Ma Trong Tù

tác giả Nguyễn Văn Tới
103 xem

null
Khi nói về chuyện ma thì hầu như ai cũng đồng ý rằng nhà tù là nơi có nhiều ma hơn mọi nơi khác. Đằng sau những song sắt, những bức tường cao lớn của trại giam, những cảnh tra tấn, ép cung tàn bạo đến chết diễn ra rất thường mà người bên ngoài không thể nào tưởng tượng được. Lại thêm những người tù chết oan, những người tù tự tử vì không chịu được cảnh cô độc trong những phòng giam không cửa sổ, linh hồn không thể siêu thoát sau khi chết, họ vẫn còn vương vấn nơi mà thân xác họ đã bị nhục hình.
Tôi có dịp đến San Francisco, California nên không thể không ghé qua thăm một nhà tù nổi tiếng của nước Mỹ, trại giam Alcatraz, hay còn được gọi là The Rock. Ngoài việc đây là nơi giam giữ những tù nhân nổi tiếng như AL Capone, Doc Barker, và George “machine gun” Kelly…, nó còn nổi tiếng có ma nên gợi trong tôi sự tò mò muốn so sánh nhà tù Mỹ và nhà tù Việt để coi ma Mỹ khác và giống ma Việt Nam ở chỗ nào, vì tôi đã có cái “hân hạnh” nếm mùi mấy trại tù Việt cộng khác nhau, và hơn nữa là gặp ma Việt trong trại giam Chí Hòa.

Bầu trời trong xanh, gió nhẹ, không khí mang nặng mùi biển, chiếc phà rời bến cảng 33 (Pier 33) ra đến trại Alcatraz mất khoảng 15 phút. Sau khi nói sơ qua lịch sử của trại, người hướng dẫn viên bắt đầu kể chúng tôi nghe nhiều chuyện ma khi đến thăm những phòng nhốt tù ở đây. Bà cho biết nhiều người làm việc ở đây đã gặp hay cảm nhận được những hồn ma bóng quế của nhiều tù nhân vẫn còn lảng vảng chưa siêu thoát, thỉnh thoảng vẫn hiện về than khóc hằng đêm. Họ đã từng nghe tiếng chân di chuyển hay những tiếng động lạ lùng, lẫn tiếng khóc than nỉ non khi đang đi tuần tra trong khu vực giam giữ; hoặc những lời thì thầm bên trong những bức tường, và những bóng hình di động trong những hành lang trại giam.
Nơi nhiều ma nhất là khu D, phòng Strip Cells, là nơi nhiều tù nhân bị hành hạ, lột truồng, và sống trong một căn phòng tối, chỉ được ăn ngày 1 lần với bánh mì khô và nước, không có bồn rửa mặt, nhưng có 1 lỗ trên nền nhà làm cầu tiêu. Tù nhân có thể bị biệt giam như thế đến 19 ngày cô độc, đói lạnh, nên họ tự tử rất nhiều. Phòng giam này được thiết kế để bẻ gãy tinh thần tù nhân cứng đầu nhất, bắt họ phải quy hàng và tuân theo luật lệ trại giam.
Nơi thứ hai là phòng biệt giam 14, khu D. Vào năm 1940, một tù nhân bị giam ở đó, nửa đêm anh ta la hét kinh hoàng rằng có một con vật gì đó, cặp mắt đỏ long lên sòng sọc, đang tấn công mình. Mặc cho hắn kêu gào kinh khiếp, không một cai tù nào thèm ngó ngàng đến. Sáng hôm sau, khi điểm danh, họ thấy hắn nằm chết, cổ bị bóp nghẹt đến tắt thở. Vài ngày sau, khi đếm số tù, thấy dư ra một người, họ cho biết thấy người tử tù đó đứng xếp hàng. Họ đi tới coi, thì người đó biến mất.

Phòng 14, khu D, Alcatraz nơi có ma. Toàn cảnh trại giam Alcatraz từ trên cao. Ảnh internet.
Phòng 14, khu D, Alcatraz nơi có ma. Toàn cảnh trại giam Alcatraz từ trên cao. Ảnh internet.
Sau này, khi trại giam này đã trở thành địa điểm cho khách du lịch đến coi, nhiều người cho biết đã cảm thấy lạnh sống lưng và cảm thấy 1 nỗi sợ hãi khi đến phòng này. Người hướng dẫn du lịch đưa chúng tôi đến coi những phòng giam nổi tiếng trong trại, kể cả bước vào căn buồng biệt giam của Al Capone vào những ngày cuối đời của hắn. Riêng tôi chẳng có cảm giác sợ hãi hay lạnh người khi bước vào bên trong và ngồi xuống những cái giường ở đó; chỉ thoáng qua trong đầu tôi là một cảm giác nao nao khó tả vì nơi đây gợi lại trong tôi hình ảnh buồn đau ngày cũ ở trại giam Chí Hòa. Tôi nhận thấy điều kiện sống và phòng giam giữ của Alcatraz 100 năm trước đây vẫn còn tốt hơn rất nhiều các trại tù ở Việt Nam sau năm 1975.
Trại giam Chí Hòa, ngày xưa chính phủ Việt Nam cộng hòa gọi là trại cải huấn Chí Hòa. Khám Chí Hòa do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái nhưng phải bỏ dở vì thua cuộc chiến, và người Pháp trở lại hoàn thành công trình này. Tòa nhà là sự hòa hợp những nét căn bản của kiến trúc Pháp: kiên cố, kín đáo, mát mẻ, vừa mang nét huyền bí âm dương ngũ hành của phương Đông. Khám có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, 8 góc tượng trưng cho 8 quẻ: Càn, Khôn, Chấn, Tốn, Cẩn, Khảm, Đoài, Ly trong Kinh Dịch. Khám có 8 khu giam phạm nhân, xây hình bát giác vuông. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có từ 10 đến 14 phòng giam.

Chí Hòa chỉ có một cửa vào nên người ta gọi đó là “cửa tử”. Qua cửa này là hệ thống đường hầm thiết kế theo cung vị, nếu không được hướng dẫn, người đi vào sẽ bị mất phương hướng, giống như lọt vào một mê cung, không thể tự tìm đường ra được. Nhà tù được xây dựng để nhốt những người Việt Nam yêu nước chống lại chính quyền xâm lăng Nhật, Pháp nên có rất nhiều tù nhân đã chết oan ức hay bị nhục hình bỏ mạng khi bị giam giữ ở đây. Thời cộng sản chiếm miền Nam, nó là nơi kinh hoàng, chết chóc cho những người thua cuộc miền Nam. Oán khí ở nơi đây ngất trời trong thời gian này vì người chết quá nhiều, hơn hẳn trong cả hai thời kỳ Pháp, Nhật chiếm nước ta.

Năm 1983 khi tôi bị chuyển từ trại giam quận 1 qua phòng 5 khu AH khám Chí Hòa. Cạnh phòng tôi, chỉ cách 1 bức tường, là khu A, nơi các phòng giam tù tử hình. Ở đây, người tù tử hình bị cùm chân vào 1 thanh sắt dài; mùa Hè, họ chỉ mặc quần đùi, cởi trần và không được giữ bất cứ đồ thăm nuôi hay vật dụng cá nhân. Bọn cai tù theo dõi ngày đêm không để tù nhân dùng bất cứ đồ vật gì có thể tự tử, chúng có nhiệm vụ giữ tù nhân “phải sống” cho đến lúc họ sẽ “được chết”.

Thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng mở khóa loảng xoảng lúc nửa đêm về sáng. Tiếng cai tù Việt Cộng lẫn đám trật tự xì xào nói chuyện khi điệu tử tù ra pháp trường, sau khi cho họ bữa ăn ân huệ cuối cùng, thường là 1 cái bánh bao, chai nước ngọt, và 2 điếu thuốc “có cán” hiệu Du Lịch. Thông thường thì họ làm không ồn ào lắm, nhưng đôi khi họ phải vật lộn, quát mắng, to tiếng với tử tù dù người đó đã bị còng cả tay. Những tiếng ú ớ, tắt nghẹn thoát ra từ người tử tù, miệng bị nhét 1 trái chanh hay 1 trái cóc với miếng vải buộc chặt bên ngoài. Có người bị nghẹt thở chết trước khi ra pháp trường. Thông thường thì họ không còn đi nổi vì bị cùm lâu ngày, bị kéo lê lên xe bít bùng và chở đi trường bắn ở Thủ Đức.

Những đêm dài im lặng, nằm thao thức không ngủ, trong sự tĩnh mịch cô liêu, cái không gian u mê, ám chướng này, lòng tôi dậy lên nỗi xót xa của kiếp tù; tôi nhìn được những đổi thay của đất trời bên ngoài song sắt, linh cảm được cái âm khí nặng nề lảng vảng quanh đây, nghe tiếng khóc than ai oán, tiếng rên rỉ, tiếng kể lể nức nở không biết của những tử tù hay của những linh hồn còn vất vưởng nơi trại giam. Âm thanh trong đêm trường từ xa đưa lại lúc rõ lúc không nghe rờn rợn. Một vài lần, tôi còn nghe được một giọng hát bi ai, thống thiết của bài “Hận Đồ Bàn”, rồi tiếng ngâm thơ sang sảng đầy hùng tráng bài “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ. Tiếng ngâm bi hùng của một chiến sĩ vô danh tranh đấu cho tự do, biết mình sắp lìa xa cõi đời vĩnh viễn, không còn gì để mất nên anh không sợ cai tù lẫn chính quyền. Những người trật tự cho biết anh là tù chính trị lãnh án tử hình. Bọn cai tù, mới đầu còn dọa nạt, có khi nhét giẻ vào miệng để bắt anh im, nhưng riết rồi cũng phải chịu thua, cứ để cho người tử tù này muốn làm gì thì làm.

Một đêm nọ, như thường lệ, dưới một bóng đèn tròn buồn rầu soi sáng trong phòng, tất cả mọi người tù đang say ngủ, nằm xếp lớp như cá hộp; tôi bị đánh thức bởi nhiều tiếng hét thất thanh xé tan sự im lặng trong phòng giam. Tiếp theo, thêm nhiều tiếng khóc to sợ hãi, rồi lan ra như một hiệu ứng giây chuyền, cả phòng 5 la hét kinh hoàng, mắt trợn trừng nhìn ra hướng song sắt. Tôi ngồi bật dậy, ngơ ngác nhìn quanh, hoảng hốt, không hiểu vì sao cả 80 chục con người cùng la làng như đang lên đồng, hình như họ nhìn thấy một cái gì đó. Hiệu ứng này lan qua mấy phòng kế bên, tất cả mấy chục phòng giam khu AH hét lên một cách kinh hãi, khắp nơi vang rền tiếng khóc lẫn tiếng hú thất thanh, làm 6 khu khác cùng thức dậy. Tiếng chân bọn cai tù chạy huỳnh huỵch, tiếng súng lên đạn, họ vừa chạy vừa la hét bắt mọi người im lặng, lập lại trật tự.

Riêng tôi vẫn còn chưa hoàn hồn, tôi nói như hét thật to vào lỗ tai người bạn tù kế bên hỏi chuyện gì đang xẩy ra; anh ta, tay chỉ ra phía cửa buồng giam, miệng lắp bắp những gì không rõ, mặt tái nhợt, đôi mắt lạc thần, cuối cùng bật ra được 1 chữ “ma”. Một lúc sau, khi tiếng la hét lắng xuống, tôi đi ra phía cửa nhìn về mấy khu kia, thấy tất cả mọi người lố nhố, tay bám vào song sắt, nhìn về hướng khu chúng tôi. Cả trại giam đều bị dựng dậy vì biến cố này. Tôi vẫn bướng bỉnh cho rằng đây là 1 hiệu ứng tự nhiên của những tù nhân, đang say ngủ, chợt nghe nhiều người kế bên la hoảng, mở mắt ra thấy khuôn mặt hốc hác, râu ria, nhợt nhạt giống ma của bạn tù kế bên đang há hốc cái miệng méo xệch, đang gào thét, nước miếng còn đọng 1 bên mép, thần hồn nát thần tính, nên cũng bật lên tiếng la mà không biết tại sao. Nếu ai không hét lên hãi hùng mới là chuyện lạ!
Sau này, tôi hỏi những tù nhân khác, họ cho biết đó là linh hồn “ông chúa ngục” về thăm lại nơi ông ta ở xưa kia. Chúa ngục là người đầu tiên chết trong tù này. Cứ vài năm một lần, có lẽ ông ta còn vướng mắc hay còn lưu luyến “chốn xưa”, ông lại về thăm. Khi trở về, chúa ngục lê xích sắt đi thăm tất cả các phòng khu AH. Tôi hỏi mấy bạn tù có thấy hình dáng chúa ngục ra sao? Người thì tả đó là một khuôn mặt tròn to như cái mâm, nhìn vào trong buồng giam. Người thì nói là một hình bóng đen thui, to lớn, lướt theo hàng lang và nhìn vô bên trong với cặp mắt đỏ lòm. Tôi không biết hình dáng ông chúa ngục ra sao, chẳng thấy ma hay thần thánh gì, mà cũng chẳng la hét được một tiếng nào, chắc sợ quá nên tôi cứng cả miệng.

Mấy người bạn tù cho rằng ai cũng thấy chúa ngục, chỉ mình tôi không, một là vì vía tôi quá nặng hoặc quá yếu, hai có lẽ do tôi nhát hít nên ma không cho thấy vì sợ tôi đứng tim chết vì sợ hãi. Nhưng có một điều tôi biết chắc là có nhiều người chết oan ức trong Khám Chí Hòa, linh hồn còn chưa siêu thoát nên âm khí ở khu AH rất nặng nề. Vì thế, trời thỉnh thoảng làm sấm sét đánh bể nóc nhà khu G để khai một cửa Sanh, cho oán khí được thoát ra, hồn người chết mới mong ra khỏi chốn ngục tù. Bác Phạm văn Hai, cựu giám đốc đề lao Chí Hòa thời VNCH trước 75, cũng ở tù chung phòng, kể rằng người ta đã cho lợp ngói trên nóc khu này mấy lần, nhưng vẫn bị sét đánh văng đi.

Nhà giam Chí Hòa. Khu G, không lợp ngói. Ở giữa sân, tháp nước hình thanh kiếm đâm xuống trấn yểm nhà tù. Khu A, khu tử
Khu G, không lợp ngói. Ở giữa sân, tháp nước hình thanh kiếm đâm xuống trấn yểm nhà tù. Khu A, khu tử hình, tất cả phòng đều xây bịt kín bằng gạch, không cửa sổ. Ảnh internet. Chú thích của tác giả.
Vài tháng sau, bọn cai tù lại chuyển tôi qua phòng 10, khu ED, chuyên nhốt tù chính trị và kinh tế. Những người đồng vụ với tôi ở các phòng giam khác, lầu trên hay dưới, cùng trong khu ED. Chúng tôi lại bị kêu lên hỏi cung. Người đầu vụ là anh Năm Th. bị cụt một chân, phải mang chân giả, anh bị chúng hành hạ và hỏi cung nhiều nhất khiến anh suy nhược và bệnh tật nhiều.
Một hôm, tôi bị bệnh rất nặng, chúng mới cho phép một trật tự dìu tôi xuống bệnh xá ở tầng trệt. Trên đường đi, tôi thấy ngoài sân, giữa trời nắng chang chang, có một tấm chiếu đắp lên một cái gì đó giống xác người. Tôi hỏi anh trật tự. Anh cho hay một tù nhân vừa chết nên để tạm đó chờ làm giấy tờ đem chôn. Như một thần giao cách cảm, tôi buộc miệng hỏi -Có biết tên người chết không? Anh trả lời – Th. Đen. Tôi tiếp -Phải anh Nguyễn Văn Th. cụt một chân không? Anh trật tự bước đến vén tấm chiếu lên, đúng là xác anh Năm Th. nằm đó, với 1 chân bị cụt mà không thấy cái chân giả đâu.

Người tôi lạnh toát và choáng váng. Tôi thầm khấn xin cho vong linh anh được yên nghỉ. Tôi hứa sẽ tìm mọi cách báo tin cho gia đình anh biết vì chính quyền cộng sản chỉ báo tin cho gia đình hay khi đã đem chôn tù nhân và không bao giờ cho đem xác về nhà. Sau khi y tá làm tiểu phẫu thuật, chúng cắt sống mà không có thuốc tê, tôi đau đớn đến tê dại, mắt đổ hào quang, chỉ được bôi 1 chút thuốc đỏ vào vết cắt, anh trật tự dìu tôi trở lại phòng giam. Tôi khấn thầm: “Anh Năm ơi, nếu sống khôn thác thiêng, hãy về báo em biết coi nội vụ mình có gì mới không nhé”. Ngày hôm đó, hình ảnh anh nằm chết phơi nắng giữa trời, chỉ đắp tấm chiếu rách, ám ảnh tôi không nguôi. Tôi liên tục đọc kinh cầu cho linh hồn anh siêu thoát.

Tối đến, tôi còn nhớ rõ, vì gần mùa Giáng Sinh, không khí bắt đầu se lạnh. Tôi ngủ chung chiếu, chung mùng với thầy Thích Trí Siêu (1), tục danh Lê Mạnh Thát, vụ án chùa Già Lam, chung vụ với thày Tuệ Sỹ và Thượng Tọa Thích Trí Thủ (RIP). Chúng tôi nằm dưới nền xi măng, đầu quay ra ngoài phía hành lang, dựa sát tường và chấn song sắt. Bức tường chỉ cao quá đầu gối, khoảng 40 cm, từ tường trở lên là những song sắt cao đụng trần nhà. Cái hành lang rộng 3 thước chia cách phòng giam và không gian bên ngoài, với một hàng song sắt to gần bằng cổ tay. Đang ngủ say, bất ngờ tôi cảm giác ai đó từ ngoài hành lang, chạm tay vào đầu và lay tôi dậy. Tôi mệt mỏi vì trưa nay mất nhiều máu trong cuộc tiểu phẫu, nên còn nửa tỉnh nửa mê. Bàn tay lại lay đầu tôi lần nữa.

Tội trở mình, mắt vẫn nhắm nghiền, duỗi thẳng chân ra với tư thế nằm ngửa, tự nhủ chắc mình đang mơ. Tôi cố dỗ giấc ngủ trở lại. Nhưng tôi lại bị đánh thức lần thứ ba, lần này có vẻ mạnh mẽ hơn. Tôi tỉnh hẳn và cố ngước mắt lên nhìn ngược ra ngoài song sắt để coi ai phá giấc ngủ mình. Cổ tôi đột nhiên cứng ngắc không quay qua quay lại được nữa. Tôi liếc mắt qua nhìn thày T.T.S., tôi hét to – “Thầy ơi, đánh thức em dậy”. Thầy mở mắt, nhìn tôi một lúc, rồi quay mặt qua bên kia. Tôi lại tiếp tục la –“Thầy, thầy, cứu em, thầy ơi”. Thầy trở mình nhìn tôi lần nữa với ánh mắt bực bội và lại quay đi. Tôi tức quá thầm trách ông thầy hôm nay sao kỳ cục, không thèm giúp mình.

Tôi rùng mình, tay chân tê dại lạnh như đá, tóc gáy dựng đứng, miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Lấy hết sức bình sinh, tôi vùng xoay cả người lại được qua bên phải, ngồi bật dậy, nhìn ra phía ngoài hành lang, tôi như nhìn thấy một làn khói lướt qua và biến mất. Tôi tự tát vô mặt mình một cái thật đau coi tôi đang mơ hay tỉnh. Không gian lặng như tờ, một luồng hơi lạnh chạy dọc theo xương sống của tôi trong khi mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Ngoài hành lang giờ này không ai được phép đi lại, trừ cai tù, tụi nó chỉ lên đây khi có người gần chết xin cầu cứu. Từ lúc đó, tôi thức luôn đến sáng trong khi miệng vẫn lần chuỗi Mân Côi không nghỉ.

Tiếng kẻng báo hiệu thức giấc trỗi lên, tôi đứng dậy xếp mền mùng cho cả hai thầy trò. Tôi trách – “Sao đêm qua, em kêu giúp mà thầy lại làm ngơ?” Thầy trả lời – “Ta nghe mi la to lắm, ta tưởng mi gặp ác mộng, nên thôi để cho mi ngủ”. Tôi nói – “Em gặp ma, cổ em cứng đơ không nhúc nhích được. Nếu thầy đánh thức em dậy thì em đâu bị”.

Tôi thuật lại cho thầy nghe về anh đầu vụ chết hôm qua ở bệnh xá và những lời cầu xin ra sao. Thầy nói –“Mi Công Giáo nên mi không tin có linh hồn người chết vẫn chưa siêu thoát còn lảng vảng quanh đây. Bên ta, Phật Giáo, chúng ta tin dù người đã qua đời, nhưng linh hồn họ còn ở lại một thời gian, chờ tụng kinh cầu siêu, rồi họ mới lìa cõi trần vĩnh viễn. Ta tin linh hồn vừa qua đời muốn nhắn nhủ mi điều gì đó”. Thầy vừa dứt lời, cửa sắt khu loảng xoảng mở ra, một tên công an cai tù đi trong hành lang ngang qua phòng 9, đến mở cửa phòng 10, và kêu đúng tên tôi đi làm việc. Thầy T.T.S. nhìn tôi với cái nhìn đầy ý nghĩa trong khi tôi vừa mặc bộ đồ xá xẩu tù, vừa vui lại vừa lo, không biết chuyện gì sẽ đến sau mấy năm nội vụ nằm im không nhúc nhích.

Tôi trở lại phòng sau hơn một giờ làm việc với công an chấp pháp. Chúng quyết định đưa vụ chúng tôi ra tòa án thành phố để xử. Tôi không biết nên vui hay buồn vì dầu sao cũng có chút gì đó khởi động, còn hơn cứ im lìm năm này sang năm khác, làm cho người tù chết dần mòn cả tinh thần lẫn thể xác vì mất hy vọng. Hệ thống nhà tù cộng sản, họ cố tình không ngó ngàng gì đến hồ sơ tù. Họ để cho người tù chết dần mòn trong tuyệt vọng, cô đơn, bệnh tật, và đói khát. Một hình thức giết người thầm lặng và tàn ác. Họ không để tù nhân chết đói mà đói… đến chết.

Trong đời tôi, lúc còn ở ngoài, chưa bao giờ tôi gặp ma hay một loại thần linh gì khác cho đến ngày chuyện này xảy ra ở trong tù. Tôi vẫn tin rằng sau khi chết, linh hồn con người vẫn giữ lại được những ký ức và cảm xúc lúc còn ở thế gian, vì thế anh Năm trở lại cho tôi hay những dấu chỉ về việc ra tòa của nhóm chúng tôi. Trong thế giới chúng ta đang sống, vẫn hiện hữu một thế giới bên kia của những người đã khuất, vì một nguyên do thần bí nào đó, họ vẫn liên lạc với thế giới chúng ta bằng cách này cách khác, hoặc xâm nhập vào trong giấc mơ, và chúng ta gọi họ là MA.

Nguyễn Văn Tới
Nguồn : Việt Báo

REFERENCES:

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_M%E1%BA%A1nh_Th%C3%A1t
Thày Thích Trí Siêu và Tuệ Sỹ bị bắt năm 1984, bị xử án Tử Hình năm 1988, nhờ hội Ân Xá Quốc Tế Amnesty International can thiệp, giảm xuống còn 20 năm, được tha về năm 2004, sau khi ra lao động đủ 14 năm ở trại Z 30A, dưới chân núi Chứa Chan (chúng tôi gọi là “ở tù Chán Chưa”), Xuân Lộc. Hai thày TTS và Tuệ Sỹ có bị giam ở khu A, phòng tử hình một thời gian ngắn, sau giảm án được đưa qua khu FG chờ đi tập trung lao động năm 1990. Sau khi ra nước ngoài, tôi đọc báo thấy Thày TTS được chính quyền cộng sản cho phép tổ chức lễ VESAK đầu tiên, ngày Phật Đản ở Việt Nam vào năm 2012.

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved