Nó! Cái thằng!!!
Ừ cái thằng bạn tôi từ thời để chỏm. Thật ra đầu tiên nó là bạn của thằng anh họ tôi; tất cả chúng tôi đều ở cùng xóm, gần sát bên chợ Vườn Chuối. Tên nó là Thiện, vì da nó ngâm đen nên nó bị chết với cái tên Thiện Đen. Cái thằng thiệt lạ, trời sinh ra nó để mà phò tôi, khổ vì tôi. Cả nhóm tụi tôi gồm có: tôi, con ông đại úy; thằng Hoàng, con ông thiếu tá; con Mai, nhà ông Tư cảnh sát; con Lan, tiệm tạp hóa; thằng Đức, tiệm vàng; thằng Thành, tiệm may và nó thằng Thiện, tiệm giặt ủi. Sở dĩ tôi phải kể hết nguồn gốc từng đứa vì đó là cách để bà con chòm xóm nhận diện tụi tôi. Không hiểu tại sao tũ thằng anh tôi đến hết thảy tụi nó đều nghe theo lời tôi và nhất là thằng Thiện đen, chắc có lẽ tại tôi nhỏ con hơn tụi nó, lùn nhất, ốm nhất.
Hồi đó cả lũ tụi tôi học trường tiểu học Bàn Cờ, cứ mỗi lần xếp hàng đi uống sữa bột viện trợ là có màn rình đem đổ. Tôi ra lệnh cho thằng Thiện làm sao phải thanh toán ly của nó trước sau đổi lấy ly không của nó cho tôi, có nhiều lần nó không đổ được đành phải bịt mũi nhắm mắt uống một hơi trước mặt cô giáo, nhờ vậy mà sau này khi nhổ giò nó cao hơn tôi cả hai cái đầu.
Con gái tụi tôi thích chơi nhảy dây, lũ con trai cũng nhảy hay khỏi biết, đánh chuyền tụi nó chuyền tới năm thoải mái, cò cò gì tụi nó cũng theo láng, cò xủn, cò đôi, cò ba… ngược lại tôi, con Mai, con Lan cũng chẳng vừa, hễ tụi con trai chơi cái gì tụi tôi theo nấy u mọi cũng chơi, đánh khăng đánh đáo không ngán, tạt lon, tạt nắp phén, tạt bao thuốc không gì trở ngại; chỉ khi bị thua phải cõng mấy thằng ôn đó là tôi ngán, tôi nghe người lớn nói con trai xương nặng hơn con gái. Thằng Thiện khi nào cũng xí tôi cõng nó, nó rất quân tử Tàu, lúc nào cũng thò hai chân chạm đất để tôi đỡ bị sức nặng của nó thế mà không biết ơn thì chớ tôi lại đâm ra bực bội khi tới đích là quăng nó cái bịch. Chuyện phá phách của tụi tôi mà kể ra thì dài hơn Tam Quốc Chí, chỉ biết tôi nghịch đến nỗi bà ngoại tôi phán: “Con Mi này bị bà mụ nắn lộn, nó phải là con trai mới đúng”; còn bà nội tôi cũng chẳng ngọt ngào gì hơn mỗi khi tới nhà: “cái con nặc nô đâu rồi?”
Điều tôi muốn nhắc về nó, thằng Thiện đen là từ hồi tụi tôi bắt đầu lên trung học. Cả đám phá phách xóm tôi được cái là học giỏi hết biết, hè năm nào cũng theo nhau đi học thêm lại được thầy tới kèm tận nhà nên thi nhau vác phần thưởng cuối năm về làm le. Kỳ học kèm thi vào đệ thất trường công lập, không biết tại sao con Lan và con Mai làm biếng không học, chỉ còn mình tôi và lũ con trai, thầy Tá chiều tôi ra mặt nên tôi tha hồ lân lướ! Lần đó học ở nhà thằng Đức tiệm vàng và cũng là lần sau cùng tụi tôi còn khắng khít keo sơn không tính gái trai. Học đâu chừng hơn một tháng, một hôm giờ nghỉ giải lao tôi vừa đứng lên thằng khỉ Thành hét tướng: “Máu, con Mi bị dính máu!” Tôi không biết ất giáp gì cả hết hồn hỏi: “Ðâu mẩy?” Thằng Thiện có chị lớn nên nó khôn hơn kéo cả lũ con trai chuồn xuống bếp, má thằng Đức nói cho tôi biết là tôi có kinh. Trời ạ! xấu hổ quá tôi oà khóc hu hu, chuyện lạ trên thế giói, tôi nữ chúa xóm Bàn Cờ mà khóc. Qua làn nước mắt tôi thấy lũ con trai dòm lén tôi qua cửa sổ, rồi Mẹ tôi sang đón tôi về. Từ dạo đó tôi không chơi với tụi nó nữa, dĩ nhiên không đi học kèm ở nhà thằng Đức luôn. Thằng Hoàng nói với tôi: “Mày không đi học lớp buồn hiu hà!”
Con trai ngu thiệt! Nó không biết tôi không còn là con Mi nữ chúa nữa từ ngày tôi khám phá ra giữa tôi và tụi nó hoàn toàn khác xa không chút gì dính líu. Con Mai với con Lan bấy giờ mới bật mí là tụi nó có kinh trước tôi; thì ra đó là lý do tụi nó không thèm học chung mùa Hè năm đó. Tôi bị rớt kỳ thi tuyển vào Gia Long, không phải vì dốt mà vì bệnh lớn, tôi đứng lên không được đầu nhức như búa bổ ba tôi phải cõng đi ngủ, mẹ tôi phải đút cho ăn. Cứ mỗi sáng thức dậy là người tôi như đổi khác, bác sĩ nói cơ thể tôi phát triển nhanh qúa. Mà tôi lớn nhanh thật, sau hai tuần bệnh hoạn bao nhiêu quần áo cũ không sao tôi xỏ vào. Thời gian đó Nó ngày nào cũng sang vấn an tôi, mẹ tôi nhờ nó đi mua phở cho tôi, tôi hành Nó đọc truyện tuổi hoa cho tôi nghe Chiếc mai cua đốm của bà Minh Quân, thôi thì đủ thứ để hành Nó! Rồi tôi cũng hết bệnh chuẩn bị đi học đệ thất trường Nguyễn Bá Tòng. Nó, thằng Hoàng cũng đòi theo tôi dù tụi nó đã đậu vào trường Chu Văn An; tụi nó viện cớ trường xa không ai đưa đón. Ba mẹ Nó và bác tôi la trời vì một bên là trường công còn một bên là trường tư của nhà thờ phải đóng học phí. Tụi nó ỉ ôi năn nỉ vả lại trường tư khai giảng sớm hơn ba tháng nên để tụi nó khỏi phá làng phá xóm bác tôi và ba má Nó siêu lòng cho hai đứa no ùphò tôi đi học tiếp. Trời xui đất khiến năm đó bộ giáo dục mở thêm một trường trung học mới bao gồm cả trai lẫn gái nhưng riêng lớp, (trước đó trung học công lập không cho trai gái học chung) Tụi tôi ba đứa dư sức đủ điều kiện vào trường vì đứng đầu lớp Nhất tiểu học, thế là tôi được mặc áo dài đi học. Trường có tên Tân-Định nằm trên đường Huỳnh Tịnh Của quận Ba gần chợ Tân Định, tôi nghe bác tôi nói với mẹ tôi: “Ðấy cô xem thằng Hoàng nó bảo trường CVA xa không thèm học bây giờ lại đi học mãi tận đẩu tận đâu?” Mẹ tôi trả lời: “tại tụi nó theo bè theo lũ với nhau”. Tụi tôi rất sướng đi học có chú Ngọc là tài xế của ba tôi đón đưa mỗi ngày bằng xe jeep nhiều hôm đi công tác ba tôi phải đi sớm thế nào tụi tôi cũng được đi ăn phở gà Hiền Vương. Lúc về trên xe có khi chật nêm chín đứa, những đứa nào nhà gần khu Vườn Chuối là được cho đi ké hết. Tôi chễm chệ ngồi đằng trước gàn chú Ngọc, lúc ấy tôi đã biết điệu, nhưng tính du côn vẫn còn. Học chung với con trai tụi nó gán ghép tên tôi với tên một đứa khác, tôi méc Nó và nói cho Nó hay tôi đã hẹn đánh cho mấy thằng hỗn hào đó một trận. Nói là làm, ngày hôm sau tôi mang cây thước sắt của ba tôi vào tận lớp có thằng vô phúc bị gán tên chung với tôi mà hạch tội. Thằng nhỏ mặt mũi xanh lè lắp bắp: “Tao đâu có biết gì đâu?” Thầy cô biết chuyện gọi tôi hỏi sự tình tôi cứ thế mà kể. Lớp tụi nó bị phạt vì tội dám chọc con gái, nhưng từ khi ấy tôi có một lũ kẻ thù, Nó và thằng anh họ tôi trở thành người đứng mũi chịu sào che chở cho tôi sau giờ tan học còn phải ở lại trường chờ chú Ngọc đến đón. Thằng anh tôi luôn ta thán: “Tại mày dữ mà thành chuyện” Nó binh tôi: “Mi làm đúng có gì sai đâu?”. Đến khi xe quân đội không còn được dùng vào việc nhà nữa chúng tôi được đi xe đạp. Nó luôn đạp xe bên tay trái của tôi, anh tôi thì theo đàng sau. Có lần tôi bị lũ con trai kèm sát hai bên trái phải, rình cho tụi nó đạp song song với tôi, tôi bỏ hai chân ra khỏi bàn đạp, đạp mạnh sang hai bên, tụi nó té rạp tôi cười khoái trá; và đó là nguyên nhân cho ngày bãi trường trên chiếc xe đạp mini của tôi có khoảng hai mươi cái khoá – bánh trước, bánh sau lủng lẳng đủ mọi loại từ khoá số đến loại có chìa. Bạn bè của tôi về gần hết mà tôi vẫn loay hoay trong nhà để xe, lại bù lu bù loa khóc Nó là người đi tìm tôi trong khi thằng anh tôi tỉnh bơ đớp bò bía. Biết cớ sự Nó tìm thầy giám thị, thầy đi một vòng bắt hét những tên còn lởn vởn gần trường vào văn phòng xét cặp. Không biết cơ man nào là chìa khoá lại còn mã số nữa chứ, lúc ấy tôi hiểu lũ con trai trường Tân Định ghét tôi tới mức độ nào ngoại trừ Nó.
Đến năm lên lớp tám Nó năn nỉ tôi đừng chuyển trường nhưng lần này tôi bắt buộc phải đi vì ba má tôi dự định dọn về nhà mới ở đường Hùng Vương gần trường Sương Nguyệt Anh-ngôi trường con gái tổng hợp đầu tiên được mở ngay trung tâm Sài Gòn. Lần đầu tiên đến thăm trường tôi đã hài lòng ngay, vả lại tôi gây thù chuốc oán với lũ con trai qúa nhiều cũng chán không muốn nhức đầu vi` tụi nó nữa còn Nó thì buồn rũ rượi. Sau đó cả hai năm trời Nó không bao giờ quên báo Tuổi Ngọc cho tôi mỗi tuần, Nó vẫn đến nhà tôi chơi và tôi vẫn mày tao mi tớ với Nó không gì khác lạ. Rồi một lần Nó mua cho tôi quyển “Hình như là tình yêu” của nhà văn Hoàng Anh Tuấn tôi quạt cho Nó một trận, cấm cửa không cho tới nhà thế mà khi đi trình diễn văn nghệ ở đâu cũng thấy lởn vởn bóng Nó.
Năm 1975 tất cả mọi sự thay đổi, tôi hoà với Nó khi Nó đến nhà tôi ngay sau khi tiếng súng im bặt. Rồi tôi cho phép Nó đến treo đèn kết hoa ngày tôi bỏ cuộc chơi đi lấy chồng, nói chung Nó làm tất tần tật những gì tôi nhờ vả Nó. Tôi thấy đó là chuyện bình thường nhưng anh tôi phán: “Mày tàn nhẫn thiệt đó Mi ơi, Thiện nó thương mày đứt ruột!” Tôi diễu: “Mày không phải Nó sao mày biết?” – Anh tôi trả lời: “Thì Nó tâm sự với tao. Nó yêu mày lâu rồi!” Tôi giả tảng hát: “Ai biểu ngày xưa yêu em mà không thèm nói…” (bài này cô Mai Lệ Huyền hay hát)
Gia đình tôi hạnh phúc nên chẳng khi nào tôi nhớ tới Nó, rồi con cái đủ mọi thứ lo toan chiếm hết đầu óc có khi nào tôi nhớ đến thời thơ ấu đâu? Một lần đi lại chợ Vườn Chuối gặp lại Nó, mắt Nó sáng rỡ khi thấy tôi, tôi cũng mừng vì lâu ngày không gặp mày tao ỏm tỏi. Nó nhắc: “Mi y chang ngày xưa không chiụ lớn” tôi biết Nó bị đi nghĩa vụ trốn về để tìm đường vượt biên. Tôi chúc nó may mán; Nó cay đắng đời Nó cái gì cũng mất! tôi bảo Nó thí dụ, Nó nhìn tôi cười buồn, tôi đánh trống lãng nạt ngang: “Ê đừng nói mày mất tao nghen” Nó trả lời: “Chứ tao không mất mày là gì?” Tôi không gặp Nó từ đó.
Vừa rồi gặp lại anh họ tôi, tôi biết Nó có vợ rồi, vợ Nó là em út của con Mai. Nó có một đứa con gái tên Hoài Mi, vừa nghe thế tôi hét toáng Nó gian ác đặt tên tôi cho con Nó để dễ bề chưởi rủa. Anh tôi nói: “Sao Mi không nghĩ Nó muốn vậy để gọi Mi ơi Mi hỡi cho dễ ngay cả nói Mi ơi Thiện yêu Mi?” Tôi cắc cớ: “Muốn nói ai có cấm” Anh tôi trả lời: “Dữ như chằng nó muốn nói Mi đâu có cho!”
Con gái tôi đã gần hai mươi hai tuổi mà con Nó mới lên ba, trời ạ cái thằng ngu thấy sợ, cầu cho Nó hạnh phúc. Tôi tin Nó sẽ hạnh phúc vì Nó rất tốt với tôi không lẽ trời hành Nó. Tôi nghĩ mai mốt thế nào tôi cũng sẽ về thăm Nó, thăm lại khu xóm ngày xưa và nói lời xin lỗi (dù tôi không có chút lỗi nào cả). Tôi và Nó chỉ là một thời thơ ấu của nhau; Nó luôn ở đâu đó trong trí não không thể nào tôi quên, nhưng tôi phải lớn phải sống theo con tim của tôi mà trong tim tôi thì không bao giờ có hình bóng Nó.
Thiện à, mày cứ việc lôi tên tao ra mà rủa xả, cứ việc nhiếc móc tao đã vào vì tao đáng để mày trách cứ như thế, tao hành mày nhiều qúa phải không? Mày từng bị đòn vì tao, bị chó cắn vì tao, bị phạt vạ vì tao mà tao chỉ trả lại cho mày những lời xỉ vả: “Ai biểu ngu chi ráng chịu?” Tao xin mày nghe Thiện đừng thì thầm Thiện yêu Mi như anh tao nói, hãy nói Ba yêu Mi và sống hết mình cho đời mày Thiện nhé. Đời tao đã có người khác lo giùm mày rồi; họ lo rất chu đáo và tao rất hạnh phúc. Mày muốn tao được như thế mà phải không?