ĐI QUA CUỘC BỂ DÂU

tác giả Quang Nguyễn
134 xem


Thắm đứng dưới bóng chiều cuối đường bờ đê xa, nơi có hàng bạch đàn cao vút trải dài nối liền bao quanh cánh đồng ngoài. Tay bồng con chạy, tay kia lau nước mắt, lao nhanh vùn vụt về ngõ giữa hàng ba, phía cây bông giấy đỏ rực những cánh hoa đang lả tả rơi thì thầm trong gió. Trước căn nhà mái ngói ẩn hiện dưới tàng cây um tùm, chỉ nóc nhà là điểm nổi bật với gam màu cam xen lẫn với sắc xanh của lá. Thắm chạy ngang qua tạt vào rồi mất dạng, tiếng khóc còn sót lại dưới đường chiều vắng tanh. Dáng của người đàn ông tay cầm chiếc đòn gánh đuổi theo sau với gương mặt lạnh lùng. Câu chửi rủa thô bỉ luôn phát ra trên cái miệng nồng nặc mùi rượu bia. «Mày đứng lại chưa con đĩ! Thứ con đĩ ngựa, tao giết mày bữa nay». Rồi bỗng nhiên người đàn ông đứng khựng lại trước căn nhà mà không dám đi vào! Gã tức tối quay về, trước khi buông lời hăm he như để người chung quanh nghe thấy «Tối nay về nhà, mày chết mẹ với tao».

Gã tên là Nam, chồng của Thắm! Họ cưới được 7 năm, có với nhau một đứa con trai chỉ mới 2 tuổi đầu, cũng là thằng bé mà Thắm đang bồng để chạy tị nạn ở bên nhà hàng xóm. Chẳng ai nhớ nổi đây lần thứ bao nhiêu Thắm chạy đi lánh nạn! Chỉ biết cứ mỗi lần Nam say sưa trở về, cô lại trở thành vận động viên marathon bất đắc dĩ. Đôi khi chạy không kịp, bị vấp ngã nửa chừng hay cùng đường để thoát cô lại bị một trận đòn nhừ tử thừa sống thiếu chết, thân thể chi chít những vết sẹo bạo hành do người chồng gây nên. Người ta nói Thắm là người chịu đựng giỏi, đã là thời buổi nào rồi mà còn cái cảnh sống địa ngục trần gian. Thà ly hôn, không thể nào chịu đau khổ hết lần này tới lần khác hết cả một đời! Được thì sống, không thì thôi, nam nữ bình đẳng, cùng yêu thương xây dựng hạnh phúc vợ chồng, nếu trái ngược không như mong muốn ban đầu đã hứa hẹn thì nên dứt khoát một lần cho xong nhằm giải thoát về sau. Thắm cũng biết như thế, nhưng nhìn hoàn cảnh của mình thật khác biệt nếu so với người ta, cũng vì lẽ đó cô đành chấp nhận cái số phận đầy hẩm hiu của mình. Hàng xóm cảm thông vì Thắm quá hiền lành, cái tính cách của người phụ nữ Việt Nam từ thời xa xưa vẫn mang cho tới nay! Có đánh đập đến mấy thì chồng vẫn là chồng theo đúng nghĩa của “tam tòng, tứ đức”. Nhưng cũng có nhiều người thấy chướng tai gai mắt, vì cho rằng Thắm là chính là con ngu! Cuộc sống là do bản thân mình quyết định, theo quy luật khổ buông sướng nương, chẳng ai ép mình phải khổ thân, nếu là họ thì đường ai nấy đi đã từ lâu lắm rồi! Thắm biết họ trách mình nhu nhược rồi xót thương nên mới nói ra lời thẳng thắn đó, cô không buồn vì lời lẽ ấy! Nhưng khóc buồn tủi cho cái số của mình. Chẳng ai dám cho Thắm vào nhà lánh nạn, vì họ hiểu cái bản chất côn đồ tàn bạo, liều lĩnh của tên Nam. Gã sẵn sàng hành hung bất cứ ai dám can ngăn lẫn chứa chấp. Cô cũng không muốn liên lụy đến ai nên chỉ đến duy nhất một nhà, nơi này sẵn sàng mở cửa cho Thắm tị nạn để qua cơn hiểm nguy. Đó là nhà của bà Sáu Đang mẹ nuôi của cô! Cũng là nơi bất khả xâm phạm mà tên Nam không dám vào vì sợ bị mấy đứa con trai của bà cho ăn đòn no nê. Nhớ có lần gã say rượu về Thắm đang ngoài hè đưa võng ru con ngủ, không nói chẳng rằng gã đi vào bếp, bỗng nhiên nồi xoong chén bát bị đập vỡ tứ tung. Thắm còn tưởng say quá rồi té nhào làm đổ vỡ, nhưng không phải gã đang đập phá kèm với câu chửi rủa:

– Con đĩ! Mày cho tao ăn như thế này phải không?

Đó là món canh chua và cá chốt kho nghệ mà thường ngày gã vẫn ăn. Biết là kiếm chuyện, Thắm im lặng không nói gì! Gã lao tới nắm lấy tóc cô rồi tát thẳng vào mặt, những cú đá đấm liên tiếp giáng vào người. Thằng bé đang ngủ giật mình khóc điếng lên, Thắm ôm đầu ngồi xuống chịu trận, cơn thịnh nộ của gã chỉ chấm dứt khi ông Hai Thạnh từ ngoài đồng trở về. Nghe tiếng la thất thanh của đứa con dâu tội nghiệp, ông vội vàng chạy vào sẵn trên tay cầm cái thuổng, vụt tới tấp vào lưng, tay, chân của gã. Gã gào lên như con thú bị trúng tên của thợ săn trong rừng. Ông chỉ thẳng vào mặt gã hét lớn:

– Mày phá gia chi tử, tối ngày lêu lổng ăn chơi, cờ bạc rượu chè chẳng giúp ích gì được cho gia đình. Lại còn về đánh đập vợ con. Mày là con thú hay con người. Thử coi thanh niên trong xóm này có ai giống như mày không? Tao không biết đã làm gì ác nhơn thất đức mà sinh ra loài nghiệt súc như mày.

Bà Hai Thạnh đang ngồi chơi ở nhà hàng xóm, nghe người đi ngang nói ông đang đánh thằng Nam bằng cái thuổng bà lật đật chạy về. Vừa tới trước cổng đã nghe bà nói sang sảng, cái giọng như cho cả xóm cùng nghe.

– Ông muốn giết nó phải không? Ông đi thì thôi, chứ trở về là cái nhà có chuyện ngay.

Ông Hai Thạnh chỉ vào phía của gã rồi lên giọng quát tháo.
– Tôi về có chuyện, hay chính nó về có chuyện. Tôi từ ngoài ngõ đã thấy nó đánh đập con Thắm. Bà thấy trong xóm này có thằng nào như nó không?

Bà Hai chưa chịu thua, vội lột cái nón lá quăng xuống rồi đôi co hơn thua cùng chồng.
– Vợ nó hư thì để cho nó dạy. Về làm dâu chứ đâu phải bà nội. Dâu thì cũng như con ruột trong nhà. Hư là phải dạy dỗ chuyện đó vốn dĩ tất nhiên.
Ông tức giận lấy tay đập xuống bàn nghe tiếng thật lớn, rồi mắng luôn cả bà.

– Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Bà muốn thì hãy dạy lại cái thằng con trời đánh này. Đừng bắt thang cho nó leo rồi hư càng thêm hư. Con Thắm nó hư ở chỗ nào? Từ lúc về làm dâu cho tới nay! Nó có hỗn với tôi và luôn cả bà tiếng nào chưa? Nó sống có làm mích lòng láng giềng, hay họ hàng nội ngoại đôi bên chưa?

Bà Hai Thạnh bắt đầu dịu giọng. Vì bà biết ông đang tức giận, cả bà lẫn Nam đều sợ cái uy quyền của ông. Mà uy quyền của ông cũng chả có gì to tát đối với gia đình, xã hội đổi mới như bây giờ. Ông từng là bộ đội phục viên, sau đó được chuyển về nắm giữ chức vụ chủ tịch ủy ban rồi đến tuổi hưu cho tới tận bây giờ. Nếu nói về sợ uy quyền thì cũng không đúng, nhưng kiêng nể vì tất cả của cải tài sản trong nhà này do một tay ông gây dựng nên, cũng chẳng biết trước đó ông có lấy của công để làm tư hay không. Mặc khác, đã có nhiều lần ông nói, sẽ có ngày đưa thằng con trai độc nhất đi học tập cải tạo nếu còn mang thói côn đồ, chính vì điều đó khiến bà và cả Nam lo sợ, vì họ thừa biết một tiếng nói của ông có thể khiến con trai sẽ đi nghỉ múc mùa. Ông là người dám nói dám làm, lại cực kỳ khắt khe nên cả hai mẹ con chẳng ai dám hó hé. Nay bà dám lớn tiếng cự nự, chẳng qua là quá thương con khi nghe ông đánh bằng cán thuổng vào người, sự việc trước giờ chưa từng có xảy ra. Bà nhìn sang Nam rồi giả vờ nạt nộ.

– Say rồi thì vào trong buồng mà ngủ. Từ nay về sau thằng nào mà tới đây rủ rê mày nhậu nhẹt thì tới số với tao.
Đó là chỉ câu nói bào chữa để làm hạ cơn tức giận của ông, vì nào giờ gã toàn rủ rê người khác chứ có ai mà qua nhà rủ đâu! Gã hiểu ý bà nên lánh đi ngay. Thắm cũng ra hè cho con ngủ đã từ hồi nào. Cô nghe cuộc đối đáp nãy giờ! Biết người cha chồng thương mình như con ruột trong nhà, ngày đầu tiên về làm dâu ông có nói với cô rằng:
“Con mồ côi cha lẫn mẹ, vì thế về đây sống cứ xem cha mẹ chồng như ruột thịt. Đây là nhà của mình không cần phải câu nệ, khách sáo, cứ tự nhiên! Con thèm ăn món nào cứ thoải mái nấu món đó! Cái gì cha mẹ ăn cũng được”.

Sau này thấy con trai giở chứng lười làm ham chơi, ông nói riêng với Thắm.
“Con là phận làm dâu vì thế không được thừa kế tài sản từ cha mẹ chồng, chứ nếu được cha sẽ cho con đứng tên tất cả. Giao cho thằng Nam nó sẽ phá tanh bành trong nay mai. Nếu cha chết hãy giúp thằng Nam giữ tài sản bằng sự khôn ngoan của mình. Nếu được vậy cha cũng thấy thanh thản khi nhắm mắt xuôi tay”.
Thắm cũng xúc động trước tình thương và sự tin tưởng từ ông. Không những thế ông còn là bờ rào vững chắc mà Nam không thể nào vượt qua để hành hung cô trong những cơn say rượu. Thắm vẫn ngồi đưa võng cho con ngủ, lắng tay nghe cuộc nói chuyện của cha mẹ chồng. Bà Hai thấy ông đã bớt nóng hẳn, bà hạ giọng nói khẽ.
– Nó hư, là suốt ngày chỉ ở không chẳng làm gì ra tiền. Lại còn ngủ đến trưa trời trưa trật mới dậy! Tôi hồi đó làm dâu nhà ông mới tờ mờ sáng đã dậy rồi. Còn nó mặt trời xỏ lỗ mũi mới chịu dậy. Ông không tin thì xuống bếp mà coi chén bát chồng nó say rượu té ngã làm đổ bể mà nó cũng không chịu dọn. Con dâu gì mà tệ quá, chắc nó để cho tôi dọn chắc. Làm dâu nhà này sướng quá rồi sinh tật. Chưa nói đến vợ con phải ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng với chồng! Cứ thằng Nam đi về hỏi gì cũng ngậm miệng không nói, nó tức nên đánh là đúng rồi. Không trả lời là tỏ thái độ khinh thường chứ còn gì nữa. Tôi còn nóng chứ đừng nói chi ai.
Ông đang rót trà vào ly chuẩn bị uống thì bỗng khựng lại khi nghe câu nói của bà.

– Bà ăn nói cái gì kỳ cục vậy. Nó đang có con nhỏ chẳng lẽ bỏ đi làm kiếm tiền về nuôi mẹ con bà. Nó dậy mấy giờ kệ nó, miễn việc nhà nó làm hết, tới giờ cơm, sáng, trưa, chiều, có đầy đủ để ăn là được rồi. Nồi xoong chén bát thằng trời đánh kia nó đập phá thì tự dọn dẹp rồi đi mua sắm lại, không liên quan gì tới con Thắm. Riêng vụ hỏi không trả lời thì bản chất của thằng lưu manh này có trả lời hay không thì nó cũng kiếm chuyện đánh người ta như thường. Đập bao nhiêu chén bát phải mua đủ lại, trong vòng ngày mai nếu không đủ số chén bát vỡ thì tới số nó với tôi. Phải đích thân nó đi mua, không được sai con Thắm! Nghe rõ chưa…

Nói xong ông bỏ đi ra sau vườn nằm võng nghỉ ngơi. Bà đứng chưng hửng chưa biết phải làm gì, đành phải đay nghiến cô con dâu vì cho rằng mọi chuyện xấu diễn ra trong nhà đều xuất phát do cô.
Sáng đó bà Sáu Đang đi ngang nhà bà Hai có công việc rồi tạt vào ghé thăm cháu ngoại nuôi. Bà hốt hoảng khi thấy mặt mũi con gái nuôi sưng húp! Bà biết Thắm bị chồng đánh đập, bà chạy về nhà ra phía sau vườn lấy một mớ hột gà đem tới cho Thắm luộc chín, cho vào cái khăn rồi lăn lên những vùng bị sưng tím. Bà cằn nhằn nói cùng cô.
– Bà mẹ nó! Đúng là thứ hung thần. Thằng chó đẻ đi đâu mất rồi? Phải có ở đây tao vả cho vài cái cho bỏ thói vũ phu.
Thắm nhăn nhó nói cùng mẹ nuôi rồi kể lại sự việc hôm qua vừa diễn ra với cô.
– Đi đâu từ hồi sáng đến giờ rồi mẹ ơi.
Bà Sáu Đang còn tức tối bồi thêm.

– Ông sui đâu? Tao muốn nói chuyện với ông sui, chứ mẹ nó là dạng bênh vực con, không biết lẽ phải tao không muốn tranh luận đôi co với người chẳng hiểu chuyện.
Thắm nói như để xoa dịu mọi chuyện chẳng có gì.
– Không sao đâu mẹ, ba chồng con đi ruộng rồi. Ba thương và bênh vực cho con lắm, mẹ đừng trách mà tội nghiệp.
Bà gằn giọng trách mắng Thắm.

– Sao mày ngu vậy con. Đã không có anh sui ở nhà sao không chạy sang nhà mẹ mà ở đó để nó đánh ra tới nông nỗi này. Từ nay về sau, có anh sui thì thôi, nếu không cứ sang nhà mẹ! Mẹ thách nó dám tới. Thằng Việt, Đoàn, Quốc, Trạng, nghe tin mày thường xuyên bị đánh tụi nó cũng hăm mẻ răng mấy tháng nay. Từ giờ trở đi có chuyện là phải sang ngay cho mẹ, biết chưa?

Bà Sáu dặn cô phải thường xuyên lăn trứng gà và uống thuốc rồi mới bỏ ra về. Bà cũng biết ông cha chồng rất thương đứa con dâu! Vì ông cũng thường lên án con trai mình, đồng thời khen ngợi Thắm với bất cứ ai khi tiếp chuyện. Ở trong xóm cứ mỗi lần có tiệc tùng, các món ăn được trưng bày trên bàn một cách trịnh trọng, ông thường gắp một miếng cho vào miệng rồi lắc đầu thất vọng chê dở, không cần biết có gia chủ đang hiện diện ở đó hay không, chẳng sợ phật lòng. Ông luôn chê các món rồi so sánh, khen ngợi cái tài nấu nướng của Thắm, tất cả đều thua xa con dâu! Mặc dù Thắm chẳng hề nấu những món đó trong bữa ăn thường nhật. Người ta vẫn biết thế, họ xem đó như một thói quen khi ngồi chung bàn, cũng chẳng ai có ý kiến mà ngược lại còn gật đầu cười như thay cho lời tán thành. Có thể họ nể cái uy quyền của ông khi xưa là chủ tịch đã có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. Còn hai là biết thằng Nam con trai duy nhất chẳng ra thể thống gì nên lấy dâu ra nhằm vớt vát lại cái uy tín nhà ông. Khi nói đến con dâu ông thường lấy đức hạnh của người phụ nữ xưa ra rồi chậm rãi diễn giải rất cụ thể cho mọi người xung quanh, sợ họ không hiểu câu chuyện ông đang kể! Đó là thói quen của ông, chẳng có ai bắt bẻ, cũng chẳng tranh luận chất vấn hơn thua để làm gì.

Thời gian sau ông bị ung thư rồi đột ngột qua đời. Thắm bây giờ đang chới với như mất một chiếc phao cứu sinh giữa muôn trùng đại dương đầy bão tố. Bây giờ chỉ còn lại mẹ chồng nhưng bà cũng chưa bao giờ đứng về phía cô! Bà ác cảm với Thắm từ ngày đầu tiên về làm dâu. Hồi đó bà hoàn toàn không đồng ý để thằng Nam lấy Thắm, vì Thắm đã từng có một đời chồng, lại nghe người ta nói nhỏ Thắm có cái tướng sát phu. Mà rõ ràng bà thấy đúng như vậy, ban đầu Thắm có yêu đương với chàng trai tên Thăng nhà ở tận xóm ngoài, chuẩn bị tính tới chuyện cưới hỏi thì Thăng qua đời do đang cưa cây rồi bị cây ngã đè chết. Sau đó Thắm về làm vợ Bảo do người ta mai mối, được một tháng thì Bảo cũng qua đời vì tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp xảy ra liên tục nên người ta cho rằng Thắm có số sát phu, ai dính tới cô rồi cũng sẽ chết hoặc có một kết cục cực kỳ bi thảm. Bà kịch liệt phản đối Nam lấy Thắm làm vợ, dù sao thì Nam vẫn là trai tân, còn Thắm là người đã có một đời chồng, nhưng Nam vẫn cương quyết lấy cho bằng được, hết cách khuyên bảo bà phải đồng ý mà trong bụng chẳng ưng một tí xíu nào. Nếu không có Thắm xuất hiện trong cuộc đời này, thì Nam bà đã lấy Oanh con của bà Tám chủ hụi ở chợ xã. Oanh tuy không đẹp như Thắm, nhưng dù sao vẫn thuộc gia đình khá giả, biết rằng khá giả là gia đình của người ta, bà sẽ hoàn toàn không được chia bất cứ một phần nào trong số ấy, nhưng sao bà vẫn muốn con mình lấy Oanh theo sự sắp đặt của bản thân mình. Bà thường rêu rao đi nói xấu con dâu mình với hàng xóm rằng:
– Coi đẹp vậy, chứ lười biếng lắm, gò má cao, mắt hình tam giác, chân mày đứt đoạn, đây là tướng sát phu. Mấy người không tin thì cứ nhìn bao nhiêu người đã chết vì nó. Ông bà mình nói đâu có sai.

Rồi bà nhìn sang mấy thanh niên choai choai xung quanh nói để phụ hoạ cho nội dung vừa nêu trên.
– Các cháu còn trẻ thì hãy nhớ! Kiếm vợ là phải tránh những người có tướng tá như vậy nếu không thì khổ cả một đời trai. Nhìn cái gương thằng Nam nhà bác để soi mà né. Trước đó nó hiền lành bao nhiêu thì bây giờ ăn chơi lêu lổng bấy nhiêu. Tại cái con yêu ma đó nó ám khiến cái tánh của thằng Nam cũng thay đổi theo luôn. Thiệt là chán chường chẳng muốn nói.

Bà nói xong rồi thở dài thở ngắn đầy ngao ngán! Bà nói chán chẳng muốn nói nhưng chưa bao giờ mà bà không nói. Đám thanh niên im lặng lắng nghe, dĩ nhiên là chúng mới lớn không hiểu gì về tướng số như bà vừa nêu ra. Mọi người xung quanh cũng chỉ biết cười trừ cho qua vì họ biết bà có ác cảm với Thắm khác với ông Hai Thạnh. Nghe riết thành nhàm chán, nhưng có bà cũng ngứa miệng chọt vào vài câu cho đỡ chướng tai vì thấy tội nghiệp Thắm phải chịu đựng suốt, lại sống hòa nhã với mọi người, ai ai cũng quý mến.
– Sát phu, sát thê cái nỗi gì! Thằng Nam con bà còn sống nhăn răng ra đó. Nếu thực sự sát phu thì con nhỏ nó đâu có khổ như giờ này.

Biết vừa nói hố bà nọ cười một cái để giảm sự nghiêm trọng cho sự cau có của mình vừa lỡ lời phát ra. Bà Hai thấy khó thuyết phục được người phụ nữ kia nên không cam lòng, đành quay trở về lấy cuốn sách tướng số và tử vi, lật sẵn cái số trang có viết tới vấn đề người mang tướng sát phu nhằm biện hộ cho mình là “nói có sách – mách có chứng”
– Đây…đây…mời bà xem qua. Sách vở nói rõ ràng không phải tôi ác nghiệt với nó rồi dựng chuyện để bêu riếu.

Bà chìa cuốn sách về phía bà nọ, thấy họ chép miệng không thèm nhìn, cũng chẳng hề đưa tay đón nhận, bà đành phải đọc to lên cho người nọ nghe. Khi đọc bà thường nhấn mạnh những câu từ có liên quan, rồi dừng lại dùng cử chỉ diễn tả nhằm phụ hoạ cho nội dung thêm lôi cuốn, rồi mới chậm rãi đọc tiếp. Thế nhưng bà nọ vẫn trơ mặt ra như chẳng quan tâm, rồi lảng sang chuyện khác làm bà Hai cụt hứng trong ngại ngần quá đỗi.
– Sắp tới ngày giỗ đầu của ông Hai, bà có tính nấu gà để cúng không? Nếu có thì nên mua gà của bà Bảy ở xóm trong. Phải công nhận gà quá xá ngon, thả vườn, lại chắc thịt mà cũng rẻ. Vừa rồi đám cưới đứa cháu là mua gà từ nơi đó.

Bà Hai chưng hửng ậm ừ nói qua loa, rồi kiếm lý do về cho đỡ phải ngượng ngùng.
– Ừ thì cũng sẽ mua vài con. Mà thôi, không biết cái quạt máy ở nhà đã tắt chưa?. Tôi về đây. Mấy đứa cháu ở lại chơi nha.

Bà Hai nhìn sang đám thanh niên rồi quay lưng đi ra cổng, cái dáng khuất sau hàng rào đầy dây leo phủ kín. Bà nọ cũng cảm thấy nhẹ nhàng khi không còn nghe cái liên khúc mẹ chồng nói xấu con dâu, cũng đồng nghĩa với việc bà sẽ không còn nổi nóng mà lỡ lời, không kiềm chế được thì dễ nông nổi làm mất tình làng nghĩa xóm chỉ vì câu nói lố trong lúc bực bội. Bà nọ nhìn theo cái dáng của bà Hai mất hẳn rồi mới dám cười khinh, tự nói thầm một mình.

– Làm như mình tốt lắm không bằng. Con hư không biết dạy mà lại đổ thừa do con dâu. Gò má cao, mũi đứt đoạn, quai hàm nhô thì bà đang nói chính bà chứ ai vào đây nữa. Con Thắm nó đẹp gái chứ đâu có xấu như bà tả, làm như cái xứ này người ta không biết mặt mũi nó ra sao. Nếu đúng người có dung mạo như thế là sát phu, thì đó chính là bà chứ không phải con Thắm. – Nói xong bà nọ bỏ đi vào trong nhà, chỉ còn lại đám thanh niên ở trước sân đang huyên náo chơi đùa.

Chẳng biết ông bà nào mà dạy như thế cho con cháu học theo. Cứ nhìn vẻ ngoài của con người rồi đánh giá bắt hình vong theo quan niệm dân gian. Tuy không trực tiếp gây nguy hại, nhưng nó là sự chia rẽ, phân biệt gián tiếp vì tin vào những điều vô căn cứ thiếu cơ sở thực tế. Ở xóm giữa có nhà kia sống theo chủ nghĩa nhìn người, người mẹ nói với thằng con trai rằng:
– Mày bỏ con Trúc đi, lấy con Liên xóm bên để có tương lai về sau hơn.
Người con trai ngơ ngác chẳng hiểu gì bèn hỏi lại mẹ.

– Ủa sao vậy? Con với em Trúc quen nhau đã lâu, hai đứa cũng quá hạp. Trúc là người con đang yêu và sẽ cưới làm vợ, sao mẹ nói nên bỏ tìm người khác.
Người mẹ quả quyết một lời chắc chắn như đinh đóng cột.
– Mày đừng cãi tao. Lấy vợ là phải tìm người có gương mặt sáng sủa. Cái mông cho nó đầy mới con đàn cháu đống. Giàu sang phú quý ăn nên làm ra. Nhìn đi! Con Trúc mặt mày tối hù, cái mông xẹp lép thì giàu gì mà nổi, không tan nhà nát cửa mới là lạ. Con Liên tốt mái, mặt mũi cũng rạng rỡ hơn.
Cậu con trai thấy mẹ vô lý nên cãi lại. Nhưng vẫn sợ bà vì thế phải nhỏ nhẹ ngoan ngoãn khi nói chuyện, tuyệt đối không được lớn tiếng hay gắt gỏng trả treo thoái hóa.

– Mẹ nói sao chứ con thấy Trúc được mà. Chắc có lẽ do da nó ngăm nên mẹ thấy cái gương mặt tối, còn Liên thì trắng trẻo nên mặt sáng sủa cũng nên.
Người mẹ gắt gao mắng la khi con trai càng ngày càng trở nên khó dạy, cái gì cũng trả treo hay bác bỏ ý kiến của người lớn mỗi lần răn đe.
– Mày thì biết cái gì. Tao từng tuổi này đã trải qua cuộc đời nên nhìn là sẽ biết hậu vận của người đó ra sao. Đừng cãi! Lấy con Liên mà không giàu sang phú quý con đàn cháu đống thì tao không phải là mẹ của mày.

Kể từ đó thằng con trai chia tay với Trúc, lấy lý do là cái mông lép xẹp không có hậu vận cho tương lai mai sau. Thế là nó lấy Liên về làm vợ, nhưng sao đã qua 2 năm mà chẳng thấy Liên bụng mang dạ chửa. Rồi giàu sang đâu cũng chẳng thấy, chỉ biết là vợ chồng buôn bán thua lỗ nợ ngập đầu. Giờ cùng dắt tay nhau trốn nợ đi làm thuê ở nơi xa, lương cả 2 không đủ nuôi thân. Nhiều lúc ngẫm lại cuộc đời thằng thanh niên ấy chỉ cười rồi tâm sự cùng vợ trong lúc đang ăn cơm.

– Công nhận mẹ anh nhìn người hay thật. Mẹ anh nói quá chính xác, cưới em về làm vợ là con cái nheo nhóc, ăn nên làm ra. Mình đang ăn đây, ăn xong lát vào nhà vệ sinh thì nó ra. Chắc anh là con của bà hàng xóm, chứ không phải của mẹ hiện tại rồi.

Cô vợ tên Liên đánh nhẹ vào tay của chồng kèm với câu nói dỗi hờn.
– Đang ăn mà chồng nói nghe muốn hết dám ăn luôn.

Rồi thêm một chuyện gần nhà của Thắm, trước khi cưới vợ cho con. Họ cũng đi coi tuổi thấy hạp, rồi chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức cưới hỏi. Nhưng cưới về chẳng được bao lâu thì ly hôn với lý do “cô vợ bắt anh chồng phải ân ái một ngày đến mấy lần, anh chồng không đủ sức đáp ứng nhu cầu nên đường ai nấy đi”. Còn vô số chuyện oái oăm cười ra nước mắt của những đôi vợ chồng son ly hôn với nhiều lý do khác nhau. Hầu như ra tòa thì chỉ có một lý do chung là “không hợp nhau” nhưng họ lại quên mất trên đời này chẳng ai hợp với ai. Những trường hợp như thế chắc thần thánh dựa vào người xem bói đã đi du lịch ở nơi nào đó xa xôi nên không ứng nghiệm chăng? Nếu ai có đến phàn nàn bắt bẻ vì không đúng như lời thầy gieo quẻ, thì thầy cũng quăng ra những câu cũ rích, nhưng luôn hiệu quả không bao giờ lỗi thời như: hết duyên, trả nợ xong, nghiệp báo, chỉ chừng đó thôi…v…v…

Từ khi cha chồng mất, Thắm bị đánh đập nhiều hơn mà không có sự can thiệp từ người mẹ chồng. Có một lần người đàn ông đến thu tiền điện, khi tới nhà anh xin cốc nước uống trong lúc đang khát với cái nắng oi ả. Thắm vào lấy đem ra trao cho anh thì mẹ chồng ở đâu về bắt gặp, mặc dù được nói là đến thu tiền điện nhưng Thắm vẫn bị cho là ngoại tình. Tối đó Nam đi uống bia về nghe bà kể lại! Thế là gã xuống bếp lấy con dao bén ngót, dài bằng một cánh tay hậm hực đi lên. Thắm đang ru con ngủ biết chuyện chẳng lành, cô vội vàng bồng nó chạy đi thật nhanh, gã đuổi theo sau với tiếng chửi rần rần, tiếng vun dao trong gió nghe vùn vụt. Thắm bế con nên tốc độ di chuyển không nhanh so với lúc bình thường, cô có cảm nhận chỉ còn vài gang tay thì con dao từ trên sẽ bổ xuống chẻ đôi đầu cô ra. Nhưng Thắm nhất quyết không bỏ con lại, cô cố gắng chạy dù bị đuổi theo gần kịp. Cũng may gã bị vấp té ngã nên khoảng cách cả hai càng xa thêm. Thắm hốt hoảng cắm đầu chạy vô định trong tâm trí rối bời. Ở sau lưng gã còn bám theo tới cùng! Bỗng nhiên Thắm bị trượt chân té vì cơn mưa vừa qua mặt đất còn trơn ướt. Thằng bé khóc ré lên, cô chẳng bận tâm cứ ôm nó mà chạy vì nếu không kịp cả hai mẹ con sẽ bị con dao đầy sát khí đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Gã đang điên tiết, gương mặt máu lạnh, kèm bản tính hung hăng, cơn say đang điều khiển sẽ đi mất nhân tính có thể giết người nếu gã bắt được cô. Với sức phụ nữ liễu yếu đào tơ Thắm không chạy nổi nữa, cô tạt vào một khu vườn có căn nhà bỏ hoang, cây cối um tùm ngồi xuống mà thở dốc! Thôi xem như cuộc đời của cô đến đây là chấm dứt, đã đến mức đường cùng phía sau là bờ ao chẳng còn lối nào để thoát. Thắm nấp vào bụi chuối, kéo tàu lá che người lại, gã đã đuổi theo kịp đưa đôi mắt lạnh lùng nhìn chung quanh để kiếm tìm. Trên tay con dao chém loạn xạ vào những cây khoai mì nghe nổi hết da gà! Thắm đưa tay bịt miệng đứa bé không cho tiếng khóc phát ra. Trận mưa vừa rồi muỗi vo ve như ong bị vỡ tổ, chúng nhiều đến nỗi không thể nào diễn tả, hai mẹ con bị đốt nhưng cô không dám lấy tay đập sợ vị trí ẩn nấp bị bại lộ rồi nguy hiểm đến tính mạng. Cô rơi hai hàng nước mắt trong câm lặng nghẹn ngào, biết có nhiều muỗi đang đốt con mình đến da sưng tấy, nhưng cô vẫn bịt miệng nó. Gã đi tới gần bụi chuối cạnh cái ao, đứng ngay nơi cô đang lẩn trốn chỉ cách đúng một mét. Cô không dám thở mạnh, riêng thằng bé do muỗi đốt, kèm với bị che miệng, nó không chịu nổi nên dùng giằng quẫy đạp tạo ra tiếng động xào xạc nghe lớn rất rõ ràng! May cho mẹ con cô là gã chẳng chú ý vì ngay lúc đó cũng có cơn gió mạnh. Gã hét lên, cái giọng ghê sợ như con quỷ dữ trong âm u kinh hoàng.

– Mày bước ra chưa con đĩ? Tao biết mày trốn ở đây. Bước ra mau.
Rồi gã rời vị trí ấy tiến ra phía trước căn nhà hoang để tiếp tục săn tìm! Gã đi khuất Thắm cũng nhanh chóng đi khỏi bụi chuối, hướng về phía đường cái để tìm đến tị nạn nhà mẹ nuôi. Bây giờ Thắm bỏ tay ra không cần bịt miệng, thằng bé khóc điếng lên như sự chịu đựng tích tụ đã lâu nay tuôn xả một lượt. Thắm đến nhà mẹ nuôi một cách an toàn! Bà Sáu lấy dầu xoa tay chân cho thằng bé bị muỗi đốt đỏ khắp người. Bà cũng chạnh lòng khi thấy con gái nuôi sống khổ. Thấy bản thân mình có trách nhiệm vì cuộc hôn của Thắm là do bà nói vào! Nếu biết thằng Nam giở chứng sanh tật như bây giờ thì bà sẽ không cho Thắm lấy. Thực ra thì giữa bà và Thắm không hề có bất cứ mối quan hệ nào, nếu có thì cũng chẳng qua chỉ là tình làng nghĩa xóm, vì nhà Thắm ở sau lưng nhà bà. Gọi là con nuôi là do Thắm hiền lành, siêng năng chịu khó, sống cùng với dì ghẻ luôn bị ức hiếp. Cuộc đời của Thắm thì cũng như cơn mưa thấm ướt nỗi bất hạnh đầy gió lạnh đã thiếu đi hơi ấm từ lâu ngày! Năm 11 tuổi mẹ ruột Thắm mất vì bạo bệnh, cha cô đi thêm bước nữa để về cùng chung sống cho Thắm đủ đầy có cha lẫn mẹ. Họ có với nhau 3 người con, những năm sau ông cũng qua đời vì chứng bệnh xơ gan! Thế là từ đó Thắm mồ côi cả cha lẫn mẹ, căn nhà này cũng thuộc về dì ghẻ cùng các con của bà. Thời gian đó Thắm khổ lắm! Phải bỏ học nửa chừng ra đời bán buôn nuôi tất cả mọi người trong nhà. Khi bán ế trở về thì trận đòn không nương tay dành cho cô từ người dì ghẻ. Thắm trở thành công cụ kiếm tiền chính kiêm đầy tớ không lương trong căn nhà của mình. Khi Thắm được 17 tuổi, lúc này mẹ kế cặp với người đàn ông tứ cố vô thân, chẳng biết từ đâu tới đây, sống bằng nghề đào đất thuê, rủ về sống chung như một gia đình thực thụ. Người đàn ông có khuôn mặt dài với chòm râu quai nón! Gã tên là Khải nhỏ hơn ra trước đó. Có một lần Thắm đang nằm ngủ thì cúp điện, cô vội mở cửa sổ để đón chút không khí bay vào! Khi nằm xuống nhắm mắt thiu thiu chuẩn bị ngủ tiếp, bỗng nhiên nghe ngoài cửa sổ có tiếng sột soạt tiến sát tới cái giường mình đang nằm. Mở mắt nhìn ra hốt hoảng khi phát hiện ra một người đàn ông cao to, hai tay vịn cái cửa sổ đang nhìn mình chằm chằm! Cô sợ quá hét lên, người đó vội vã đi ngay. Cô biết người đàn ông ấy là Khải! Không thể nào nhầm lẫn, tuy cúp điện nhưng vì nhờ có trăng nên gương mặt ấy lộ ra rõ ràng y như giữa ban ngày. Tuy biết chính xác là gã nhưng cô cũng không dám nói cho dì ghẻ biết, đành phải im lặng mà để bụng! Nhiều khi nói chuyện với dì ghẻ, mà cặp mắt gã cứ nhắm vào bộ ngực căng tràn của độ tuổi mới lớn đầy sức sống như Thắm. Rồi mỗi khi đi ngang gã cố tình đụng chạm vào cơ thể, nhưng Thắm không mấy bận tâm vì cho rằng chỉ là sơ ý không đáng nói. Có lần Thắm đang tắm nghe tiếng lụp cụp ở phía sau, nhìn ra lỗ thông gió cô bắt gặp có chòm tóc của ai đó nhô lên dần dần đang chuẩn bị lộ mặt! Cô sợ hãi bỏ ra ngoài thôi không tắm nữa. Từ đó Thắm không tắm ở nhà mà cứ sang nhà mẹ nuôi tắm nhờ với lý do nhà quá đông người, chờ đợi hơi lâu! Dì ghẻ hỏi thì Thắm cũng trả lời y như thế. Bây giờ thì cô đã chắc chắn 100% người rình mò cô tắm chính là Khải! Gã cũng thấy thất vọng khi Thắm cứ tìm sang mà tắm nhà hàng xóm, và khi ngủ thì luôn cẩn thận cửa nẻo, khi gã đứng gần thì Thắm luôn kiếm cớ tránh xa. Sáng nay như thường nhật, 3 đứa em đi học, dì ghẻ đi đánh bài tứ sắc ở xóm bên đến trưa mới về ăn cơm, gã cũng vác thuổng đi đào đất! Chỉ có một mình Thắm ở nhà vì xưởng may tổ hợp đã hết hàng tất cả công nhân đều nghỉ để chờ nhập hàng mới. Thắm đang giặt đồ trong nhà tắm, vừa bưng thau quần áo chuẩn bị đem ra sào phơi thì cô giật mình khi thấy gã đứng đó với nụ cười nham nhở đã từ hồi nào mà cô chẳng hay biết! Thắm gật đầu nói qua loa.
– Vậy mà cháu cứ tưởng chú đi làm rồi chứ.

Gã cười khề khà bỏ chiếc thuổng và cái bình nước xuống rồi nói với giọng điệu sở khanh.
– Anh đi rồi, nhưng nhớ em quá chịu không nổi. Biết hôm nay em không đi làm nên anh nghỉ ở nhà với em đây.

Nói xong gã như con thú lao tới ôm chầm lấy Thắm quật xuống đất! Quá bất ngờ chưa kịp chuẩn bị để xử lý tình huống nên thân người bé bỏng của cô bị thân xác mạnh mẽ to đùng của gã đè lên. Thắm vừa la lớn vừa vùng vẫy, nhưng chẳng làm gì được so với sức mạnh vì quen lao động nặng của một người đàn ông. Một tay gã bịt miệng, tay kia lột quần cô ra, chiếc quần thun được kéo xuống đến tận gối, chỉ còn trơ trụi cái quần lót, thì Thắm vớ được mảnh gạch vụn đâm thẳng vào màng tang của gã máu tuôn ra nhiễu xuống vào mặt cô. Gã rú lên hai tay ôm lấy đầu máu, Thắm vừa chạy thoát thân vừa la làng để tìm sự giúp đỡ từ hàng xóm, và ngăn không cho gã đuổi theo. Cô đến nhà mẹ nuôi kể sự vụ việc, đồng thời xin tá túc đêm nay! Bỗng nhiên chiều đó nghe tin công an xã đến bắt gã với tội danh hiếp dâm trẻ em rồi trốn truy nã suốt mấy năm qua. Dĩ nhiên nạn nhân bị hiếp dâm không phải là Thắm mà là vụ án khác đã xảy ra trước đó. Nghe xong cô thở phào nhẹ nhõm vì từ nay về chẳng còn mối đe dọa nào đang hiện diện trong nhà. Từ đó bà Sáu thấy thương Thắm và xem như cô như chính con ruột của mình! Mấy người con của bà cũng rất mến Thắm. Khi lớn lên Thắm cũng trải qua nhiều biến cố không mấy gọi là tốt đẹp, lấy chồng thì chồng chết mà đi thêm bước nữa thì lại sống trong địa ngục trần gian. Ly hôn thì đó là việc hết sức đơn giản mà đáng lý ra người có hoàn cảnh như Thắm thì ai ai rồi cũng sẽ chọn cái con đường này để giải thoát cá nhân. Nhưng cô lại không muốn thấy cái cảnh mẹ góa con côi! Đứa con sẽ ra sao khi thiếu mất tình cảm của cha mẹ! Bởi vì cô cũng là đứa trẻ mồ côi thừa hiểu bản thân mình thiếu thốn, sống lay lắt bơ vơ, đau khổ thua thiệt so với người đời. Cô e rằng con mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như tương tự! Cô sẽ sống thế nào khi sinh con ra mà để nó phải khổ sở, côi cút, chẳng có trọn tình thương đầy đủ của người lớn dù chỉ là chút nhỏ nhoi! Thôi thì mọi sự bể dâu của cuộc đời cô nguyện nhận hết để con mình được trọn vẹn mai sau. Đó là lý do khiến Thắm luôn day dứt, nhiều lúc chịu đựng hết nổi cũng muốn ly hôn cho xong, nhưng nghĩ tới con, nghĩ lại cuộc đời mình, rồi lại thôi, bỏ ý định. Bà Sáu nói vào để cô về làm vợ Nam, mục đích là để được êm ấm sung sướng cái cuộc đời vì trước đó cô cũng khổ quá nhiều rồi! Nam là con một, gia đình khá giả, lại là con nhà có uy tín địa vị trong xã hội. Bà cũng không ngờ, về đó sống thì Thắm càng khổ hơn! Đó là lý do bà luôn áy náy thấy lương tâm bị cắn rứt mỗi khi Thắm bị chồng hành hạ đánh đập. Việc cho Thắm tị nạn mà chẳng sợ nguy hiểm, bà xem đó như là một phần trách nhiệm đối với cuộc hôn nhân đầy bất đắc dĩ này.
Đêm đó gã vác dao đi khắp nơi tìm cô. Đến nhà cha mẹ Thắm nghe dì ghẻ nói cô không có ở đây! Gã kể lại tội tình của Thắm rồi bà nhảy dựng lên phụ hoạ.
– Ôi trời ơi! Đúng là thứ đĩ thõa! Thà cưới đĩ về làm vợ chứ ai đời nào mà cưới vợ về làm đĩ. Giống hệt con gái mẹ của nó. Nếu gặp mày cứ băm xác ra cho tao. Qua nhà bà Sáu không chừng nó trốn ở đó.

Câu “giống hệt con gái mẹ” bà thường xuyên dùng để chửi rủa Thắm khi cô còn ở nhà thuở chưa đi lấy chồng. Những lần như thế Thắm khóc sướt mướt, và không chấp nhận người khác xúc phạm tới mẹ mình. Cô nói trong nước mắt.
– Con có sai thì dì cứ chửi cứ la, nhưng mẹ không làm gì hết. Mẹ đã mất! Van xin đừng lôi vào mắng mỏ mà tội nghiệp.

Thế là Thắm bị một trận đòn bầm dập vì cho rằng cô vô lễ với mẹ kế. Gã nghe bà nói chắc trốn ở nhà bà Sáu, thế là vác dao sang tìm. Đúng vậy, khi vừa tới cửa đã thấy Thắm ngồi khóc khi nói chuyện với bà Sáu! Vừa nhìn thấy gã từ ngoài cổng trên tay lăm lăm con dao bước vào! Bà kéo tay Thắm chạy vào buồng và khoá cửa lại để đảm bảo an toàn. Bốn đứa con của bà cũng lao ra làm hàng rào để ngăn bước tiến. Gã chửi luôn cả bà vì dám chứa chấp kẻ ngoại tình như Thắm, bốn đứa khuyên gã về ngủ có gì ngày mai tới đây nói chuyện phải trái đúng sai! Gã nhất định không nghe, vẫn chửi rủa muốn đốt nhà và trừng trị luôn bà Sáu. Thằng Việt đứa con lớn bước tới giả vờ nói chuyện, những câu năn nỉ được phát ra để làm tan sự chú ý! Nó nhanh như chớp chụp lấy con dao để 3 thằng còn lại xông vào đánh. Thế là một trận đòn khốc liệt kinh hoàng, 4 đánh 1 diễn ra trước cái sân nhà, hàng xóm kéo tới can ngăn vì biết sự hiếu thắng của tuổi trẻ, nóng tánh, lại ghét gã từ lâu nên có thể đánh chết người. Gã nằm bất tỉnh một đống, máu mũi, máu họng tuôn ra một lượt! Người ta đưa đi bệnh viện với thân thể đa chấn thương. Từ đó, mỗi lần Thắm gặp nạn thì nhà của bà Sáu là nơi bất khả xâm phạm! Có cho vàng gã cũng không dám bước vào những khi Thắm sang tị nạn.

Chiều nay cũng thế, gã đành tức giận đứng trước hàng rào chửi rủa mà cầm chiếc đòn gánh đi về chứ chẳng làm gì được. Thời gian sau, nghe đâu gã cặp bồ với Oanh, người mà bà Hai ban đầu rất ưng ý! Oanh bây giờ cũng đã ly hôn và có một đứa con riêng. Nghe đồn vợ chồng làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần rồi đường ai nấy đi! Kinh tế gia đình của Oanh đi xuống tới mức trầm trọng. Bây giờ gã cặp với Oanh công khai ai cũng biết, đương nhiên Thắm cũng biết nhưng chẳng bận tâm! Vốn dĩ cô chưa có tình cảm với gã. Ngày ấy bị dì ghẻ chiếm căn nhà rồi đuổi cổ, nghe bà Sáu nhắc đến việc có thằng Nam con ông chủ tịch Thạnh muốn cưới cô làm vợ! Bà cứ thúc giục nói mãi khi Thắm còn chần chừ chưa muốn. Hết cách, không còn nơi để dung thân, cô đành chấp nhận gửi gắm cái thân phận mình, vì thấy nhà ấy cũng đàng hoàng tử tế. Nếu không làm dâu nhà ông chủ tịch thì cô cũng sẽ bỏ xứ ra đi đến sống cùng với bà cô ruột! Đó cũng là quê nội của Thắm. Cô chẳng có họ hàng ở đây, cha mẹ ngày xưa đi kinh tế mới rồi sống lập nghiệp cho tới tận bây giờ nên chẳng có nơi nào để ở khi căn nhà của cha mẹ đã thuộc về người khác. Một buổi trưa Thắm đang dọn dẹp ở phía sau thì gã về tay chống hông nhìn cô rồi nói.

– Tao và mày đã hết duyên. Tao muốn ly hôn để còn đi cưới người khác. Con thì mày nuôi, tao không giành. Từ nay mày ra khỏi căn nhà này.

Thắm im lặng không nói gì, gương mặt cũng chả có tí cảm xúc. Cô biết rồi ngày này cũng sẽ tới, mặc dù trước đó có quá nhiều người xúi giục cô ly hôn nhưng còn mãi đắn đo vì nghĩ tới tương lai của con. Bây giờ thì đích thân gã quyết định! Cô thấy trong bụng vừa mừng vừa buồn! Mừng là từ nay đã thoát được cái cảnh địa ngục trần gian! Buồn vì cô không biết mẹ con sẽ ra sao khi không có nơi nương tựa. Nhất là phải rời xa nơi này, nơi mà cha mẹ cô đã sống với nhau rất hạnh phúc trong một căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng nói cười! Nó là tuổi thơ, là nơi cô chào đời với vô vàn ký ức chẳng thể nào quên đi cho được. Thôi đành giã biệt nó mà cất bước ra đi để sống với người cô ruột ở quê nội xa xôi. Thắm gật đầu đồng ý và nói lời sau cùng.
– Tôi không mong muốn được chia tài sản, cũng không muốn anh chu cấp tiền bạc khi nuôi con. Tôi không lấy bất cứ cái gì.

Nói xong, Thắm đi lên thắp nén hương cho người cha chồng quá cố đã hết lòng thương yêu và bảo vệ cô. Thắm vào soạn đồ rồi bồng con ra đi! Cô đến nhà mẹ nuôi mượn một số tiền để làm lộ phí đi xa và hứa hẹn sẽ quay trở lại trả. Bước lên xe khách Thắm rơi hai hàng nước mắt, nghiến chặt răng! Buồn cho cái số mình đang lênh đênh trong cuộc đời đầy biến cố bể dâu. Cô hứa sẽ quay trở lại trong một ngày không xa. Thời gian cứ thế mà trôi đi, chẳng còn ai nhớ tới Thắm, nếu có thì cũng là bà Sáu mẹ nuôi cô. Bỗng nhiên mấy năm sau Thắm bỗng dắt con quay trở lại cái nơi xưa chốn cũ! Thằng bé giờ đã lớn cô không còn bế bồng. Thắm bây giờ khác lắm, xưa đã đẹp mà bây giờ càng đẹp hơn! Cô hoàn trả lại tiền cho mẹ nuôi như lúc đi đã hứa. Bà vui mừng nói không thành lời khi gặp lại đứa con nuôi đầy bất hạnh sống trong một cái xóm nhỏ chỉ thui thủi một mình! Nơi ấy là địa ngục đầy ám ảnh của người con gái hiền lành lẫn tốt bụng.

– Mẹ cứ tưởng con đi luôn không quay trở lại nữa. Số tiền đó là mẹ cho, con không cần trả. Xíu nữa thì mẹ nhìn không! Con đẹp quá, lại vàng vòng đeo khắp người. Nói mẹ nghe, về bên đó con làm gì mà giàu quá vậy.
Thắm cười rồi bảo thằng bé đi chơi. Cô hồn nhiên trả lời.

– Con và người chị họ cùng hùn vốn để mở xưởng may tổ hợp. Chị họ đứng ra vay ngân hàng cho mượn, chứ con cũng chẳng có đồng nào! Do trước đó có đi may nên con có biết nghề. Thu nhập cũng ổn định, nhưng con muốn về đây tiếp tục mở xưởng để tạo công ăn việc làm cho bà con xóm mình. Mẹ có biết ở đây có ai bán nhà không? Con muốn mua để có cái gọi là hai mẹ con che mưa, che nắng.
Không chần chừ bà Sáu nói ngay.

– Dì ghẻ mày chứ ai! Bài bạc rồi mang nợ đang bán nhà để lấy tiền đi nơi khác sống. Bán rẻ lắm, mau mua đi con để sống như ngày ấy còn đây.
Thắm nắm lấy bàn tay của mẹ nuôi trong cơn vui sướng tột cùng. Có gì hơn nữa khi mình mua lại chính cái căn nhà của mình từng sống. Thắm chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có giành lại nó trong nay mai! Đúng là trời thương cô. Bà Sáu nói thêm.

– Đi lâu thế có biết chuyện gì chưa? Thằng Nam chồng cũ của mày, bị con Oanh lấy hết tài sản rồi bỏ theo trai. Bà mẹ chồng lên máu chết luôn. Bây giờ thằng Nam như thằng điên, tối ngày say sưa rồi khóc lóc cứ nhắc mãi đến tên mày. Có lẽ nó đang bị tâm thần. Nhắc làm gì nữa hồi đó không biết quý thì giờ tìm chi.
Thắm nghe xong, không vui cũng chẳng buồn. Thế là từ đó cô sống trong chính cái căn nhà cũ của mình, lấy di ảnh của cha mẹ từ chùa về nhà để thờ phụng giỗ chạp. Bây giờ Thắm trở thành người giàu có nhất cái xóm, công việc quản lý xưởng may của cô càng ngày càng phát triển, đơn đặt hàng dày đặc, người lao động đông đúc.

Thắm vẫn một mình nuôi con, mặc dù có vô số người tới hỏi cưới nhưng Thắm đều lắc đầu từ chối. Cô đi qua cuộc bể dâu của cuộc đời để đến được đường chân trời tươi sáng đầy hạnh phúc bình yên! Chỉ còn là những tiếng cười không còn thấy bất cứ giọt nước mắt khổ đau nào rơi xuống! Trời yên biển lặng, rồi giông tố đi qua! Thắm ôm con vào lòng nở nụ cười nhẹ nhàng. Chắc rằng tương lai cậu bé sẽ khác so với cuộc đời cô lúc trước! Trời tối rồi sẽ sáng. Tương lai là bình minh đang lên mọi vật dần dần hiện ra trông rõ ràng mới mẻ một ngày mới yên bình sau trận mưa đêm qua.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved