NGƯỜI BẤT HẠNH NHẤT

tác giả Sáu Nghệ
114 xem

Ông Út Bèo tìm đến địa chỉ trong lá thư viết hai chục năm trước để gặp cô giáo tiểu học Muộn Hằng. Chủ quán nước trước cổng trường cho biết, cô vẫn dạy ở trường nhưng nay gọi bằng bà, không gọi bằng cô nữa thì ông lại giật mình, thiên hạ cũng đã gọi ông bằng chú, bằng bác. Ông biết thêm, cô Muộn Hằng lấy chồng được mấy năm thì chồng bỏ đi, chục năm nay ở một mình trong phòng xép của trường. Chồng của cô có cái tên lạ hoắc, không phải Tư Lạc bạn của ông thì ông không vô gặp cô nữa mà chạy sang xã bên để tìm ông Tư Lạc.
Ông Tư Lạc cũng đã bỏ nhà, vô U Minh sinh sống mười mấy năm rồi. Người ta kể, ông Tư Lạc đi làm thuê ở nước ngoài về có tiền nhưng chẳng hiểu sao, chỉ mấy tháng sau bỏ nhà vô U Minh, có vợ con trong đó. Rừng tràm U Minh mênh mông, xe ôm chạy con đường nhỏ ngoằn ngoèo mãi mới tới được nhà ông Tư Lạc. Ngôi nhà mái tôn xi măng lẻ loi giữa rừng, mới hơn năm giờ chiều đã u tối. Trong nhà bước ra người đàn ông gầy gò, đen nhẻm, khuôn mặt khắc khổ nổi gân. Ông Út Bèo nhìn chủ nhà lom lom, lên tiếng:
– Tư Lạc phải không?
– Có phải Út Bèo? – Giọng ngạc nhiên, nhạt như chút nắng rớt trên đọt tràm- Còn sống à? Sao biết đường vô đây?.
– Sao già dữ vậy? – Ông Út Bèo buông nhận xét.
– Thì mày thua gì, tao nhìn mãi còn ngờ ngợ – Ông Tư Lạc bước đến bộ bàn ghế cọc tràm chôn chân góc sân – Mày không chỉ già mà như người bệnh.
Đúng là da ông Út Bèo bợt bạt thiếu nắng. Ông ngồi bắc chân chữ ngũ ngay ngắn, hai bàn tay úp trên đầu gối, nhìn ngó xung quanh nghiêm trang mà lơ ngơ, tồi tội. Vợ ông Tư Lạc ra chào, chợt thấy mình nghèo nhưng ông Út Bèo còn nghèo hơn, mình khổ nhưng ông Út Bèo còn khổ hơn, mình buồn nhưng ông Út Bèo còn buồn hơn, mình đơn chiếc nhưng còn có cái nhà và khu rừng hơn hẳn ông Út Bèo chỉ một mình, ông Út Bèo khi cười nom càng cô độc như kẻ ăn mày vật vờ nơi lễ hội. Hành lý ông Út Bèo mang theo chỉ có bọc quần áo cũ. Cũng vì thế, chuyện trò mới gặp mà không xa cách, biết ông Út Bèo với chồng là bạn thân hai chục năm trước thì vợ ông Tư Lạc còn mau mắn mần gà, mua rượu đãi.

Khuya. Rừng tối đen. Gió phần phật trên ngọn cây cao từng cơn khi gần khi xa làm cho rừng đêm thêm âm u. Ông Tư Lạc và Út Bèo ngồi đối diện ở bộ bàn ghế chôn chân góc sân với ngọn đèn điện thắp bình. Tiếng thì thầm mà câu chuyện đầy giông bão.
– Tại sao bây giờ mày mới xuất hiện –Mắt ông Tư Lạc lóe lên khinh khi.
– Chuyện dài, giờ kể không hết được – Ông Út Bèo cúi xuống.
– Nói về cuộc đời thì tao đau đớn lắm mà tất cả vì mày. Nói thật là tao không muốn nhắc lại nhưng gặp mày thì không thể không nhắc, là tao hận mày lắm.
– Thì tao có biết vậy mà – Giọng ông Út Bèo dấu dịu.
Quá khứ của họ từ bóng đêm dần bước ra. Hai mươi mấy năm trước, nghèo khổ, họ đi làm thuê xứ người, không cùng quê nhưng cùng cảnh ngộ nên thân nhau. Vì sơ suất công việc, ông Út Bèo bị đuổi về nước. Ông Tư Lạc viết một lá thư kèm chiếc nhẫn vàng nhờ ông Út Bèo đưa tới người yêu Muộn Hằng, như một lời hứa son sắt chờ đợi. Tư Lạc móc ruột gan kể, họ đã ăn nằm với nhau, chưa cưới nhưng đã như vợ chồng. Thời đó liên lạc trắc trở, gửi được vật làm tin nên Tư Lạc yên tâm. Ngờ đâu, gần chục năm sau, Tư Lạc về nước mới biết Út Bèo không hề gặp Muộn Hằng, không đến quê Tư Lạc. Còn Muộn Hằng chờ đợi trong thất vọng rồi lấy chồng nhưng không hạnh phúc, vẫn cô đơn.
– Gặp lại tao, Muộn Hằng không thèm trò chuyện. Sự thất hứa của mày biến tao cũng thành kẻ thất hứa, không ra con người nữa, làm tao không thể sống bình thường ở quê nên phải bỏ đi. Vô đây, lấy vợ sinh con nhưng tao cũng không sống được bình thường vì day dứt với quá khứ, day dứt với hạnh phúc đổ bể của Muộn Hằng. Tao hỏi thật, có phải vì cái nhẫn vàng mà mày hại tao và Muộn Hằng không? – Ông Tư Lạc quay mặt nhổ một bãi nước bọt vào đêm đen.
Ông Út Bèo cúi đầu, ngọ nguậy lần chiếc túi nhỏ ở lưng quần, cái túi nhỏ thường có của người nghèo đi xa để đựng vật quý. Tay ông Út Bèo vươn trên bàn.
– Vẫn còn nguyên đây mà, hôm nay được gặp lại rồi, tao xin trả lại…
Tiếng động mơ hồ của vật đặt trên bàn khiến ông Tư Lạc quay phắt lại và trố mắt: lá thư ngày xưa của ông và chiếc nhẫn vàng. Tức thì, ông Tư Lạc đưa tay cầm lấy lá thư, mở ra ngó đăm đăm.
– Tại sao thế này? Tại sao? – Giọng ông Tư Lạc thảng thốt.
– Chuyện dài khó nói nhưng xin mày nhìn kỹ chiếc nhẫn vàng là đúng của mày và nhận lại giùm. Của đã về với chủ nên nếu mày bảo tao phải đi luôn đêm nay thì tao đi liền, còn không thì sáng mai tao đi cũng được.
Ông Tư Lạc len lén nhìn ông Út Bèo, nhìn vào nhà vợ con đang ngủ:
-Hãy khoan. Dù sao thì… vật này đã là của cô ta…nên hay là mày …hay là…mày giao nó cho Muộn Hằng giùm tao.
Gió ngừng thổi đọt tràm, xa xa có tiếng chim giật mình vỗ cánh. Khuya lắm rồi. Vẫn vẻ nhẫn nhục đến kỳ lạ, ông Út Bèo không nói không rằng, cầm lá thư và chiếc nhẫn bỏ lại túi nhỏ lưng quần. Sáng hôm sau, ông Tư Lạc cũng về quê để bữa trưa, đặt tiệc ở một cái quán và nhờ ông Út Bèo mời bà Mười Hằng hội ngộ. Trong lúc ông Tư Lạc ra quán đặt tiệc thì ông Út Bèo đến trường.
Bà Muộn Hằng đang ngồi bên bàn cạnh cửa sổ. Ông Út Bèo gõ cánh cửa khép hờ. Bà ngửng lên:
– Anh là phụ huynh của học sinh nào?
Một giọng nói trong vắt khiến ông Út Bèo giật mình. Giọng nói trong vắt khi tuổi đã lớn chứng tỏ tâm hồn bà rất trong trẻo. Con người bà thì toát ra nỗi cô đơn ghê gớm: vóc nhỏ gầy xọp, mái tóc phất phơ những sợi bạc bên đuôi mắt chảy xuôi, da nhợt nhạt, bàn tay mỏng nổi gân xanh đặt trên cuốn vở. Ông Út Bèo cũng gầy gò, bợt bạt và buồn thảm nhưng so với bà vẫn khỏe mạnh hơn nhiều.
– Tôi là … là bạn của Tư Lạc.
– Tư Lạc nào?
– Tư Lạc ở xã bên nhưng đã bỏ vô rừng tràm sống lâu rồi đó mà.
Bà trợn tròn mắt nhìn ông rồi chớp mạnh, cúi xuống.
-Thật ra, bạn cũ hai mươi mấy năm rồi, hồi còn ở nước ngoài lận. Dạo đó… tôi về trước và Tư Lạc có gửi một lá thư bảo tôi đưa đến cho bà nhưng giờ … tôi mới đến được.
