Má Sùng

tác giả VÕ PHÚ
35 xem


VÕ PHÚ
Má Sùng ngoài hai mươi. Nghe hàng xóm kể lại, khi má được vài tháng thì má bị bệnh giật kinh phong, bệnh động kinh. Nhưng do nhà nghèo và ít hiểu biết, nên má chậm phát triển về cơ thể lẫn trí tuệ. Chân tay má Sùng co quắp đi đứng khó khăn không như một người bình thường. Cơ thể má không hoàn hảo, nhưng khuôn mặt má rất đẹp và thánh thiện. Nước da má trắng hồng, mắt tròn đen lay láy, mũi cao, môi đỏ hồng dù không hề son phấn. Chỉ có điều bọt mép trên đôi môi ấy luôn chảy dài không kiểm soát.
Nhà má Sùng ở cuối con đường nhỏ, cạnh ngôi biệt thự ngói đỏ, đồ sộ. Ngôi biệt thự được xây trên những bậc tam cấp cao cả mét với hàng rào kẽm gai cao gần hai mét bao bọc chung quanh. Nhà của má Sùng là căn nhà tranh lụp xụp nhỏ bé như cái chòi chăn vịt nằm lọt thỏm phía sau ngôi biệt thự kia. Ba má của má Sùng là ông bà Kiên đã ngoài năm mươi. Họ là những người giúp việc cho gia đình ông Hải, chủ nhân của ngôi biệt thự. Vợ chồng ông Hải, có ba người con gái và một cậu con trai. Ba người con gái của ông bà Hải hiện đang sống tại Mỹ. Ở cùng chỉ còn cậu con trai út tên Hồ. Nguyễn Văn Hồ, học chung lớp với tôi. Tuy Hồ là bạn học chung lớp, nhưng Hồ lớn hơn chúng tôi ba bốn tuổi. Nó khoảng mười sáu, mười bảy.

Vì là con út lại là con một, nên Hồ được ba má cưng chiều. Hồ chẳng chịu học hành. Nó chỉ biết chơi bời lêu lỏng nên ở lại lớp đến ba, bốn năm. Nó luôn nói với chúng tôi rằng: “Tao chỉ cần học xong cấp hai thôi là tao không cần phải đến trường đến lớp nhàm chán nữa.”
Chỉ còn vài tháng là chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp hai, thi lên lớp 10, nên chúng tôi đứa nào cũng bận rộn với sách vở. Nhưng Hồ thì không. Nó chẳng hề lo lắng hay động đến. Mỗi ngày lên lớp, nó úp mặt xuống bàn ngủ. Lúc đầu thầy cô giáo còn gọi nó dậy, nhưng riết hồi tất cả thầy cô cứ để yên cho nó ngủ. Nó coi lớp học như phòng khách sạn còn bàn học là giường ngủ vậy. Nó vào lớp học chỉ để ngủ chứ không quậy phá, nên thầy cô và bạn cho nó một thế giới riêng trong lớp học này. Nó nói với chúng tôi: “Tao không cần học như tụi bây, nhưng sẽ có cái bằng tốt nghiệp đàng hoàng. Lấy bằng tốt nghiệp cấp hai xong, thì tao chào tạm biệt không gặp lại trường, lại lớp đáng ghét nữa.”
Ngoài những lúc đi học ra, thời gian còn lại, thằng Hồ đều ôm con gà đi tới xóm khác để bắt độ, hay la cà ở những quán cà phê dọc trên quốc lộ số Một.
Vào những năm đầu của thập niên 90, xóm chài chúng tôi không còn thắp đèn dầu, đèn hột vịt như xưa nữa. Mà thay vào đó là những ngọn đèn điện. Ðiện từ thành phố được kéo về thắp sáng cả xóm. Nhiều nhà còn mua sắm ti-vi và đầu máy video để mở quán cà phê có chiếu phim. Ði đâu cũng nghe tiếng phim Hồng Kông hoặc bàn về những bộ phim Hồng Kông kiếm hiệp của Kim Dung từ: Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Ðiêu, Thần Ðiêu Ðại Hiệp vv. vv…
Chiếu phim kiếm hiệp Hồng Kông chán, họ chuyển qua chiếu phim Mỹ rồi cả phim dành cho người lớn, phim sex. Ðám choi choi chúng tôi cũng cuốn vào những đêm đi coi phim thâu đêm suốt sáng. Mỗi lần đi coi phim, chúng tôi chỉ đi coi phim chùa. Chúng tôi chờ đến khi phim hơn nửa hoặc gần hết mới dám đến, đứng bên ngoài nhìn vô. Hôm nào có đủ tiền mới dám bước vào quán, gọi một ly cà phê hay một ly trà đá để coi phim, nhưng hiếm khi được như vậy. Thằng Hồ thì khác. Nó lúc nào cũng quần áo chỉnh tề, đàng hoàng vào quán gọi cà phê thuốc lá, vừa uống cà phê phì phèo thuốc lá để coi phim.
Một ngày cuối năm lớp 9, tôi đang ngồi học bài thì thằng Lượm trong xóm chạy vào, mắt nó ngó quanh, đi lại bên cạnh tôi nói nhỏ:
– Ê, Tuấn mày có nghe chuyện trong xóm mình chưa?
Tôi không nhìn nó, lơ đễnh, hỏi lại:
– Chuyện gì mà là chuyện gì?
– Mày không biết gì hả? Thằng Hồ nó hiếp má Sùng.
Tôi giật mình, bỏ quyển đề cương tốt nghiệp môn sử xuống, trân mắt nhìn thằng Lượm, hỏi lại:
– Thiệt hả? Gì ghê vậy bây?
– Ừa… Tao nghe quá chừng người trong xóm nói mấy hôm nay. Bà Hải qua xin vợ chồng ông bà Kiên đừng tố cáo thằng Hồ lên công an. Nghe nói họ trả cả cây vàng để vợ chồng ông Kiên khỏi tố thằng Hồ ra công an xã…
– Nhưng má Sùng…
Tôi vừa kịp ngừng lại chữ “khùng”, và vội lái qua:
– Nhìn thấy má Sùng dơ dơ làm sao khi nước dãi lòng thòng thấy gớm mà sao thằng Hồ làm chuyện đó với má Sùng được…
– Chắc tại thằng đó coi phim con heo nhiều quá rồi làm bậy. Ông bà Kiên mùa này đi ra bến cá làm lụng. Ở nhà chỉ có mình má Sùng, nên thằng chả ngứa lên thì nó làm gì không được. Mà tao nghe nói là nó hiếp nhiều lần chứ không phải lần đầu đâu nha mậy.
– Ờ, chắc ngựa quen đường cũ.
– Chứ còn gì nữa. Ăn quen chứ nhịn không quen. Mà mày học chung với nó, mày có thấy nó có bạn gái gì không?
– Nó hả? Nó lớn chầm dầm, học dốt nữa, nên không đứa nào chịu nói chuyện chứ ở đó mà thích với yêu.
– Ừa… Bậy thiệt… Thôi tao để cho mày học bài. Tao đi về.
– Ừa.
Thằng Lượm đi rồi, tôi cũng chẳng đọc được chữ nào vô đầu.
oOo
Kỳ thi tốt nghiệp cũng trôi qua, thằng Hồ tốt nghiệp trung học loại giỏi như nó từng khẳng định với chúng tôi. Tên của nó vần “H” còn tôi vần “T” nên khi thi chúng tôi ở khác phòng, nhưng tôi nghe con Hà kể lại, lúc vào thi, thằng Hồ chỉ ngồi nhìn trời nhìn mây, nhìn ra cửa sổ đợi. Khoảng nửa giờ sau khi đề bài được mở ra thì có người đưa bài giải sẵn cho nó, thằng Hồ chỉ việc sao chép vào giấy thi của mình rồi nộp lên. Thằng Hồ đạt được điểm cao ngất, giỏi hơn cả những đứa học sinh giỏi khác trong lớp chúng tôi như thằng Quang, con Thùy, con Trang…
Thi tốt nghiệp vừa xong, chúng tôi nghỉ ngơi để tiếp tục ôn bài cho lần thi chuyển cấp sắp tới. Tôi còn nhớ hè năm đó có trận túc cầu thế giới diễn ra ở Hoa Kỳ. Với hai múi giờ khác nhau, nên chúng tôi phải thức sáng đêm để coi đá banh và ôn bài.
Năm đó chúng tôi nghe mấy anh lớn trong xóm nói thằng Hồ mê cá độ đá banh. Nó thích đội Argentina bởi nó rất mê đội có cầu thủ Maradona mà bốn năm trước nó từng coi. Nó bắt đội Argentina thắng để vào chung kết, nhưng ai ngờ đội này không vô được tứ kết làm nó thua thê thảm. Sau đó nó lại thua thêm một vố đau khi Brazil thắng đội Ý ở phần đá phạt đền. Không biết là do thua độ đá banh hay vì lý do khác, nên cuối tháng Bảy năm đó, thằng Hồ đi ra biển nhảy ghềnh đá tự tử.
Ở cái xã Vĩnh Lương này, vào thời đó hiếm có nhà nào có hố xí. Khi có nhu cầu để giải quyết, mọi người thường ra biển, ra gành đá để “trút bầu tâm sự”. Tôi nghe người trong xã kể lại, khi đó là giữa trưa, thằng Hồ nhảy theo những tảng đá to để ra tận eo biển, ngoài đầu gành đá, nơi sóng lớn và nước sâu nhất rồi gieo mình xuống. Một vài người đi vệ sinh ngoài gành đá đã thấy. Nhưng họ không thể nào cứu vớt nó được. Những cơn sóng bạc, nước xiết chảy, nên không ai dám liều mình để cứu vớt. Thằng Hồ là một người bơi lặn giỏi, nhưng với dòng nước xiết cuồn cuộn, nó không thể nào sống. Ðầu của nó đập vào những tảng đá bám đầy rong rêu và vỏ hàu. Ðó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Hồ.
Sau một vài giờ vật lộn với những cơn sóng, người ta cũng kéo được xác của nó vào bờ bằng lưỡi câu cá cờ, cá mập.
Ðám tang của thằng Hồ ầm ĩ náo loạn xóm chài cả mấy ngày liền. Sau khi chôn cất thằng Hồ xong, trong xã chưa kịp bình yên lại dậy sóng với tin má Sùng có thai với thằng Hồ.
Hôm đó, tôi mới trở về từ thành phố sau những ngày xa xóm để chuẩn bị nhập học cho niên học mới. Trên đường từ thành phố trở về, đến quốc lộ số Một, tôi thấy cảnh vợ chồng ông bà Kiên lôi má Sùng đi. Tay má Sùng bị cột chặt bằng một sợi dây thừng lớn, loại dây người ta kết vào lưới cào giã cào. Hai người lớn tuổi ra sức kéo, người trẻ còn lại chẳng muốn đi. Theo sau là một đám con nít bu đen như kiến. Cảnh tượng ấy như thể mọi người đang coi trò kéo co. Trong đám con nít đó, một vài người lớn và những đứa choi choi, có cả thằng Lượm. Thấy tôi, thằng Lượm vừa chạy lại và gọi lớn:
– Hê… Tuấn… Mày đi thành phố mới dìa hả?
– Ừa…
Tôi dừng xe đạp lại, xuống xe, kéo thằng Lượm qua bên lề hỏi nó:
– Chuyện vì vậy Lượm? Sao ông bà Kiên trói má Sùng và kéo đi đâu vậy?
– Mày không biết gì sao? À mà chắc mày chưa biết… Má Sùng có chửa với thằng Hồ, nhưng ông bà Hải không nhận bị thằng Hồ đã chết. Ổng bả đuổi cả nhà ông bà Kiên ra khỏi nhà không cho ở nữa. Giờ ông bà Kiên dẫn má Sùng lên núi Bạc tránh tiếng.
– Mà sao không dẫn đi mà trói má Sùng tội vậy?
– Bị má không chịu đi. Bị đòi ở lại nhà ông bà Hải, nên họ mới lấy dây cột tay lại kéo má Sùng.
– Ờ… Tội cho má Sùng quá. Mà lên núi rồi họ ở đâu?
– Nghe nói ông bà Hải cho cái rẫy trên núi Bạc để nhà ông bà Kiên và má Sùng ở, nhưng cấm không cho về làng.
– Ờ…
– Bây giờ mới có xế trưa, đi kiểu này không biết ngày mơi có tới núi Bạc không nữa… Thôi, tao không đi theo coi. Mày chở tao dìa được không?
– Ừa…
Tôi quay đầu lại nhìn thì thấy đội hình rồng rắn kéo co ấy chỉ vừa băng qua quốc lộ… Ðám con nít cũng tản ra gần hết. Ðám con nít ở trong cái xã này, đứa nào cũng sợ băng qua bên kia đường quốc lộ, nhất là đường ray xe lửa. Tai nạn thường hay xảy ra trên đường quốc lộ này, nên chúng không dám tiếp bước. Chúng quay về xóm.
Má Sùng đi rồi, xóm chài bình yên trở lại như chưa có chuyện gì.
Những tháng kế tiếp, tôi vào thành phố để học. Chuyện xóm chài tôi bỏ lại sau lưng. Mãi đến hai mươi sáu Tết tôi mới về nhà. Vừa về đến đầu xóm, tôi thấy thằng Lượm đi biển về. Trên tay nó bưng một giỏ đầy ghẹ. Thấy nó, tôi gọi lớn:
– Lượm… Lượm… Mày mới đi biển về hả? Có được nhiều không?
Nó nhìn tôi, cười, rồi nói:
– Ðược một mớ ghẹ. Chút lấy nửa chục về ăn?
– Thôi để mày bán kiếm tiền.
– Lâu lâu mày mới dìa, lấy mấy con ăn chứ bán buôn gì. Ừa mà lần này mày dìa ăn Tết đúng không?
– Ừa, tao về ăn Tết ra tháng mới đi học lại.
Lượm vẫn thế. Nó vẫn luôn xởi lởi và rộng rãi với bạn bè. Nó biết tôi thích ăn ghẹ bông, nên lựa những con lớn nhất đem qua nhà cho tôi. Tôi ngại không lấy, nhưng nó nói với tôi rằng, của biển cho, hôm nay được thì cứ ăn. Lâu lâu mới về xóm một lần chứ đâu phải ngày nào cũng được.
Tôi ở nhà vài hôm để phụ mẹ và ngoại sửa sang bàn thờ, nhà cửa đón Tết.
Ðấy là năm 1995, năm đầu tiên nhà nước cấm đốt pháo vào dịp Tết. Tết mà thiếu tiếng pháo kém vui hẳn đi. Mấy ngày Tết trong xóm chài của tôi yên ắng. Một vài người tụ lại chơi bầu cua, sóc dĩa, lô tô, xì dách, nhưng tôi chẳng thích chơi vì tôi còn phải để dành tiền để trả tiền học phí chứ không dám chơi những trò đỏ đen, sát phạt. Hình ảnh thằng Hồ mới hôm nào, khi người ta “câu” nó vào bờ, vẫn còn ám ảnh tôi, mỗi khi tôi thấy ai chơi cờ bạc, dẫu chỉ là ba ngày Tết để giải trí.
Mùng Năm Tết, khi mọi người đang chuẩn bị trở lại công việc thường ngày thì vợ chồng ông bà Kiên dắt má Sùng về xóm. Ông bà dắt má đến ngôi biệt thự. Phía sau họ là một đám con nít kéo theo như bầy ruồi. Ba người vừa bước vô ngôi biệt thự, là ông Hải vội khép cổng lại. Ông đưa tay xua đuổi đám con nít như người ta đuổi tà.
– Ði… Ði… Ði hết đi, có gì đâu mà coi.
Ðám con nít dạt ra, chỉ còn lại một vài đứa tò mò đứng quanh quẩn ngoài bờ rào đưa mắt dòm vô trong.
Sau này, tôi nghe kể lại, ông bà Kiên được vợ chồng ông bà Hải cho về ở lại trong xóm để chờ cho má Sùng sinh con. Nghe nói má Sùng sinh được một đứa con trai lành lặn, khỏe mạnh, và rất dễ thương. Họ đặt tên cho đứa nhỏ là Hởi, Nguyễn Văn Hởi. Nhưng sau khi sinh con xong, ông bà Hải giành lấy đứa nhỏ để nuôi và đuổi cả nhà má Sùng về rừng. Họ viện lý do rằng đứa nhỏ ở gần má Sùng sẽ khùng giống má. Vả lại, vợ chồng ông bà Kiên cũng lớn tuổi không đủ sức khỏe và tiền bạc để nuôi một đứa trẻ vừa mới chào đời.
Người ta kể rằng: Mặc dầu con đường từ núi Bạc về xóm chài cũng hơn nửa ngày đường đối với người thường. Nhưng, má Sùng vẫn thường trốn ông bà Kiên bỏ xuống xóm chài để thăm con. Mỗi lần về, má chỉ dám đi quanh nhà ông bà Hải nhìn vào. Má Sùng chỉ cần nghe được tiếng con khóc rồi mới chịu rời khỏi nhà ông bà Hải để trở về rừng. Trong một lần trốn về xóm thăm con, má lỡ chân té xuống suối Ðá Ràng giữa đêm khuya.
Sáng hôm sau, khi người ta đi rẫy mới phát hiện ra thi thể của má. Kể từ đó, người trong xóm cũng không thấy vợ chồng ông bà Kiên nữa. Có lẽ họ đã bỏ làng, bỏ xã đi đến một nơi nào đó để quên đi nỗi đau trong lòng.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved