Một chuyện tình thời hậu chiến.

tác giả Hồ ngọc Danh.
43 xem


Chương một: Kinh tế mới
Những ngày đầu tháng năm khi hoà bình đang hiện diện, Ngà vui mừng lắm. Trên chiếc radio vang dội những bài ca xa lạ, âm điệu rất chối tai nhưng nó có một sự cuốn hút lạ, nó rộn ràng hình như khơi động cái tuổi trẻ đang rạo rực trong tâm hồn một thiếu nữ vừa tròn 17 tuổi.
Hết chiến tranh, tức là không còn bắn giết lẫn nhau ,tức là ba sẽ được giải ngũ . Mẹ không còn thấp thỏm lo âu bên bàn thờ mà mỗi buổi chiều, thường khấn nguyện cho ba được bình yên giữa lằn tên mũi đạn.
Cuộc nội chiến đã chấm dứt, nhiều phe nhóm chính trị đối lập bây giờ đã sụp đổ hoàn toàn và chỉ còn duy nhất một nhóm mà thôi.
Cuộc chiến qua đi rồi, nhưng hậu quả và sự cai trị không bằng cấp của kẻ thắng cuộc đã khiến cho gia đình nàng từ từ bước xuống một vực sâu thẩm tận đáy .
Chỉ hơn một tháng sau đó, bởi vì nơi cư ngụ của gia đình nằm giữa thủ đô và thôn quê,cái vùng nữa quê nữa tỉnh này thật sự là đáng sợ .Sự trả thù cá nhân của du kích địa phương đã xảy ra ,nhất là sau khi thông báo những hạ sĩ quan và sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà đi học tập.
Ba thường xuyên bị gọi tên trên loa phóng thanh , không biết sẽ bị bắt lúc nào .Rồi kinh tế gia đình khó khăn , gạo và củi đã trở thành gánh nặng trên đôi vai của Ngà.Một vài nhà trong xóm đã rục rịch hồi hương .
Ba và mấy chú bác quyết định rời bỏ quê hương Bình Chánh để đi đến một vùng đất mà ngày xưa đã hành quân ngang qua. Đó là Xuyên Mộc, một khu rừng rậm trong tỉnh Bà Rịa Phước Tuy.
CHUYỆN TÌNH THỜI HẬU CHIẾN
Tiếp theo
Anh Hai học trễ một năm nên chưa kịp đến ngày thi Tú tài thì bị động viên và phải vào trường Hạ sĩ quan Lam Sơn Dục Mỹ. Anh là cháu kêu má tôi là dì ruột. Ngày anh đến từ giã, má tôi gói ghém tiền đưa cho anh để làm lộ phí nhập ngũ, anh không lấy mà nói rằng:
– Dì giữ lại mà lo cho các em, con đã có chính phủ nuôi rồi.
Anh mồ côi cha từ nhỏ, cha anh một tín hữu có chức sắc trong đạo Cao Đài Đất Đỏ, nên hấp thụ nền giáo dục này, anh rất hoà nhã, ăn nói nhẹ nhàng và được nhiều người mến thương.
Thánh thất Cao Đài Đất Đỏ bắt nguồn từ Cao Đài Bến Tre chỉ chuyên về đạo của Đức giáo tông Ngài Nguyễn Ngọc Tương. Bởi vì trong thập niên 1930 Ngài làm chủ quận Xuyên Mộc, sau đó từ quan và về Đất Đỏ ẩn cư rao giảng đạo Pháp Đại đạo Tam kỳ phổ độ.
Tôi còn nhớ, năm đó Noel 1972, lần đầu tiên được gia đình một người bạn mời ăn Reveillon, tiệc Giáng sinh, tôi đã làm một bài thơ con cóc gởi cho anh:
-“ Anh Hai mến, người anh đà yêu dấu
Bóng hình anh mãi mãi trong tim em …
Trên sân thượng nhìn phía trời anh tập
Mắt mơ hồ chợt ngấn lệ nhớ anh…”
Anh nhận được và trả lời khen trong dòng họ đã nảy sinh một thi sĩ nhí !
Vâng, anh rất hiền và nhân từ như một ông Bụt, thường cung kính với người bề trên, mỗi lần gặp là chấp tay cúi đầu xá, không làm mích lòng ai kể cả một đứa con nít. Vậy mà anh khi ra trường Hạ sĩ quan anh lại chọn một binh chủng tổng trừ bị đứng thứ hai sau nhảy dù, binh chủng oai hùng đã dựng ngọn cờ trên cổ thành Quảng Trị .
“Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…” Đó là Thủy quân Lục chiến.
Đơn vị của anh đóng tại Huế và tan hàng giữa tháng 3 năm 1975.
Cái danh từ thằng nguỵ ác ôn đã gắn liền vào cuộc đời sau ngày đất nước thay đổi màu cờ, anh bị trưng dụng phải làm lao động xã hội chủ nghĩa để trả dần những nợ máu đã vay mượn của nhân dân !
Ngày lên Bưng Riềng theo lệnh của xã để cất nhà cho người dân Thủ Đức Biên Hoà đi kinh tế mới. Anh rung động trước một cô thiếu nữ, chủ quán tạp hoá có dáng dấp thành thị.
Ngày đó với một nỗi lòng trắc ẩn u buồn vì thời cuộc, ngang qua một hàng quán nhỏ cạnh bìa rừng, một giọng hát nho nhỏ nghe như đi sâu vào tim gan của anh. Bài hát của nhạc sỹ Hoàng thi Thơ đã đưa anh vào dĩ vãng:
-Tìm đâu những ngày thơ ấu qua
Tìm đâu những ngày xinh như mộng
Tim đâu những ngày thơ
Tìm đâu những vần thơ
Tìm đâu biết tìm đâu bây giờ…
Tim đâu những ngày thơ ước mơ
Tìm đâu những ngày hết mong chờ
Ngày thơ biết tìm đâu
Tìm đâu biết tìm đâu bây giờ?
Anh ngẩn ngơ nhìn vào và xúc động với một người đồng cảm.
**************
Chương hai: Tình yêu
Ngà nao nức trong lòng vì tối nay lần đầu tiên đội chiếu phim lưu động sẽ phục vụ tại hội trường ủy ban nhân dân xã. Cứ ngỡ là cái văn minh thành thị tưởng như đã chìm sâu từ hơn một năm nay rồi, không ngờ bất chợt bùng dậy. Nhưng cái bất ngờ nhất làm nàng giựt thót tim là những câu nói của chị Vân, một chị bạn mới thân, làm công nhật cắt tranh chặt lá dựng nhà cho dân đi kinh tế mới.
– Em Ngà có người yêu chưa nè?
Ngà ngây thơ trả lời:
– Quanh đây chỉ toàn là chim và sóc, có người nào đâu mà yêu với thương chị ơi!
– Vậy thì được rồi, có một người để ý đến em đó nha.
Ngà tủm tỉm:
– Chị đừng cười em, xấu xí như em, ai mà thèm để ý.
– Xấu với ai thì chị không biết, nhưng đối với người đó, em chính là một nàng tiên. Bởi vì người đó lúc nào cũng nhắc đến tên em, lúc nào cũng khen em nức nở.
Ngà hồi hộp hỏi:
– Bộ anh ấy có gặp em rồi hả chị? Ai vậy, sao em không biết gì hết?
– Chịu rồi phải không?
Chị Vân cầm tay Ngà rồi nói tiếp:
– Muốn biết thì tối nay đi xem chiếu phim, chị sẽ giới thiệu cho hai người làm quen.
– Mà chị phải nói sơ cho em về anh ấy chứ, em đâu có biết mặt mũi tánh tình người ta ra sao để chịu hay không chịu?
– Bảo đảm với em là anh ấy rất hiền, ít nói, đã từng ở Sài Gòn 4 năm, hết chiến tranh mới về Đất Đỏ sống.
Ngà thấy rộn rã trong lòng, một cảm giác khó diễn tả, nó giống như một nỗi sung sướng hạnh phúc đang xoay quanh tâm hồn khi biết có một người đã để ý đến mình.
Chị Vân nhìn thấy sự thay đổi trên khuôn mặt của Ngà, từ đôi chân mày nhíu lại rồi đến màu e thẹn đỏ bừng đôi má. Chị cười nhẹ nói lời cuối trước khi ra về:
– Đúng 7 giờ tối nay nha em.
Hầu như cả nhà đều đi xem buổi chiếu phim hôm ấy, chỉ một mình ba phải ở nhà coi chừng quán mà thôi. Ngà không cần chờ lâu thì chị Vân tìm đến nắm tay kéo đi. Đắn đo suy nghĩ, Ngà nửa muốn tò mò, nửa thì sợ sệt mắc cỡ, lại có anh hai và mẹ ở bên cạnh, thì chị Vân liền đứng trước mẹ cúi đầu chào và nói:
– Dạ con chào bác, xin phép bác cho con dẫn Ngà đến chỗ con ăn chè.
Mẹ gật đầu và kêu một đứa em đi theo.
Lúc này đèn chiếu phim đã bật sáng. Ánh sáng rọi giống như chiếc đèn pha giữa một bầu trời đen, giữa tiếng reo hò vỗ tay của mọi người. Đứa em gái mê cái màn ảnh chạy hình nên không chịu đi. Ngà thấp thỏm hồi hộp bước chân theo chị Vân dò từng bước chập chờn vừa run sợ vừa háo hức.
Người con trai này Ngà biết mặt, đã đến quán nhiều lần, chủ yếu chỉ là mua đường, bánh hay tương chao, không bao giờ anh này hỏi bia rượu hay thuốc lá. Ngà còn nhớ có một lần đang đong đưa trên chiếc võng, hồi tưởng lại tuổi học trò nên nàng ca bài những ngày thơ mộng:
“Ai tìm giùm đàn bướm trắng
Bay tìm tình đường loang nắng
Ai tìm giùm cô gái xóm
Khoe giọng hò đường hoang vắng
Và nhớ đi tìm đàn bé nô đùa
Ngoài đồng lúa hay trong sân chùa…”
Bất chợt nàng thấy người nhìn vô quán, sượng sùng ngồi dậy định hỏi thì anh vội vã đi khỏi. Thì ra chính là anh ấy.
Anh cầm hai chén chè đưa cho hai chị em, anh ăn nói rất nhỏ nhẹ. Qua câu chuyện xã giao Ngà mới biết chị Vân và anh là bà con, nên anh mới nhờ chị làm nhịp cầu để anh được ngỏ ý thân tình.
Mối tình đầu của Ngà là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của một buổi chiếu phim lưu động đầu tiên tại Bưng Riềng. Và anh, người yêu đầu đời sẽ mãi mãi luôn là ánh trăng sáng trong tâm hồn một thiếu nữ vừa tròn 18 tuổi .
Tình yêu của cả hai người là một tình cảm trong sáng, chân thành và thuần khiết.
Cái tính hiền lành và điềm đạm của anh đã chinh phục cảm tình của ba mẹ Ngà trong buổi họp mặt gia đình bên một nồi cháo nấm mối.
Anh mang đến biếu gia đình một loại nấm đặc biệt của vùng Xuyên Mộc, không biết ở đâu anh có hay là anh tự đi kiếm nhổ, một loại nấm bắt đầu khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống, ngon và vô cùng ngọt. Nồi cháo bình dị dân dã nhưng cái hương vị nấm mối bao quyện lấy tình yêu của hai người đã khiến ba lên tiếng;
– Bữa nào rổi rảnh con nên nhờ người lớn xuống nhà bác để làm quen nha con.
Anh khoanh tay cung kính với tiếng “Dạ” nho nhỏ, nhưng mãi hơn một tháng Ngà vẫn không thấy thay đổi gì, mà cái ngày chia tay càng lúc càng gần kề. Nhiệm vụ tự nguyện lao động xã hội chủ nghĩa của anh đã xong, anh sẽ trở về Đất Đỏ bỏ lại nơi này, khu kinh tế mới Bưng Riềng một người con gái vừa nếm hương vị tình yêu đầu đời. Ngọt mật đâu không thấy mà chỉ thấy sự day dứt nhung nhớ đắng cay. Hạnh phúc đâu chưa thấy mà chỉ thấy thiệt thòi vì làm thân con gái chẳng lẽ lại nhổ cọc tìm trâu.

Cuộc họp mặt ngày đó là một dấu ấn trong cuộc đời của cô con gái mà tuổi xuân vừa chớm nở.Chiếc áo dài trắng học trò đã vội cất vào tủ từ lâu, nàng biết sẽ không bao giờ được mặc lại để tung tăng vào lớp học nữa, vĩnh biệt phấn trắng bảng đen, giã từ những bạn bè cùng lớp. Khi các chú bác đồng ý quyết định của ba:
-Ở giữa Đất Đỏ và Xuyên Mộc là vùng xôi đậu, hồi xưa có một mật khu của mấy ổng. Một vài lần hành quân nơi này,thấy đất rất tốt ,mình sẽ khai hoang và lập nghiệp tại đó. Nó có tên là Bưng Riềng.
Cái ngày từ giã quê hương thân yêu,đã gắn bó khi trí khôn vừa rộng mở.Ngà khóc sướt mướt trước những lời chúc may mắn của bạn bè, trong vòng tay thân tình của những người ở lại. Ngậm ngùi và chỉ hứa hẹn bởi vì nơi này mãi mãi tuổi thơ vẫn còn đó. Bỏ lại quê hương tức là bỏ lại sau lưng mồ mã của ông bà tổ tiên để theo gia đình đến một nơi khỉ ho cò gáy.
Chiếc xe hàng chỗ đồ ,theo một con đường nhỏ dẫn đến một bìa rừng rồi ngừng lại vì không thể nào tiến sâu vào nữa.Trước mặt hàng cây mọc um tùm,văng vẳng đâu đây như tiếng chim kêu vượn hú một không gian trống vắng đến rợn người ,nhất là về đêm,tiếng côn trùng bắt đầu rên rĩ ,những tiếng động lạ của thú hoang trong rừng vọng đến làm mọi người đều lo sợ.Một cuộc sống bắt đầu đầy gian nan khổ cực dưới tàng cây rừng rậm rạp âm u.
Những túp lều được dựng lên vội vã bằng những bó tranh, lá buông mà ba và các chú bác đã đi cắt trong rừng .
Gia đình Ngà là một trong những người đầu tiên bỏ thành phố lên sống tại Bưng Riềng.Nơi được gói ghém bằng bốn chữ rừng thiêng nước độc.

Chương ba : Ngăn cách
Tôi đang cắm cúi sửa xe đạp cho một người khách thì anh hai tiến tới nói:
– Ngày mai Dân rảnh không?
– Có chuyện gì vậy anh?
– Nếu rảnh thì đi với anh xuống Xuyên Mộc chơi?
– Đi vũng nước sôi Bình Châu hay đi ăn bánh canh Xuyên Mộc thi em sẵn sàng, chứ 30 cây số mà anh không nói rõ lý do, ái chà mệt dữ à nha.
– Rồi, lần này anh dẫn em ăn bánh canh Xuyên Mộc, lần sau sẽ viếng vũng nước sôi Bình Châu. Mà sao em biết hay vậy?Anh sinh đẻ tại đây mà chỉ nghe nhắc ,chứ có bao giờ đến 2 chỗ đó lần nào đâu.
– Thì em cũng nghe bạn bè nói bánh canh chợ Xuyên Mộc nổi tiếng giống như bánh hỏi An Nhứt. Còn ở Đất Đỏ của mình là cái gì vậy anh?
Anh suy nghĩ một chút rồi đáp :
– Có lẽ là bánh tét bắp. Phải rồi, chắc chắn là bánh tét bắp từ Sài Gòn cho đến miền trung, tận Huế chỗ nào cũng có bánh tét, mỗi một vùng cách gói và nhưn khác nhau ngọt mặn đủ loại. Nhưng chỉ duy nhất là tại Đất Đỏ này phát minh ra bánh tét bắp.
– Chắc là quê hương Đất Đỏ, bắp ngon đặc biệt hơn chỗ khác .
– Có lẽ vậy đó em.
Tối hôm ấy, tôi qua nhà anh ngủ để chuẩn bị cho chuyến đi Xuyên Mộc. Hằng ngày nhìn những chiếc xe ngược xuôi gắn hàng chữ Xuyên Mộc chứ tôi cũng không biết cái địa danh đó ở đâu!
Anh hai pha cho tôi một tách trà rồi đưa cho tôi vài điếu thuốc Vàm Cỏ. Bất ngờ tôi thấy anh châm thuốc hút. Thì ra anh cũng biết hút thuốc, có điều vì một lý do nào đó anh không thích hút mà thôi. Trong làn thuốc mông lung, anh đem tâm sự trải lòng cho vơi nỗi niềm u ẩn:
– Anh quen cô Ngà hơn một năm rồi, lúc anh bị xã bắt đi lao động ở Bưng Riềng, cách Xuyên Mộc khoảng 5,10 cây số, tình cờ gặp cô ấy rồi đem lòng để ý. Cái mà anh ray rứt là gia đình cô ta đối xử tốt với anh, đã tin tưởng và xem anh như một thành viên trong nhà.
– Mối tình đầu hả anh?
– Anh cũng không biết chắc cũng như em. Hồi xưa còn đi học cũng để ý vài cô, nhưng thời học sinh mà em, mình thích người ta chứ chưa chắc là người ta thích mình. Rồi đi lính, cái chết sẽ đến lúc nào làm sao biết trước được, quen thì có quen nhưng chưa bao giờ anh có ý nghĩ lập gia đình. Nỡ lòng nào để một vầng khăn sô chít trên đầu một thiếu phụ phải không em? Bây giờ thì khác, thời thế đổi thay. Thôi thì an phận để mặc mây trôi, sống một đời phù vân vậy.
– Vậy thì sao anh không đi cưới chị ấy đi cho rồi, chần chừ mãi làm gì, bộ anh không biết có câu “Cưới vợ thì cưới liền tay. Đừng để lâu ngày lối xóm dèm pha”
– Phải chi vú mà được như dì Tư má của em thì nói gì.
– Ủa, sao kỳ vậy, anh phải làm trước để hai anh còn lại mới cưới vợ chứ?
– Vú muốn chọn người khác khi nghe anh trình bày Ngà là cô giáo, lại là dân thành phố không biết ruộng nương, làm ruộng làm rẫy. Vú sợ anh khổ hay phải làm thay cho vợ. Em thử nghĩ xem cô giáo không biết cấy lúa, làm cỏ thì làm sao gánh nước sau khi kéo ròng rọc hơn 30 mét từ giếng được?
– Cô Ngà tốt nghiệp sư phạm hả anh?
– Lúc anh mới quen thì chưa đi dạy, cô ấy từ Sài Gòn theo gia đình xuống xã Bưng Riềng lập nghiệp, sau đó kinh tế mới phát triển, thấy dân cư đông đúc nên mở một quán tạp hoá nhỏ. Rồi trường học cho trẻ em ở vùng kinh tế mới được thành lập, thiếu giáo viên nên yêu cầu Ngà đứng lớp dạy và trở thành cô giáo.
Thế là tôi bắt đầu hiểu chuyện, có lẽ là anh hiếu thảo không muốn cho dì hai má của anh buồn. Anh nói đúng, má của tôi mà biết được có một người con dâu là cô giáo thì chắc chắn sẽ mừng biết mấy.
Cái phong tục Việt Nam là tôn sư trọng đạo, một chữ cũng là thầy. Nói đến cô giáo, thầy giáo là má tôi rất kính nể. Điển hình là cứ mỗi đầu năm má bắt hai anh em tôi phải đi chúc Tết cô giáo Út, người đã khai tâm cho cả hai anh em khi học vỡ lòng i tờ.
Tôi đã gặp chị Ngà trong buổi sáng hôm ấy, sau này tôi có nhắc lại, chị cảm nhận nhưng không hề nhớ gì cả. Có lẽ ngày ấy trong tâm hồn chị chỉ một mình anh hai mà thôi, và cái mong đợi của chị là anh hai sẽ dẫn người lớn xuống, mẹ hay cô dì chú cậu chứ không phải là một thằng con nít như tôi.
Nhìn cái cử chỉ ngỡ ngàng của chị khi anh hai mời chị đi ăn bánh canh ở chợ Xuyên Mộc, chị từ chối là tôi đã nhìn ra. Chị hơi mắc cỡ và xấu hổ về mối tình đầu này. Chị sợ bạn bè lối xóm hỏi thăm chừng nào làm đám cưới.
Tôi bỏ ra bìa rừng lang thang, khu rừng hoang vắng, gió hiu hiu thổi, những chiếc lá vàng phất phơ rơi rụng. Tình đầu thường ít bao giờ thành tựu, tình đầu thường lở làng, dang dở . Nhưng nó chắc chắn sẽ gợi nhớ lại nhiều cảm xúc bởi những rung động đầu tiên của cái nắm tay, của nụ hôn đầu, của những giọt nước mắt sung sướng, đau lòng nhớ thương.
**************
Chương bốn: Nỗi lòng
Là một người con gái dĩ nhiên Ngà cũng mong muốn được sống hạnh phúc bên người mình yêu. Ngày tháng dần dần trôi, chỉ có mẹ nhìn Ngà bằng cặp mắt xót thương thông cảm, tội nghiệp con tôi. Mẹ thầm thì bên tai khi thấy Ngà đăm chiêu nhìn về một phương trời xa xôi với một nỗi ưu buồn trên khuôn mặt.
Những ngày lễ, ngày nghỉ bạn bè lại nhà rủ rê, chúng bạn có dịp chưng diện quần áo đẹp. Nàng lắc đầu cho ngày qua một cách buồn tẻ, để rồi vùi đầu ngủ để khi tỉnh dậy, soi gương nhìn vào thoáng thấy mình vẫn còn xinh đẹp, thế mà….
Mẹ lại sợ con gái mình vì suy nghĩ nhiều mà vướng bệnh trầm cảm, Ngà biết nên thỉnh thoảng tìm đến bạn bè để mẹ an lòng. Cả bọn cùng nhau đi ăn chè, mua sắm hay chụp hình . Nhưng nỗi cô đơn vẫn cứ vây quanh,và sau đó khi về lại nhà, Ngà đóng chặt cửa buồng, leo lên giường rồi trùm mền mà khóc .
Thất tình, lần đầu tiên Ngà định nghĩa được hai chữ ấy. Tại sao không tìm cách níu kéo lại tình yêu. Nhưng tình yêu càng sâu đậm thi sự chia tay càng buồn dữ dội. Bởi vì cả hai người đã có quá nhiều kỷ niệm đẹp bên nhau, những ký ức đó đã ăn sâu vào bộ nhớ đến nỗi lúc chia tay thì đã sụp đổ hoàn toàn cái tương lai mong muốn mà mang đến một sự cô đơn trống trải .Bây giờ cái ký ức xưa đã được thay bằng cái buồn bã và trống vắng.
Trong nhật ký những gì muốn ghi Ngà chép vội bài thơ:
“Tình yêu quả thật mong manh
Nhẹ như sương khói vây quanh nỗi buồn
Cô đơn phủ kín tâm hồn
Nhớ anh! Nhớ mãi nụ hôn đầu đời
Dịu dàng mở vội chiếc môi
Ngất ngây, xao xuyến, ngàn đời không quên
Vì anh, em biết ưu phiền
Vì anh ,em đã lệ viền quanh mi…. “
(Ngọc Danh)
Đã hơn hai năm trôi qua, từ ngày anh dẫn một đứa em bà con xuống nhà, rồi bóng chim tăm cá biệt tin luôn.Những lần lên chợ tỉnh lấy đồ về bán, đi ngang qua Đất Đỏ nàng lại bồi hồi cảm xúc, vừa thương vừa hận một con người quá hiền lành mà sao lại vô tình đến thế.
“Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao
Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau
Hai năm tình lận đận, em đã già hơn xưa !” (Nguyễn tất Nhiên).
Tình yêu ôi tình yêu, lời bản nhạc như một mũi kim làm cho trái tim Ngà rỉ máu
“Giờ chỉ còn nước mắt rưng rưng thôi, bao đêm rồi thức trắng canh trường mình ta chua xót, anh nơi phương xa nào anh có biết,có hay tình ta nhớ thương vơi đầy, em nơi phương đây, đường xưa vẫn đó, dấu chân còn đây , ngóng trông đêm ngày…(Phạm Duy).
Vâng, Ngà vẫn trông ngóng anh dẫn má của anh lên nhà nói chuyện với ba mẹ như lời anh đã hứa! Nhưng ngày lại qua ngày và năm lại qua năm, anh bặt tin một cách khó hiểu mà không có một lời giải thích .
Cái cảm giác từ yêu qua hận, Ngà lại bất chợt ghét tất cả đàn ông. Cứ nhìn những người con trai khác hay các thầy giáo đồng nghiệp theo đuổi săn đón một cô giáo sau buổi dạy Ngà cảm thấy buồn nôn, từ chối tất cả và sẽ không bao giờ mở lòng với bất kỳ ai. Chẳng thà dùng thời gian rỗi rảnh vô rừng hái những trái sim trái gùi hay đi đào nấm mối khi cơn mưa đầu mùa xuất hiện .
Cho đến một hôm, người bạn mới ra trường vừa đổi về dạy chung kể rằng :
-Có một anh ở Đất Đỏ hỏi thăm chị .
Ngà giật mình :
– Em nói anh Hai có phải không ?
– Dạ đúng rồi chị? Cuối tuần trước em đi chùa Cao Đài ở Đất Đỏ, gặp một anh đang làm công quả, biết em dạy tiểu học Bưng Riềng nên bắt chuyện làm quen, hỏi em có biết cô giáo Ngà không?
– Hơi sức đâu mà nghe lời người sở khanh đó em ơi .
– Chắc chị hiểu lầm anh ấy rồi, anh Hai này hiền và đạo đức lắm. Nghe nói anh ấy định đi tu mà chị. Một người con trai có ý định xuất gia thì làm sao mà sở khanh được chị.
Ngà thảng thốt rung giọng:
– Thiệt không em, anh ấy định vào chùa tu hả em?
– Dạ em có nghe mọi người khen anh ấy rất có hiếu với mẹ. Mỗi buổi chiều đều đến chùa tụng kinh và làm công quả tới khuya và đang chờ nếu mẹ anh ấy đồng ý là vào chùa ở luôn .
Suy nghĩ thật lâu Ngà nói tiếp:
– Khi nào có dịp em gặp anh hai, chuyển lời dùm chị “Tại sao phải đi tu? tại sao phải tự mình làm đau khổ? Chị sẵn sàng bỏ qua nếu biết rõ nguyên nhân”

Chương năm:Tái ngộ
Đã ba năm rồi anh mới trở lại khu kinh tế mới Bưng Riềng, đi ngang qua chợ Bà Tô, anh thoáng giật mình chỉ một thời gian ngắn mà cái chợ có cái tên cũ là Phước Bửu này đã thay đổi quá nhiều tuy không lớn hơn chợ Đất Đỏ bởi vì Đất Đỏ là một chợ quận, còn Bà Tô chỉ là một chợ xã. Nhưng khi anh ghé vào chợ định mua một ít quà tặng Ngà và gia đình, anh không ngờ rằng những hàng hoá tại đây quá phong phú đa dạng không thua gì ở chợ tình Bà Rịa, tức là gấp mấy lần tại Đất Đỏ . Từ thực phẩm, đặc sản địa phương hay đến những hàng xa xỉ như thời trang may mặc sẵn, mỹ phẩm trang điểm, quần áo hoặc rượu bia nội hoá hay nước ngoài cũng có.
Bà Tô đã thay đổi đến chóng mặt, còn Bưng Riềng thì thế nào? Nhưng cái quan trọng nhất là người con gái năm xưa có còn chân thành như ngày nào theo đúng lời một cô giáo dạy chung trường đã thuật lại?
Ngà đâu có biết rằng anh rất nhiều lần năn nỉ vú mà vẫn không lay động được? Vú goá bụa đã lâu, không muốn đi ra ngoài, không muốn giao thiệp bất cứ một ai. Có một lần anh ngõ hai ý định, một là phải đi cưới em, hai là vô Thánh thất Cao Đài tu thì vú khóc mà bảo rằng:
– Mầy muốn cưới thì kêu nó theo không mà về đây ở.
Dầu sao em cũng là một cô giáo thì làm sao mà bỏ nhà theo trai được phải không Ngà? Rồi hai bác và gia đình bà con sẽ nghĩ thế nào? Cho nên anh đành phải âm thầm chịu đựng nỗi khổ cho riêng mình, cho thời gian sẽ làm em nguôi ngoai ,cho em quên hẳn anh để em gặp được một người xứng đáng hơn cái thằng ngụy ác ôn này thôi em ạ.”
************
Trái với sự lo lắng ngại ngùng của anh, ba mẹ và cả gia đình Ngà rất vui mừng khi gặp lại anh. Sự niềm nở thân mật đã khiến cho anh kể rõ những lý do làm bức tường rào ngăn cách mối tình hai đứa.
Sau bữa ăn anh tâm sự:
– Năm vừa rồi, người em kế lấy vợ, hai bác biết không, Vú con cũng ngại nên nhờ bà ngoại con thay mặt đàng trai đứng ra tổ chức. Bên đàng gái ra điều kiện, nếu không có vú thi họ phải bắt rể. Vú con đành ngậm ngùi chấp thuận hy sinh một lao động chính trong nhà bởi vì thằng em này rất giỏi, ruộng nương cả dòng họ hai bên, một mình nó đứng mũi chịu sào.
Ba Ngà châm chú nghe rồi lên tiếng:
– Thế thì con có muốn lên đây sống không?
– Dạ, con cảm ơn bác. Em con làm được nhưng con không thể nào bỏ vú của con được. Vú mất chồng đã hơn 20 năm, vẫn thủ tiết nuôi ba anh em con khôn lớn. Con lại là con trưởng, con có bốn phận châm trà cúng quẩy, phụng dưỡng vú khi về già.
– Con quả là một người con có hiếu chí tình chí nghĩa. May mắn cho con Ngà đã chọn lựa con, thôi thì hai bác cũng an lòng. Hy vọng là sau này hai đứa sẽ khá giả.
Anh hai bèn đứng lên, khoanh hai tay lại cúi đầu nói :
– Con đội ơn hai bác .
– Thôi như thế này…
Bác trai uống thêm một ngụm nước cho ấm giọng tiếp:
– Con về nhờ ngoại cùng cô dì chú cậu lựa ngày nào tốt lên đây nha. Cho bác biết trước để chuẩn bị, gia đình tuy nghèo nhưng cũng cố gắng tiếp đãi nồng hậu.
– Dạ, con có hai người cậu, nhưng cả hai đều đang bị tù cải tạo. Một người là cảnh sát ở gần đây Hàm Tân, còn một cậu không quân thì ở tận miền Bắc. Chắc có lẽ con sẽ nói chuyện với dì Tư của con. Dì sống tại Sài Gòn, dì và ngoại cùng với con sẽ xuống đây khi thuận tiện.
– Dì Tư ở Sài Gòn thì xa quá, chỉ cần bà Ngoại thôi cũng được rồi đợi đến ngày làm lễ có mặt dì Tư cho con Ngà nó ra mắt thôi.
– Dạ con xin cám ơn hai bác.
Ngà ngồi bên cạnh mẹ nghe không bỏ sót một câu nào, cái không khí thân thiện cùng cái cảm giác hạnh phúc đang tràn ngập trong tâm hồn: “Cảm ơn ba mẹ ,cảm ơn anh”
***************
Chương cuối: Châu về hợp phố
Thời gian cứ từ từ trôi không nhanh mà cũng không chậm. Tương lai vẫn còn đợi chờ ngay phía trước, anh Hai và chị Ngà cố gắng dành dụm tiền bạc chờ đến ngày sắt cầm hoà nhịp giữa hai người. Bao khúc mắc đã được giải tỏa và sự kết nối tình yêu mạnh mẽ qua những thử thách của cuộc đời, của cái giao thời mà dân tộc Việt Nam chưa bao giờ tưởng tượng ra mà hiện hữu trong lúc này.
Khoác chiếc áo tơi theo sau con bò và cái lưỡi cày, anh hai cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn những người bạn ở trên Bưng Riềng, họ phải tự thay trâu bò mà kéo lưỡi cày qua nhiều đám ruộng, anh không biết là gia đình của người yêu có bị cái thảm họa này không? Hai chữ thảm họa xuất hiện trong đầu, như một luồng điện chạy ngang qua .
Ngày đó khi Huế đang bỏ ngỏ và cầu Trường Tiền đang bị pháo bao vây, đơn vị anh được lệnh bỏ Huế để vào Đà Nẵng, đang chuẩn bị hành quân thì lại được tin quyết tử thủ vì không thể để mất cố đô. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống nơi này trong ngày Tết Mậu Thân và hơn mấy tháng trời anh dũng dựng lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng Trị. Hầm hố công sự vừa đào xong thì lại được lệnh bỏ hết mà phải rút về cửa Thuận An, vượt phá Tam Giang để đến cửa biển Tư Hiền. Sự tủi hờn căm phẫn toàn đơn vị dâng trào lên cực điểm, không còn tin tưởng mấy ông ngồi trong văn phòng ra lệnh tuỳ cảm hứng. Nhờ bộ đồ Thủy quân lục chiến mà anh được leo lên tàu và trải qua bao gian nan vất vả mới đến Vũng Tàu, địa thế anh nắm rõ nên rất dễ dàng về Đất Đỏ chỉ vài giờ sau đó.
Thảm họa này đôi khi vẫn ám ảnh trong giấc ngủ của anh, nhiều lúc chập chờn tỉnh dậy lúc nửa đêm, và anh đang cần có người vỗ về những lúc mộng mị trên bãi biển Tư Hiền năm xưa, nơi mà cái thế giới chết và sống chỉ trong gang tấc. Trên bãi biển đen nghịt những người và người, mọi binh chủng đều tập trung tại đây, phía trước là nước biển và phía sau là du kích địa phương, còn bên hông là những xác đồng đội lẫn thường dân vô tội.
**************
Khi số tiền dành dụm cho một đám cưới đơn sơ vừa hoàn thành thì tin vui lại chợt đến, hai người cậu được trả tự do cùng một thời gian, chờ cho hai cậu ổn định lại đời sống tạm thời từ một nhà tù nhỏ ra một nhà tù lớn, anh nhờ hai cậu đứng chủ hôn.
Một buổi sáng đẹp trời khi đàng trai từ chiếc xe lam bước vào hàng cổng Vu Quy được kết bằng những chiếc lá dừa thì trời bắt đầu đổ mưa. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng vội chen chúc lẫn tránh những hạt mưa thì bỗng một người cậu ứng khẩu cất tiếng vang dội:
– Ngày lành tháng tốt may mắn thật là giờ Hoàng đạo. Theo tập quán phương Tây, mưa là dấu hiệu chỉ điều tốt lành. Phong tục người Anh có câu “Hạnh phúc là khi cô dâu được mặt trời chiếu sáng và được tưới trong mưa.”
Rồi cậu nói luôn một tràng tiếng anh:
– “Happy is the bride that the sun shines on, that the rain rains on.???”( tác giả :hihihi).Chắc chắn ai cũng biết câu ngụ ngôn này:
– Sau cơn mưa trời lại sáng!
Tất cả bà con bên đàn gái đều vỗ tay khen ngợi lẫn thán phục cho phía đàn trai và anh chú rể mới nở mày nở mặt.
Nhưng cái vinh hạnh nhất trong cái thời kinh tế cả nước cùng cực, gạo châu củi quế, những ân tình mà anh đem lên trình bày cùng đàng gái:
– Đây là đôi bông tay mà thằng em can tâm ăn độn bo bo, bán vội mấy xe lúa để mừng chị
– Đây là chiếc áo dài đóng cườm chính tay của cậu mợ tự làm tặng cháu dâu…
Sáu năm chờ đợi mỏi mòn, Ngà mỉm cười thỏa mãn.
**************
Một buổi chiều nào đó, anh hai đang rửa chiếc xe 14 chổ ngồi mà hai vợ chồng vừa mới tậu được để chở mướn cho khách du lịch. Nhờ trời thương nên cả hai sống rất chan hoà hạnh phúc .
Hôm nay Ngà mới từ nhà ba mẹ trở lên,anh rót một ly nước suối đưa cho vợ rồi ân cần săn sóc:
– À nè Em có còn nhớ chú Dân con dì Tư không?
– Sao lại không, chú Dân người mà anh khen là thi sĩ nhí mà.
– Lúc em về bên ngoại ở Bưng Riềng, chú có điện thoại hỏi thăm. Biết là em vắng mấy ngày, Dân làm một bài thơ gởi tặng. Mà em có muốn nghe không?
– Thì anh đọc đi, thơ như thế nào mà anh từng khen là thi sĩ nhí.
Anh Hai mở điện thoại ra dò rồi cất tiếng:
– “Hạnh phúc là đây
Mấy ai sống ở trên đời
Buồn vui hạnh phúc cùng người vợ yêu
Vợ như chiếc bóng sớm chiều
Chăm lo tất cả những điều quanh ta
Vợ là tình nghĩa thiết tha
Là thương là nhớ xót xa trong lòng
Vợ là bao nỗi chờ mong
Mỗi khi xa vắng thấy lòng bơ vơ….
Sáng nay suy nghĩ vẫn vơ
Mấy ngày trống vắng đêm mơ vợ hiền
Dáng em thấm thoát bên thềm
Lòng anh rạo rực không yên đứng ngồi
Đã chờ mấy bữa nay rồi
Xe vào bến đậu cùng lời yêu đương “.
Ngà đỏ bừng khuôn mặt nhưng xen kẽ một niềm hạnh phúc rạt rào:
– Đồ quỷ nè, chỉ là bà con bạn dì mà anh với chú Dân coi bộ hạp hơn hai đứa em ruột à nha
– Chắc anh với thằng Dân cùng một loại máu
– Máu O cộng hả anh ?
– Không cùng loại máu D.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved