CẢI LƯƠNG LÀ GÌ?

tác giả Sưu Tầm
20 xem


Hồi nhỏ nhà nào cũng ráng sắm cái la dô (Radio) để nghe đờn ca tài tử trên sóng phát thanh đài SG. Nhà nào có điều kiện hay trúng lúa thì sắm cái Sony, Toshiba 2 băng để mua mấy cái băng nhạc bolero Chế Linh – Thanh Tuyền, hay mấy băng cải lương về nghe đi nghe lại mấy buổi trưa dỗ giấc ngủ.
Thấy thằng cháu mê cải lương cứ tua băng nghe đi nghe lại mấy tuồng “Nữa đời hương phấn, Đêm lạnh chùa hoang, Đường gươm Nguyên Bá, Đời Cô Lựu…” nên ông cậu út hỏi cắc cớ:
Ê mậy, bây hay nghe cải lương mà có biết ý nghĩa từ cải lương là gì không con?
Thằng nhỏ gảy đầu ra điều suy nghĩ một hồi: Dạ con không biết Út ơi!
Ông cậu út ngồi kiểu nước lụt trên bộ ngựa nhấp ngụm trà quạo rồi từ tốn giải thích cho thằng cháu khờ: ” cải” có nghĩa là cải lại, cải tiến, làm khác đi, “lương” là lương thiện, là tốt đẹp. Nghệ thuật “Cải lương” tức là thông qua các tuồng tích xưa và nay để giáo huấn hướng con người ta đến đời sống tốt đẹp lương thiện. Tức là khi con nghe hay coi cải lương mình thấy nhơn vật nào đó trượng nghĩa thì học theo, nhơn vật nào làm ác, sống ác thì mình phải thấy đó mà rút ra cho mình bài học cho mình, là phải ngộ ra sống khác đi, sống lương thiện hơn cho cuộc đời tốt đẹp hơn.
Thằng cháu là tui mắt tròn xoe thấm từng lời ông cậu út nên dạ 1 cái to ” Con hiểu rồi cậu”
Lại nói về cải lương thật ra tên đầy đủ lúc đầu của nó phải là ” Cải Lương tuồng cổ” nhưng người miền Nam thích ngắn gọn không vòng vo lâu ngày đọc gọn lại là Cải lương vì các tuồng diễn sau này có thêm có những vở về văn hóa xã hội như “Lá Sầu Riêng, Lan và Điệp, Nữa đời hương phấn, Ông cò quận 9…”. Tương truyền cải lương có chung ông tổ với nghề bán phấn buôn hương, đạo chích và ăn mài nên ông ăn mài có xin ai cũng không xin đào hát, hay ông ăn trộm thì không bao giờ ăn trộm đồ trong đình hay gánh hát vì có thờ chung ông tổ Đạo Chích – Bạch Mi….giờ thì ăn xin ăn trộm có dịp là làm ráo trọi không giữ lệ xưa hay nghĩ tình đông môn đồng tổ.

NHỚ XƯA
Xưa mỗi lần lội bộ từ nhà ở thị trấn xuống tới cái ruộng nhà mình ở giữa cánh đồng trăm mẫu…mình đi ngang cái nhà giàu họ mở băng AKai….tuồng nửa đời Hương Phấn với Thanh Sang – Phượng Liên mình nghe hoài riết thuộc:
” Dẫu biết rằng em có thành hôn với ai đi nữa, thì chị cũng dzìa với em…cho vui lòng ba với má…”
Mê cải lương nên hồi nhỏ nó toàn coi cọp, mới 6-7 tuổi đã theo mấy anh lớn băng đồng ra gánh hát. Mấy đêm trăng non lá lúa, lưỡi liềm, ánh trăng vàng vọt, lọt lỗ nẻ đất đồng chân đau điếng mà nó vẫn ham đi.
Mấy năm 86-90 cả xóm lao động toàn dân làm mướn, làm ra ngày nào thì xào luôn ngày đó, đong gạo mắm muối muốn đắm đuối lấy đâu mà cho mấy nhỏ vui chơi giải trí nên nó thường chui lổ chó khai ngấy mùi nước đái để vào gặp mấy thần tượng Lệ Thủy, Diệp Lang, Minh Cảnh, Minh Vương… Gánh hát về nông thôn thường chọn mấy cái sân vận động rào lại bằng mấy vách tôn có 1 số đoạn hở mà mấy thanh niên nông thôn thường xé tôn tạo thành lỗ để chui vào. Cách thông thường để vào bên xong xem hát là ngay cái cổng soát vé, nó để ý thấy mấy ý thanh niên đi một mình thì sẽ hỏi ” chú chú dắt con vô xem với” dạng 1 vé người lớn đi kèm trẻ em là con cháu của người đó . Có khi ghiền quá nó đợi xả giàn là tới hơn nữa tuồng rồi trưởng đoàn gánh hát bảo thôi…cho bà con nghèo vào giải trí…thì vô coi mấy đoạn hồ quảng xuống xề rồi về!
Gánh hát về
Hồi nhỏ ghe ghé đầu làng
Minh Vương, Minh Cảnh, Thanh Sang, Ngọc Giàu…
Loa bắt quảng cáo lao xao
Không tiền đổi lúa cũng dzào được luôn
Bà con tát nước bơi xuồng
Tối nay đoàn diễn cái tuồng cổ trang
Tên là “Đêm lạnh chùa hoang”
Kính mời cô bác xóm làng ra xem
NAY
Gánh hát về tới cái chung cư. Gánh hát nghèo chỉ lèo tèo vài diễn viên già không xuân sắc như mấy đoàn lớn ở Saigon nên dạt ra các quận vùng ven diễn miễn phí tùy lòng hảo tâm của bà con ủng hộ bi nhiêu bi sống qua ngày nuôi dưỡng niềm đam mê môn nghệ thuật cải lương và thỏa mãn đứng trên sân khấu mỗi đêm….Nhìn cái sân khấu mà nhớ tới cách đây 3 4 chục năm các đoàn lưu diễn “Sóng Giang, 284, Văn Chung-Tấn Lợi” thường diễn ở mấy sân vận động xã huyện phục vụ bà con vùng sâu vùng xa mà bao nhiêu kỷ niệm ùa về !

Những Bài Liên Quan

Copyright © 2023 dactrung.com; all rights reserved