Trước 1975, nhà tôi bán sách, kèm theo văn phòng phẩm, và cả nhạc nữa. Vì vậy tôi biết rất nhiều bản nhạc, hay có mà dở cũng có. Nhiều vị khách tới mua hàng nói rằng họ không biết, hoặc không nhớ tên một bài hát nào đó mà họ muốn mua. Và họ chỉ cần hát là lá la vài câu là tôi sẽ rút ngay bài hát đó ra, y như ảo thuật gia lôi đủ thứ từ trong áo vest, khiến các chú khách hàng ấy phục lăn.
Nhưng không phải bài nào tôi cũng biết hát. Có nhiều bài trong đời tôi còn chưa nghe qua lấy một lần, nên chẳng biết ai là tác giả, ca sĩ nào đã trình bày, có thành công hay không, và họa sĩ nào đã vẽ hình bìa… Bài Chiều Thương Đô Thị chính là một trong số đó. Nhưng chỉ mới nghe qua cái tên bài hát đó là tôi đã thương liền, không cần biết oong, đơ (un, deux) gì ráo! Vì vậy, tôi xin phép tác giả, dù còn đây hay đã khuất, được lấy tên bài hát làm tựa bài viết này, để nói về Sài Gòn Qua Những Khúc Ca.
Tôi đã phải trải qua năm năm của quãng đời thơ ấu xa nhà, xa gia đình, và xa Sài Gòn, từ lúc mới lên ba. Trong năm năm trời đó, hình như tôi chỉ được về thăm nhà có đôi ba lần! Tôi nhớ mình đã từng là một đứa trẻ lúc nào cũng u buồn, y hệt như các văn sĩ thường tả những trẻ em mồ côi. Ít nói ít cười, tôi khó hòa nhập với mọi người xung quanh, và chiều chiều nhớ nhà, tôi cứ nhìn khắp bốn phương trời để nhớ về Sài Gòn quê hương tôi. Cảm xúc ấy sao rất giống với lời một bài hát thuở nhỏ ở Châu Đốc tôi từng nghe, nay chợt hiện ra trong óc:
Đã từ lâu rồi cánh chim bạt gió Đôi lần vẫn nhắc đến tên người xưa Đêm nay dĩ vãng về trong giá lạnh…
Vì thế, mỗi lần được bác gái dắt về thăm gia đình, tôi mừng hết lớn, dù phải chịu cảnh ói lên ói xuống. Nếu cùng một chiếc xe đò, lúc đi tôi ói một bên, lúc về tôi ngồi bên đối diện sẽ lại ói thêm lần nữa! Hai bên hông chiếc xe nhìn cứ như bãi chiến trường! Tôi phải tả dài giòng văn tự như vậy mới đủ diễn tả nỗi vui mừng to lớn, lẫn nỗi khổ cũng to không kém mà tôi phải chịu đựng mỗi chuyến đi để được về “quê”!
Về đến “quê” Sài Gòn, tôi cứ tha thẩn một mình, đứng trước cửa nhà nhìn dòng xe cộ qua lại không dứt, mà lòng cứ cảm thấy man mác, xao xuyến, bâng khuâng khó tả. Trên lề đường, có người ngồi quạt lửa than nướng những chiếc bánh tráng mè, bánh phồng. Lẫn trong tiếng cộ xe ồn ào náo nhiệt là tiếng búa hết đập đập lại gõ gõ sắt, thép chan chát trên chiếc đe của một lò rèn gần đó! Từ chiếc radio của tiệm hớt tóc nhà bên cạnh, vang lên giọng ca kéo dài, nhừa nhựa của một ca sĩ nào đó trong một bài hát điệu jazz:
Chiều xóa thành đô Thế nhân bàng hoàng Giọng hát lời ca ôi sao nhịp nhàng Dừng trên hè phố Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi lá rơi trên thềm nhà…
(Đường Chiều, Hồng Duyệt)
Người về người đi hoàng hôn một lối Đường một đường hai chiều đưa vào tối Trời cao gào gió đầy Hàng cây cùng ghế dài Nào ai lẻ bóng nào ai thành đôi Đời mình là con tàu qua nhiều bến Mà thăng trầm như trùng dương nổi sóng Trời mây một lữ hành Biển khơi một nỗi niềm Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương…
(Đại Lộ Hoàng Hôn, Y Vân)
Tôi không nhớ tên nhạc sĩ nào đã từng tâm sự rằng, có lần ông muốn sáng tác một ca khúc để ngợi ca Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng rồi lại thôi, vì biết chắc chắn rằng không thể nào và không bao giờ sẽ có một ca khúc vượt trội hơn một sáng tác chưa-bao-giờ-lỗi-thời cũng tên Sài Gòn của Y Vân, đã được trình bày qua nhiều ban tam ca như The Cats Trio, và cả đơn ca nữa, như Carol Kim chẳng hạn:
Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi Sài Gòn ơi…
Ghé bến Sài Gòn của Văn Phụng cũng là một bài hát rộn ràng vui tươi không kém, thường được các ban hợp ca trong cũng như ngoài nước lựa chọn:
Cùng nhau đi tới Sài Gòn, cùng nhau đi tới Sài Gòn: thủ đô yêu dấu nước Nam tự do Dừng chân trên bến Cộng hòa Người Trung, Nam, Bắc một nhà Về đây chung sống hát khúc hoan ca Ngựa xe như nước rộn ràng Ngập muôn sức sống tiềm tàng Đèn đêm tung ánh sáng như hào quang Đường đi quanh khúc Bàn Cờ…
Cũng có một bài hát xưa nghe thật rộn rã, dồn dập, và thật hay viết cho Sài Gòn nhưng đáng tiếc được ít người biết tới, đó là bài Đường Về Sài Thành của Hoàng Khải, mô tả đoàn người nghệ sĩ phi nước đại trong ánh hoàng hôn để về Sài Thành: đích đến nhiều mong chờ, mơ ước:
Đường gập ghềnh đoàn xe đi trong nắng hoàng hôn Bụi mịt mờ quyện tung lên theo vó câu dồn Đoàn nghệ sĩ gieo tiếng tơ cùng lời ca dâng ý thơ về nơi nơi ngây ngất say như một giấc mơ Về Sài thành đường còn xa xa tít mờ xa Ngựa chạy đều đoàn xe băng trong cát bay nhòa Hồn say sưa theo gió đưa Người nghệ sĩ đang lắng mơ Ngày về kinh đô sáng tươi vui lên chan hòa Xe rung rinh trên đường cát trắng đi về Sài thành Đây muôn hoa reo cười duyên dáng xây mộng đẹp lành Đây muôn chim bay về chân núi Đây tơ mây trôi về xa xôi Dâng duyên thơ cho người nghệ sĩ mơ nơi xa vời Về Sài thành ngựa phi mau đua hí rền vang Bụi mịt mờ vờn nhau bay trong nắng hôn hoàng Đoàn nghệ sĩ đang ngóng trông về thành đô nơi mến thương Về nơi đây ca hát vang cho đời thêm nồng…
Nói đến Sài gòn, là phải nói đến… Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ! Đô thị là thế! Hơn nữa, kinh đô là thế:
Màn đêm xuống dần muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng Và bao phố phường bao mái lầu chìm trong bóng đêm La la la… Lòng thầm nhớ ơ ơ bài thơ Đường đi lối về cơn gió lùa ngả nghiêng bao tà áo Và bao mái đầu không vướng sầu kề vai bước mau…
Bài hát Đêm Đô Thị luôn luôn nhắc tôi nhớ tới những ban tam ca trẻ trung thời bấy giờ như Ba Con Mèo, Ba Trái Táo, và nhất là thần tượng thuở mới lớn của tôi: ca sĩ Sĩ Phú. Không ngờ đàng sau tiếng hát tài danh bậc nhất thời bấy giờ, đàng sau nét hào hoa phong nhã triệu triệu trái tim mê đắm ấy lại là một cuộc đời chìm trong tăm tối khổ đau. Có lẽ âu cũng là qui luật: Đã cho lấy kiếp hồng nhan Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân Đã đầy vào kiếp phong trần Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Thủ đô Sài Gòn xa xưa cũng là nơi chốn hẹn hò, dấu yêu của biết bao cặp tình nhân:
Một sớm tan chuông tà áo trắng ngập đường Mình anh chơ vơ chờ em trước cổng trường Rồi bóng em ra qua giây phút muộn màng Nắm tay anh em cười khẽ nói Trọn sáng hôm nay giờ triết lý thật buồn Giờ anh đưa em đi tìm giây phút lạ thường Mình có bao lâu rồi sẽ hết một ngày Hãy trao nhau trọn tình đắm say Là là la lá la hãy sánh bước với nhau kề vai nhau Nhạc bừng reo khắp nơi, ta dìu nhau theo tiếng nhạc vui Mình sống bên nhau và quên hết hận sầu Thì không gian kia là khói thuốc nhiệm màu Để mãi đưa ta trôi xa bến đợi chờ Kết hai tâm hồn toàn ước mơ.
(Bên Nhau Ngày Vui, Quốc Dũng)
Hay:
Như làn mây, tình yêu thôi giờ đây lững lờ Như làn gió, người yêu thôi giờ đây hững hờ Rồi một lần xa cách là một đời than trách Rồi cuộc tình bay mất và một người đi khuất Tình chỉ còn cay đắng, người chỉ còn xa vắng Để chỉ còn nắng vương cuối đường Thương người thương ngàn xưa ôi ngàn sau nét cười Hương sầu vương, đường xưa nay giờ đâu bóng người Kỷ niệm màu tan vỡ, lòng chỉ còn nhung nhớ Rồi một mình quên lãng, lạnh lùng theo năm tháng Rồi một lần em đã mềm lòng như chiếc lá Là một lần xoá dấu đớn đau Em nhớ ngày anh đón em góc trường E ấp thẹn thùng vấn vương Em nhớ ngày anh đón em cuối đường Dù đường loang vết nắng, nắng vẫn lung linh màu Thôi giờ đây còn đâu ngọt ngào đôi má hây Thôi giờ đây tìm đâu bên mùi hương ngất ngây Ngày tàn dần như khói, chiều buồn dâng muôn lối Một mình lang thang tới miền cỏ hoang nắng chói Rồi nhìn em bên gối nhẹ nhàng đan tóc rối Chỉ còn là giấc mơ qua rồi Thương người thương Thương người thương Vương sầu vương…
(Yellow Bird, Lời Việt: Chỉ Là Giấc Mơ Qua, của Trường Kỳ)
Hoặc:
Tìm em ở đâu khi mùa về gieo thương nhớ Tìm em ở đâu thương sao ánh mắt mộng mơ Về đâu hỡi em cho tôi theo bước đường tìm, trao em đôi tiếng thề nguyền, từ lâu nén trong tim? Tìm em ở đâu, nơi đô thành hay quê cũ…
(Tìm Em Ở Đâu, tác giả: Minh Nhựt, Anh Khoa trình bày)
Bài hát sau đây tôi được nghe hoài nghe hủy, oái oăm thay, từ lúc còn năm, ba tuổi, dưới Châu Đốc, lứa tuổi thơ ngây hồn nhiên chưa biết gì tới “chuyện hẹn hò”. Dù vậy, bài hát ấy vô tình vẫn làm tăng thêm nỗi nhớ niềm yêu Sài Gòn của tôi:
Những chiều không có em, ngõ hồn sao hoang vắng Ôi! dừng chân đây, đường phố cũ Ngồi nhớ tới dáng người em thơ cùng bước dưới trời mưa lòng trao chuyện lòng Những chiều không có em, lá vàng tan tác bay Thường lang thang về lối cũ, tìm dư hương ngày xưa vào hồn, mà nhớ nuối tiếc nhớ mãi Những chiều không có em Những chiều tôi với em tay trong tay Ôi, thành đô ơi! Ôi! thời gian như chiếc bóng Người đi không thấy về bến mộng Ôi! chiều nay chiều nay sao nhớ quá Giấc mơ tình yêu chưa trọn Những chiều không có em, phố buồn nằm yên bóng Ai chờ ai đây, mà bâng khuâng nhặt lấy chiếc lá úa Tiếc thời xuân xanh tựa chiếc lá vàng kia khi mùa thu gọi hồn Những chiều mây trắng bay, những chiều không có em Người yêu ơi còn thấy nhớ gì hay không? Từ đây một người đành sống kiếp cô đơn âm thầm Âm thầm như những đêm không trăng sao.
(Những Chiều Không Có Em, Trường Hải)
Tôi đặc biệt thích hình vẽ trên trang bìa của họa sĩ Kha Thùy Châu để minh họa cho bài hát Nếu Đời Không Có Anh của nhạc sĩ Hoàng Trang. Nhìn hình là biết ngay Sài Gòn thuở ấy, nó nhẹ nhàng êm đềm gì đâu á!
Ra phố hôm nay thấy buồn lên mắt Đường chiều man mác như gợi niềm thương Chờ người yêu đến cùng chung ngõ hồn Với vòng tay xanh đón mời cho đời lên ngôi thần thánh Đôi mắt em say giữa rừng thêu nắng Một loài hoa vỡ bên trời chiều hoang Đường trần soi bóng còn in dáng gầy Phím sầu rơi theo cuối tuần Chôn vùi ngày tháng đam mê Không anh đời như thiếu nhiều Không anh mây trôi ngập ngừng Làm sao không nhớ đến người mình yêu Vắng xa nhau một lần mà lòng như thấy lâu rồi Chinh chiến nên anh cuối tuần không đến Một lần xa cách trăm vạn lần thương Gục đầu nghe tiếng tình yêu dỗi hờn Những chiều không anh đến tìm Thương dài từng bước cô đơn…
Nhạc của Trịnh Công Sơn dĩ nhiên là hay rồi, nhưng cái gì nghe mãi cũng thành nhàm chán! Vì vậy đối với những ca khúc của nhạc sĩ đã quá phổ biến, tôi thường chọn những bài ít được ai nhắc tới, ít nghe thấy, để thích! Có lẽ bài hát của TCS mà tôi thích, vì được nghe cũng từ dưới Châu Đốc, là bài Lời Buồn Thánh. Nhưng bài này cho vào đây thì không phù hợp chút nào. Vì vậy tôi đành trích một sáng tác khác của ông, bài Chiều Một Mình Qua Phố vậy:
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên.
Một bài hát nói về Sài Gòn ít được nhắc nhở mặc dù thú vị là bài Tôi Trở Về Thành Phố, của Y Vân và Hoàng Huy, được trình bày qua giọng ca của ban Tam ca Sao Băng:
Tôi trở về thành phố làm khúc hát một mình Buổi chiều chưa ngã xuống bóng đêm còn viễn chinh Tôi trở về thành phố, làm tuổi thơ một mình Mỗi ngày đi ngả trái, bờ sông nước mênh mông Tôi trở về thành phố, một ngày chưa thấy em, ba ngày chưa thấy nốt, bây giờ tôi bỏ đi U u u u u
Một bài hát thật dễ thương thuở mới lớn khiến tôi luôn nhớ tới khu phố dễ thương ngày xưa của mình, có những chàng sinh viên trường Kiến Trúc… lên tỉnh trọ học:
Đêm có tiếng thở dài Đêm có những ngậm ngùi Khu phố yên nằm Đôi bàn chân mỏi Trên lối về mưa bay Đêm hiu hắt lạnh lùng Sâu thêm mắt muộn phiền Soi bóng đời mình bên giòng sông cũ Tôi với trời bơ vơ Anh ru em ngủ Không bằng những lời buồn anh đã viết Anh ru em ngủ Này lời ru tha thiết rộn ràng Ai cho tôi một ngày yên vui Cho tôi quên cuộc đời bão nổi Để tôi còn yêu thương loài người Đêm anh hát một mình Ru em giấc mộng lành Xin những yên bình Cho loài chim nhỏ Cao vút trời thênh thang…
(Đi Giữa Trời Bơ Vơ, Tùng Giang)
Tôi xin mượn bài hát Nhớ Thành Đô của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để khép lại bài viết này, dành cho chính mình, và cho cả những ai trót yêu Sài Gòn muôn màu muôn vẻ, trước 1975. Vâng, Sài Gòn đã từng như thế!
Tôi xa đô thành một đêm trăng mông mênh Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương hình bóng ấy, người em thơ đang từng giờ đợi chờ Tiếng hát những chiều thành câu thơ thương yêu Bao nhiêu con đường nằm thức giấc giữa đêm khuya Vì tiếng nói của con tim đi tìm mộng cuộc đời Thành đô! Còn nhớ mãi nhớ mãi, nhớ chiều mưa trên công viên, giờ chia ly sân ga, và khi gặp nhau bên lề đường hẹn hò Thành đô! Rằng nhớ mãi nhớ nhé dù xa xôi sơn khê, thời gian quen chia ly Chờ mong người đi trên đường về đường về…
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)