bên kia.
Tiếp tục những bài học chính trị nâng cao mà người ta liệt vào trình độ trung cấp, tuần ba ngày chúng tôi ngồi xếp hàng dưới đất để nghe và ghi chép những khái niệm chính trị mới rồi thảo luận với nhau để tất cả nắm rõ vấn đề được cán bộ quản giáo truyền đạt. Ngoài thời gian học tập chính trị ra thì đi lao động linh tinh hay tăng gia sản xuất góp phần bắt buộc cho bếp ăn chỉ tiêu mỗi đầu người 5 ký rau xanh mỗi tháng. Tôi gửi tiền anh nuôi mua hột củ cải trắng rồi tìm một miếng đất xéo nào đó để tập làm nông dân. Đào bới sơ sài lớp đất mặt rồi gieo hạt, rồi tưới nước. Chẳng mấy chốc mà những thằng con màu trắng đội đám tóc xanh trồi lên khỏi mặt đất một cách ngỗ ngược. Tôi cứ thu hoạch nộp cho nhà bếp đều đều mỗi tháng 15 ký củ cải chơi.
Đây là giai đoạn mà bọn chúng tôi bị thương vong và thương tật vì những tai nạn sau chiến tranh chiếm con số cao nhất và đau đớn nhất. Nguyên do là tận dụng những tấm tôle dãy nhà tiền chế của quân đội để lại làm nơi trú ngụ, nhưng “mấy thầy quản giáo” có sáng kiến lột tôle lợp mái xuống để đám cải tạo gò những vật dụng nông nghiệp như thùng xách nước, thùng tưới rau… mang ra chợ bán lấy tiền bỏ túi riêng, cộng thêm mỗi người vài cái va-ly bằng tôle lớn nhỏ lồng vào nhau để chờ ngày hồi hương về đất Bắc làm quà. Anh nào cũng sắm riêng cho mình một chiếc xe đạp quốc doanh hiệu Chiến Thắng hoặc Giải Phóng, một máy may hiệu Con Bướm (Butterfly) ma-dê in Chai-na, một cái đài transistor ba băng Gia-păng, một cái đồng hồ đeo tay Xây-cô phai không người lái hai cửa sổ, một cặp kính đen thui không thấy mắt mới đúng là dân chơi…
Chấm dứt chiến tranh, trên người họ vẫn mặc chiếc áo cộng sản nhưng tư tưởng tiểu tư sản cố hữu của loài người lại bắt đầu nhen nhóm.
Bù lại, để khỏi chịu đội mưa đội nắng, chúng tôi phải đi cắt mớ tranh mọc chen lấn trong hàng rào phòng thủ về đánh lại thành từng miếng lợp thay thế.
Toàn những thằng chỉ tay năm ngón, thuở giờ có biết cái vụ đánh tranh ra sao đâu? Tre trúc có đâu trong một doanh trại quân đội mà làm “hom”? Đành lấy mấy cọng kẽm gai xài đỡ. Đánh thế quái nào mà khi giở tấm tranh lên nó quặt quẹo rồi tuột ra hết! Thế cái chất xám mình được vun bồi đâu? Phải vận dụng cho có hiệu quả chớ! Tôi bèn vừa làm vừa nghĩ, cuối cùng đưa ra một nguyên tắc khả dĩ xài tạm cho cách đánh tranh hom chiếc gồm 4 cọng hom dài khoảng 1 mét được đánh số tưởng tượng. Những con số là biểu trưng cho cọng hom được kéo nằm lên trên và luồn nắm tranh xuống phía dưới : 1-4, 1-2-4, 2-3, 2-3-4, 1-4. Chu kỳ cứ thế mà lập lại .
Đánh xong, cầm miếng tranh giũ giũ … không có vấn đề bèn phổ biến cho các bạn cùng làm.
Hàng rào phòng thủ trong chiến tranh mà nhất là của quân đội Mỹ thì các bạn thừa hiểu nó nguy hiểm đến chừng nào! Lựu đạn các loại, mìn các cỡ gài theo một sơ đồ hết sức phức tạp chỉ có những chàng công binh chiến đấu mới biết, nhằm ngăn chặn tối đa sự xâm nhập của đối phương nên chẳng biết đường nào mà lần. Tất cả đều dựa vào hai chử hên xui! Ai không tin chứ tôi thì tôi tin mỗi người đều có số mạng riêng cả. Anh Hoàng Mãi gốc người Huế với bô-đỳ tập tạ hay đi lao động cặp với tôi. Anh giơ cao lưỡi cuốc bổ đại vào đám cỏ tranh nghe một cái “cảng”! Vạch tranh ra thì thấy một trái mìn ba râu nằm chình ình trên mặt đất. May mà lưỡi cuốc không bổ nhầm một trong ba cái râu. Tôi cười khì chọc anh:
– Chiều về nhớ gởi mua một nải chuối cúng Ông Địa nghe cha nội! Không thì giờ nầy linh hồn tụi mình chắc đang bay lượn chốn thiên đàng rồi.
Đi cắt tranh cứ mỗi lần nghe tiếng nổ thì chép miệng than rằng:
– Rồi ! Bữa nay có tiết canh rồi!
Chính mắt tôi đã nhìn thấy những nạn nhân sát bên mình. Cụt chân vì mìn cóc khá nhiều, nó hình tròn nhỏ như cái đít đèn pin quân đội rải đầy mặt đất chen trong cỏ dại nên rất khó thấy. Một cột khói đen bốc lên sau một tiếng nổ chát chúa cách chừng mươi mét của một trái mìn ba râu thế hệ mới, máu me rải dài trên đoạn đường về đưa tới mười một cái quan tài quốc doanh sơn đỏ chót xếp hàng trước tiểu đoàn bộ. Tôi không biết những người chịu trách nhiệm sẽ báo cáo về trên những cái chết ấy thế nào, có lẽ nó nằm trong sự hao hụt sĩ số năm-phần-trăm-cho-phép. Chắc là vậy nên buổi chiều chúng tôi vẫn được xua ra cắt tranh tiếp tục.
Nhờ có chút tài lẻ, mỗi năm trong các ngày lễ lớn tôi đều…có phần trong ban hát hò, ban banh bóng, ban báo đời…Mấy cái ban này cũng giúp tôi né được sự nguy hiểm trong vài tháng.
Mùa Xuân năm 1977, trên đường đi lên trung đoàn để trình bày báo tường Tết cho trung đoàn bộ L4 chung với hoạ sĩ Hiếu Đệ (ông chuyên vẽ tranh minh hoạ cho các báo ở Saigon, ai bằng tuổi tôi hay lớn hơn đều biết tiếng), tôi mục kích một sự việc phải nói là đau xé lòng!
Hai anh em ruột cùng đi cải tạo chung tiểu đoàn, được phái đi cắt tranh. Thằng em vướng phải mìn cóc bay mất bàn chân phải nằm rên la trên vũng máu, thằng anh nóng ruột chạy tới cõng em ra khỏi khu vực đi trạm xá. Đói ăn sức kém lại thêm thằng em đang rên la giãy giụa trên lưng, luống cuống loạng choạng thế nào mà đạp phải trái mìn 3 râu. “Đoàng” một phát ! Hai anh em đi thăm ông bà ông vãi tại chổ luôn!
Thêm một thằng ngu nguyên là thiếu uý sĩ quan trợ y. Chẳng rành rẽ gì chuyện súng đạn, thấy người khác làm thì ham mà bắt chước. Nó lượm được một khẩu súng phóng hoả tiễn M72 chống tank mới keng còn gói giấy dầu khi đi giở lô-cốt lấy gỗ. Khui ống vỏ nhôm bên ngoài ra để cưa thành những cây trâm cài tóc phụ nữ, bên trong là một ống nhôm hình trụ dài khoảng 20 cm chứa thuốc phóng đầu đạn, phía đuôi được đúc bằng đồng đỏ thắt lại rồi loe ra tròn trịa rất đẹp. Cái ống nhôm nầy chế tạo thành một cái điếu cày hút thuốc lào, đầu dưới được bịt kín bằng một vỏ đạn M79, đầu trên với chỗ đặt môi vào ôm khít vừa vặn quả là…đẹp tuyệt vời! Tôi ao ước có một cái biết bao nhiêu, nhưng…em chả dại! Rất nguy hiểm khi chạm vào sự chết mà bản thân không thông thuộc.
Anh chàng khù khờ thiếu hiểu biết ấy đã lén lút một mình ra dựa vào một cây bã đậu ngoài hàng rào phòng thủ hí hoáy “giải phẫu” quả hoả tiễn ra mục đích để lấy cái ống nhôm bên trong làm điếu cày.
“Phùm” một phát! Nam Tào còn nhận không ra đó là thằng nào để gạch tên trong sổ sinh tử.
Chính khoảng thời gian này giúp chúng tôi có điều kiện để săn nhặt những phế phẩm đầy dẫy trong một căn cứ để lại của Mỹ dành cho những ý đồ riêng tư. Giả dụ như một miếng ván ép nhỏ, một đoạn gỗ thông từ hầm trú ẩn, một đoạn dây điện thoại, ít cây đinh loại 3 phân tự dập từ sợi kẽm gai…lấy mặt bồn cầu mài giũa lại thành những quân cờ tướng tròn trịa rồi khắc chữ lên. Có cả màu trắng và màu đen mới tuyệt chứ! Săn nhặt những mảnh nhôm máy bay đúc thành những cái chén ăn cơm. Tôi cũng có một cái rồi khắc hình hai trái núi Bà Đen lên, nhưng cầm nóng tay quá tôi cho luôn thằng bạn.
Giai đoạn học chính trị kết thúc trong khuôn khổ kiểm soát kỷ luật và tư tưởng chặt chẽ một năm trời dài dằng dặc cũng trôi qua. Người ta bắt đầu những biến đổi cần có.
Chúng tôi được “biên chế” vào một khoảng rừng rất sâu trong địa hạt tỉnh Phước Long cũ. Đây là giai đoạn lao động thực sự giữa mênh mông rừng già nên kỷ luật có phần bao dung, miễn đừng đi xa khuôn khổ trật tự. Những tâm hồn trẻ trai dường như hồi sinh trở lại mặc cho cái đói, cái cực nhọc và bệnh tật bủa vây thường trực. Đêm nằm trên võng đong đưa giữa bóng tối mịt mùng của rừng sâu sau một ngày lao động thì còn gì hơn ngoài việc hồi tưởng về những ngày tháng cũ? Khuôn mặt đáng yêu của những người con gái đi qua trong đời lại được dịp hiển hiện trong niềm nhung nhớ… và âm nhạc lại vọng lên những giai điệu âm thầm. Những nhu cầu tinh thần ấy ẩn chứa trong tâm hồn với sự chịu đựng dồn nén không ai có thể ngăn chặn và kiểm soát được.
Không biết ai đã khởi xướng, nhưng hầu hết mọi người đều giấu giếm một quyển tập vở cắt làm đôi chép lại những bài hát cũ theo trí nhớ và chuyền tay cho nhau trừ những “địa chỉ đỏ”. Biết làm vậy là nguy hiểm cho bản thân mình, nhưng đó là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được.
Mỗi tháng một lần, bất ngờ quản giáo từ khung xuống ra lệnh khám xét tư trang cá nhân. Thế là cuống cuồng như một bầy ong vỡ tổ, mạnh ai nấy lo giấu diếm những bằng chứng vi phạm kỷ luật trại của mình. Thi thoảng màn đêm buông xuống, tôi lại lén lút lần mò xuống khu tăng gia của tiểu đoàn nằm tách biệt gần bờ suối do anh bạn thân cùng đơn vị cũ là Phạm Vũ Trí làm tổ trưởng để được cất lên những lời hát cũ. Chỉ là “hát chay” với tiếng gõ nhịp xuống sạp nằm bằng lồ ô thôi, không đàn địch chi hết nhưng cũng …”máu lửa” lắm !
Nhân có một vụ giết người oan uổng không bản án đã là nguyên cớ cho một bài hát ra đời trong trại cải tạo. Một nhóm trong tiểu đoàn 2 đi lãnh gạo trên Trung đoàn bộ cách xa mười lăm cây số đường rừng bằng cách cho vào hai ống quần có những vạch sọc, buộc túm hai ống và dây lưng rồi choàng qua cổ cõng về. Họ đi ngang qua một rẫy bắp dừng chân ngồi nghỉ mệt. Có một chàng đói quá bèn lẻn vào bẻ trộm một trái bắp. Vô phúc bị vệ binh ngồi gác trên chuồng cu phát hiện. Thế là những viên đạn AK-50 rực lửa đuổi theo để trừng trị tên đạo tặc đang trốn chạy. Rõ là súng đạn vô tình! Nó lại ghim vào lưng một nạn nhân khác đang ngồi nghỉ bên vệ đường. Cái chết tức tưởi vô cớ được phản đối bằng cách để cái xác bên vệ đường suốt ngày chờ xử lý. Nhưng “miệng nhà quan có gang có thép”, cuối cùng đã kết luận kẻ xấu số chính là phạm nhân. Thế là một bài hát được ra đời trong nổi uất hận nghẹn ngào. Nó phải được phổ biến sâu rộng cho cái thế giới bi thảm đoạ đày chớ? Và một nhóm anh em trong tiểu đoàn 3 nhận nhiệm vụ này. Hình như trên lưng, trên tay của họ có xâm hình con đại bàng hay con cọp chi đó nên mới dám tiến hành một chiến dịch “du ca” qua các tiểu đoàn bạn mỗi chiều chủ nhật. Nhóm du ca chủ có sáu bảy anh em với cây đàn guitar thùng vác vai và hai cái muỗng ăn cơm dùng để gõ nhịp. Âm nhạc nếu chỉ có tiếng hát mà thiếu tiếng đàn thì giống như câu hò bơ vơ bay bay một mình lẻ loi trên đồng vắng!
Đến đây, “nhân vật” chính của câu chuyện xuất hiện.
Ở đâu ra một cây đàn guitar có mặt trong trại cải tạo giữa rừng xanh núi đỏ chập chùng?
Để tôi mô tả nó cho các bạn tường. Thùng đàn được làm từ những mảnh ván ép lột bỏ bớt cho mỏng để tạo âm thanh có tiếng vang. Khoảng hở của thùng đàn được trét kín bằng … cơm nguội, mỗi lần muốn chơi phải cạy bỏ lớp cũ đã khô ra và trít lại bằng một lớp mới. Cần đàn được gọt giũa từ một khúc gỗ thông lấy từ hầm trú ẩn trong căn cứ Trảng Lớn, dây đàn được se lại từ lõi của dây điện thoại quân đội, bắt đầu dây Mí là một sợi dây điện thoại đơn rồi se vỏ bọc dần lên. Bộ lên dây là những chốt gỗ như cây đàn kìm cổ nhạc. Các bộ phận được ghép lại bằng những cây đinh chế tác từ sợi kẽm gai hàng rào thủa nọ.
Không biết khi được đánh lên nó có phát ra âm thanh chuẩn hay không nhưng … nghe cũng được! Có còn hơn không… Có còn hơn không…
Khởi đầu chương trình du ca là những bản nhạc trẻ kích động được giới thiệu là mang màu sắc Mỹ la-tinh như Guantanamela chẳng hạn. Khán giả hào hứng gõ nhịp theo rộn ràng. Rồi chương trình trôi xuôi về nẻo nào chẳng ai hay. Tất nhiên là có chen vào đó vài bài hát “tự biên tự diễn” cho kiếp đời hiện tại của chúng tôi và bài hát nói về cái chết tức tưởi nghẹn ngào vừa kể trên đương nhiên cũng góp mặt.
Rồi những bài hát nói về tình yêu trai gái đâu thể thiếu?
“Này người yêu người yêu anh ơi!
Bên kia sông là ánh mặt trời.
Này người yêu người yêu anh hỡi!
Bên kia đồi có hoa đan lối….”
“Nếu xa nhau, anh xin làm dòng sông,
Nhớ em…nhiều những thoáng mênh mông.
Khúc sông buồn… buồn trôi bao lá rong,
Tiếng mây chiều lạc loài vương nhớ nhung ….”
Đại loại là những bài ca ấy, tránh không hát những bài ca ngợi lính tráng để khỏi gặp rủi ro. Một vài cây đàn guitar khác với hình dáng tương tự bắt đầu manh nha hình thành, nhưng sự thành công rất hiếm hoi vì không đủ vật liệu cần thiết.
Tôi chỉ được thưởng thức chương trình du ca ấy một lần duy nhất, vì chắc chắn nó khó tồn tại lâu bền giữa “chốn ấy”.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved