Thế là chị Hương đã bỏ đi. Chị rời khỏi nhà chúng tôi như chị chưa từng đến. Có khác chăng là lúc chị đến chỉ có một mình. Nhưng khi rời khỏi, chị dắt theo bé Chuột, đứa bé gái chưa đầy ba tuổi của chị. Chuyện đi hay ở của một người không giống như những chuyến xe buýt có giờ giấc, hành trình, rõ ràng. Chị đến nhà tôi cách đây bốn năm. Lúc chị đến, tôi chỉ là một cậu bé mười tuổi, chưa biết gì. Lần đó, sau một chuyến đi buôn, mẹ tôi dắt chị về nhà, gọi tôi lại và nói với tôi:
– Tịnh, lại đây mẹ biểu.
– Dạ, mẹ gọi con.
– Tịnh này…Ðây là chị Hương. Còn đây là Tịnh, con trai của dì.
– Dạ, em chào chị.
– Chị chào em. Em trai bao nhiêu tuổi rồi?
– Dạ em được mười tuổi.
Mẹ nhìn chúng tôi, ngắt lời:
– Chị Hương sẽ ở lại nhà chúng ta một thời gian để giúp mẹ chăm sóc ngoại và con. Thôi hai chị em làm quen nhau nhé.
– Dạ.
Mẹ nói với chúng tôi được vài câu rồi mẹ vào nhà tìm bà ngoại để nói chuyện. Chắc là chuyện của người lớn. Lúc đó tôi cũng không để tâm cho lắm. Mẹ đi rồi, tôi nhìn chị Hương kỹ hơn. Chị Hương độ chừng hai mươi tuổi. Chị có mái tóc đen, dài. Khuôn mặt thanh tú và đặc biệt là đôi môi đỏ hồng với má lúm đồng tiền. Chị có dáng người nho nhỏ thon gọn, nhưng có da có thịt chứ không phải ốm tong ốm teo như những cô người mẫu hay hoa hậu mà tôi từng thấy trên truyền hình.
Trước khi chị Hương đến, nhà tôi chỉ có ba người. Bà ngoại cũng gần bảy mươi tuổi, mẹ và tôi. Mẹ tôi ít khi nào ở nhà vì mẹ đi buôn bán ở Ðắk Nông. Mẹ mua cá khô của những người dân chài quanh xóm ở xã Vĩnh Lương này và đem lên vùng Ðắk Nông hoặc Buôn Mê Thuột để bán cho người dân tộc. Sau đó mẹ mua nông phẩm của họ đem về bán lại cho những người trên chợ thị xã. Mẹ tôi xa nhà miết, có khi đi hơn hai tuần mới về. Mọi việc trong nhà bà ngoại tôi tự lo. Bà nấu cơm nước và giặt giũ áo quần cho hai bà cháu. Còn tôi chỉ biết ăn, học và đi rong quanh xóm hoặc cùng đám bạn chơi đánh trỏng, đá dế, bắn bi. Kể từ hôm mẹ dắt chị Hương về nhà, tôi ít đi long nhong ngoài đường. Tôi thích ở quanh chị. Coi chị xếp hoa giấy, hoặc nghe chị hát vọng cổ Tô Ánh Nguyệt. Tôi thích nhìn thấy chị cười. Mỗi lần chị Hương cười hai đồng tiền trên má lúm sâu, rất xinh. Người ta nói những người có má lúm đồng tiền thường là những người sống rất tình cảm, lãng mạn. Mỗi khi chị cười để lộ hai hàm răng trắng đều rất dễ thương. Nhưng chị Hương hiếm khi cười. Những lúc rỗi rảnh, chị ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, nhìn xa xăm. Tôi không biết chị nhìn ai ngoài cửa hay chị đang chờ đợi ai. Có lần tôi hỏi ngoại tôi:
– Ngoại ơi, sao con thấy chị Hương hay ngồi nhìn ra cổng vậy Ngoại?
– Chắc nó nhớ nhà.
– À mà nhà của chỉ đâu sao không ở mà ở nhà mình vậy ngoại?
– Chuyện người lớn, con không hiểu đâu.
Chị Hương rất khéo tay và nấu ăn ngon. Không như ngoại hay mẹ tôi, chỉ biết nấu một vài món như cá kho, thịt kho, canh rau hoặc xào. Chị Hương nấu rất nhiều món ăn lạ, đẹp và ngon mà tôi chưa bao giờ được ăn. Chị Hương ở nhà tôi hơn nửa năm thì chị sanh một bé gái. Chị đặt tên cho bé là Nguyễn Hương Trà Mi. Ở nhà chúng tôi gọi là bé Chuột vì bé sinh năm con chuột. Bé Chuột rất dễ thương. Bé ít khi khóc nhè như những đứa trẻ khác. Chắc có lẽ là bé Chuột biết thân phận mình nên chẳng mè nheo? Bé bú no rồi ngủ. Mỗi lần chị Hương cho bé bú, tôi tò mò lén nhìn. Ðôi vú căng tròn sữa, trắng phau. Núm vú hồng hồng, tung tưng mỗi khi chị vỗ nhẹ vào mông ru bé ngủ. Bé Chuột thường bú no rồi lăn ra ngủ. Chị Hương để cho bé ngủ muồi trên tay rồi mới đặt bé vào nôi mây.
Khi bé Chuột được một tuổi, chị Hương thường nhờ tôi coi bé để chị làm công việc nhà. Chị giúp chúng tôi làm việc nhà, nấu ăn cho hai bà cháu. Chị còn nấu chè trôi nước gánh đi bán dạo quanh xóm để kiếm thêm tiền lo cho con gái. Chè trôi nước chị nấu trắng mịn, thơm lừng.
Buổi sáng chị dậy thật sớm, ngâm nếp, xay, đăng rồi ủ bột. Chị xào đậu xanh cùng hành hương, tóp mỡ để làm nhân bánh. Sau khi cơm trưa xong, chị cho bé Chuột ngủ rồi tiếp tục vò viên làm chè trôi nước. Những viên chè vừa trắng lại vừa tròn nổi lềnh bềnh trong nồi nước đường thơm mùi gừng tươi. Trên mặt chén chè, chị rắc thêm một ít mè trắng đã rang vàng. Khi bỏ những viên chè vào trong miệng, chúng mềm nhũn rồi tan chảy xuống bụng. Chè trôi nước chị Hương ăn rất tuyệt nhất là sau buổi xế trưa. Chè của chị Hương ngon lắm, nên chỉ vài tiếng đồng hồ gánh đi bán là hết sạch.
Ở đầu xóm chúng tôi có một gia đình rất giàu. Nhà lầu cao tầng, song cửa sắt uốn hình rồng phượng. Tường xây bốn phía như một dinh thự của tổng thống. Ðó là nhà anh Hạc.
Anh Hạc thích chị Hương. Mỗi lần chị Hương gánh chè đi qua, anh đều gọi vào mua và tìm cách làm quen. Anh Hạc đẹp trai, cao, to, mái tóc chẻ hai phủ lòa xòa xuống mắt. Anh si mê chị Hương lắm, nhưng chị lại không thích anh. Nhà anh Hạc nuôi rất nhiều cá kiểng. Nhiều nhất là loại cá bảy màu. Cá trống có cái đuôi to xoè ra như cánh quạt mỗi lần ve vãn cá mái. Những chiếc đuôi có đủ màu sắc óng ánh kim tuyến nhìn rất mê hoặc. Tôi thích nhìn chúng bơi trong nước hoặc nhìn chúng đá nhau. Có lẽ anh Hạc biết tôi thích nuôi và coi đá cá, nên anh thường gọi tôi vào nhà cho tôi xem hai con cá cắn nhau. Thỉnh thoảng, anh còn cho tôi vài con đem về nhà nuôi. Tôi chỉ nuôi được vài ba hôm thì chúng lăn đùng ra chết. Không phải anh Hạc yêu thương tôi mà gọi tôi vào nhà cho xem cá và cho cá về nuôi. Chẳng qua anh muốn lấy lòng tôi để tôi làm chim mồi chim xanh nhờ đưa thư giùm cho anh đến chị Hương. Anh Hạc nhờ tôi trao thư giùm anh mấy bận, nhưng chị Hương chẳng hồi âm. Chắc có lẽ chờ đợi lâu quá, nên một buổi tôi đang trên đường đi học về, anh chận tôi lại. Anh kéo tôi vào nhà rồi hỏi:
– Tịnh, mấy lần tao nhờ mày đưa thư cho chị Hương, mày có đưa giúp không?
– Dạ có.
– Thiệt? Lạ quá…. Có mà sao mấy lần rồi không thấy chị Hương hồi âm? Và dạo này cũng không thấy Hương gánh chè đi qua hướng này nữa?
– Em đâu biết. Sao anh không hỏi chỉ thử?
– Hỏi được thì tao đâu hỏi mày làm gì. Mà nè, tao cho mày hai con cá Phi Tiễn, mày dìa hỏi Hương là có đọc thư tao viết không nha? Nếu đọc sao không trả lời. Mày hỏi xong cho tao biết tao cho thêm hai con Da Rắn.
– Anh nói thiệt không? Cho em hai con Phi Tiễn và hai con Da Rắn?
– Ừa tao nói xạo với mày làm gì. Nhớ hỏi rồi cho tao biết nha. Hai con Da Rắn chiến đang chờ mày đó.
– Dạ. Anh hứa rồi nha.
– Ừa. Ði ra sau hè với tao, tao vớt cho hai con Phi Tiễn trước.
Tôi đi theo anh Hạc ra sau nhà anh để bắt cá. Phía sau nhà là những hồ cá lớn với rất nhiều loại khác nhau như cá bảy màu: Phi Tiễn, Da Rắn, Lưỡi Kiếm. Cá ba đuôi với cái bụng to phình ục ịch, lúc lắc, nhìn ngồ ngộ, cá đỏ song kiếm, cá đuôi én, cá ông Tiên, cá đá Lia Thia…vv… vv… bơi nhởn nhơ quanh hồ nhìn rất thích. Anh Hạc lấy cái bịch ni lông vớt cho tôi hai con cá bảy màu và căn dặn:
– Mày nhớ hỏi nha. Xong, tao cho hai con Da Rắn hay mày muốn con nào tao cho con đó. Chịu không?
– Dạ… Ðã quá! Cám ơn anh. Thôi em dìa em hỏi chị Hương liền.
Tôi cầm bịch cá bảy màu chạy nhanh về nhà. Tôi đi thẳng ra nhà sau lấy cái nồi lớn, múc nước, thả hai con cá vào nồi để nuôi. Tôi không dám thả chúng vào trong thạp nước dùng vì sợ chị Hương hay ngoại tôi lấy nước nấu ăn, tắm rửa, múc luôn hai con cá thì toi. Tôi đã bị một lần, nên tôi không thả chúng vào thạp nước nữa. Ðể cho chắc, tôi bưng cái nồi lên nhà trên cất dưới gầm giường. Lúc tôi đi ngang qua phòng chị Hương, tôi thấy chị đang đùa với bé Chuột. Tôi chào chị:
– Thưa chị em mới đi học về.
– Ờ, sao hôm nay về trễ vậy em? Ðói bụng chưa? Chị để phần cơm dưới nhà bếp.
– Dạ…Ngoại đâu rồi chị?
– Ngoại mới đi qua nhà bà Mười mua trầu rồi. Chắc cũng sắp về…
– Chị Hương…
– Gì vậy?
– Dạ… Dạ…
– Có chuyện gì mà ấp a, ấp úng vậy? Nói đi.
– Dạ mấy lá thư anh Hạc gửi cho chị đó… Chị có đọc không?
– Chị có đọc.
– Chị đọc sao không trả lời cho ảnh?
– Chị không thích. Em mới từ nhà anh Hạc về phải không?
– Dạ. Lúc nãy em đi học về ảnh chận đường em kêu em vô cho hai con cá và hỏi em. Sao lúc này chị không gánh chè qua hướng nhà anh Hạc nữa vậy?
– Chị không thích, nên… À, em còn nhỏ em không hiểu đâu.
– Em gần mười hai tuổi rồi, không còn nhỏ đâu. Chị không thích anh Hạc? Anh ấy đẹp trai, nhà giàu nữa.
– Ờ… Ðẹp trai, con nhà giàu, nhưng mà…
Chị kềm lại kịp thời để không bật ra chữ dốt. Rồi chị tiếp:
– Chị không thích. Chị không thích mẫu người như vậy. Nhà anh ấy giàu, nhưng cả nhà không ai đi làm thì tiền núi cũng hết.
– Tại chị mới về ở đây chị không biết thôi. Lúc trước anh Hạc có đi biển. Nhà ảnh có tàu đánh cá lớn nhất nhì ở cái làng này đó. Nhưng chắc tại mấy người anh chị của ảnh ở bên Mỹ gởi tiền về nhiều nên cả nhà bán hết tàu cá ở nhà mà vẫn có tiền để tiêu xài không hết đó chị.
– Ờ… Chị có nghe hàng xóm nói. Nhưng chị không thích… Với lại chị đã có bé Chuột, nhà anh ấy chắc sẽ không chịu chị.
– Nhưng anh ấy thương chị lắm.
– Thôi không nói chuyện này nữa. Em xuống ăn cơm đi rồi chơi với bé Chuột để chị còn đi bán.
– Dạ.
Tôi đi xuống nhà bếp để ăn trưa, nhưng vẫn còn thắc mắc trong đầu và không hiểu vì sao chị Hương lại không thích anh Hạc. Gia đình anh Hạc chỉ còn có mỗi mình anh sống với ba má. Tất cả anh chị đều sống ở Mỹ. Năm nào nhà anh cũng có Việt Kiều ở Mỹ về thăm. Lần nào cũng vậy, mỗi lần họ về là đám con nít chúng tôi tụ lại như bầy ruồi để chờ kẹo Sô-cô-la mà anh chị của ảnh đem phân phát. Những thỏi kẹo sô cô la khi bỏ vào miệng chúng tan chảy thơm ngon, ngọt lịm, béo ngậy, thêm một chút đăng đắng ở đầu lưỡi rất tuyệt vời. Từ lúc chị Hương đến nhà chúng tôi sống, tôi được anh Hạc ưu tiên cho nhiều kẹo hơn những đứa con nít cùng xóm. Anh Hạc tốt vậy mà chị Hương lại không thích làm tôi cứ thắc mắc trong đầu.
Hôm sau, lúc đi học về, tôi ghé nhà anh Hạc để kể cho anh ấy nghe. Tôi nói với anh ta rằng chị Hương có đọc thư anh viết, nhưng chị ấy không thích trả lời thư. Vì chị ấy sợ gia đình anh không chấp nhận một người có con riêng như chị. Chị còn bé Chuột phải lo. Nghe tôi kể xong, anh Hạc buồn lắm. Anh ngồi thừ người ra. Tôi chào anh và ra về.
Bé Chuột đã lớn. Mỗi ngày chị Hương dẫn theo bé để bán chè. Lúc này chị Hương còn bán thêm xôi bắp, xôi đậu đen, và xôi đậu phộng buổi sáng nên chị ít có thời gian rảnh rỗi như trước. Chị Hương không còn thời gian để ngồi trước hiên nhà, mắt nhìn ra đầu ngõ mơ màng. Công việc như cuốn chị bay theo. Chị không còn nấu nhiều món ăn đẹp và ngon như hồi chị mới đến. Thay vào đó chị nấu một lần thật nhiều để chúng tôi hâm lại ăn.
Nghỉ hè, tôi cùng đám bạn trong xóm đi bắt dế, mò tôm, câu cá hoặc chơi những trò chơi mà đám con nít chúng tôi thường hay chơi như bắn bi, tạt lon, bắn súng, thả thuyền ghe làm bằng vỏ dừa hay lon sữa bò…
Tôi ít khi ở nhà hoặc đi ra xóm ngoài như lúc còn đi học. Mỗi ngày, từ sáng đến chiều tối, tôi cùng đám bạn trong xóm đi rong cho đến khi tối mịt hoặc đói bụng mới mò về nhà. Ðôi lúc đói bụng, tôi ghé lại quán tạp hóa trong xóm ăn hoặc ăn ở nhà bạn bè. Tôi chỉ bận tâm tới những con diều bay cao, những con dế cồ lửa cắn nhau đến bỏ mạng, những chiếc ghe trò chơi nào chạy nhanh để qua được bên kia bờ sông. Tôi không còn thời gian bận tâm tới việc khác. Tôi quên bẵng đi chuyện anh Hạc và chị Hương. Nếu như hôm đó không có thằng Thành nhắc đến, có lẽ tôi đã không còn nhớ đến anh Hạc là ai.
Sáng hôm đó, đám con nít chúng tôi lội sông để qua bên bờ láng bắt dế. Bờ láng rộng thênh thang với đám cỏ xanh phủ kín đến ống quần. Tháng hè, nước bờ cạn khô. Những chú dế than, dế cồ lửa, đào hang làm tổ dưới các khe nứt. Chúng tôi đi từ sáng sớm, khi mặt trời chưa thức giấc. Lúc sương đêm còn đọng trên ngọn cỏ khô. Lúc những con dế cồ cạ đôi cánh vào nhau tạo ra tiếng rẹt rẹt gọi tình. Chúng tôi nhẹ nhàng bước chân không trên đám cỏ, lắng nghe những tiếng tục mái của đám dế cồ mà bắt chúng về cho đá nhau. Từ sáng sớm đến gần trưa chúng tôi bắt được vài con dế. Cũng có hôm không được con nào. Trong nhóm đi bắt dế của chúng tôi, Thành là đứa có đôi tai thính và đôi tay nhanh nhẹn nên lúc nào nó cũng bắt được nhiều dế nhất. Thành ở xóm ngoài, gần nhà anh Hạc. Mỗi lần muốn đi bắt dế, nó phải đi bọc lên đường quốc lộ rồi đi vòng qua con sông mới đến bờ láng hoặc có thể ra xóm tôi, lội qua sông để đi gần hơn. Thường thì Thành đi đường bọc cho khỏi lội qua sông. Nhưng hôm đó có lẽ nó thức dậy muộn, nên nó đi theo hướng lội sông với chúng tôi để bắt dế. Cả ngày hôm đó tôi chẳng bắt được con dế nào. Trong khi đó Thành bắt được sáu con dế cồ mun và cồ lửa. Ðến trưa, gần đến giờ về, thấy tôi không có con nào, Thành kêu tôi lại và nói:
– Ê, Tịnh… Mày muốn có dế không?
– Muốn chứ. Mày cho tao hả?
– Ừa, cho mày cũng được. Nhưng mai mốt ông Hạc có cho mày cá, mày nhớ cho tao với.
– Sao mày biết anh Hạc cho tao cá?
– Ông Hạc ổng mê bà Hương ở nhà mày, nên mày muốn có cá là ổng cho mày liền chứ gì. Ai lại không biết.
– Ờ, cũng được. Nhưng lâu nay tao không có ra xóm ngoài đó và chị Hương cũng không thích ảnh, nên ảnh không còn cho tao nữa.
– Ổng còn mê bà Hương lắm. Hôm nào mày giả đò ra đó đi một vòng là ổng gọi cho mày cá về nuôi, thoải mái luôn. Tao nghe nói ổng thất tình dữ lắm.
– Ồ…
– Nhớ nha, có cá nhớ cho tao. Nè, tao cho mày hai con. Hai con này chiến lắm, chắc đá cũng dai đó nha.
– Tao cảm ơn mày nha.
Mùa dế trôi qua, chúng tôi trở lại trường học. Sau cả tháng trời tôi mới đi ngang qua nhà anh Hạc. Buổi sáng, khi tôi đi ngang qua nhà anh. Anh thấy tôi, anh chận lại, hỏi:
– Ê, Tịnh. Sao cả tháng nay tao không thấy mày đi ra đây?
– Dạ nghỉ hè em không đi đường này, nên anh không thấy đó.
– Chị Hương dạo này ra sao rồi?
– Dạ cũng bình thường như mọi ngày. Thôi anh để em đi học chứ không trễ giờ học của em.
– Ừa… Thôi mày đi học đi. Tí trưa về ghé tao hỏi chút chuyện nhé. Hỏi xong tao cho cá về nuôi.
– Dạ. Thôi em đi học.
Trưa tan trường về, lúc đi qua nhà anh Hạc, anh thấy tôi. Anh vội mở cổng nhà chạy đến đón. Anh kéo tôi vào trong nhà và nói:
– Tao chờ mày cả buổi sáng lâu thấy bà cố.
– Chờ em chi? Em đi học mà.
– Thì chờ mày về để hỏi chút việc của Hương.
– Sao anh không hỏi chị ấy? Em có biết gì đâu, hỏi em chi cho mất công?
– Mày còn nhỏ nên chưa biết chuyện của người lớn đâu. Thôi tao nhờ mày thì mày cứ giúp rồi tao cho cá về nuôi. Mai mốt mày lớn sẽ biết. Hương nghiêm quá, tao không biết là Hương có giận tao không? Tao nhờ mày đưa thư cho Hương mà Hương từ chối trả lời. Mấy tháng nay tao vô trong xóm để tìm Hương. Tao nói thiệt với mày là tao có thấy Hương, nhưng tao không dám vô nhà…
– Dạ. Có gì mà không dám. Nhà em đâu có ai đâu mà sợ.
– Ừa… Tao vô trong xóm nhiều lần, nhìn thấy Hương ở xa thôi rồi dìa. À mà lần nào ra cũng không thấy mày, nên không biết nhờ ai.
– Ờ… Ờ… Tại em đi chơi với mấy đứa trong xóm miết.
– Mày nghĩ hôm nay tao ra gặp mặt Hương được không?
– Em đâu có biết. Anh muốn thì anh ra hỏi chỉ thôi.
– Ừa… Thôi mày dìa đi… Ðể chiều nay tao đem vô cho mày mấy con cá. Nhớ ở nhà chờ tao nha? Mà mấy giờ thì Hương mới đi bán chè dìa?
– Dạ thường thì khoảng bốn giờ hay bốn rưỡi thì chỉ về. Anh ra khoảng năm giờ chắc có chỉ ở nhà.
– Ừa vậy chờ tao lúc năm giờ chiều nha.
– Dạ, thôi em về chứ ngoại và chị Hương trông.
Tôi ngồi trước hiên nhà nhìn chị Hương đút cơm cho bé Chuột ăn. Tôi hỏi chị:
– Chị Hương nè…
– Gì vậy em?
– Sao dạo này em không nghe chị hát Tô Ánh Nguyệt nữa?
– Chị bận tối mắt tối mũi mà hát hò gì em…
– À mà chị có biết anh Hạc vô xóm mình tìm chị mấy lần không?
– Ờ… Chị có nghe người trong xóm nói, nhưng chị không để ý.
Chúng tôi ngừng cuộc trò chuyện vì thấy anh Hạc ở ngoài ngõ. Anh đang đi về hướng chúng tôi. Thấy chúng tôi trước hiên nhà, anh chào:
– Chào Hương. Chào bé Chuột dễ thương…
Vừa nói anh vừa tới gần bé Chuột làm quen với bé. Bé Chuột thấy người lạ, chạy đến ôm chân chị Hương, trốn ra sau lưng chị. Con bé len lén đưa mắt nhìn anh Hạc. Anh Hạc thấy vậy, mở túi ni lông lấy một thỏi kẹo sô cô la Hershey đưa cho bé Chuột và nói:
– Chú cho cháu kẹo nè…
Bé Chuột vẫn ôm chặt chân mẹ, nhìn thỏi kẹo trên tay anh Hạc, rồi ngước lên nhìn chị Hương. Chị Hương nói:
– Cám ơn anh… Nhưng con bé còn nhỏ quá chắc chưa biết ăn kẹo. Anh cất lại đi. Anh qua đây tìm Tịnh hả?
– Ờ… Ừm… Không… Anh qua đây tìm Hương. Ồ không… Anh qua đem mấy con cá cho thằng Tịnh rồi thăm Hương.
Anh quay sang tôi nói:
– Tịnh nè, anh cho em bịch cá để nuôi này. Em bỏ vào hồ đi.
– Dạ cám ơn anh. Ôi nhiều cá quá. Nhưng nhà em không có hồ. Ðể em lấy cái nồi bỏ vào.
– Sao bỏ trong nồi?
– Chứ nhà em không có hồ. Nhà em chỉ có cái thạp nước lớn và cái lu đựng nước uống thôi.
– Ờ… Vậy hả? Cá mà nuôi trong nồi nó không sống lâu đâu. Ðể hôm nào anh mua cho em cái lu nuôi cá…
Anh Hạc hôm nay làm tôi ngạc nhiên lắm. Anh không kêu tôi bằng mày và xưng tao như mọi hôm mà là anh em ngọt xớt. Anh còn đem cho tôi rất nhiều loại cá cảnh khác nhau. Giờ lại còn hứa mua cho tôi cái lu để tôi nuôi cá nữa. Tôi nhận bịch cá cảnh từ tay anh Hạc và đi ra sau nhà. Tôi lấy cái nồi mà tôi thường dùng để nuôi cá thả chúng vào. Nhìn cái nồi chật hẹp với hơn chục loại cá cảnh bơi lội bên trong, tôi thấy tội nghiệp cho chúng. Nhất là hai con cá ba đuôi có cái bụng ục ịch lúc nào cũng đớp hơi trong cái nồi nhỏ. Tôi nghĩ tới lời hứa của mình với thằng Thành hôm nọ. Tôi quyết định chỉ giữ lại bốn con cá mình thích. Số còn lại, tôi lấy nước bỏ vào trong túi ni lông rồi bắt số cá còn lại vào túi. Cầm túi cá cảnh đi lên nhà trước, tôi nói lớn cho chị Hương và anh Hạc nghe:
– Anh Hạc ở chơi. Chị Hương ơi, em chạy qua nhà thằng Thành chút xíu rồi về liền.
Không đợi cho chị Hương trả lời. Tôi cầm túi cá cảnh chạy thẳng một mạch ra nhà thằng Thành. Giờ này là giờ cơm chiều. Mọi người trong xóm ai cũng ở nhà để ăn cơm cùng gia đình. Vừa đến trước cổng nhà Thành, tôi gọi lớn:
– Thành ơi, có nhà không?
Thành từ trong nhà chạy ra hỏi:
– Ê, Tịnh, gì đó?
– Tao đem cá cảnh cho mày nè. Lúc nãy anh Hạc đem qua cho tao hơn chục con mà tao không có chỗ để nuôi. Tao chỉ giữ lại bốn con cá bảy màu. Còn lại cho mày hết nè.
– Ðẹp quá. Hết sẩy luôn. Cám ơn mày nha.
– Ừa. Thôi tao đi dìa. Hôm nào tao qua nhà mày coi đá cá.
Rời nhà Thành, tôi chạy về nhà mình. Ðến nhà, tôi vẫn còn thấy anh Hạc đang nói chuyện với chị Hương trong phòng khách. Tôi đi ra nhà sau tìm ngoại. Ngoại tôi đang chơi với bé Chuột. Ngoại lúc này yếu đi nhiều. Tóc ngoại đã bạc trắng hết. Thỉnh thoảng ngoại còn hay quên. Tôi đến bên ngoại hỏi lớn:
– Ngoại ăn cơm chưa?
– Ngoại ăn rồi. Mày biết thằng nói chuyện với con Hương nhà trên là ai không?
– Dạ anh Hạc con bà Sáu xóm ngoài đó ngoại.
– Con bà Sáu nào? Sáu bán mắm hả?
– Dạ không… Bà Sáu mà nhà có ghe ba lốc, có nhiều con đi Mỹ đó ngoại.
– Ờ … Con ăn cơm rồi đi ngủ…
– Ngoại ơi, mới năm giờ chiều mà ngủ gì ngoại. Ngoại mệt thì để con chơi với bé Chuột cho. Ngoại nghỉ đi.
– Ờ… Tao nghe nói mẹ mày đi buôn chuyến này nữa rồi nghỉ kiếm việc gì đó làm chứ không đi buôn đường xa nữa. Ngoại cũng già rồi, sống nay chết mai mà nó cứ đi xa miết…
Nghe ngoại nó vậy tôi buồn và thương ngoại quá. Chị Hương từ nhà trên đi xuống, nói:
– Ngoại nghỉ ngơi đi, để con tắm cho bé Chuột rồi cho nó ngủ sớm. Con còn việc phải làm nữa.
– Thằng gì về rồi hả con?
– Dạ về rồi. Con nói chuyện rõ ràng với ảnh rồi. Coi bộ ảnh đã hiểu.
– Ờ… Bây tính sao thì tính. Chuyện tình cảm người ngoài không giúp được gì.
Kể từ khi anh Hạc gặp chị Hương ở nhà chúng tôi cũng đã hơn mấy tháng rồi. Mỗi ngày tôi đều đi học ngang qua nhà anh Hạc, nhưng không thấy anh chờ đón đường để hỏi tôi về chị Hương nữa. Cho tới một hôm, anh Hạc đón đường tôi lại. Khi nhìn thấy anh, tôi hơi giật mình. Người anh ốm tong, râu tóc bù xù. Hai mắt sâu hóm như người mất ăn mất ngủ. Anh lấy trong túi ra một tờ tiền năm trăm đồng đưa cho tôi và nói:
– Tao cho mày năm trăm, mày có thể giúp tao một việc được không?
– Dạ, mà việc gì mới được.
– Việc này mày không được cho ai biết, nhất là Hương, nghe không?
– Dạ, nhưng…
– Việc này dễ ẹt. Mày làm được. Mấy tháng nay tao cố tìm cách quên Hương, nhưng tao không tài nào quên được. Không còn cách nào khác. Tao cho mày năm trăm, mày giúp tao lấy một thứ của Hương đưa cho tao là được năm trăm.
– Dạ không được đâu. Mẹ em dạy không được ăn cắp. Mà chị Hương biết được em lấy, méc mẹ đánh em chết.
– Chuyện này tao tính rồi. Tao không nói, mày không nói không ai biết đâu. Tao không kêu mày ăn cắp tiền đâu mà sợ.
– Vậy anh kêu em ăn cắp gì của chị Hương?
– Tại tao thương tao nhớ Hương mà Hương không thương tao, nên tao muốn có một vật để làm kỷ niệm từ Hương.
– Ồ tưởng chuyện gì, chuyện này anh hỏi chị Hương là được chứ gì. Chị ấy tuy nghiêm, chứ chị ấy cũng dễ thương và thương người lắm. Anh nói chỉ cho là được.
– Không… Mày không biết đâu. Cái này nói không được. Chỉ mình mày và tao biết thôi nghe không? Tao muốn mày ăn cắp cái quần lót dơ của Hương cho tao để tao làm kỷ niệm.
– Trời đất! Kỳ cục quá! Ai mà lấy quần lót dơ của người khác. Thôi em không làm đâu.
Thình lình anh Hạc ôm lấy vai tôi. Anh quỳ xuống và bắt đầu lạy tôi. Tôi hoảng hồn đẩy tay anh ra và bỏ chạy thật nhanh về nhà. Mấy ngày sau đó, mỗi lần đi học tôi đều chạy thật nhanh qua khỏi nhà anh Hạc để khỏi thấy anh. Tôi sợ gặp lại anh, sợ anh quỳ lạy xin tôi giúp anh làm chuyện kỳ cục đó.
Một buổi trưa, sau khi đi học về, trước sân nhà tôi có hai chiếc xe máy và hai người đàn ông ngồi trên yên xe. Tôi biết mẹ tôi đã đi buôn về và người ta đến để mua nông phẩm đem lên chợ bán lại. Tôi chạy ù vào nhà tìm mẹ. Quả thật, mẹ tôi đã về. Nhưng lần này tôi không thấy nhiều nông phẩm chất đầy trong phòng khách như những lần trước. Mà trong phòng khách có hai người lạ đang nói chuyện cùng mẹ và chị Hương. Bé Chuột đang ngồi trong lòng chị. Tôi thấy người lạ, nên lẻn ra nhà sau tìm ngoại. Gặp ngoại, tôi hỏi:
– Ngoại ơi, mẹ con về hồi nào vậy ngoại?
– Mẹ bây về lúc sáng, sau khi bây đi học chừng nửa tiếng đồng hồ.
– Còn ai ở phòng khách vậy ngoại?
– Cậu, mợ con Hương và những người tài xế xe ôm.
– Sao mấy năm nay con không nghe nói tới gia đình chị Hương? Mà sao nay có cậu mợ chị ấy tới nhà mình vậy ngoại?
– Nghe nói ba nó yếu và ông ấy đã tha thứ lỗi lầm của nó. Ðáng lẽ ra mẹ nó đi đón nó về, nhưng ở nhà lo chăm sóc cho ba nó nên mới nhờ cậu mợ nó đi đón.
– Vậy hả ngoại? Mà nhà của chị Hương ở đâu vậy ngoại?
– Ờ, ngoại nghe nói ở đâu tận Gia Lai, Kontum gì gì đó. Ờ mà lần này chắc mẹ bây ở nhà luôn không đi buôn đường xa nữa.
– Thiệt không ngoại?
– Ngoại cũng không biết nó tính sao, nhưng ngoại nghĩ là chắc vậy.
Những người khách lạ ở nhà chúng tôi đến xế chiều rồi từ biệt. Họ đi dẫn theo mẹ con chị Hương. Trước khi đi, chị Hương ôm tôi vào lòng rồi khóc. Lần đầu tiên tôi thấy chị khóc. Chị nói với tôi:
– Chị đi nha Tịnh. Chị luôn nhớ đến em. Mai mốt có dịp chị sẽ về thăm em. Hoặc em có thể nói mẹ dắt em đến nhà chị chơi.
– Mà chị đi đâu? Chị về lại nhà chị à?
– Ừa chị trở về nhà chị. Cậu mợ chị nói ba chị bệnh nặng lắm. Ông đã tha thứ cho chị và muốn thấy mặt bé Chuột. Chị phải về gấp. Thôi chị đi đây.
– Dạ…
– Cậu mợ đi nha con. Có dịp lên thăm chị Hương và ghé nhà cậu mợ chơi.
Nói xong, họ quay sang mẹ tôi và nói:
– Thay mặt gia đình anh chị tôi, chúng tôi cám ơn chị đã đùm bọc lo cho con Hương mấy năm nay. Chúng tôi đội ơn bác và chị lắm.
– Thôi, anh chị và cháu đi sớm để kịp đón xe.
Tiếng xe máy nổ phành phạch, phun khói mất hút chở theo hai mẹ con chị Hương ra đường quốc lộ. Từ đó cho đến nay, tôi chưa gặp mặt lại hai mẹ con chị Hương.
Chị đã xa gia đình tôi nhưng trong tôi vẫn mãi mãi còn nguyên bóng hình chị!