CHUYẾN XE CUỘC ĐỜI.

tác giả Danh Hồng Ngọc
70 xem

Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết rồi, người tổ chức hối thúc hắn từ tuần trước, khi ông ta lên Sài Gòn mua vài món đồ để chuẩn bị cho chuyến vượt biên trong những ngày đầu năm.
30 Tết mà khởi hành thì sẽ chắc ăn như bắp, theo lời ông ấy nói. Nhưng đối với hắn, không có một cái gì gọi là tuyệt đối cả. Lần này vừa tròn chuyến thứ 6 rồi, những lần trước, đôi khi bị gạt, đôi khi đang lòng vòng quanh bãi thì phải chạy thục mạng vì bị công an hay dân phòng phát hiện. Gia tài của cả gia đình lần lượt hao mòn vì tương lai của hắn, càng nghĩ càng đau xót và thương cha mẹ vô cùng!
Buổi trưa 28 Tết, vai đeo ba lô, đầu đội cái nón tai bèo, trang phục bằng bộ đồ công nhân, hắn giống như một chàng thanh niên xung phong đang trên đường về quê ăn Tết.
Anh Hai bịn rịn châm điếu thuốc đưa cho hắn rồi ân cần dặn:
-Hy vọng lần này thành công, cố gắng gìn giữ sức khoẻ. Em đi trước, bình an rồi sẽ đến phần anh. Cả nhà đợi tin từ em.
Một cái siết tay thật chặt, hắn vội quăng điếu thuốc khi thấy chiếc xe đò từ từ tấp vô lề đón khách.
Xe vừa trong bến ra nên vẫn còn chỗ trống, anh lơ chỉ chỗ cạnh một người con gái. Cô nàng khá xinh đẹp, trông thật thuỳ mị, nhẹ nhàng trong chiếc áo dài trắng, ôm gọn một chiếc cặp học sinh đang chăm chú đọc sách. Nếu như thường ngày thì hắn sẽ bắt chuyện làm quen ngay, nhưng hôm nay ruột rối trăm bề, cái dư âm mới chia tay gia đình vẫn chưa tan biến, mẹ của hắn khóc từ sáng sớm, lâu lâu đưa tay bóp nắn khuôn mặt hắn rồi ôm hun chùm chụp. Cho đến khi ngồi phía sau anh Hai để ra xa lộ Hàng Xanh đón xe về Vũng Tàu, hắn thấy mẹ đang sụt sùi khóc.
Cô gái bên cạnh vẫn nhìn vào quyển sách,hắn liếc mắt nhiều lần mà thấy cô ta tỉnh bơ nhưng trên môi nở một nụ cười mỉm. Chiếc xe đôi lúc qua những khúc quanh, sự va chạm đầu tiên làm cho cô xếp quyển sách lại và nhìn hắn.
Hắn cười nói :
– Xin lỗi cô, tôi không cố ý.
Nàng thoáng chút e lệ ngập ngừng:

– Dạ, tui biết.
Xe chạy qua ngã ba Tân Vạn và rẻ về hướng Vũng Tàu, hắn bất chợt rung động khi một làn gió thổi mạnh qua, hất mái tóc đen dài lên cao, một cái cổ trắng nõn nà đập vào đôi mắt của hắn.
Hắn ngượng ngùng mở lời để xua đuổi cái ý tưởng đen tối đang nhen nhóm trong đầu:
– Cô về nhà ở Vũng Tàu ăn Tết.
– Dạ, thưa anh.
– Cô còn đi học.
– Dạ còn.
– Cô học ở phân khoa nào .
– Dạ sư phạm.
– Hân hạnh chúc mừng cô giáo tương lai.
– Dạ Cám ơn anh .
– Chắc cô gần đi dạy.
– Dạ sang năm nếu em thi tốt nghiệp đậu .
– À, thì ra năm nay là năm cuối.
– Dạ .
– Cô là cô giáo nên cứ dạ hoài ,đừng có dạ nữa làm cho tôi mắc cỡ quá.
– Dạ em quen rồi .
– Cô là cô giáo, vậy cô có biết hai câu thơ này là của ai không:
“Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
– Dạ biết.
– Vậy cô có thể cho tôi biết tên và địa chỉ không?
Nàng nhìn hắn một thoáng thật lâu rồi từ từ nói:
– Em tên là Diệp, chung cư Đại học Sư phạm số..đường…Sài Gòn.
– Ngọc Diệp có phải không?
– Ủa sao anh biết hay vậy?
– Bởi vì tôi là chữ lót của cô mà .
– Tên của anh là Ngọc?
– Tôi lúc nào cũng muốn đứng sau và bảo vệ cho cô.
Nàng lại đỏ bừng mặt,nhìn hắn cười mỉm:
– Anh nịnh đầm và dẻo miệng ghê.
Những câu chuyện của hai đứa càng thân mật và thú vị, phút chốc hắn tưởng như là quên mất cái lý do phải xuống Vũng Tàu trong ngày hôm nay.
Con đường hình như càng thu ngắn lại,chiếc xe đò của buổi xế chiều cuối năm chạy ngang qua Phú Mỹ, rồi núi Ông Trịnh, Chu Hải khiến hắn nhớ đến chuyến vượt biên lần trước; cũng tại nơi này cả nhóm chạy thoát trong gang tấc vì sự ăn chia không đồng đều giữa công an và dân phòng địa phương.
Nhìn vào ngỏ rẻ hướng về một hòn núi xa xa tận Vũng Tàu, nơi mà có thể là tối nay hay mai , hắn sẽ rời bỏ quê hương. Hắn bùi ngùi giọng hơi buồn:
– Cô Diệp ở Vũng Tàu , thế có bao giờ đến đảo xã Long Sơn chưa vậy.
– Dạ chưa anh.
-Đảo Long Sơn, đúng là một điểm vô cùng hy hữu và thú vị.Người dân trong đảo đa số đều mặc đồ bà ba đen và theo đạo Ông Trần, một đạo phái thờ cúng ông bà của dân Việt Nam ;đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Nó thoát thai cũng từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An ; tiền thân của Phật giáo Hoà Hảo.
-Anh kể chuyện hay quá! Chắc hồi đó học ở Văn Khoa trước 75 phải không?
-Tôi thi Kiến trúc năm 76 , vì học dở nên rớt, đâu có giỏi như Ngọc Diệp mà đậu đại học.
-Chỉ may mắn mà thôi anh.
-Không biết tôi có may mắn có cơ hội gặp lại Diệp?
-Cái này phải tuỳ ; ngừng một chút nàng đáp nhỏ chữ … duyên.
Hai người chia tay tại bến xe.Hắn ngẩn ngơ nhìn cái dáng người uyển chuyển tung bay với hai tà áo dài trắng phất phơ,một ký ức học trò còn sót lại của ngày cuối cùng trên quê hương? Âm vang đâu đây cái không khí Tết của những bài hát rộn ràng hương vị cuối năm.
Bất chợt một cảm giác tiếc nuối và hụt hẫng tự nhiên tràn ngập trong lòng, khi hắn nhớ lại chữ Duyên nho nhỏ của nàng
“Người ơi gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”(Nguyễn Du).
Đêm 28 Tết năm ấy, vì sợ bị để ý, người tổ chức không dám chứa hắn trong nhà mà kêu ra khách sạn trọ ngủ. Kinh nghiệm qua mấy lần vượt biên hắn không dám vào khách sạn với giấy tờ giả, mà phải lang thang ở bãi biển để rồi mướn một cái chiếu tại bến xe, đợi chờ những tiếng đồng hồ trôi qua chậm chạp.
Buổi sáng thức dậy cũng bổn cũ soạn lại, hắn đi một vòng quanh nhà người tổ chức, rồi từ Thắng Nhứt lội bộ hằng mấy cây số ra bãi sau, tiến vào trung tâm thị xã, qua những hàng cây bàng, cây me, cây dương những đại lộ ngập nắng mong được gặp lại lần cuối cùng tà áo dài trắng của cô giáo tương lai mà hắn đinh ninh chắc chắn là có duyên.
Tối 29 biển động mạnh, và chuyến vượt biên đành hủy bỏ.Tất cả khách đều phải trở về nhà đón Tết. Đúng là năm cùng tháng tận, cái số của hắn nó đen như là đêm 30 Tết.
Hắn biết tin trễ, không còn xe trở về Sài Gòn đành phải lang thang trên những con đường mà có thể là nhà nàng ở trong đó.
Vừa đi hắn vừa thì thầm một ca khúc của Vũ thành An được phổ từ thơ thi sĩ Nguyễn đình Toàn:
“Anh đến thăm em đêm 30
Còn đêm nào vui bằng đêm 30
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em …
Nghĩ cũng thật lạ vô cùng, chỉ mới có gặp lần đầu, chưa hiểu gia thế ra sao mà đã vội vàng tưởng nhớ . Nếu đêm nay như đúng với chương trình, hắn theo tàu ra khơi thì chắc chắn cái dư âm của chuyến xe cuối năm ngày nào sẽ vùi sâu giữa lòng biển cả.
Cái tánh đa tình của hắn, nó đã thấm vào tim vào óc rồi không thể nào tẩy được:
“Ai bảo em là giai nhân cho đời anh đau khổ.
Ai bảo em ngồi bên khung cửa sổ cho anh vướng vấn nợ thi nhân”
(Lưu trọng Lư).
Hay là:
“Gặp nhau duyên nợ tình cờ
Gần nhau thoáng chốc đâu ngờ lại xa
Trao ai ánh mắt …thiết tha
Vấn vương một kiếp, phôi pha một đời.”
(thơ TiPi)
Bất chợt tiếng pháo giao thừa đâu đó reo vang rền ầm ĩ, ngang qua một căn nhà, hắn dừng lại và đưa mắt nhìn vào. Một bàn thờ lộ thiên đã làm sẵn ,lễ đưa tiễn ông bà tổ tiên trong đêm 30 Tết để tỏ lòng nhớ ơn và tôn kính, một truyền thống phong tục đây rồi.
Hắn chợt nhớ tới gia đình, hai hàng nước mắt lại ứa ra. Để thể hiện cái cảm xúc đang trào dâng trong tâm hồn, hắn vừa đi vừa khe khẽ hát :
“Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa.
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương .
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà.”(Nguyễn văn Thương ).
Một đêm thức trắng, đêm 30 Tết người ta đang quây quần bên thân bằng quyến thuộc, bên tách trà ngon bên ly rượu ấm. Còn hắn ngồi thừ người trong nhà chờ xe, uống gió lạnh sương khuya, tai nghe tiếng pháo đì đùng. Hắn tống cựu nghinh tân với nỗi cô đơn bằng những điếu thuốc lập loè trong đêm tối…
**************
Hắn đi đi lại lại trên con đường Lạc long Quân này thật nhiều lần rồi. Từ mấy hôm trước ,sau ngày các sinh viên nhập học .
Có lúc từ ngả tư Xóm Gà Bình Thạnh đạp chiếc xe đạp cà tàng xuyên qua Phú Nhuận rồi Tân Bình đến cư xá sinh viên Đại học Sư phạm , ngồi chờ ở một góc ,để uống một ly nước mía rồi đạp xe đi về.Trong túi áo , phong thư mà hắn nắn nót với chữ viết thật đẹp chắc bây giờ đã bị nhầu nát qua những câu thơ:
“Ước gì tôi được quen Cô giáo
Để đến theo Cô học vỡ lòng
Chỉ sợ trẻ đông bàn ghế chật
Người nhiều ,Cô có nhận tôi không?
Nếu Cô đồng ý nhận thêm tôi
Tôi hứa theo Cô đến trọn đời
Suốt đời tôi chỉ theo một lớp
Suốt đời tôi chỉ học Cô thôi…. “
Tương lai vẫn còn mờ mịt, không biết khi nào người ở Vũng Tàu sẽ kêu khởi hành. Mỗi lần hắn dắt xe ra ngoài là nghe tiếng cau có của ba và tiếng cằn nhằn của mẹ.
Nhưng cái chữ duyên nho nhỏ lúc nào cũng vẫn ám ảnh trong đầu, đã thôi thúc hắn không thể nào kìm chế ước muốn gặp lại người con gái của buổi chiều cuối năm , trên chiếc xe đò ; chiếc xe đã chở cuộc đời của hắn.
Có một lần hắn hỏi người bảo vệ cư xá ,sau khi mời một điếu thuốc có cán:
-Chú này, chú có biết ở đây cái cô Ngọc Diệp, quê Vũng Tàu,năm thứ tư, ở dãy nào phòng nào không hả chú.
Người bảo vệ nhìn hắn bằng đôi mắt trợn ngược rồi cười xoà:
-Trời đất ơi! Cậu giỡn chơi với tôi hả .Cậu phải cho tôi biết đấy đủ tên và lớp , ngành nào tôi mới giúp chứ khơi khơi như vậy , tôi làm sao mà biết được .
Ngừng một chút, hút một hơi thuốc thật mạnh rồi ông ta tiếp:
-Thôi để trả cái lòng hữu nghị của cậu, tôi chỉ có thể giúp như thế này.
Hắn mừng rỡ chụp lấy đôi tay của ông ta lắc lắc.
-Cảm ơn chú, cảm ơn chú,
-Nhưng mà cậu có dám làm không?
-Dạ dám chứ .
-Tôi viết chi tiết mà cậu đã cho lên tấm bảng con cầm tay, rồi cho cậu vào ký túc xá của nữ sinh . Cậu dơ cao tấm bảng, đứng dưới cửa sổ rồi kêu Ngọc Diệp, Ngọc Diệp nha.
Hắn ngẩn tò te trước đề nghị của chú bảo vệ và từ từ dắt xe đạp ra về…
Cho đến một ngày, một ngày hắn không mua vé số mà lại trúng độc đắc.
Buổi chiều hôm ấy, cũng đạp xe trước cư xá sinh viên,cũng ngồi trong quán nước mía, đang dõi mắt nhìn về hướng cổng , trong đầu nhớ lại một bài thơ,bản nhạc từ lâu tận tiềm thức :
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ …
Ai đem bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ…
Thì bất chợt một cô gái đứng trước bàn,đưa cho hắn một mẫu giấy gấp tư, nhìn hắn hỏi:
-Anh tên là Ngọc phải không?
Hắn lúng túng đứng lên, nhìn người đối diện .
-Cô là…
-Tôi là bạn của người anh đang tìm. Diệp. Anh may mắn lắm đó. Diệp nói, anh hãy coi tin nhắn và đi về nhà.
-Cô có thể kêu Diệp ra cho tôi gặp một chút được không?
-Anh hãy đọc tin nhắn trước đi
Hắn run run mở tờ giấy; chỉ vỏn vẹn vài chữ, nhưng chính là một dòng nước cam lồ đang tưới vào tim gan vậy.
“Ngày mai anh hãy chờ lúc tan học 12 giờ 30 trước cổng trường sư phạm .Đừng có đến đây nữa. Diệp.”
Hắn lập lại câu hỏi :
-Tôi có thể gặp Diệp hôm nay được không ?
-Anh đã chờ đến mấy ngày liền rồi ,thì chờ thêm một ngày nữa có sao đâu.
Khi cô bạn của Diệp định quay gót bước đi, hắn vội nhớ ra một điều quan trọng:
-Nhờ cô trao cái này cho Diệp.
Cô bạn chúm chím cười, đưa tay nhận lá thư nhầu nát.
Cuộc tình bắt đầu từ đó .Chuyến vượt biên ở Vũng Tàu không có hắn tham gia.Đó là điều may mắn, hắn đem chuyện tình này kể cho ba mẹ và kết luận rằng Diệp có cái mạng Vượng phu ích tử. Bởi vì chuyến vượt biên ấy chưa ra tới hãi phận quốc tế đã bị bắt lại.
Ngày hắn đưa nàng về ra mắt, cả nhà ai cũng dành cho nàng nhiều cảm tình đặc biệt. Hắn nghe mẹ thuật lại rằng:
-Ba mày khó tánh, gia trưởng đến chừng nào, đến mẹ mà cũng không chịu nổi. Vậy mà qua tiếp xúc với con Diệp, ông ấy khen nức khen nở:
-Đúng như thằng con bà nói, con nhỏ này cốt cách của nó rất tốt , có thể là Vượng phu ích tử ,bà để ý coi; làn tóc mai dài óng ả, tóc màu đen đậm mượt mà.Chỉ bộ tóc không cũng đủ biết là một người đoan trang,chính trực.Người xưa đã từng nói rằng; cái răng cái tóc là gốc con người đó bà ơi. Nó nói chuyện rất có duyên, nhẹ nhàng và trầm ấm. Có lẽ nhờ cái miệng hay cười mỉm , biểu hiện cho tánh tình ôn hoà thân thiện.
Mẹ không ngờ ba mầy để ý từng chút, nhưng nói chung là ổng bằng lòng con nhỏ này rồi đó.
Hắn lại đem chuyện này thuật lại cho nàng nghe , nàng đỏ mặt :
-Sao cả nhà của anh , ai cũng biết xem bói vậy! Hồi đó mới nghe em nói tên Diệp ,là anh đoán liền Ngọc Diệp.
Nâng bàn tay của nàng nắm chặt lại, hắn từ tốn nói:
-Anh chỉ đoán mò thôi em ơi. Thường tên Diệp đi chung với Bạch Diệp hay Ngọc Diệp, nhưng xác xuất là Ngọc Diệp lớn hơn. Em có nghe câu lá ngọc cành vàng không? Đó là ý nghĩa tên của em.
-Dạ , nhưng em đâu phải là một người con gái cao sang, quý phái gì đâu. Nhà em ở Vũng Tàu nghèo lắm. Bữa đó nhìn anh lang thang trước nhà mà em đâu dám cho anh thấy.
Hắn giật mình:
-Cái gì ; hắn ấp úng nói tiếp
-Hôm giao thừa , bộ em thấy anh trước cửa hả.
-Dạ, nhà em ngay mặt tiền đường Nguyễn bỉnh Khiêm, anh đi ngang qua tới hai lần.
-Sao không kêu anh vào, để đêm giao thừa đó anh ngủ với trăng với gió,
-Dạ, em với má đang cúng ông bà , má mà biết em mới quen với anh trên xe đò , chắc má đánh em chết mất.
Một buổi tối, khi tất cả các em đều đi ngủ, quanh bàn ăn chỉ còn ba mẹ và hai anh em. Ba của hắn lên tiếng:
– Có một ông cán bộ đánh tiếng mua căn nhà này với một số tiền rất lớn, mấy năm nay nhà mình không còn như xưa, điều này tụi con cũng đã biết. Ba má định bán rồi ra gần bến xe miền đông, mua lại một miếng đất ngày xưa là của thương phế binh chính quyền cũ nên rất rẻ. Bây giờ họ lại ngăn sông cách chợ, bế môn toả cảng, vật liệu máy móc đều thiếu thốn. Gia đình mình sẽ mở chỗ phục hồi những hư hại dụng cụ cho các máy này. Cái lợi thế là gần bến xe, chắc thế nào cũng có ăn.
Ba đưa mắt nhìn thẳng hắn rồi nói tiếp:
– Ba đã đặt tất cả hoài bảo của ba vào chỉ một mình con, mặc dù con không học giỏi bằng anh hai nhưng con có cái tính giống ba, tự lập, giỏi giao tiếp thì một mình chắc sẽ tạo được sự nghiệp. Cũng vì thế mới cho con đi vượt biên trước hết để có chỗ dựa cho gia đình sau này. Hôm nay ba mẹ muốn nói rõ cho con biết, sẵn có số tiền bán nhà, con muốn dẫn con Diệp đi cũng được. Còn không thì cưới nó đi, con ở lại, anh hai sẽ đi.
Đã từ lâu hắn mới thấy ba hắn nói nhiều đến thế, sao mà nó ngọt ngào và thân thương! Đúng là tình cha như biển rộng sông dài.
Hắn tự nhiên cảm thấy xấu hổ khi nghĩ lại những việc làm vô tâm từ trước và cảm thấy rơm rớm nước mắt bởi ý nghĩ cha mẹ rồi sẽ già yếu, rồi sẽ vĩnh viễn rời xa mình, có lẽ sẽ làm cho mình ray rứt suốt cả cuộc đời.
Đúng là:
“không ai thương yêu con cái bằng cha mẹ”
“Cha là bóng mát giữa trời,
Cha là điểm tựa, bên đời của con” (ca dao).
***************
Tuần trăng mật của cả hai vợ chồng là một chuyến du lịch tại đảo xã Long Sơn. Đảo của một tôn giáo thờ đạo Ông Trần, bởi vì khi nghe hắn giải thích tường tận nguồn gốc của cái đạo thờ cúng ông bà này, nàng đã nhìn hắn bằng cặp mắt ngưỡng mộ làm xao động trái tim.
Cả hai người đều chọn thị xã Bà Rịa là nơi cư trú đầu tiên để lập nghiệp. Nàng ra trường sư phạm và xin dạy ở một trường cấp ba, cách thị xã hơn 10 cây số, đi về phía Xuyên Mộc Bình Châu, quê hương của hoa Lê ki ma- Đất Đỏ, cho gần nhà má của nàng ở Vũng Tàu.
Buổi chiều trên xã đảo, nhìn những chiếc tàu đánh cá ngoài xa, khi nắng chiều ngã dần dần xuống, bầu trời từ từ đổi màu cho đến lúc một nửa mặt trời đang chìm trên một dãi lụa màu đỏ rực. Gió biển thổi nhè nhẹ mang theo hương vị mặn của nước biển, hắn thấy lòng man mác bâng khuâng, chiếc thuyền chập chờn làm hắn bồi hồi cảm xúc nhớ lại chuyến vượt biên đã qua. Nếu như ngày ấy đi thoát thì đâu có cái hạnh phúc ngày nay. Đúng là duyên số đã định. Đúng là duyên nợ không thể nào tránh được.
Ngồi trên một mỏm đá nhìn về phía núi Vũng Tàu từ xa, hắn bỗng cất tiếng hát:
– Chiều trên quê hương tôi
Gió đến chơi từ bờ biển xa
Núi đôi khi màu sim tím lạ
Nắng như môi hoàng hôn trên phố
Chiều trên quê hương tôi
Nói bao nhiêu điều đã trôi qua
Có riêng em cuộc đời sẽ nhớ
Nét quê hương nghìn năm vẫn lạ !
(T.C.S)
Ngọc Diệp nép tựa vào lòng hắn thầm thì :
– Anh đáng yêu quá!
Đưa tay xoa cái bụng lum lúp của vợ, hắn liên tưởng đến một mầm sống đang ở trong đó:
– Cô giáo của anh có biết hai câu thơ này không?
“Thiên thượng phù vân như bạch y
Tu du hốt biến vi thương cẩu”
– Dạ em biết, đây là thơ của thi hào Đỗ Phủ, chỉ vì lần đầu anh gặp em mặc chiếc áo dài trắng mà chúng ta đều cùng tuổi Tuất, phải không anh?
Nó có nghĩa bóng là:
Cuộc đời là Vô Thường, biến đổi không lường, từng giây, từng phút, từng giờ và từng ngày.

***Lời cuối:
Đây là câu chuyện của một đồng môn, học chung lớp 6 và lớp 12 với người viết. Cô giáo vợ người bạn, lại là cháu chồng của một người dì, kêu dì của người viết là mợ.
Hồ ngọc Danh.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved