Ngọt như Mứt Tết

tác giả Như Hoa Ấu Tím
78 xem

Gần đến Tết, dù dặn lòng thôi không nhớ – không ngậm ngùi – không để kỷ niệm ngày xưa kéo về làm lòng chùng buồn thiu thỉu nữa mà rồi vẫn bị hình ảnh thanh xuân ám ảnh, những đóa hoa – những luồng gió xuân quấn quít tà áo mỏng, hơi lạnh nhè nhẹ lay lá cành, mơn đôi má làn môi cùng bao ước mộng tưởng chừng giơ tay vói đến.

Những ngày cận Tết xôn xao, cô thợ may áo dài than không có giờ để ngủ, ông thợ đóng giầy xin khất đến ngày đưa ông Táo về trời, chiếc xe đạp được sơn lại màu hoa hiên có chút kim nhũ lóng lánh, bao nhiêu tiền ky cóp từ những phần quà sáng nhịn không ăn, để giành chơi hụi cùng đám bạn cùng lớp được dùng cho những việc đơn giản ấy, trong trí đã tính nhẩm những phong bao lì xì từ ông bà và bố mẹ sẽ nhiều hơn gấp bội. Mùa Xuân thanh bình của các cô gái thành thị không biết lửa khói chiến tranh.

Tết đồng nghĩa với bánh chưng xanh dưa hấu đỏ, đồng nghĩa với mứt ngọt hạt dưa bùi, bao nhiêu hoa trái tốt tươi ngày Tết cùng bao nhiêu điều cấm kỵ kiêng khem để mong cầu một năm mới sáng lạng hơn năm cũ, vui hơn hạnh phúc hơn. Đầu năm không ăn vị đắng cay, không uống nước lã, bếp lò được lau chùi sạch chờ ông Táo trở về, trong thời gian này nhiều nhà yên ắng không nấu nướng. Người nhóm bếp đầu năm là bà là mẹ, những người giữ tay hòm chìa khóa tính toán chi tiêu chợ búa cho gia đình.

Trước khi ông Táo về trời, thời tiết thường hưng hửng nắng, nắng không rực lửa nắng đủ mênh mang làm hồng đôi má, gió cũng vừa lay động đôi tà, thời tiết của phơi kiệu làm dưa, phơi đủ mọi thứ sên mứt, thông thường là khoai bí gừng dừa các vật liệu này rẻ vì nhiều và dễ làm.

Những chiếc mâm nho nhỏ có màu hồng đỏ là khoai, mâm phơi bí màu trắng, hơi ngả vàng là gừng, dừa thì được pha chế đủ màu cho đẹp .

Dừa rám mua đủ đôi về gọt sạch lụa nâu, chỉ giữ phần thịt trắng ngọc ngà, bào thật mỏng tránh bị đứt giữa chừng, sợi dừa càng dài càng khéo. Bà truyền cho mẹ, mẹ truyền xuống con gái nguyên tắc dễ dàng để làm mứt ngày Tết. Gọt rửa cho sạch, nhúng vôi cho cứng, nhúng phèn cho giòn, trụng cho tái (chín nửa chừng), vắt cho khô, phơi cho héo, ngâm với đường tỉ lệ tương đương: một – một cho các trái có vị chua, một – hai phần ba cho trái có vị trung, một – một nửa cho củ hay dừa, cứ thế mà các cô con gái thi nhau làm khéo, thi nhau pha màu thi nhau làm mứt cho các loại trái lạ, khó hơn nữa như mứt chanh, mứt tắc, mứt me, mứt khổ qua, mứt cà chua, mứt mận Đà Lạt.

Thuở ấy mỗi năm được làm mứt một lần, chẳng ai cần học thiền học yoga để tịnh tâm tịnh trí, chỉ cần làm một thố mứt tắc, một keo mứt mận, một hũ to mứt me là tâm nào cũng bình an, nỗi buồn nào cũng vơi khi ngồi gọt vỏ.
Lần học làm mứt tắt đầu tiên với chị Vượng là lần chị bị mẹ bắt phải dứt khoát cắt đứt với anh Nguyên, người láng giềng nhà xéo một căn thôi đối diện với nhà chị, anh có tật ở tay trái nên không phải đi lính. Chị xõa tóc ngồi tựa lưng vào khung cửa bếp, chiếc rổ trước mặt đầy trái tắc xanh tròn trịa, trái lớn nhất bằng ngón chân cái, tay chị mân mê dùng chiếc dao cau của bác, gọt thật mỏng để còn lại phần vỏ trắng bên trong, sau đó tỉ mỉ dùng đầu đũa lấy hết hột bên trong ra cùng lúc vắt nước chua mà không làm trái bị rách, vừa làm chị vừa âm ư hát, có lúc nước mắt ứa ra, chữa thẹn với tôi vì nước chua bắn vào mắt. Làm con gái ngày xưa bị ép uổng trăm bề, cứ ngỡ làm mứt tắt xong chị sẽ quên anh Nguyên, ai ngờ chị âm thầm sang ở hẳn nhà anh, vì gia đình của anh không có con gái, mẹ anh Nguyên yêu chị vô cùng, chị vừa đẹp vừa khéo vừa giỏi vừa ngoan (!), con gái thời ấy có tú tài đi dạy học hiếm hoi lắm. Thế là đám cưới phải có, chẳng lẽ để mất con gái không có khay cau mâm trầu? Sau ngày cưới hai bà thông gia chẳng có nhiều thì giờ để giận hờn nhau lâu, vì phải lo việc xếp ổ cho chị và sau đó mải tranh nhau trông cháu.

Làm mứt mận Đà Lạt không cần gọt vỏ, nhưng phải dùng dao khứa từng khứa thật mỏng đối xứng nhau qua chiếc hạt cứng, là lần học cách làm với bác Mận, người sinh con năm một từ ngày bị gả đi lấy chồng. Vị chua chát của mận Đà Lạt trại hầm không hiểu sao lại được các cô nữ sinh thích thú, hình dạng trái mận dễ thương có một khứa như dấu ngón tay bấm vào, cắt xong phải ngâm nước muối, nước vôi, nấu lại với phèn để thật khô mới ngâm với đường, sau đó sên đường cho đến khi trái trở màu đỏ hồng, để ra khay phơi cho ráo, vị chua vị chát biến mất chỉ còn vị ngọt sần sật của trái đã được các chất vôi chất phèn tác dụng. Cái khăn dạ choàng đầu bộ quần áo nâu, không gian xám trong gian nhà gỗ, mùi chè mùi hoa quì, hoa sói chung quanh thêm mùi đường ngọt, tiếng nổ của than ti tách trong chiếc lò be bé thường là để xấy chè, tiếng con nít chí chóe chung quanh, bác Mận lâu lâu lại phải đứng lên giàn xếp cho êm, bụng của bác đã to vượt mặt. Cả làng cả trại gia đình nào cũng thế, nhiều nhất đến cả chục, ít nhất cũng ba bốn, không có con đông là bị chê nhà không có phúc. Phần chan chát của cuộc đời theo với xã hội chả bà nào nếm thấy, chỉ còn vị ngọt gia đình phúc đức nên có đông con.

Đến khi học làm mứt me kinh khủng hơn, phải cạo cho hết lớp phấn chua bên ngoài luộc sơ ngâm muối cho trái nở bóc vỏ khều bỏ hạt, mười đầu ngón tay héo queo quắt vì ngâm nước muối pha phèn. Ôi chao làm mứt me với bà đang ghen chồng, vừa bóc vỏ vừa rên rỉ kể lể chuyện phải rình rập từng giờ đi giờ về, phải cân đo từng lời chê bai mình nhận, lời âu yếm bị mất, xét nét từng cử chỉ ngày xưa phong thái bây giờ của chồng, mùi me chua cùng câu chuyện ghen tương hơn giận khiến đến bây giờ vẫn còn nhớ đến, vì khi vừa làm sạch xong thau me thì ông chồng về, ông giúp bà xóc me cho ráo, hỏi có cần ông phụ trụng me không? Thay vì trả lời có hay không, bà trả lời giấm giẳng nghi ngờ hẳn ông vừa hẹn hò với ai trở về nhà chăng, dù đang có bạn trong nhà. Người chồng cười trừ đùa cợt: “Ấy hẳn em yêu quá đấy mà, củi mục như anh ai thèm mà ghen em ơi!” Cứ chua chua ghen ghen như thế không biết có giết dần hạnh phúc gia đình không, mà năm nào muốn có mứt me là đến thăm nhà ấy, vị chua ngọt cũng lắm người nghiện ngập.

Loại mứt kỳ lạ nhất là mứt trái khổ qua, ép trái có vị đắng thành vị ngọt là một kỳ công, kỳ công giống như chuyển đau khổ thành nguồn hạnh phúc, công thức làm mứt này học được từ một ni cô tu tại gia, triết lý cô dùng đơn giản lắm, để thời gian giúp chất đắng nguôi ngoai, sau đó tẩm đường vào cũng để thời gian tác động vào nó, cùng lúc khéo léo chắt cho hết vị đắng bỏ đi mà không làm bầm dập hình dạng đẹp đẽ của trái. Cô dặn dò muốn làm mứt này phải lựa mua trái nho nhỏ, màu trắng gai nở to, đừng mua trái gai nhọn màu xanh lè khó mà đổi vị. Ai ngờ ngay cả cây trái cũng được ngắm dung nhan để đo lòng dạ, dung nhan xởi lởi lòng dạ không rắc rối “đắng chằng”

Những hoài niệm xa vời ấy chỉ làm đậm thêm những nét đổi thay, Tết bây giờ chỉ còn lại những chữ Xuân trên trang báo hiếm người mê mẩn đọc, trong các hội chợ ngày càng vắng khách du xuân, thơ xuân không còn ý nhiều để so vần khẩy vận, chuyện ngày xuân chẳng còn bao hớn hở tình xuân. Thời gian vụt biến, những đổi thay chóng mặt, thuở nào khách đến nhà chơi phải chạy ra đề pô mua hai chai xá xị con cọp cùng một cục đá chạy vội về nhà, sợ đá tan chảy mất, bây giờ nghe dặn dò nhau đừng uống nhiều loại nước có ga đó nữa, toàn là đường độc địa. Sợ hãi chất đường thì còn đâu hứng thú truyền cho con cho cháu những món mứt cầu kỳ ngày Tết xưa ngày Xuân cũ.

Theo chu trình thay đổi toàn cầu, nhớ ngày nào con người vào rừng tìm lá cây làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh, tiến lên thành công nghệ hóa thực phẩm dùng phân bón trồng tỉa cho ra thật nhiều thành phẩm để cung phụng cho loài người, điện khí hóa, công nghiệp hóa, nay thì bao nhiêu hội bao nhiêu nhóm kêu gọi trở về nguyên khai organic, từ thức ăn đến vải vóc. Từ vải tám thô nhuộm bằng trái bồ hòn, được mặc ny lông – tê ta rông một ngàn, một ngàn rưởi đến sa teng sợi hóa học, nay lại quay về tơ tằm bông vải, sẽ đến lúc con người thực hiện hoàn hảo điều này, hoàn toàn quay về nguyên thủy uống nước lã không ga, ăn rau tự trồng tự kiếm, không đường muối bột ngọt, mặc quần áo bằng sợi gai, bông vải, tơ tằm.

Muốn trở lại thuở hí hửng áo dài ny lông kim tuyến, mứt ngọt có phèn chua hàn the, hẳn phải chờ đến chu kỳ mới, chu kỳ ấy chẳng còn người nào biết làm các loại mứt chua chát đắng cay ấy nữa, thì con người thời ấy sẽ lại tự nghĩ ra loại mứt khác lo gì?

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved