Chỉ ba chữ “Chơi Đồ Hàng” thế thôi mà cả một trời kỷ niệm ùa về, ai bảo già hay lú lẫn – lú lẫn mà có thể lôi trong hộp ký ức ra cả ngàn chi tiết thuở xa xưa nửa thế kỷ được sao? Hộp ký ức ấy trong suốt như khối thạch được nấu từ bột rong biển ẩn hiện những đóa hoa tim tím xinh xinh bị mưa ngoài vườn được hái mang thả vào khi thạch còn ở trạng thái lỏng.
Kỷ niệm cũng đã được đặt tên cho một bài hát từ nhạc sĩ Phạm Duy: ” Trăng lên bằng ngọn cau – Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao – Cha tôi ngồi xem báo phố xá vắng hiu hiu – Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu – Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê – Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre – Thấp thoáng vài con nghé – tiếng nước dưới chân đê!”
Những hình ảnh trong lòng tôi đúng y như thế, lại thêm bao nhiêu điều trẻ dại nghịch ngợm tìm mọi thứ quanh quẩn ngoài ngõ ngoài hè bên hàng xóm để chơi đồ hàng – thuở xa xưa ấy không có tv chảng hề có “game” iphone ipad – mạng internet – facebook.
Mẹ ngồi khâu áo – cha đọc báo, đường phố chưa có tiếng bình bịch, xe đạp xe ba gác là phương tiện chính, nếu thảng hoặc có xe hàng xe taxi, thì chiều tối cũng đã về nhà đi ngủ nên “phố vắng hiu hiu” quả là lúc phải đi chơi đồ hàng vì chưa buồn ngủ! Nến được thắp nhỏ vào ly nước làm bánh bèo, thằng bạn hàng xóm bày trò gom lá khô nhóm lửa thổi cho khói bay làm thành hình tượng để dụ dỗ con bé bán cho nó dĩa bánh bèo đặt trên lá bông giấy có đũa cũng từ gai bông giấy để khỏi phải trả tiền lá hoa ngâu, điều kiện là khói phải có hình cô tiên hay trái tim tùy theo ý cô bán bánh!
Những kỷ niệm bé tí như những đóa hoa đó bay lượn trong mùi thơm ngọt ngào từ chiếc nồi đặt trên bếp ga lửa nhỏ để giữ cho thạch không được đặc lại, niềm hạnh phúc của người đứng trong bếp là quyền làm phép cho những thứ mình đang nấu trên bếp phải theo đúng ý mình muốn, mặn hay ngọt lỏng hay đặc, nhất là khi nào được phép đông khi nào phải sanh sánh lúc nào được nghỉ ngơi! Mơn man bao là hình ảnh từ thuở bán hàng lấy lá, đến bán hàng lấy tiền bị lỗ nặng, cũng những “thằng” những “con” bạn cùng xóm mua những gói chè được đổ vào bịch cho vào ngăn đá làm đông! Trong xóm nhà có tủ lạnh đầu tiên là điều kỳ diệu, bán chè đông lấy “năm cắc” thằng Trung nói cho con Lan nghe, con Lan kể cho thằng Đức, tụi nó cứ truyền nhau còn mình nhịn chè bán cho chúng nó đến khi Mẹ phác giác tại sao những gói chè biến mất nhanh quá và con gái có một túi tiền năm cắc!
Màu sắc từ củ cải đỏ, từ hoa tầm xuân xanh ngắt, từ lòng trứng vàng, từ múi sầu riêng, từ dừa non, từ bí đỏ, lá dứa lá cẩm trang trí cho khối thạch thành hoa mẫu đơn hoa hồng hoa cúc, trong kỷ niệm, bức tranh vẽ nguệch ngoạc trên trang vở đôi khu vườn đầy màu sắc xuyên qua khuôn cửa sổ có màn che đượcc vạch sang hai phía con bé thắt hai bím tóc giữa khuôn cửa Bố đem khoe với bạn: “Con gái tôi vẽ đấy!” Khu vườn bây giờ cũng đầy hoa đầy màu sắc, rất đơn sơ quê mùa không se sua bằng những cột những đình chỉ có cành tre khô làm điểm tựa, những gì phải có bàn tay mình đặt vào cho nó – rồi hạt ươm rồi hoa từ nhà bạn nhảy sang nhà mình bằng nhánh bằng lá – khu vườn vui mùa xuân, rực rỡ mùa hạ, mùa thu đầy trái ngọt dù lá vàng rụng đầy, đến đông còng lừng đẩy cây yêu vào hiên trú lạnh, bức tranh thuở bé vẫn trong tim trái tim vẫn nhớ vẫn yêu hoa thương lá, ai đùa rằng phải nói chuyện với cây, mình thì thật sự nói với nó: “tại sao chưa ra hoa hả bưởi – mùa này mà chẳng có nụ nào!” – con bé giật cả mình đơm hoa cho đúng ba trái đủ để chất vỏ nấu chè trong tủ đá!
Nền đen làm nổi bật sắc màu đời sống, vừa pha vừa nhớ thuở tròn trăng con gái, bài học đầu tiên nấu thạch là ra tiệm chạp phô mua những sợi rau cau màu ngà về ngâm nước, Mẹ dậy một bát rau câu ba bát nước đường cát nấu với nước lọc sạch để nguội thả hoa nhài vào đậy kín – để hương hoa tẩm vào đường, khi rau câu đông thành thạch, Mẹ cắt thành miếng nằm gọn trong lòng bàn tay khéo léo xẻ dọc thật mỏng, rồi nghiêng đủ để khi bà cắt ngang từng sợi thạch rơi xuống chiếc tô có hoa văn màu xanh dương vẽ đôi rồng chầu quả châu tròn trịa, món tráng miệng nhẹ nhàng ngày hè được phong phú hơn khi đi học các sơ cách đổ thạch sơn thủy có màu trắng cốt nước dừa xen cùng màu lá dứa – màu cà phê – những chiếc khuôn đơn sơ bằng nhôm được ông thợ thiếc hàn uốn nửa hình trái tim, sau khi cắt ghép lại thành trái tim nguyên vẹn.
Sau 1975, món thạch được bán dạo bằng cách pha cho thật lỏng thêm cốt dừa, lớp dừa nổi lên mặt chén một lớp mỏng thế thôi, những chén thạch được đặt trên một tảng đá được mua từ nhà bán nước ngọt và nước đá trong xóm – mỗi sáng một chiếc xe ba gác chở những cây đá đến giao cho họ để bán lẻ – vỏ trấu được dùng để giữ nước đá chậm tan – bây giờ có lẽ chẳng còn thấy điều này nữa vì nhà nào cũng có máy làm nước đá trong tủ lạnh – Bán lẻ chén rau câu thế thôi cũng nuôi được cả gia đình trong khoảng thời gian ấy – vài năm sau khi cán bộ vào sống đầy miền Nam – sinh nhật tiệc tùng bắt đầu trở lại- những khuôn bánh – khuôn cắt thạch rau câu được dùng để đổ thành những bánh thạch đầy màu sắc, cứ thế đời trôi qua những vài chục năm!
Bây giờ cũng hoa ấy lá ấy, cách nấu gọn nhanh hơn, khung bếp rộng rãi sạch sẽ, khuôn khắc bằng nhựa dẻo silicone, bầy ra để nhớ quá khứ đã từng có bao nhiêu lần mình nấu mình vui cùng nó – mỗi thời một khác vui buồn lo toan lẫn lộn, đôi khi trong suốt nhìn thấu tâm cang, có lúc đen đặc quánh tưởng chừng không thấy gì nữa để tìm sự sống mà rồi đời vẫn nở hoa, những đóa hoa tự mình vẽ nên nó tự mình tô màu lên nó – đời sống đơn giản như thuở “chơi đồ hàng” dùng tiền lá đổi lấy nụ cười hạnh phúc!