Lá thư đặt lên bàn. Bà Muộn Hằng hoảng hốt nhìn ông Út Bèo, nhìn ra sau lưng ông thấy cửa vẫn mở, nhìn qua cửa thấy bên ngoài ánh nắng vẫn rực rỡ, bà biết không phải đang mơ nên trấn tĩnh, nhón lá thư mở đọc. Bà lướt nhanh một lượt rồi đọc lại tỉ mẩn, dừng rất lâu ở chữ ký Tư Lạc cuối thư. Giọng bà khản đục:
– Tại sao giờ ông mới đến đây?
– Đời tôi gặp tai họa nên lưu lạc cô ạ.
Bà để ý nhìn, bấy giờ bà thấy rõ những nét buồn đau tê tái trên khuôn mặt nhàu nhĩ của ông, vầng trán đầy nếp nhăn, đôi lông mày xơ xác, đôi mắt bạc phếch, đôi môi khô mím chặt nghiệt ngã giữa đôi má hóp. Ánh nhìn bà dịu lại.
– Cảm ơn anh, cả cuộc đời tôi đợi lá thư này.
Ông đặt tiếp lên bàn chiếc nhẫn vàng.
– Đây là kỷ vật Tư Lạc gửi kèm lá thư cho bà.
Bà cầm nhanh chiếc nhẫn, ngắm nghía rồi lồng vào ngón đeo nhẫn nhưng ngón tay bà quá ốm, chiếc nhẫn lỏng tênh, bà rút ra đeo vào ngón giữa, giơ bàn tay ra ngắm nghía. Một lúc, bà tháo chiếc nhẫn đặt xuống bàn, lại cầm thư đọc, nước mắt từ từ ứa ra, lăn dài xuống đôi gò má nhợt nhạt rồi cứ thế tuôn ào ạt. Khuôn mặt bà trắng bệch. Ngồi bất động. Giọng trong vắt rỉ ra thì thầm:
-Anh có biết đời người con gái khi bị bỏ rơi thì thế nào không, thì không bình thường được nữa. Cuộc đời tôi chỉ còn là một cô giáo ráng hằng ngày đem niềm vui đến cho học sinh; đó chỉ là một phần của cuộc đời người con gái mà thôi. Chỉ một phần nên tôi phải rướn lên để sống, gặp cơn gió nhẹ phải co lại, gặp tiếng nói to là giật mình, gặp ánh mắt lạ cũng phải né tránh. Con gái lớn tuổi sống một mình thì lễ tết cũng sợ, về quê gặp người thân cũng sợ. Vì sợ nghe hỏi chuyện gia đình riêng, thúc giục có gia đình riêng, còn đánh tiếng mai mối chỗ này chỗ nọ mà mỗi lời nói như mũi dùi chọc vào vết thương cuộc đời tôi; ai gặp cũng hỏi để chứng tỏ sự quan tâm, chọc hoài mũi dùi vào vết thương không lành của đời tôi. Có cuộc đời nào bất hạnh, bất bình thường bằng cuộc đời phải chạy trốn người thân? Chạy trốn người thân thì chỉ có cách co vào nỗi cô đơn, mà cô đơn khi co vào lại hay sinh ác mộng. Anh có biết cuộc đời vậy buồn tủi đến mức nào không?
Giọng trong vắt nhỏ dần rồi im bặt như điệu nhạc não nề đột ngột tuôn từ trời xanh bên ngoài cửa sổ rồi lại co về với trời xanh, trả lại căn phòng sự im lặng tuyệt đối. Trên bàn có bình trà, ông Út Bèo rót ra hai ly. Tiếng ly lách cách làm bà Muộn Hằng bừng tỉnh, luống cuống nhìn quanh. Bà vội lấy khăn lau nước mắt, cười sợ sệt. Khác hẳn phong thái điềm tĩnh của cô giáo đón tiếp phụ huynh học sinh vừa nãy, bây giờ điệu bộ vụng về yếu đuối.
– Tôi vừa nói gì lộn xộn lắm phải không ạ?
– Không đâu mà, cô chỉ trò chuyện về cuộc sống của người giáo viên là mong ước hằng ngày được đem niềm vui đến cho học sinh.
Thực lòng ông Út Bèo nhập tâm những lời nói ấy. Bà Muộn Hằng cười mềm mỏng, gấp lá thư cất vào ngăn kéo, còn chiếc nhẫn vàng vẫn chơ vơ trên bàn.
– Mọi hôm, giờ này học sinh hay đến chơi – Bà nhìn ra cửa sổ.
– À, trưa nay, Tư Lạc có chuẩn bị bữa cơm hội ngộ ngoài quán, mời cô ra.
– Dạ…
Ông Út Bèo đến quán thấy ông Tư Lạc đang ngồi với một người trẻ tuổi, hai chân dạng ra khuỳnh khuỳnh, hai tay mở rộng trên bàn.
– Em trai tao, sỹ quan công an vừa nghỉ hưu ở trên thị trấn.
Ông Tư Lạc vừa giới thiệu thì ông Út Bèo thay đổi khác lạ, khuôn mặt nhàu nhĩ khổ đau đột nhiên đanh lại, ánh mắt sắc lạnh gườm gườm. Còn em của ông đã khép chân lại, hai tay co vào, mắt liếc ngang. Ông Tư Lạc ngạc nhiên:
– Hai đứa biết nhau à?
– Không biết nó là em ruột của mày mà thôi chớ nó thì quá rành luôn.
Em của ông Tư Lạc lên tiếng:
– Em có lỗi trong việc đẩy anh Út Bèo vào tù hai chục năm qua.
– Là sao? – Ông Tư Lạc hoảng hốt.
– Sao trăng gì, em mày kết cho tao tội hiếp dâm, cướp của, giết người, từ đó tòa xử tao tội tử hình nhưng nhờ trời còn có mắt nên tòa phúc thẩm hủy án rồi cứ làm đi làm lại hoài, cho đến mới đây, thằng tội phạm ra đầu thú thì tao được thả về nhà.
– Trời ơi – Hai tay ông Tư Lạc ôm lấy đầu – Thì ra vì vậy mà giờ mày mới đến được đây. Trời ơi…trời ơi…tao đâu có biết hả trời…
Ông Út Bèo vắn tắt, hồi đó về nhà được mấy bữa, chưa kịp đi đâu thì bạn bè rủ sang huyện bên nhậu, quá xỉn nên nằm lại quán. Đêm ấy, trong quán xảy ra vụ án hiếp dâm, cướp của, giết người và điều tra kết tội cho ông.
– Sao mày không chối? – Ông Tư Lạc nhăn nhó.
– Hỏi em mày đấy. Điều tra ngày đêm cật vấn tao “không mày thì ai vô đây?”, tao trả lời là lúc đó tao xỉn quá không biết gì, tao không gây tội chứ không biết đứa nào. Không tội cũng buộc phải nhận, chỉ còn đường ra tòa khai lại.
– Thật ra, vụ án này em chỉ là điều tra phụ, điều tra chính là người khác, em không phải người quyết định.
Rơi tõm vào im lặng. Hồi lâu, ông Tư Lạc rên rỉ:
– Hèn chi, có lần tao sang xã mày dò hỏi, gặp mấy người cứ nhìn tao vè vè, hỏi không thèm trả lời.
– Sai lầm của chúng em hồi đó là quan điểm khám phá vụ án – Em trai ông Tư Lạc vạch ngón tay trên bàn giải thích – Điều tra phá án thì phải thu thập chứng cứ và phân tích chứng cứ, còn khám phá là đưa ra tình huống giả định rồi theo đó mà chứng minh, như bài toán đã biết trước đáp số, tìm cách chứng minh đáp số đúng. Cố chứng minh mình đúng nên đôi khi lướt qua thực tế, khẳng định mình tài giỏi lại dễ tuột dài vào oan sai.
– Mày điều tra hay vậy tèn? – Ông Tư Lạc gằn giọng mỉa mai.
– Nên em mới xin nghỉ hưu trước tuổi. Nhưng nghỉ hưu mà có được yên đâu anh ơi, ngày đi đây đó có thể khuây khỏa còn đêm vắt tay lên trán là phải nghĩ ngợi. Quá khứ có chiến tích thì ban ngày hay nhớ, còn quá khứ có sai lầm thì đêm lại hay nhớ. Muốn lập công, lấy thành tích mà sai lầm thì bây giờ muốn thoát ra khỏi sai lầm lại không thoát ra được. Em bây giờ chỉ mong có được cuộc sống bình thường như người nông dân, ngày ra ruộng vất vả mà đêm yên giấc…
– Thôi đừng kể lể, không phải lúc nghe chuyện của mày – Ông Tư Lạc cắt ngang – Để nghe chuyện Út Bèo, ra tù rồi sao nữa?
– Đang chờ các quyết định để được làm công dân bình thường. Hôm nay, lo xong món nợ với mày rồi là tao cũng đã nhẹ nhiều phần. Nhắc việc của mày, tao lại thương mẹ của tao. Những năm tao ở tù, mẹ của tao khổ lắm nhưng vẫn giữ được các kỷ vật của mày mà mẹ nghĩ là của tao, rồi mẹ qua đời lại để người thân cất giữ, khi tao ra tù thì người thân trao lại và tao chạy đến đây.
Lời ông Út Bèo rủ rỉ, nhẹ nhàng nhưng mỗi tiếng nói như sét nổ giữa trời quang. Ông Tư Lạc ngồi chết lặng. Cuộc đời con người, hạnh phúc sao quá khó tìm và dễ thất lạc, chút sẩy sơ là mất, còn tai ương sao dễ gặp mà lại hay luẩn quẩn trong bạn bè, anh em. Khổ đau của đời ông, của bà Muộn Hằng ngỡ đã lớn nhưng hóa ra chưa là gì so với bạn của ông. Ông Tư Lạc đã đầm đìa nước mắt, đứng lên chắp hai tay lạy ông Út Bèo:
– Cho tao lạy mày một lạy, mong xá cho những lỗi lầm của anh em tao; xin nhận giùm mẹ một lạy, cầu mong cụ ở suối vàng siêu thoát và anh em con sẽ sớm sang thắp nhang viếng cụ; lại xin mày nhận giùm cho người thân tốt bụng một lạy nữa, nhận cho lòng biết ơn vô hạn.
Đằng xa đã xuất hiện bà Muộn Hằng. Đến cửa, bà tươi cười:
– Chào các anh.
Bà chủ động kéo ghế ngồi. Trong lúc anh em ông Tư Lạc lúng túng, bà hỏi ông Út Bèo là mọi người có phải đợi bà lâu không? Ông Út Bèo trả lời một câu đúng với suy nghĩ và cuộc đời ông, cũng tuyệt vời lúc này:
– Với tôi thì không lâu gì lắm nhưng với Tư Lạc thì chắc là rất lâu.
Bà cười to, đôi môi có tý son mở rộng nhưng liền đó run run khép lại. Bà đang cố giấu sự hồi hộp, nỗi buồn đau thê thiết trong lòng bằng cách cố tỏ ra tự nhiên nói cười. Giọng trong vắt đôi lúc cố cất cao mà thành rè đục, đôi mắt nhìn thẳng thỉnh thoảng phải chớp mạnh, nét mặt thỉnh thoảng biến sắc thảng thốt, đôi bàn tay gầy mảnh cứ vặn xoắn lấy nhau trên cái túi xách rẻ tiền đặt trong lòng. Em trai ông Tư Lạc xuống bếp. Ông Út Bèo kiếm cớ ra ngoài. Trong phòng chỉ còn ông Tư Lạc và bà Muộn Hằng…
Khi em ông Tư Lạc trở lại, phát hiện ông Út Bèo đi đã quá lâu. Mọi người nhớn nhác tìm. Chủ quán đưa cho họ mảnh giấy có dòng chữ ngệch ngoạc của ông Út Bèo gửi lại: “Chúc mọi người vui vẻ, tôi về trước và sẽ ráng sống bình thường”. Ông Tư Lạc chợt thì thầm:
– Út Bèo đang sống với ai, có vợ con chưa?
Câu hỏi rơi vào thinh không. Em trai ông Tư Lạc nhớm chân dịch ra, né câu hỏi. Bà Muộn Hằng đọc dòng chữ nghệch ngoạc trên tờ giấy, nhìn ra trời nắng. Phút chốc cả ba người quên nỗi bất hạnh của bản thân, ý nghĩ đuổi theo ông Út Bèo. Anh em ông Tư Lạc thực sự choáng váng trong từng ý nghĩ thấm thía nỗi bất hạnh lớn lao của ông Út Bèo, người bất hạnh nhất, người phải gánh chịu lầm lỗi của người khác, gánh vác trong số phận nghèo khổ mạt hạng, nhẫn nhục chịu đựng với nghị lực sống kiên cường ghê gớm. Dường như cuộc đời thường có những người như vậy, luôn gánh vác khổ đau bất hạnh cho người khác mà người khác lại không dễ nhận ra, ít hiểu về người đó, đôi lúc là không hiểu gì cả. Bất giác anh em ông Tư Lạc cùng nhìn bà Muộn Hằng, còn bà Muộn Hằng vẫn nhìn con đường trống trải vời vợi ánh nắng. Em của ông Tư Lạc quả quyết:
– Để em chạy ra bến xe may còn kịp giữ anh Út Bèo ở lại.
Bà Muộn Hằng thảng thốt:
-Hai anh em cùng ra bến xe mới mong giữ được anh Út Bèo, mình tôi ở đây chờ được mà – Bàn tay bà đặt hờ trên túi xách đeo vai, lóe ánh nắng ban mai chiếc nhẫn vàng đeo ngón tay giữ

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved